Hi Bye, Mama: Một câu chuyện nhẹ nhàng về gia đình

no0b4v3r
3/5/2020 10:12Phản hồi: 0
Hi Bye, Mama: Một câu chuyện nhẹ nhàng về gia đình
Hi_Bye_Mama-teaser1.jpg

Hi Bye, Mama (được biết đến với tên gọi Chào Mẹ, Tạm Biệt hoặc Mẹ Đến Từ Thiên Đường) là một câu chuyện xoay quanh bộ ba Jo Kang-Hwa, Cha Yu-Ri và Oh Min-Jung. Bi kịch bỗng ập đến với Kang-Hwa 5 năm về trước khi người vợ đầu là Yu-Ri gặp tai nạn giao thông trong những ngày cuối cùng mang thai, chỉ kịp sinh bé Jo Seo-Woo ngay trước khi qua đời, không kịp có cơ hội làm mẹ, hay thậm chí nói lời từ biệt với gia đình.

Mình vô tình biết đến Hi Bye, Mama do cần tìm một bộ phim có thể xem chung với bà xã trong dịp giãn cách xã hội vừa qua. Một chút hài hước-Một chút huyền bí-Một chút tình cảm, đó là ấn tượng ban đầu khi xem trailer của Hi Bye, Mama, và mình nghĩ rằng phim sẽ là một lựa chọn không lệch đi đâu được với mục đích ấy.


KỊCH BẢN

Từ sự ra đi đột ngột của Yu-Ri, Hi Bye, Mama bắt đầu kể lại và xoáy sâu vào bi kịch tâm lý không chỉ của người phải ra đi, mà còn là của những người ở lại.


Trên thực tế, cốt truyện của Hi Bye, Mama không mang tính đột phá. Mô típ về sự luyến tiếc của người chết nên tiếp tục ở lại dương gian, và rồi một cơ hội "vì một lý do nào đấy" bỗng dưng được trao cho trong khoảng thời gian ngắn ngủi để họ giải quyết sự luyến tiếc, không ít lần tạo cho mình cảm giác quen thuộc, rằng đã bắt gặp ở đâu đó.

Tuy nhiên, phim cũng có hướng đi riêng khi tiếp cận cơ hội ấy không chỉ từ một góc nhìn của Yu-Ri, người đã khuất, mà còn là của Kang-Hwa và Min-Jung (người vợ kế), và cả của những người thân thiết khác.

Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, 5 năm trôi qua từ ngày Yu-Ri qua đời, mọi việc dường như đã ổn khi Kang-Hwa kết hôn với người sau là Min-Jung, hai người chưa có con chung và Min-Jung chủ yếu dành thời gian để chăm sóc bé Seo-Woo. Những người ở lại cũng đã đã dần quen với sự thiếu vắng của Yu-Ri. Điều bất ngờ là linh hồn Yu-Ri vẫn lưu luyến chưa siêu thoát, vẫn ngày qua ngày ở lại để được nhìn ngắm bé Seo-Woo. Cuộc sống có lẽ sẽ tiếp tục trôi qua như thế đến khi Seo-Woo trưởng thành (...điều gần như chắc chắn khi nhìn vào số phận của những linh hồn khác...).

photo1146970.jpg

Bước ngoặt của Hi Bye, Mama (mà theo mình là tình tiết có thể xem là kịch tính duy nhất xuyên suốt câu chuyện tình cảm này) là khi Yu-Ri nhận ra bé Seo-Woo lại bắt đầu nhìn thấy những linh hồn khác, rồi biết rằng sự bất hạnh do bản thân gây nên, và than oán, chửa rủa thần linh một cách thậm tệ. Điều này đã giúp cho Yu-Ri có cơ hội được sống lại 49 ngày để, theo pháp sư Mi Dong-daek người quản lý các linh hồn kiêm thầy bói thời kỳ 4.0, tìm lại vị trí(!?) của mình.

Đan xen với bối cảnh xoay quanh gia đình Yu-Ri, còn là câu chuyện của những linh hồn đồng cảnh ngộ khác sống cùng ngôi chùa nơi lưu giữ tro cốt. Có cái chết bất ngờ, có cái chết hiển nhiên, và cũng có cả cái chết mà nguyên nhân còn ẩn sau tấm màn bí ẩn. Sự kết hợp này làm bật lên tham vọng của biên kịch, mong muốn lột tả không chỉ bức tranh của một số phận, một cái chết, mà dường như rộng hơn khi nhắm đến nhiều mảnh ghép khác nhau của xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Với công thức 16 tập của phim truyền hình Hàn Quốc thường thấy thời gian gần đây, diễn biến cốt truyện chỉ trong 49 ngày mà xuất phát điểm là bộn bề vấn đề của riêng gia đình Yu-Ri, cùng với rải rác những câu chuyện của hàng tá linh hồn khác, mình đã từng cho rằng cốt truyện của Hi Bye, Mama sẽ sở hữu nhiều chi tiết, có khả năng gây loãng nếu xử lý không cẩn thận. Tuy nhiên, thực tế càng về sau phim lại không như vậy. Phim gần như dành hết thời lượng để mô tả các điểm nhấn chính về tình cảm gia đình, về sự luyến tiếc và ám ảnh mà một cái chết bi thương của Yu-Ri có thể mang đến. Không nhiều nội dung được kể, một số trường đoạn đôi khi còn lặp lại. Phần ngoại truyện từ các linh hồn khác thì hơi "đầu voi đuôi chuột", khởi đầu gợi mở nhiều hứa hẹn, nhưng về cuối lại khá hụt hẫng.

