Hiểu về học thuyết gắn bó để phát triển các mối quan hệ tình cảm và xã hội lành mạnh

blueJune
2/12/2021 7:41Phản hồi: 5
Hiểu về học thuyết gắn bó để phát triển các mối quan hệ tình cảm và xã hội lành mạnh
Học thuyết gắn bó (Attachment Theory) tập trung vào các mối quan hệ và kết nối giữa con người, đặc biệt là các mối quan hệ lâu dài, bao gồm mối quan hệ giữa cha mẹ con cái và quan hệ tình cảm.

Nhà tâm lý học người Anh John Bowlby là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về sự gắn bó, mô tả sự gắn bó như một “mối liên hệ tâm lý lâu dài giữa con người với nhau”. Bowlby quan tâm đến việc hiểu về sự lo âu và xa cách mà trẻ em phải trải qua khi bị tách khỏi người chăm sóc chính.

Một số lý thuyết hành vi đầu tiên chỉ ra rằng sự gắn bó đơn giản là một hành vi có thể học được. Những lý thuyết này cho rằng sự gắn bó chỉ đơn thuần là kết quả của mối quan hệ cho ăn giữa đứa trẻ và người chăm sóc. Vì người chăm sóc cho đứa trẻ ăn và cung cấp chất dinh dưỡng, từ đó đứa trẻ trở nên gắn bó.

Những gì Bowlby quan sát được là ngay cả việc cho trẻ ăn cũng không làm giảm sự lo lắng của trẻ khi bị tách khỏi người chăm sóc chính. Thay vào đó, ông nhận thấy rằng sự gắn bó được định hình bởi các mô hình hành vi và động lực rõ ràng. Khi trẻ sợ hãi, chúng sẽ tìm kiếm sự gần gũi từ người chăm sóc chính để nhận được cả sự an ủi và chăm sóc.

Hiểu về sự gắn bó

Sự gắn bó là một kết nối về cảm xúc với người khác. Bowlby tin rằng những mối liên kết sớm nhất mà trẻ em hình thành với người chăm sóc có tác động to lớn kéo dài suốt cuộc đời. Ông cho rằng sự gắn bó cũng giúp trẻ sơ sinh gần gũi với mẹ, do đó cải thiện cơ hội sống sót của trẻ.


Bowlby xem sự gắn bó là sản phẩm của các quá trình tiến hoá. Trong khi các lý thuyết hành vi về gắn bó cho rằng sự gắn bó là một quá trình học được, Bowlby và những người khác đề xuất rằng trẻ em được sinh ra với động cơ bẩm sinh là hình thành sự gắn bó với người chăm sóc.

Trong suốt lịch sử, những đứa trẻ duy trì sự gần gũi với một nhân vật gắn bó có nhiều khả năng nhận được sự an ủi và bảo vệ hơn, vì thế có nhiều khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành hơn. Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, một hệ thống về động lực được thiết kế để điều chỉnh sự gắn bó dần xuất hiện.

Vậy điều gì quyết định sự gắn bó tốt đẹp? Các nhà tâm lý hành vi cho rằng chính thức ăn đã dẫn đến việc hình thành hành vi gắn bó nhưng Bowlby và nhiều người đã chứng minh rằng sự nuôi dưỡng và khả năng đáp ứng là những yếu tố quyết định chính của sự gắn bó.

“Tình huống kỳ lạ” của Ainsworth

Vào thập kỉ 70, nhà tâm lý học Mary Ainsworth đã phát triển rộng nghiên cứu của mình dựa trên những nguyên tắc của Bowlby. Nghiên cứu đột phá về “Tình huống kỳ lạ” của bà đã tiết lộ những ảnh hưởng sâu sắc của sự gắn bó tới hành vi. Các nhà nghiên cứu đã quan sát trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 18 tháng khi chúng phản ứng với tình huống bị bỏ lại một mình trong thời gian ngắn và sau đó đoàn tụ với mẹ.

Dựa trên những phản hồi mà các nhà nghiên cứu quan sát được, Ainsworth đã mô tả ba kiểu gắn bó chính: gắn bó an toàn, gắn bó lo âu và gắn bó lo âu-né tránh. Sau đó, hai nhà nghiên cứu Main và Solomon (1986) đã thêm một kiểu gắn bó thứ tư có tên là gắn bó hỗn -lo âu dựa trên nghiên cứu của riêng họ.

Một vài nghiên cứu kể từ thời điểm đó ủng hộ các kiểu gắn bó của Ainsworth và chỉ ra rằng phong cách gắn bó cũng có tác động đến các hành vi sau này trong cuộc sống.

Nghiên cứu về việc tước quyền của người mẹ

Những nghiên cứu nổi tiếng của Harry Harlow về sự thiếu thốn tình cảm từ mẹ và sự cô lập xã hội trong những năm 50 và 60 đã khám phá về những mối quan hệ ban đầu. Trong một loạt các thí nghiệm, Harlow đã chứng minh cách các kết nối như vậy hình thành và tác động mạnh mẽ tới hành vi và hoạt động.

