~ Tuesday, February 28th, 2023 ~
Đúng vậy, jailbreak đã thực sự chết từ rất lâu! Thời điểm này, mấy ai còn thiết tha với jailbreak nữa? Các bản cập nhật của Apple hiện đã quá đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng. Giờ hoạ chăng chỉ đám trẻ trâu, dỗi hơi mới mê mẩn thứ này. Trên đây là một số trong vô vàn những nhận định hết sức hùng hồn từ một bộ phận người dùng. Với họ, jailbreak hiện không còn bất cứ ý nghĩa nào nữa, mọi thứ chả còn gì đọng lại ngoài những ký ức của một thời trai trẻ trót nông nổi & bồng bột. Họ quay lưng với thứ từng giải thoát iPhone ngày nào khỏi một hệ điều hành tù túng, ngột ngạt. Thậm chí những người chưa từng một lần jailbreak cũng có cái nhìn lệch lạc, thậm chí dè bỉu với những ai đam mê với thú vui này. Nực cười & khó hiểu ở chỗ: mỗi bận Apple ban phát tính năng nào đó (vốn dĩ đã hiện hữu từ đời tám hoánh trong Cydia) thì nhúm người này lại được dịp rên thầm & mở cờ trong bụng. Họ không ngừng trấn an bản thân & thường xuyên vờ tự nhủ: thời điểm này vẫn có người jailbreak ư? Apple đã phát triển đầy đủ, iOS ngày càng mở, cộng thêm kho ứng dụng thừa mứa, sao phải jailbreak nữa? DỪNG, NGỪNG, ĐỪNG! Ngoan, tao… à không… tôi kể cho nghe!
Không như nhiều AE khác, tôi tiếp cận với khái niệm jailbreak khá trễ do thời điểm 2009 chỉ hứng thú với phím cứng của Nokia & BlackBerry, phần cũng vì khi đó chưa đủ kinh phí để trải nghiệm iPhone. Nhớ không nhầm, lần đầu tôi jailbreak thiết bị của Apple là cuối quý 1/2014 nhưng không phải với iPhone, mà là iPad Mini phiên bản 32GB (White), thị trường LL. Thiết bị này tôi mua với giá 8.8 triệu trong tình trạng fullbox (còn bảo hành gần 10 tháng) qua mục rao vặt của Tinh Tế đợt 23/2/2014 (51 ngày trước thời điểm tách riêng thành Nhật Tảo). Mặc dù đã tham khảo khá nhiều bài chia sẻ trên một số diễn đàn công nghệ về những rủi ro liên quan tới việc jailbreak như: tính bảo mật, sự ổn định, vấn đề hao pin, không hỗ trợ bảo hành… tuy nhiên sự tò mò cao độ cùng ham muốn vọc vạch đã giúp tôi vượt qua mọi rào cản & cảnh báo để một lần được bon chen vô thế giới của các jailbreakers.
Thời còn xài máy tính Windows, Pangu & Yalu là 2 công cụ tôi dùng để jailbreak cho iPad Mini & iPhone 6s. Những dòng lệnh khó hiểu, những thao tác xử lý lạ lẫm cùng thứ giao diện chưa thấy bao giờ… tất cả đã mở ra một mê cung thần bí & đầy lôi cuốn với một kẻ khát khao khám phá như tôi. Thời điểm đó, tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu giữa hàng trăm, hàng ngàn tweaks trên Cydia, mọi thứ trong thoáng chốc bỗng trở nên mông lung hơn bao giờ hết nhưng tôi biết chính xác thứ đầu tiên cần làm sau khi jailbreak là add một số sources, điển hình như: BigBoss, Packix, Cydia, ftiOS, Modmyi, Zodttd, Hackyouriphone… cũng như theo dõi tuần tự trang sớ liệt kê từ A-Z tên & công dụng của từng loại tweaks bên NÀY.
Với mong muốn loại bỏ hoàn toàn sự đơn điệu & tù túng trong trải nghiệm, tôi đã có dịp may mắn biết đến “Springtomize” - một trong những công cụ tuỳ biến giao diện hữu hiệu nhất lúc bấy giờ, thậm chí tới thời điểm này (đầu 2023) vẫn là thứ không thể thiếu trên bất cứ thiết bị iDevices nào từng qua tay tôi (tham khảo chi tiết công dụng của tweak ở phần dưới). Nhờ vậy, tôi có lý do chính đáng hơn để tiếp tục duy trì sự gắn bó với nền tảng iOS gò bó & khô khan, cũng như tích luỹ thêm niềm vui vọc vạch mỗi ngày. Một thứ khác cũng quan trọng không kém trong danh sách buộc phải cài khi ấy của tôi là Appvn - kho ứng dụng với vô vàn phần mềm & game hấp dẫn, thậm chí nhiều thứ không hiện hữu trong App Store của Apple. Sau một thời gian làm quen, tôi nhận thấy jailbreak thực sự mở ra một chân trời mới, phù hợp với những ai khoái hack game, cài IPA (một dạng như APK bên Android), tuỳ biến giao diện, bổ sung thao tác chạm trên màn hình cũng như can thiệp rất sâu vào các file hệ thống - điều mà iOS “kín cửa cao tường” của Apple vốn dĩ chưa thậm chí không bao giờ cho phép.
