General Eletric đã vừa trình diễn một chiếc động cơ phản lực cỡ nhỏ có thể hoạt động với các thành phần được chế tạo bằng công nghệ in 3D. Để chứng minh độ bền của động cơ, nhóm nghiên cứu đã cho chạy thử và đưa động cơ lên vòng tua 33.000 rpm.
Dĩ nhiên động cơ phản lực turbine của GE không phải được in bằng vật liệu ABS với chiếc máy in MakerBot thông thường. Thay vào đó, động cơ và các thành phần cấu tạo đều được sản xuất bằng kỹ thuật DMLS (Direct Metal Laser Sintering) trong đó tia laser sẽ được chiếu vào các hạt kim loại mịn có chọn lọc để nóng chảy và cô đặc chúng với nhau tạo ra một vật thể theo từng lớp. Đây không phải là kỹ thuật in nhanh nhất trên thế giới nhưng kết quả là các thành phần đều có đủ độ cứng và độ tin cậy cao tương tự như khi được chế tạo bằng kỹ thuật đúc khuôn hay cơ khí truyền thống.
Thiết kế động cơ được tùy biến từ thiết kế của động cơ máy bay mô hình RC và dĩ nhiên nó đơn giản hơn nhiều so với các động cơ phản lực dùng trên máy bay thực. Sau khi in hoàn chỉnh các thành phần và lắp ghép thủ công, nhóm nghiên cứu đã cho chạy thử và kết quả như trong video, động cơ trải qua các chế độ đốt khác nhau, đạt vòng tua đến 33.000 rpm mà không hề hấn gì. Nghiên cứu của GE cho thấy công nghệ in 3D đang dần trưởng thành hơn, không còn giới hạn ở các vật thể bằng nhựa và đặt tiền đề cho ý tưởng sản xuất động cơ máy bay bằng máy in 3D trong tương lai không xa.
Theo: DigitalTrends