Như các bạn đã biết, mật độ vật chất trong vũ trụ là không đồng đều. Điều này cũng đúng cho thiên hà của chúng ta, dải Ngân Hà (Milky Way). Trong Ngân Hà chúng ta thì cụm sao Arches (Arches cluster - một số tài liệu gọi là đám sao Arches) là cụm sao có mật độ dày đặc nhất từng được biết đến. Và tất nhiên, hình ảnh trên không gì khác hơn là hình ảnh của cụm sao này ở phổ hồng ngoại được chụp bằng kính thiên văn không gian nổi tiếng Hubble gần đây sau đó dùng phần mềm tổng hợp lại đưa về vùng phổ nhìn thấy.Nằm cách Trái Đất 25,000 năm ánh sáng trong chòm sao Nhân Mã (Sagittarius), khá gần với tâm của Ngân Hà, và có tuổi đời khá trẻ chỉ khoảng 2-4 triệu năm, Arches nổi tiếng bởi mật độ dày đặc của nó. Để dễ hình dung, nếu chúng ta lấy khoảng cách từ Mặt Trời đến ngôi sao gần nhất làm bán kính của một vùng trong cụm sao này thì ở đây sẽ có tương ứng đến 100,000 ngôi sao. Người ta cũng ước lượng rằng ít nhất 150 ngôi sao trong cụm này nằm trong số những ngôi sao sáng nhất từng được phát hiện trong thiên hà của chúng ta. Các ngôi sao này sáng và nặng đến nỗi chúng sẽ xài hết nhiên liệu của chúng trong vòng vài triệu năm, rất ngắn so với tuổi thọ trung bình của một ngôi sao (khoảng từ 1 đến 10 tỉ năm). Sau khi xài hết nhiên liệu, chúng sẽ nổ và tạo thành vụ nổ siêu sao mới (supernova).
Trớ trêu thay, mặc dù có độ sáng rất lớn với nhiều ngôi sao sáng, Arches không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này là bởi ánh sáng trong vùng phổ nhìn thấy trước khi đến chúng ta đã bị hấp thụ bởi đám mây bụi rất lớn cũng trong vùng này. Do vậy để thu được hình ảnh cụm sao, ví dụ như hình ảnh trên, các nhà thiên văn đã phải dùng các detector thu nhận ánh sáng trong vùng phổ tia X, hồng ngoại, hoặc vùng sóng vô tuyến bởi ánh sáng trong các vùng phổ này có thể truyền qua đám mây bụi.
Nguồn: NASA