Erik Satie - chân dung lang bạt và các nhạc phẩm Piano lưu truyền hậu thế

AudioPsycho
15/7/2017 9:1Phản hồi: 0
monospace-erik-satie-1.jpg
Eric Alfred Leslie Satie (hay gọi ngắn theo chữ ký của ông là Erik Satie) là nhạc sỹ và nghệ sỹ piano đa tài người Pháp với nhiều tác phẩm nổi tiếng trong giai đoạn 1890 – 1921. Ông sinh năm 1866 và mất năm 1925, được biết đến với nhiều tên gọi như “The Gymnopedist”, “The Phonometrician” hay “The Music Technician”. Ông được vang danh như một nhà hoạt động nghệ thuật với suy nghĩ cấp tiến, là cảm hứng cho các biểu tượng văn hóa từ Dadaist 391 đến Vanity Fair. Ngoài tên thật Erik Satie ông thường ký danh dưới các tác phẩm của mình, ông còn hay ngẫu hứng đề các nghệ danh khác như Virginie Lebeau hay François de Paule


Năm 1879 Erik Satie quyết định theo học trường Paris Conservatoire tuy nhiên không nhận được sự chú ý từ các giáo sư. Erik Satie bị xem thường và các giáo viên trong trường cho rằng ông chẳng có chút tài năng nào. Thêm vào đó tính khí hơi kỳ lạ của Erik Satie càng làm cho bạn bè xa lánh ông hơn. Vài năm sau, thầy Mathias khi đã cố gắng hết sức hướng nghiệp cho Erik Satie cuối cùng cũng tìm ra được tài năng giấu kín của ông: nó không tập trung vào khả năng chơi piano mà thay vào đó là tài sáng tác. Tuy vậy Erik Satie đã không có cơ hội sửa sai sau khi trở lại trường sau thời gian nghỉ học 2 năm rưỡi vì các giáo viên vẫn còn thành kiến với chàng sinh viên “khó bảo” này. Quá chán ngán, ông chính thức nghỉ học và đi lính. Thời gian phục vụ quân sự của Erik cũng rất ngắn do bị bệnh viêm phế quản và ông được giải ngũ sau đó không lâu.

Vận mệnh mỉm cười với Erik Satie khi ông chuyển đến Montmartre vào năm 1887. Tại đây ông có những người bạn mới là nhà thơ lãng mạn Patrice Contamine và tác gia Claude Debussy. Với lời giới thiệu từ bạn bè, Erik Satie trở thành nhạc sư chính thức của tổ chức Rosicrucian, dưới quyền Sar Josephine Peladan. Ông ra mắt những tác phẩm nổi tiếng ngay sau đó như Salut drapeau!, Le Fils des étoiles hay Sonneries de la Rose+Croix. Tiếp tục sau đó từ 1892 – 1894 Erik Satie bắt đầu sáng tác một cách ngẫu hứng tuy nhiên thay vì cố gắng quảng bá tác phẩm của mình ông lại cho rằng đây là hình thức “buôn bán nghệ thuật rất đáng khinh”. Năm 1895 một khoản tiền thừa kế được trao đến tay Erik Satie và ông lại tiếp tục vung vãi vào lối sống bất cần của mình, tự đặt danh xưng “The Velvet Gentleman”. Năm 1896 Erik trắng tay và chuyển về khu hộ nhỏ tại Arcueil để kiếm sống bằng nghề chơi piano.

Ông làm việc chăm chỉ từ 1899 – 1905 với khoảng 200 tác phẩm sáng tác mới tuy nhiên vẫn không đạt được tiếng vang như mong đợi. Ông quyết định nhập học Schola Cantorum de Paris nhưng vẫn tiếp tục công việc chơi piano để có tiền trang trải. Erik Satie đạt được một số thành công từ năm 1912 – 1919 tuy nhiên thành quả này đến khá muộn trong cuộc đời đầy sóng gió của ông. Năm 1925 Erik Satie mất vì nghiện rượu, bỏ lại chuỗi thành công còn dang dở mà ông có thể đạt được sớm hơn nếu biết trân trọng tuổi trẻ của mình.

monospace-erik-satie-2.jpg

Erik satie để lại khá nhiều tác phẩm nổi tiếng được giới phê bình đánh giá cao, nổi bật là chuỗi 10 tác phẩm được xem như “phải biết và phải nghe” dành cho người đam mê và nghiên cứu về âm nhạc của Erik Satie. Sau đây là đôi nét về các tác phẩm để đời này của ông.