Thuở ấy, jailbreak gắn liền với khái niệm “untethered” & nếu tôi không nhầm thì toàn bộ các tool được tung ra sau OS10 (Chimera, Electra, Th0r, Checkra1n, Odyssey, Taurine, Unc0ver & gần đây nhất là PaleRa1n, Xina15) đều thuộc diện “tethered” - đồng nghĩa với việc phải tiến hành re-jailbreak nếu trót để máy sập nguồn do kiệt pin hoặc sự cố ngoài ý muốn. Bên cạnh những tiện ích thiết thực & thú vị mà jailbreak mang lại: từ việc cài theme, thay đổi font chữ, màu sắc, thiết kế giao diện HS, LS, CC, NC đến việc tạo hiệu ứng bàn phím, tích hợp thao tác Double-Tab để bật/tắt màn hình, gán âm thanh riêng biệt cho từng ứng dụng, cơ chế bảo mật mỗi khi truy cập app/game… cũng không thể phủ nhận những nhược điểm mà thứ này gây ra, điển hình một số lỗi tôi từng đối diện như: hao pin, treo táo, safe mode, vân vân & mây mây. Hầu hết nguyên nhân đằng sau đều xuất phát từ việc cài một số tweaks không tương thích với bản OS đang dùng, do sự xung đột giữa các tweaks, cũng như do cài thiếu hoặc vô tình xoá nhầm gói hỗ trợ đi kèm. Với những trải nghiệm thực tế của bản thân, tôi đã tổng hợp thành 6 nhóm với một vài minh chứng cụ thể như sau:
1. DÙNG ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG:
- Xài được trên iPad 2018 Gen 6 (OS11.3.1): Horseshoe (BigBoss, OS10), Springtomize 4 (Cydia.vn, OS10), Tweak Count 2 (BigBoss, OS8-9), Wifi Passwords List (OS7-10).
- iPhone Xs Max (OS14.3) vẫn dùng được các tweaks: ColorMyBattery (Havoc, OS11-13), Faces Pro (Havoc, OS7-12), Icon Renamer (BigBoss), NoMoreDisabled (BigBoss, OS10-12), PerfectTimeXS VN (Kênh táo, OS11-13.8), Tweak Count 2 (BigBoss, OS8-9).
2. SAFE MODE:
Quảng cáo
- Đây là trạng thái màn hình xám, dù không chính thức bị mất jailbreak nhưng các tinh chỉnh cũng như các tweaks cài trong máy đều không thể sử dụng, nguyên nhân do tweak mới cài gần nhất xung đột với tweak khác. Cách khắc phục là vô Cydia để gỡ rồi tiến hành respring, máy sẽ trở lại trạng thái jailbreak trước đó. Tôi từng rơi vào tình huống này khá nhiều lần trong quá trình vọc nhưng chỉ nhớ chính xác 3 trường hợp trên Xs Max (OS14.3) là: Copic 2 VN (Kênh táo, OS11-14.8), Iconizer (BigBoss, OS9-12), RingMasker (Packix, iOS12+) & một trường hợp trên iPad 2018 Gen 6 là: Activator (Hoàng Đình Phong, OS10-13.7).
3. MÁY SẬP NGUỒN, AUTO KHỞI ĐỘNG LẠI & MẤT JAILBREAK:
- Trường hợp này gây khó chịu & nhức nhối nhất vì buộc phải re-jailbreak, may mắn thì vài 3 phút xong. Tôi đã trải qua quãng thời gian điêu đứng trên dưới một năm rưỡi khi không thể đưa iPhone X (OS11.4.1) lẫn iPad 2018 Gen 6 (OS11.3.1) về trạng thái jailbreak, cũng như không dò được nguyên nhân & hướng khắc phục cho tới tận đầu tháng 2/2023 mới dám rũ bỏ Electra lẫn Th0r để đến với Unc0ver.
4. CÀI ĐƯỢC NHƯNG KHÔNG XÀI ĐƯỢC:
- Thử nghiệm các tweaks bên dưới với Xs Max (OS14.3) thì vẫn cài bình thường, vẫn hiện trong Settings hoặc dưới dạng icon ở Homescreen & không bị safe mode hay restart nhưng hoàn toàn không dùng được, tiêu biểu như:
- Anemone (BigBoss, OS7-11): nhảy ra cửa sổ yêu cầu cài lại tweak hoặc gói RocketBootStrap nhưng re-install vẫn bị lỗi.
