Trong chén trà chiều nay, tôi nghe thấm vị nhân sinh. Tối qua, khi nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi đã tự hỏi mình “Con người đến Trái đất này để làm gì, và sống một cuộc đời để rồi đem gì theo vào cõi hư không?”. Câu hỏi ấy lại tìm về trong sự tĩnh lặng của buổi chiều, và cả trong sự tĩnh lặng của thiền định. Nào bạn, ngồi xuống đây để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về pháp luật, để kéo bạn và tôi trở lại với thực tại. Dù sao, chúng ta vẫn phải sống, và phải hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi bắt đầu nhé! Tôi biết bạn không phải là luật sư, hay làm công việc tương tự liên quan đến pháp luật, nên để tôi kể theo cách thật dễ hiểu nhé.
Thực ra, nhà làm luật cũng đã dự liệu vấn đề này rồi, cho nên tại điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực…” (trích)
Giao dịch vô hiệu nghĩa là giao dịch không có hiệu lực, xem như chưa có giao dịch đó xảy ra. Các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Hợp đồng giả cách là gì?
Đây là khái niệm dùng trong đời thường, không được quy định trong luật. Có thể hiểu nôm na, hợp đồng giả cách là một hợp đồng được kí bởi hai bên hoặc nhiều bên; tuy nhiên, các thoả thuận trong hợp đồng ấy không phải là điều mà các bên hướng đến. Thực chất, họ muốn che đậy cho một giao dịch khác ("giao dịch bị che giấu") mà không muốn cơ quan thực thi pháp luật biết. Giao dịch bị che giấu đó trái luật, nên các bên không thể lập một hợp đồng nêu rõ các thoả thuận liên quan đến giao dịch ấy được (mà phải che đậy bằng một giao dịch hợp pháp).Thực ra, nhà làm luật cũng đã dự liệu vấn đề này rồi, cho nên tại điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực…” (trích)
Giao dịch vô hiệu nghĩa là giao dịch không có hiệu lực, xem như chưa có giao dịch đó xảy ra. Các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Theo quy định tại điều 124 nêu trên, giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực bạn nhé.
Vận dụng hợp đồng giả cách (phần 1)
Cuộc sống vốn muôn màu; vì thế, luật pháp không thể quy định hết tất cả mọi vấn đề của cuộc sống được. Con người, với sự sáng tạo vô bờ của mình, tìm ra những kẽ hở của pháp luật để khai thác. Khoan hãy vội cho rằng việc khai thác này là không đạo đức, gây thiệt hại cho xã hội. Luật pháp tạo nên trật tự xã hội, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhưng nếu quy định không phù hợp, cũng có thể làm chậm đi sự phát triển ấy. Việc khai thác kẽ hở của pháp luật đôi khi tạo nên sự đột phá. Thế nhưng, điều này cũng lắm khi gây nên những hệ luỵ nguy hiểm. Hợp đồng giả cách không hẳn là một kẽ hở của pháp luật. Gọi nó là sự “linh hoạt” quá mức trong áp dụng pháp luật thì có lẽ chính xác hơn. Dù có gọi thế nào đi nữa, hợp đồng giả cách được nhiều người vận dụng cho công việc làm ăn, kinh doanh của họ.Cho vay nặng lãi là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nên, người ta đã che đậy nó bằng một hợp đồng mua bán tài sản, mà thường là bất động sản. Cụ thể, anh A có nhiều tiền mặt, anh B có một dự án bất động sản M có giá trị ước tính khoảng 1000 tỷ đồng. Anh B đã vay ngân hàng rất nhiều trước đây, nhưng lần này ngân hàng không cho anh B vay nữa. Lí do là anh B bị nợ xấu nhiều lần, cộng với dự án M chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý nên ngân hàng không nhận thế chấp để cho vay. Anh B đành tìm đến anh A để “vay nóng” một khoản tiền 300 tỷ với lãi suất 120%/năm, thời gian vay là 1 năm. Lãi suất 120% là vượt quá mức lãi suất tối đa quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015 (qui định tối đa 20%), và vướng vào tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (điều 201 Bộ luật hình sự 2015) do lãi suất vượt mức 100%/năm. Như vậy, thoả thuận về lãi suất giữa A và B là trái quy định của pháp luật. Thế nhưng, anh A phải thu mức đấy thì anh mới cho vay được, vì rủi ro nhiều, và mới đáp ứng được mức lời anh mong muốn. Anh B thì không còn đường nào khác cũng phải chấp nhận vậy. Đến đây xem như hai bên thống nhất với nhau về lãi suất.
