Sáng 26/5, buổi hội thảo “ Người Việt làm game Việt” do VTC Academy tổ chức, diễn ra tại Đại học Mở TpHCM (97 Võ Văn Tần, P.9, Q.3, Tp.HCM), đại diện doanh nghiệp đi đầu về sản xuất game ở Việt Nam – VTC Online đã có những nhìn nhận, chia sẻ sâu sắc về nhiều khía cạnh liên quan đến ngành công nghiệp game Việt trước gần 200 bạn trẻ.
Hình: Chương trình “Người Việt làm game Việt”của VTC Academy thu hút gần 200 bạn trẻ tham dự
Phát triển mạnh… nhưng khập khiễng.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây số lượng người chơi game tăng từ 1 triệu (2004) người lên trên 12 triệu người (2010). Sau hơn 2 thập kỷ du nhập của trò chơi điện tử, Việt Nam trở thành thị trường game lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với gần 20 nhà phát hành game trên cả nước và là 1 trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tại chương trình, anh Nguyễn Việt Hùng (PGĐ VTC Online chi nhánh HCM) đã khiến nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng về những con số : “ Nhờ sự đóng góp của game online, trong 4 năm qua ở Việt Nam, Internet đã tăng trưởng hơn 300%, đưa Việt Nam vào Top 20 nước có dân số sử dụng Internet cao nhất thế giới. Trong doanh thu mà nội dung số đạt được (chạm mốc 1 tỷ USD) thì game online chiếm tới 70%, đóng thuế cao cho nhà nước khoàng 20 triệu USD”.
Hình: Anh Nguyễn Việt Hùng -PGĐ VTC Online chi nhánh HCM (bìa phải) tại chương trình “Người Việt làm game Việt”
Có thể nói, bất chấp tình hình u ám của nền kinh tế toàn cầu, người dùng vẫn ngày một tăng cao về nhu cầu các trò chơi điện tử.
Hình: Việt Nam là 1 trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới ( Báo cáo DFC-Niko Emerging Markets-2011).
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đó chính là doanh thu ngành công nghiệp game tại Việt Nam phần lớn dựa vào việc phát hành các game nhập từ nước ngoài, mà không phải từ những game tự sản xuất. Do đó, Việt nam cho đến nay vẫn chỉ được coi là một thị trường tiêu thụ game, chứ chưa phải một ngành công nghiệp game phát triển đồng bộ. Trong khi đó, bên cạnh chúng ta, hai quốc gia: Hàn Quốc và Trung Quốc lại được xác định là hai nước rất mạnh về công nghiệp game online: không những đem lại doanh thu lớn (từ 2-5 tỷ USD), mà thị phần game online nội địa từng bước được nâng cao ( Trung Quốc chiếm 65%). Chính vì vậy, để xây dựng một nền công nghiệp game đúng nghĩa, tăng thị phần game nội địa, Việt Nam cần những học hỏi quý giá từ hai đất nước này từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến quan điểm nhìn nhận.
Hình: Việt nam cho đến nay vẫn chỉ được coi là một thị trường tiêu thụ game, chứ chưa phải một ngành công nghiệp game phát triển đồng bộ.
Cầu cao hơn cung
Mặc dù làn sóng làm game Việt được dấy lên mạnh mẽ trong những năm gần đây với tinh thần “Hãy để con cháu chúng ta chơi game thuần Việt”, thế nhưng khi bắt tay vào thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy đây là một cuộc chơi mạo hiểm, rủi ro cao . Cho đến nay, tại thị trường game Việt vẫn chỉ có 2 doanh nghiệp lớn là VTC Online và VNG tiên phong trên con đường sản xuất game.
Thực tế, chỉ có họ mới đủ tầm để đưa được game của mình sản xuất ra nước ngoài khi vào tháng 3/2012, VTC Online đã tự hào “ghi danh” Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu game của châu lục sang thị trường Châu Âu và Mỹ la tinh. Đồng thời, VNG cũng xuất khẩu 2 game Pig Farm và Sky Garden sang Nhật và Trung Quốc. Anh Phạm Vũ Phương (PGĐ Trung tâm sản xuất Game VTC Online), quản lý dự án Squad – một trong hai game được xuất khẩu lần đầu tiên sáng 10 nước thuộc châu Âu và Mỹ la tinh chia sẻ: “ Sự kiện xuất khẩu game vừa qua của VTC có thể coi là bước tạo đà để đưa trò chơi Việt ra thị trường quốc tế và hiện thực hóa khát khao được nắm bản quyền các sản phẩm công nghiệp nội dung số Việt Nam. Đồng thời, góp phần phát triển tối đa thế mạnh của ngành công nghiệp chiếm tới 70 % doanh thu của ngành nội dung số ở Việt Nam”.
Hình: Anh Phạm Vũ Phương - PGĐ Trung tâm sản xuất Game VTC Online (VTC Studio)
Bên cạnh đó, anh cũng nhìn nhận: “ Đây mới chỉ là bước khởi đầu, con đường đưa game Việt ra biển lớn để khẳng định thương hiệu còn dài phía trước. Để làm được điều này, chúng tôi cần các bạn trẻ tâm huyết gia nhập đội ngũ sáng tạo trong các sản phẩm game Việt”.