Trong một phiên bản thử nghiệm của ông, những con khỉ sơ sinh bị tách khỏi mẹ chúng và được nuôi bởi những bà mẹ thay thế. Chúng được đặt trong lồng với hai bà mẹ khỉ làm từ dây thép. Một con cầm chiếc lọ để khỉ con tới lấy thức ăn, con còn lại được phủ bằng một tấm vải bông mềm.

Quảng cáo



Khi đói, những con khỉ con đi tìm mẹ để lấy thức ăn nhưng chúng dành phần lớn thời gian trong ngày với người mẹ làm từ vải mềm. Khi sợ hãi, chúng sẽ quay về với người mẹ này để được thoải mái và an toàn.

08murphy-videoSixteenByNineJumbo1600.jpg

Các giai đoạn của sự gắn bó

Hai nhà nghiên cứu Rudolph Schaffer và Peggy Emerson đã phân tích số lượng các mối quan hệ gắn bó mà trẻ sơ sinh hình thành trong một nghiên cứu với 60 trẻ sơ sinh. Họ quan sát các bé bốn tuần một lần trong năm đầu tiên của cuộc đời và một lần nữa khi được 18 tháng.

Dựa trên quan sát, Schaffer và Emerson đã vạch ra bốn giai đoạn gắn bó riêng biệt, bao gồm:
  • Giai đoạn trước gắn bó
Từ giai đoạn sơ sinh đến khi được 3 tháng, trẻ sơ sinh không có biểu hiện gắn bó cụ thể nào với một người chăm sóc cụ thể. Các tín hiệu như khóc và quấy thu hút sự chú ý của người chăm sóc một cách tự nhiên và những phản ứng tích cực của trẻ khuyến khích người chăm sóc tiếp tục ở gần.
  • Gắn bó không phân biệt
Trong khoảng từ 6 tuần tuổi đến 7 tháng, trẻ sơ sinh bắt đầu có biểu hiện phân biệt sự ưu tiên giữa người chăm sóc chính và người chăm sóc phụ. Trẻ sơ sinh tin rằng người chăm sóc sẽ đáp ứng nhu cầu của chíng. Trong khi vẫn chấp nhận sự chăm sóc từ người khác, trẻ sơ sinh bắt đầu phân biệt được đâu là người quen và người không quen, phản ứng tích cực hơn với người chăm sóc chính.
  • Gắn bó phân biệt
Vào thời điểm. này, từ khoảng 7 đến 11 tháng tuổi, trẻ sơ sinh thể hiện sự gắn bó và ưu tiên đối với một cá nhân cụ thể. Các bé sẽ phản đối khi bị tách khỏi người gắn bó chính (lo âu về sự chia ly) và bắt đầu thể hiện sự lo lắng với người lạ (lo âu về người lạ).
  • Nhiều kiểu gắn bó
Sau khoảng 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hình thành mối quan hệ tình cảm bền chặt với những người chăm sóc khác ngoài những người gắn bó ban đầu. Những người này thường bao gồm cha, anh chị em và ông bà.

Quảng cáo



Các yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn kết

Mặc dù quá trình này có vẻ đơn giản nhưng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm phát triển sự gắn bó, bao gồm:
  • Cơ hội gắn bó
Những đứa trẻ không có người chăm sóc chính, chẳng hạn như những em được nuôi dưỡng trong trại trẻ mồ côi, có thể không phát triển được cảm giác tin cậy cần thiết để hình thành sự gắn bó.
  • Chất lượng chăm sóc
Khi người chăm sóc phản hồi nhanh chóng và nhất quán, trẻ em học được rằng chúng có thể phụ thuộc vào những người chịu trách nhiệm chăm sóc chúng, đây là nền tảng thiết yếu để gắn bó. Đây là yếu tố sống còn.