Hi Bye, Mama cũng mang đến nhiều tình tiết hài hước. Không quá nhiều và ấn tượng nhưng đúng thời điểm và đủ để xử lý cảm xúc tiêu cực từ cốt truyện, giúp phim tránh gây nặng nề cho tâm lý của người xem trong quá trình thường thức.

Quảng cáo


Nhìn chung, mình đánh giá kịch bản của Hi Bye, Mama ở mức chấp nhận được. Phim không ở mức xuất sắc để thu hút tất cả thể loại khán giả, nhưng đủ để thuyết phục một số đối tượng nhất định và đảm bảo họ sẽ gắn bó với phim đến khi kết thúc.

LỐI KỂ TRUYỆN

Hi Bye, Mama chủ yếu sử dụng thủ pháp hồi tưởng để kể lại nhưng đau khổ mà gia đình Yu-Ri phải trải qua, và tiếp tục đi xa hơn về quá khứ để giải thích về những luyến tiếc mà mỗi người trong họ phải gánh chịu khi Yu-Ri qua đời. Phần còn lại, tất nhiên, là 49 ngày của hiện tại để không chỉ Yu-Ri mà từng người thân của Yu-Ri tìm hiểu và vượt qua vấn đề của chính mình.

photo1159808.jpg

Như đã nêu ở phần trên, vì nội dung không quá nhiều cộng với lối kể như vậy, mạch truyện của Hi Bye, Mama khá nhẹ nhàng, chậm rãi. Thậm chí, bạn không cần dán mắt theo dõi màn hình để nắm bắt được trọn vẹn những điều mà phim muốn kể (chắc là phù hợp với đối tượng người làm nội trợ...hehe).

Điểm nổi bật khác trong lối kể truyện của Hi Bye, Mama là nước mắt. Phim khai thác rất nhiều nước mắt, nhưng khá đáng tiếc là hơi lạm dụng quá nước mắt của các nhân vật. Mặc dù không có gì là vô lý khi các nhân vật trong một chuỗi tình huống bi kịch trong cốt truyện của phim phải khóc, nhưng việc sử dụng có phần quá đà nhân tố này nhiều lúc cướp mất cảm xúc của người xem. Hi Bye, Mama không thiếu kỹ thuật để kích thích cảm xúc của khán giả, và nước mắt đến từ thứ cảm xúc bị kích thích ấy chắc chắn sẽ "đã" hơn việc xem các nhân vật khóc.

Mặc dù vậy, điểm cộng của phim là mọi thứ được kể lại hết sức mạch lạc, sợi dây dẫn chuyện được thắt mở gọn gàng. Tuy sử dụng đau buồn là màu sắc chủ đạo, nhưng Hi Bye, Mama lại không mang đến sự nặng nề. Về khía cạnh này, có thể nói phim đảm nhận khá tốt mục đích giải trí, đồng thời nhẹ nhàng truyền đạt nhiều bài học nhân sinh quan về mối quan hệ giữa con người với con người. Xem phim, bạn sẽ nhận ra đôi khi việc âm thầm chịu đựng không hề là một sự hi sinh, đôi khi sự ích kỷ "cao cả" ấy lại gây ảnh hưởng tiêu cực hơn cho những người mà bạn yêu thương.

Quảng cáo



DIỄN VIÊN

Thật sự thì mình không phải là chuyên gia cũng như sở hữu kiến thức chuyên môn để đánh giá trình độ diễn xuất của diễn viên, nhưng Hi Bye, Mama có dàn diễn viên khá tuyệt.

Ví dụ như Kim Tae-Hee, không quá trẻ, ánh mắt thấp thoáng nét buồn, vào vai Yu-Ri, một người con, một người vợ và một người mẹ đột nhiên mất đi tất cả, phải chứng kiến nỗi buồn của mọi người xung quanh, nhưng cái sự đau khổ ấy không thể quá rõ ràng, mà đã có phần bão hòa, có phần xen lẫn vào niềm vui khi có thể tiếp tục nhìn thấy con lớn lên từng ngày.

Hay cặp đôi Lee Kyu-Hyung (vai Kang-Hwa) và Go Bo Gyeol (vai Oh Min-Jung), khách quan mà nói thì diễn xuất không truyền tải được nhiều cảm xúc, nhưng điểm khô cứng đó lại khá phù hợp với sự dằn vặt, lưỡng lự mà họ phải chịu đựng.

