Ở tầm giá high-end, thị trường chuột gaming không dây là cuộc chơi của Razer và Logitech. Họ có DeathAdder V3 Pro hay G Pro X Superlight cho dân chuyên nghiệp, hay Basilisk V3 Pro hay G502 X Plus cho số đông, phục vụ mọi nhu cầu chơi game. Nhưng ở tầm giá thấp hơn, từ 2 đến 2.5 triệu Đồng, cuộc chơi sôi động hơn nhiều, khi những cái tên mới cố gắng đem những yếu tố cao cấp vào sản phẩm của họ.
Tầm giá ấy là nơi chúng ta đang có rất nhiều cái tên mới lạ, nhưng đã kịp tạo ra hiệu ứng trong cộng đồng: Lamzu Atlantis, Pulsar X2, Ninjutso Sora, Glorious Model O Wireless… Một cái tên ở trong cùng phân khúc ấy là Endgame Gear XM2we.
Tầm giá ấy là nơi chúng ta đang có rất nhiều cái tên mới lạ, nhưng đã kịp tạo ra hiệu ứng trong cộng đồng: Lamzu Atlantis, Pulsar X2, Ninjutso Sora, Glorious Model O Wireless… Một cái tên ở trong cùng phân khúc ấy là Endgame Gear XM2we.

we là viết tắt của wireless essential. Ở mức giá 2.2 triệu Đồng, nó là bản rút gọn vài tính năng của XM2w. Vấn đề là Endgame Gear đến giờ vẫn chưa thấy XM2w bán ra thị trường, còn bản we thì đã bán được một thời gian. Cụ thể hơn, XM2we dùng cảm biến Pixart PAW3370, thay vì 3395 mới hơn. Vì thế, tốc độ tối đa của cảm biến sẽ dừng ở mức 19.000 CPI, dù rằng cùng lắm anh em chỉnh lên 3.200 CPI là quá đủ nhanh để sử dụng rồi.
Và để tối ưu chi phí, XM2we dùng 2 switch quang học GO Optical của Kailh, tuổi thọ 50 triệu lần nhấn cho hai nút chính. Nút cuộn và hai nút phụ dùng switch Kailh GM 2.0, tuổi thọ 20 triệu lần nhấn. Chuột được trang bị cục pin 410 mAh, nhà sản xuất nói là đủ dùng cả tuần. Mình thử nghiệm thì đâu đó 4 ngày là phải sạc rồi, nhưng đấy là mình dùng máy tính 12 tiếng mỗi ngày, cả làm việc lẫn giải trí.

Bù lại, ở cái giá 2.2 triệu Đồng, anh em vẫn có trong tay một chú chuột rất nhẹ, 63 gram. So với những con số của các hãng khác đạt được, 63 gram vẫn to. Nhưng bản chất của XM2we không phải giải pháp chạy đua thông số, mà là một sản phẩm cân bằng mọi khía cạnh của một chú chuột gaming wireless, với cái giá hữu nghị nhất có thể.
Với phần mềm driver tải từ trang chủ của Endgame Gear, chúng ta sẽ thấy những tính năng rất cơ bản của một chú chuột gaming: Điều chỉnh tối đa 4 nấc CPI, rồi thay đổi chúng bằng nút bấm dưới đáy chuột. Có một cái đèn LED ở cạnh phải, vừa đổi màu để hiển thị mức DPI tương ứng, vừa là đèn báo hiệu khi sạc pin.

Thực tế thì Endgame Gear chỉnh sẵn chú chuột để anh em mua về cắm vào máy tính dùng được luôn, chẳng cần driver. Bốn ngưỡng tốc độ cảm biến mặc định, 400, 800, 1600 và 3200 CPI là những con số hầu hết mọi người đều dùng. Nếu có cần tải phần mềm về thì có lẽ cũng chỉ để chỉnh lift off distance từ 2 về 1mm nếu anh em có nhu cầu.
Rồi khi bắt đầu cầm chú chuột XM2we trong tay, anh em sẽ thấy ngay một vấn đề, đấy là nút cuộn bấm xuống nặng quá, tương đối cứng. Cái này sử dụng hàng ngày, đặc biệt là vài tác vụ văn phòng sẽ thấy hơi mệt tay, nhất là với anh em sử dụng trình duyệt, dùng nút cuộn để đóng mở tab mới nhiều.
Quảng cáo

Và nếu đem so sánh trực tiếp với những sản phẩm đang có trên thị trường, ở cùng tầm giá, hai nút chuột chính cũng có độ nảy kém hơn, nhưng anh em đừng lo, nút bấm chỉ mềm hơn một chút xíu thôi. Không phải ai cũng nhận ra, hoặc không phải ai cũng quan tâm đến chuyện đó, ngoại trừ mấy anh em chơi game bắn súng esports, thời điểm click chuột là đạn phải bắn ra khỏi nòng ngay, không được có độ trễ.
Không phải ai cũng sẽ coi đó là nhược điểm của chú chuột. Và nếu tạm bỏ qua hai vấn đề kể trên, anh em sẽ để ý đến điểm cộng lớn nhất của XM2we, đó là thiết kế. Đường nét của chuột nhìn rất tinh tế, không bị quá hung hăng góc cạnh như nhiều chuột gaming khác. Và quan trọng nhất, chất lượng hoàn thiện của XM2we là thứ đáng khen ngợi nhất. Lớp vỏ trắng không bị ám xanh, không tạo cảm giác rẻ tiền. Mọi đường nét, từ kẽ hở của hai nút chuột, đến đường ghép hai mảnh thân chuột lại với nhau nhìn rất đều, không có chi tiết thừa hay không khớp với nhau.
Nói ngắn gọn, với những đường cong uyển chuyển, không có đèn RGB, cùng lúc XM2we vừa tạo ra trải nghiệm game đáng khen, lại vừa hợp với những anh em thích setup bàn máy tính theo phong cách tối giản, nhìn rất đẹp.