1. Trois Gymnopédies (1888)



Đây là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Erik Satie với các note nhạc được xem như là kiểu mẫu cho giới nghệ sỹ piano. Bài nhạc có tiết tấu chậm không phải vì để truyền tải thứ gì quá xa vời, thay vào đó đơn giản chỉ là “thứ mà Erik Satie muốn”.

2. 'Je Te Veux' (1903)

Tác phẩm này được ra đời khi Erik Satie thôi học ở trường nhạc và bắt đầu chơi piano để kiếm sống. ‘Je te veux’ được viết cho Paulette Darty, nữ ca sỹ hát chính trong quán cafe ông làm việc khi đó.

3. Parade (1917)

Quảng cáo




Parade được viết cho một vở ballet của Guillaume Apollinaire và được biết đến rộng khắp nhờ những scandal mà vở ballet này tạo ra. Ngoài những tranh cãi về vở ballet, phần phục trang được thiết kế bởi Pablo Picasso cũng bị lôi vào, và dĩ nhiên có cả phần nhạc nền do Erik Satie đảm trách.

4. Trois Morceaux En Forme De Poire (1903)



Đây là tác phẩm cực kỳ khó chơi, được viết cho 4 tay (2 nghệ sỹ cùng chơi) với các nốt đan chéo nhau một cách kỳ lạ. Claude Debussy nhận xét “Trois Morceaux En Forme De Poire không có một hình ảnh nhất định mà có thể biến chuyển đa dạng cho từng người nghe vớicảm nhận khác nhau”.

5. Choses Vues À Droite Et À Gauche (Sans Lunettes) (1914)

Quảng cáo


Bản 3-Movement dành cho violin và piano này được xem như là một tác phẩm đặc sắc nhất từng có của Erik Satie. Tác phẩm kết hợp được phong cách của cả Tombeau de Couperin (Ravel), Pulcinella Suite (Stravinsky) và Suite Bergamasque (Debussy).

6. Embryons Desséchés (1913)



Embryons Desséchés được sáng tác theo phong cách neo-classical với sự thận trọng của một Erik Satie đã nếm trải việc đời. Tác phẩm nhận được sự yêu thích và đánh giá tích cực từ thính giả dù chỉ dựa trên một phong cách sáng tác đã có từ lâu. Tác phẩm cũng có 3 Movement gồm d'Holothurie, d'Edriophthalma và d’Podophthalma.

7. Trois Gnossiennes (1893)

Trois Gnossiennes tạo lập ra một phong cách sáng tác mới cho các tác phẩm piano solo. Nó thừa hưởng được những điểm hay của Gymnopédies và Sarabandes đồng thời nhấn mạnh được sự cấp tiến của nền văn hóa – âm nhạc Pháp đầu thế kỷ 20. Tác phẩm đủ sức sánh ngang với tầm cỡ của Debussy hay Ravel.

8. Danses Gothiques (1893)

Danses Gothiques ra đời từ cuộc tình của Erik Satie và nữ nghệ sỹ Suzanne Valadon. Suzanne Valadon chuyển đến ở sát nhà ông và cũng có một số qua lại, tuy nhiên khi Erik Satie cầu hôn thì bà từ chối. Danses Gothiques xuất hiện trên giấy nhạc cũng vì lẽ đó.

9. La Diva de l'Empire



Đây cũng là một tác phẩm được sáng tác khi Erik Satie làm việc ở quán cafe với vị trí nghệ sỹ piano. Bản nhạc viết về các tệ nạn thời đó như mại dâm hay cờ bạc cũng như các vấn đề phân biệt chủng tộc. La Diva de l'Empire bị cấm trong một thời gian và sau đó mới được chính thức công nhận khi tư tưởng xã hội thoáng hơn.

10. Ogives (1886)

Tác phẩm mang hơi hướng mặc niệm và được ra mắt lúc Erik Satie chỉ mới 20 tuổi, đủ thấy tài năng sáng tác của ông phát triển từ rất sớm. Debussy có sử dụng một số hợp âm trong Ogives và tạo nên dòng nhạc neo-medieval, nổi tiếng trong tác phẩm sau này của ông là Pelléas et Mélisande.

Nguồn cbcmusic
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019