EV8JMl0UcAINb4E.jpg

Dàn diễn viên phụ cũng là một điểm cộng. Park Soo-Young (vai Cha Moo-Poong, bố của Yu-Ri) mang đến hình ảnh của một người ông khao khát được tìm lại những khoảng khắc vui vẻ bên con cháu. Nữ diễn viên gạo cội Kim Mi-Kyung (vai Jeon Eun-Sook, mẹ của Yu-Ri) là mảnh ghép hoàn hảo cho ý tưởng tình cảm thiêng liêng của người mẹ, một sự im lặng đầy khắc khổ, bức tường cảm xúc mà bà dày công xây dựng suốt 5 năm, vững chắc nhưng có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Vai diễn Seo-Woo của cậu bé (!?) Seo Woo-Jin lại hết sức khéo léo, bạn dường như sẽ không nhận ra hạt sạn nào trong sự hóa thân bất kể giới tính của cậu bé này. Ngay cả Shin Dong-Mi (vai Ko Hyun-Jung, một người chị, người bạn của Yu-Ri) cũng sẽ để lại cho bạn ít nhiều cảm xúc.

NGHE NHÌN


Bối cảnh của Hi Bye, Mama chủ yếu xoay quanh nhà và bệnh viện nơi Kang-Hwa làm việc, nhà của bố mẹ Yu-Ri, quán ăn của Hyun-Jung và ngôi chùa nơi lưu giữ tro cốt. Với cốt truyện và bối cảnh như vậy, Hi Bye, Mama sẽ không có những khung hình ấn tượng. Tuy nhiên, kỹ thuật và các góc quay của phim sẽ không làm bạn thất vọng.

Phần nghe của phim lại hết sức tuyệt vời. Có thể nói âm nhạc đã có sự đóng góp rất lớn cho việc truyền tải cảm xúc đến khán giả. Hi Bye, Mama có một bộ sưu tập nhạc nền từ dí dỏm, ngọt ngào đến buồn bã, sâu lắng. Âm nhạc được pha trộn vào những trường đoạn phim một cách tinh tế, không phá vỡ hay chiếm dụng không gian mà len lỏi vào mạch cảm xúc của người xem. Hãy thử tưởng tượng những phím đàn piano thả nhẹ cùng tiếng violin du dương nhẹ nhàng trỗi lên ngay sau khi Seo-Woo lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) gọi Yu-Ri là mẹ, tâm trạng của mình đã thực sự chùng xuống lúc ấy.

TẠM KẾT

Khen chê có cả, vậy thì tóm lại Hi Bye, Mama có đáng xem không? Với mình thì thực sự không tiếc thời gian đã dành ra để xem bộ phim này, dù không thể chối bỏ một số điểm thất vọng như đã kể trên.

Hi Bye, Mama không phải là một bộ phim gây gấn, chứa đựng nhiều cao trào để đẩy cảm xúc của người xem lên ngất ngưỡng. Ngược lại, mạch phim chậm rãi, có thể dự đoán trước nhưng dường như đó là chủ ý để đong đầy những giá trị mà phim hướng tới, những thông điệp về sự hi sinh và chấp nhận. Nếu bạn đang tìm một bộ phim "Một chút hài hước-Một chút huyền bí-Một chút Rất nhiều tình cảm", thì Hi Bye, Mama là một sự lựa chọn rất phù hợp.

BC91DB96-61EB-469E-A524-E6859993F7D2.jpg

À... ngoài lề xíu là mình đã xem phim này trên Netflix bằng một chiếc TV LG, mà cụ thể là dòng 32LF581D. Một chiếc TV gần 5 năm tuổi đời. Thật khó tin là với chừng ấy thời gian, bao nhiêu công nghệ mới xuất hiện với giá thành ngày càng rẻ, chiếc TV này vẫn thuyết phục được mình rằng mọi thứ vẫn ổn.

Không bàn về độ bền bỉ (trộm vía, đến nay vẫn không có dấu hiệu hư hỏng nào), tính năng mà chiếc TV này đem lại vẫn đủ sự tiện lợi cho nhu cầu sử dụng hiện tại của mình. Hình âm vẫn tuyệt, vẫn có Youtube, Netflix và các ứng dụng nội dung trực tuyến phổ biến. Vẫn có SmartShare, Wi-Fi Direct và Miracast để mình có thể phát nội dung không dây từ các thiết bị khác như điện thoại và cả ổ WD MyCloud. Chỉ cần mở TV lên là mình đã có nguồn tiếp cận nội dung chất lượng cao và được cập nhật liên tục. Điều này, đôi khi cũng gây nên sự khó chịu vì dường như mình không có lý do quá nổi bật để xuống tiền mua một chiếc TV khác.

Ừ thì... một chiếc TV kích cỡ to hơn, độ phân giải cao hơn, màu sắc trung thực hơn và âm thanh sống động hơn, mà sự chênh lệch về công nghệ đang ngày càng được kéo giãn ra qua từng năm, đang ăn dần ăn mòn cái sự chung thủy ấy của mình. Tuy nhiên, cũng chính sự đấu tranh tinh thần ấy mà qua thời gian, mình càng lúc càng ấn tượng với chiếc TV LG này, đặc biệt khi tại thời điểm mua thì giá trị của nó gần như thấp nhất trong các sản phẩm cùng phân khúc. Có lẽ chiếc TV kế tiếp của mình, cũng sẽ đến từ LG.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019