Các kiểu gắn bó

  • Gắn bó né tránh: Trẻ có xu hướng xa lánh cha mẹ hoặc người chăm sóc, không thể hiện sự ưu tiên giữa người chăm sóc và người hoàn toàn xa lạ. Kiểu gắn bó này có thể là hậu quả từ những người chăm sóc lạm dụng hoặc bỏ bê chúng. Những đứa trẻ bị phạt vì dựa dẫm vào người chăm sóc sẽ học cách tránh tìm kiếm sự giúp đỡ trong tương lai. Người thuộc kiểu gắn bó né tránh sẽ không thoải mái với sự thân mật, e ngại việc ràng buộc với một ai đó. Họ cố gắng không gần gũi với một ai đó quá mức và gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc sâu kín của mình, sợ đánh mất sự tự do.
  • Gắn bó lo âu: Trẻ thiếu sự chăm sóc và tình yêu từ cha mẹ hoặc không được đáp ứng nhất quán. Khi lớn lên, những người này luôn khao khát sự thân mật và sợ bị người khác bỏ rơi. Họ thường nhạy cảm thái quá và dễ trở nên giận dữ nếu không được đáp ứng nhu cầu tình cảm theo ý muốn, có xu hướng kiểm soát mối quan hệ quá mức. Họ luôn muốn ở cạnh người kia và mong cầu được đảm bảo, xoa dịu.
  • Gắn bó lo âu - né tránh: Kiểu gắn bó này hình thành từ tuổi thơ bị bạo hành hoặc bỏ bê nặng nề và là tổng hợp các biểu hiện của cả hai kiểu gắn bó trên. Những người thuộc kiểu gắn bó này luôn sợ gần gũi, thân mật với người khác. Họ luôn tự mâu thuẫn với các mối quan hệ của bản thân - họ muốn tiếp cận một ai đó để được yêu thương nhưng nếu đến gần quá, họ sẽ lo âu và bị tổn thương. Họ không biết làm cách nào để bày tỏ cảm xúc của mình.
  • Gắn bó an toàn: Trẻ có thể phụ thuộc vào người chăm sóc, thể hiện sự đau khổ khi bị chia cắt và vui mừng khi được đoàn tụ. Mặc dù đứa trẻ có thể khó chịu nhưng chúng vẫn cảm thấy yên tâm rằng người chăm sóc sẽ trở lại. Khi sợ hãi, chúng cảm thấy thoải mái khi tìm kiếm sự trấn an từ người chăm sóc. Mặc dù kiểu gắn bó thể hiện ở tuổi trưởng thành không nhất thiết giống như những gì được thấy ở thời thơ ấu, nhưng sự gắn bó sớm có thể tác động nghiêm trọng đến các mối quan hệ sau này. Những người phát triển kiểu gắn bó an toàn từ thời thơ ấu có xu hướng có lòng tự trọng tốt, mối quan hệ lãng mạn bền chặt và có khả năng bộc lộ bản thân với người khác. Những đứa trẻ được gắn bó an toàn khi còn nhỏ có xu hướng phát triển lòng tự trọng mạnh mẽ hơn và khả năng tự lập tốt hơn khi chúng lớn lên. Những đứa trẻ này cũng có xu hướng độc lập hơn, học giỏi hơn ở trường, có các mối quan hệ xã hội thành công và ít bị lo lắng, trầm cảm hơn.
attachment-theory-scaled.jpg


Tác động lâu dài của những gắn bó ban đầu

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc không hình thành sự gắn bó an toàn sớm trong cuộc sống có thể tác động tiêu cực đến hành vi trong thời thơ ấu và trong suốt cuộc đời.

Trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chống đối (ODD), rối loạn hành vi (CD) hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) thường có các vấn đề về gắn bó, có thể do bị lạm dụng, bỏ bê hoặc chấn thương tinh thần từ nhỏ. Các bác sĩ cho rằng trẻ em được nhận nuôi sau 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về gắn kết cao hơn.

Hiểu về kiểu gắn bó của bản thân để phát triển các mối quan hệ lành mạnh

Biết được mình thuộc kiểu gắn bó nào sẽ giúp bạn nhìn nhận các vấn đề một cách tường tận, hiểu về xu hướng của bản thân và của cả đối phương trong các mối quan hệ vì không phải ai cũng có nhu cầu gắn bó giống nhau. Khi đã nắm được kiểu gắn bó của mình và của người kia, bạn có khả năng cải thiện để duy trì các mối quan hệ lâu dài. Đương nhiên nếu bạn hoặc người yêu thuộc kiểu gắn bó lo âu hay né tránh thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và cần nhiều nỗ lực từ cả hai phía. Đừng quá lo lắng hay thất vọng vì bạn hoàn toàn có thể chuyển biến kiểu gắn bó của mình thành kiểu gắn bó an toàn nếu đã nhận định được vấn đề và tìm cách giải quyết bằng cách thay đổi hành vi và những suy nghĩ gây cản trở trong mối quan hệ. Hãy kiên nhẫn, cùng đối thoại để tìm ra giải pháp và dẫn điều chỉnh để có một cuộc sống thoải mái với những mối quan hệ như ý.

Bạn có thể làm bài kiểm tra ngắn về bản thân tại trang web này để xem mình thuộc kiểu gắn bó nào.

Tham khảo verywellmind, attachment project
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

đọc khá hay nhưng ở vn khó
nguyenrm
ĐẠI BÀNG
3 năm
Từ khi cúm tàu (China Flu) hay còn gọi cúm Vũ Hán (Wu Han Virus Flu) xuất huện...
knonlylove
TÍCH CỰC
3 năm
Vô Quiz làm thì thấy phải điền thông tin quôc gia. Có lẽ dự án này đag muốn vươn tầm thế giới. Đọc bài tinhte ko thấy cái mối quan hệ tình cảm trai gái ta
thienchay
ĐẠI BÀNG
3 năm
cái quiz này có vẻ chính xác, ít nhất là với cảm nhận của mình.
GreenTeS
ĐẠI BÀNG
3 năm
mấy mảng tâm lí này cần đủ kinh nghiệm sống để cảm nhận
biết về lí thuyết cũng hay nhưng là dao 2 lưỡi

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019