Còn về khía cạnh công thái học, bản chất thiết kế của XM2we là thứ tạo ra những ý kiến trái chiều. Nếu xét tới vị trí nút cuộn, rõ ràng cầm palm grip sẽ ổn hơn. Nhưng nếu xét tổng thể thiết kế, bỏ qua vị trí nút cuộn. bắn CS:GO theo kiểu claw grip bằng chú chuột này rất đã, phải thừa nhận điều đó.
Quảng cáo
Và khi kéo XM2we trên lót chuột, hai miếng feet rất bự làm bằng teflon, cùng một miếng feet tròn nhỏ xung quanh vị trí cảm biến tạo ra cảm giác rất đã tay. Ngay cả khi di trên pad vải, chiếc pad mình đã dùng được hai năm, không còn sạch sẽ mới mẻ gì nữa, cảm giác ngắm bắn vẫn rất đã tay. Thậm chí vài anh em sẽ có thể thấy chú chuột này hơi trơn quá, phải làm quen lại từ đầu.

Một điểm cộng khác hiếm người để ý nhưng lại rất hữu ích, là chân USB-C trên cáp sạc tạo ra góc nghiêng, nâng một phần cáp lên khỏi bề mặt pad. So với những cọng cáp thẳng, lúc anh em chơi game, đẩy chuột theo trục dọc để ngắm bắn, cáp sẽ không bị vướng. Nếu phải vừa chơi vừa sạc, thì cọng cáp bọc dù đi kèm chú chuột tạo ra điểm cộng rõ ràng.
Sử dụng XM2we hàng ngày tạo ra cho mình những cảm giác tương đối trái chiều. Cầm nó rất vừa tay, ngắm đầu địch thì không có gì để chê, ngoại trừ việc cảm biến có tình trạng lệch CPI. Bình thường dùng những chú chuột đang quen tay như DA v3 Pro và G Pro X Superlight, mình thường để CPI 800, sens in-game 1.2. Nhưng chơi game với XM2we thì phải chỉnh sens in-game xuống 1 vì cảm giác vẩy chuột nhanh hơn so với thói quen.

Cùng lúc, dù thiết kế để cầm chuột dáng claw grip rất ổn, thì nút cuộn lại khiến trải nghiệm game đôi lúc bị gián đoạn vì ngón giữa phải mò mẫm tìm kiếm, đơn giản chỉ để nhảy lên một cái thùng trong những trận đấu CS:GO.
Tranh cãi, nhất là ở tầm giá 2 đến 2.5 triệu Đồng của cộng đồng, xem chú chuột gaming wireless nào đáng tiền nhất chắc chắn sẽ còn tiếp diễn vì một lẽ đơn giản, mỗi người một kích thước bàn tay, mỗi người cầm chuột một kiểu, và nhu cầu try hard mỗi người một khác. Cũng sẽ có người thích chú chuột sở hữu cảm biến PAW3395, có tính năng Motion Sync, thay vì cảm biến cũ PAW3370. Vấn đề ở đây là, không phải ai cũng có nhu cầu, và nhận diện được đầy đủ mọi lợi thế của PAW3395 với Motion Sync, so với PAW3370, vốn vẫn là một cảm biến quang học không tồi cho nhu cầu gaming của đại đa số người dùng.

Cũng sẽ có người thích cảm giác hai nút chuột chính phải bấm nảy hơn, hành trình ngắn hơn, và nút mềm hơn, đặc biệt là về cuối hai nút, chứ không cứng như XM2we.
XM2we của Endgame Gear không phải chú chuột hoàn hảo. Nhưng, cùng tầm giá cạnh tranh, hiện giờ tuyệt đối không có sản phẩm nào khác được coi là hoàn hảo hết. Mỗi người sẽ thấy một sản phẩm phù hợp hơn với bản thân, so với những lựa chọn khác, đơn giản vậy thôi.

Liệu chú chuột này có đúng chuẩn như cái tên của hãng sản xuất, đó là “endgame”, mua chú chuột này thì không cần phải nâng cấp về sau nữa hay không? Điều này mỗi người sẽ có một kết luận. Có những nhu cầu XM2we phục vụ hoàn hảo. Nhưng luôn có những người dùng khó tính hơn, cần nhiều hơn ở một chú chuột gaming, đặc biệt là những anh em chơi game thể thao điện tử, đặt nặng tính đối kháng. Với mình, chưa chắc đã có thể “endgame” với XM2we.
Chỉ có một điều là chắc chắn. Với những cân bằng từ nhà sản xuất ở gần như mọi khía cạnh của chú chuột, từ cảm biến, thiết kế, chất lượng hoàn thiện và cả mức giá, thì với 2.190.000 VNĐ, Endgame Gear XM2we hiện tại đang là một trong những lựa chọn chuột gaming không dây đáng sở hữu nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.