Thế nhưng, đưa tiền thì dễ mà đòi tiền thì lại khó. Đồng thời, lãi suất 120% kia lại trái luật. Anh A mới cùng với anh B lập một hợp đồng mua bán bất động sản, trong đó anh B bán cho anh A dự án M với giá 300 tỷ. Với hợp đồng này, anh A yên tâm là anh B không “bỏ chạy” được. Kiểu gì thì anh B cũng phải kiếm tiền trả lại cho anh A cả gốc lẫn lãi để còn lấy lại dự án M vốn có giá trị đến cả 1000 tỷ đồng. Hợp đồng kí công chứng xong, anh A chuyển cho anh B số tiền 300 tỷ. Theo thoả thuận ngầm, khi hết thời hạn hợp đồng 1 năm, anh A sẽ “bán” lại dự án cho anh B với giá 660 tỷ đồng (300 tỷ cộng lãi 360 tỷ đồng).
Đến đây, bạn có thể thắc mắc: Nguy hiểm cho anh B quá. Lỡ đến khi hết thời hạn hợp đồng mà anh A “lật kèo” không “bán” lại dự án M cho anh B thì chết anh B sao? Đúng vậy, nếu như vậy thì quá rủi ro cho anh B. Vì làm ăn lớn, các bên đều có người tư vấn rất kĩ. Thế nên, anh B yêu cầu anh A ghi trong hợp đồng mua bán dự án M một "câu thần chú": “Anh B được quyền mua lại dự án M từ anh A, và khi anh B mua thì anh A buộc phải bán. Giá mua dự án là 660 tỷ. Thời hạn mua không trễ hơn ngày xyz” (Ngày xyz là ngày đáo hạn khoản vay nêu trên hoặc một ngày nào đó hai bên thoả thuận). Với câu trên, anh B yên tâm là có thể lấy lại dự án, miễn là phải có đủ tiền để trả cho anh A không trễ hơn ngày xyz đã nêu.
Như vậy, một thoả thuận mua bán hợp pháp được diễn ra. Một bên bán bất động sản, một bên mua, lập thành hợp đồng công chứng hẳn hoi đúng theo quy định pháp luật. Tiền được chuyển qua ngân hàng, “giấy trắng mực đen” rõ ràng. Thế nhưng, bản chất vấn đề, như bạn thấy đấy, là cho vay nặng lãi, một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Rắc rối xảy ra khi quá ngày xyz nêu trên, anh B đã không thể kiếm đủ tiền để “mua lại” dự án M từ anh A. Và theo hợp đồng mua bán hai bên đã kí, dự án M thuộc về anh A.
Anh B chẳng thể nào làm gì khác hơn được phải không bạn? À không hẳn vậy. Vì anh B thừa biết hợp đồng mua bán bất động sản nêu trên là để che giấu hợp đồng cho vay nặng lãi, một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, nên anh B làm đơn tố cáo anh A cho vay nặng lãi (Chắc bạn còn nhớ, giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực. Và vì vẫn có hiệu lực nên anh A bị xem là cho vay nặng lãi). Không những vậy, giả sử trong hợp đồng không ghi “câu thần chú” bên trên mà chỉ thoả thuận miệng, và đến khi đáo hạn khoản vay, anh A không cho anh B “mua lại” dự án M, thì lúc này, anh B còn tố cáo anh A cả tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Như vậy, việc che đậy những thoả thuận trái luật bằng một thoả thuận hợp pháp chứa đựng nhiều rủi ro. Dĩ nhiên, khi một người dùng cách này thì họ cũng tự đánh giá mức độ rủi ro của việc làm này và khi quyết định làm, họ đã cho rằng rủi ro này là chấp nhận được so với lợi ích của nó mang lại. Thế nhưng, đánh giá của một người và đánh giá của cơ quan thực thi pháp luật có sự khác biệt. Sự khác biệt này có thể đem đến những rắc rối đáng kể về mặt luật pháp mà đôi khi chúng ta không lường hết được. Với sự khác biệt này, mình đã “trào phúng” với tựa đề “Hợp đồng giả cách - Hai mặt đối lập của hai thể không thống nhất” là vậy.
Quảng cáo
*Bài viết được dành cho độc giả là những người không công tác trong các ngành liên quan đến pháp luật. Vì vậy, có nhiều thông tin được giản lược để dễ hiểu hơn. Bài viết cũng đã được điều chỉnh vài số liệu để đảm bảo tính chính xác hơn về mặt học thuật, mặc dù đây không phải một bài nghiên cứu chuyên sâu. Cám ơn sự góp ý của các bạn.
Vận dụng hợp đồng giả cách (phần 2)
Bài này khá dài rồi, nên mình sẽ ngưng tại đây. Mình sẽ viết một bài khác về cách vận dụng hợp đồng giả cách khác vô cùng tinh vi, có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, hứa hẹn hấp dẫn không kém. Các bạn chờ xem nhé.
------------
Ấm trà vẫn còn ấm. Nhấp thêm một ngụm trà, tôi nhận ra rằng, trời đã hoàng hôn rồi. Hoàng hôn đẹp lạ kì, như thể muốn khoe nốt những lấp lánh của nó trước khi nhường bước cho màn đêm. Rồi khi thời gian qua đi, màn đêm kia lại lui về sau để sự rực rỡ của ngày mới lại bắt đầu.