Hình: Các bạn trẻ có cái nhìn ấn tượng về ngành công nghiệp Game tại Việt Nam
Dưới góc nhìn của một người trong ngành thiết kế 3D game và hoạt hình, Thầy Phan Văn Bảy đã có những chia sẻ: “Ngành công nghiệp game cũng như hoạt hình được đánh giá là một ngành mang hàm lượng chất xám cao, vì vậy, nguồn nhân lực của ngành này không chỉ cần nắm bắt công nghệ mà quan trọng phải có tố chất sáng tạo cùng kĩ năng nghề nghiệp”.
Hình: Thầy Phan Văn Bảy – họa sĩ hoạt hình 3D cùng học trò chia sẻ tại chương trình
Như vậy, bài toán về nguồn lực cho ngành game đang gây đau đầu cho ngay cả các doanh nghiệp lớn như VTC Online hay VNG, nhất là khi các “anh hai” này nghiêm túc đầu tư xây dựng các studio quy mô lớn cho những dự án “Game Việt- trí tuệ Việt” và vấn để lúc này chỉ là: lực lượng vận hành để phát huy hết công suất của chúng?.
Tự lực cánh sinh
Có thể nói, hiện nay không chỉ Game mà nhu cầu nguồn nhân lực cho cả ngành công nghệ nội dung số nói chung đang thực sự là một bài toán khó giải đối với nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. “Kể ra thì số lượng CV nộp về khá nhiều, tuy nhiên để tìm được một người đủ chất lượng thì thật sự gian nan….Đa số các trường hợp này khi phỏng vấn đều là theo dạng “kênh nào cũng bắt, nhưng không có kênh nào nét”. Trong khi bản thân chúng tôi chỉ cần tuyển những người chuyên sâu một mảng, nhưng phải làm thật tốt, thật chuyên” – anh Nguyễn Ngọc Hiếu ( CEO của Skynet Technology Incubator) chia sẻ.
Hình: Thực tế nhân lực Việt Nam hiện nay “kênh nào cũng bắt, nhưng không có kênh nào nét”
Không thể trông chờ vào thực tế đào tạo hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động đầu tư giáo dục, để tự “giải bài toán” nhân lực cho chính doanh nghiệp mình như Đại học FPT của doanh nghiệp FPT, Đại học Quốc tế Bắc Hà của Viettel và Tập đoàn công nghệ CMC, Đại học Văn Hiến, Trung tâm công nghệ và nội dung số VTC ( VTC Academy) của VTC. Anh Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “ VTC đầu tư vào Đại học Văn Hiến, VTC Academy , tập trung vào các chuyên ngành thế mạnh của VTC như công nghệ nội dung số đào tạo làm game. Nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu, chưa có trường đào tạo chuyên sâu ở Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp phải tự đào tạo. Vì vậy chúng tôi quyết định đầu tư thêm vào giáo dục để đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính VTC”.
Ở khóa đào tạo về Game của VTC Academy các bạn sẽ được đào tạo những lĩnh vực liên quan đến Game như: Họa sĩ vẽ concept game (Concept Artist); Lập trình Game (Game Development, rất nhiều lĩnh vực nhỏ như lập trình mạng, vật lý, core game …); Dựng hình 3D (Modeller); Thiết kế giao diện (GUI Designer); Thiết kế game, thiết kế màn chơi (Game Designer – Level Designer); Dựng hoạt hình, cử động cho nhân vật game (Animator), QA,.v..v.v
Chia sẻ thêm về môi trường làm việc của các nhân viên thuộc trung tâm sản xuất game VTC, anh Phạm Vũ Phương nói: “Điều rất thú vị ở trong công việc làm game là các bạn sẽ được làm việc trong một môi trường cực kỳ trẻ trung, năng động và vui vẻ. Công việc làm game là một công việc đầy tính sáng tạo nhưng cũng không kém vất vả, đòi hòi các bạn phải có đam mê, đủ kiến thức và kiên trì tới cùng”.
Hình: VTC Academy trao học bổng 18 triệu đồng cho bạn Đinh Huỳnh Thuận (khoa CNTT, Đại học Bách Khoa TPHCM) và Lê Thị Lộc (Đại học Mở TPHCM).
Luôn có mặt trong các chuyên đề của VTC Academy, bạn Đinh Huỳnh Thuận (Khoa học máy tính, Đại học Bách Khoa TPHCM) chia sẻ: “Các buổi hội thảo của VTC Academy tổ chức rất hiệu quả, chất lượng ngày một tốt hơn và làm cá nhân em rất thỏa mãn trong việc tìm hiểu thông tin. Em hy vọng mình sẽ giành được học bổng toàn phần của VTC Academy để được học tập tại môi trường đào tạo rất chuyên nghiệp này”. Còn đối với bạn Đinh Thị Thu Hiền ( Quê ở Đăk nông) lại có đánh giá: “ Trước khi quyết định theo học tại VTC Academy, Hiền cũng đã tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước. Tất cả đều nhận được phản ánh: học tập tại trường đại học hiện nay nghiêng về lý thuyết, chưa coi trọng các kỹ năng thực hành. Nên Hiền quyết định theo học gì đó thực tế hơn, và tiết kiệm được thơi gian đào tạo hơn”.