- Iconizer (BigBoss, OS9-12) & PhotoData VN (Kênh táo, OS9-14): nhấn trong Settings xuất hiện cửa sổ báo lỗi hiển thị bundle.
- SimpleLSiOS (BigBoss, OS10-12): tuỳ chỉnh bình thường trong Settings nhưng hoàn toàn không hiển thị các thông tin liên quan tới Date lẫn Time ở Lockscreen.
- Wifi Passwords List (BigBoss, OS7-10): dữ liệu trống trơn, không có bất cứ lịch sử tên Wifi hay Passwords nào được ghi nhận.
5. CÀI ĐƯỢC, XÀI ĐƯỢC NHƯNG KHÔNG DÙNG ĐƯỢC HẾT TÍNH NĂNG:
- NES.emu (Cydia.vn, OS3-8) & Snes9x EX++ (BigBoss, OS5+): dùng bình thường trên iPad 2018 Gen 6 (OS11.3.1), tuy nhiên chỉ hoạt động tốt ở màn hình dọc, khi xoay ngang auto bị lỗi hiển thị. Trong khi đó, cài trên Xs Max (OS14.3) vẫn hiển thị icon giả lập ngoài Homescreen nhưng nhấn vô chỉ thấy một màu đen duy nhất & hoàn toàn không dùng được, thậm chí đã cài thêm gói EmuPatcher để vá lỗi cũng không ăn thua. Ở một động thái khác, tôi cài thử NES.emu qua TrollStore với định dạng IPA thì vô được giao diện chính của giả lập Nes nhưng vô tiếp mục “Load game” thì không thấy đường dẫn Var/Mobile/Media/Downloads - nơi tôi chứa các file ROM.
- Shuffle VN (Kênh táo, OS11-14.8): Xs Max (OS14.3) không bị trục trặc nhưng iPad 2018 Gen 6 (OS11.3.1) bị văng ra ngoài Homescreen mỗi khi vô Settings trong tweak để tuỳ chỉnh.
- SmartTab XS VN (Kênh táo, OS12-14.8): chỉ có thể thao tác Double-Tab vào HS/LS để bật/tắt màn hình, hoàn toàn không thể vuốt từ dưới lên, từ trên xuống hoặc chạm giữ trong 2 giây để bật camera, khởi động app hay hiển thị Control Center & Notification Center.
6. XÀI LÚC ĐƯỢC LÚC KHÔNG:
- Apps Hacks (Cydia Viet Nam, OS11-14.8): công dụng của tweak này là kích hoạt bản quyền các ứng dụng trả phí, ẩn jailbreak & chặn toàn bộ quảng cáo ở hầu hết các ứng dụng lẫn game. Trong 1-2 ngày đầu kể từ lúc cài, tweak chặn quảng cáo trên game & Facebook rất tốt nhưng sau đó mọi thứ trở lại trạng thái như chưa từng cài, riêng tính năng ẩn jailbreak hoàn toàn không có tác dụng: app ACB vẫn hiện ra thông báo không hỗ trợ các thiết bị đã jailbreak.
- SmartTab (BigBoss, OS12-14) & SmartTab XS VN (Kênh táo, OS12-14.8): cứ sau khoảng 2 phút sẽ không thể Double-Tab để đánh thức màn hình cho dù đã thử bật/tắt chế độ “Tab to wake” trong phần Settings của hệ thống.
Quảng cáo
Dễ dàng nhận thấy trong hàng thập niên qua, viễn cảnh mèo vờn chuột không ngừng diễn ra giữa Apple & các jailbreakers. Mỗi khi phiên bản OS nào đó bị jailbreak là y như rằng không lâu sau đó nhà táo vội vã tìm cách vá lỗ hổng & tung ra bản cập nhật mới, để rồi lại tiếp tục bị jailbreak… Vòng luẩn quẩn này có lẽ cũng là một trong những lý do khiến rất nhiều người không muốn update FW, phần vì ngại vấn đề lag giật & chai pin (thậm chí thành cục chặn giấy cao cấp), phần cũng vì muốn giữ jailbreak để tiếp tục trải nghiệm những tinh chỉnh theo ý muốn. Tới thời điểm publish bài viết này, tôi đã có dịp dùng qua 3 chiếc iPhone là: 6s, X, Xs Max (từng chia sẻ đợt 29/1/2023 bên NÀY) cùng 2 thế hệ iPad Mini & iPad 2018 Gen 6 (từng được Tinh Tế gửi tặng đợt 23/4/2018 sau cuộc thi viết bài ở ĐÂY & giãi bày đợt 15/9/2021 bên NÀY) nhưng duy nhất chỉ iPad Mini được jailbreak theo kiểu untethered do OS thấp, các thiết bị còn lại đều ở OS11 hoặc cao hơn nên buộc phải re-jailbreak mỗi khi trót để kiệt pin hoặc sập nguồn. Một số sources tính tới thời điểm này đã vