MindMaze - một công ty công nghệ khởi nghiệp từ lĩnh vực y học thần kinh đã bất ngờ bước chân vào thị tường game khi chính thức giới thiệu một thiết bị mang tính đột phá đối với nền tảng thực té ảo VR. Thiết bị này có tên gọi MindLeap, nó có thiết kế giống như một chiếc màn hình đeo đầu thông thường nhưng bạn không cần các bộ điều khiển hay găng tay để sử dụng mà chỉ việc suy nghĩ.MindMaze ban đầu phát triển các hệ thống có thể giúp bệnh nhân bị rối loạn thần kinh phục hồi nhanh hơn. Chẳng hạn như một bệnh nhân bị mất một cánh tay có thể sử dụng hệ thống này để vượt qua những cơn đau tưởng tượng và trở ngại khi mất đi 1 phần cơ thể. Nền tảng được MindMaze phát triển có độ trễ thấp khi phiên dịch và xử lý các tín hiệu não thành hành động, do đó công ty nghĩ rằng công nghệ của họ rất phù hợp để khai thác với các trò chơi.
MindLeap bao gồm 2 thành phần phần cứng. Thành phần đầu tiên là một chiếc kính đeo đầu nhưng thay vì chỉ hiển thị hình ảnh và theo dõi chuyển động của đầu, thiết bị được trang bị các cảm biến để nhận biết tín hiệu từ hoạt động não. Các tín hiệu này sau đó được phiên dịch thành nhiều hành động dựa trên tình huống xảy ra trong game.
Thành phần tiếp theo là một camera thu nhận chuyển động 3 chiều, khá giống Microsoft Kinect. Tuy nhiên, MindMaze đã tinh chỉnh lại và khai thác những khía cạnh mà Kinect không thể làm được. Qua đó, camera của MindLeap có thể hoạt động ngay cả khi bạn đang ngồi xuống trong khi Kinect buộc bạn phải đứng và chuyển động để "bắt hình".
Video dưới đây trình diễn một trò chơi đơn giản dùng nền tảng MindLeap. Hệ thống này khai thác 2 suy nghĩ là "thả lỏng" và "căng thẳng" tương đương với tấn công và phòng thủ. Dĩ nhiên bạn không cần vận động tay chân nhưng các cơ trên mặt chắc chắn sẽ cử động ít nhiều để điều khiển. MindMaze cho biết bộ khung lập trình SDK dành cho MindLeap sẽ được phát hành trong vòng 6 tháng tới để lập trình viên có thể phát triển những tựa game, ứng dụng đầu tiên.
Theo: MindMaze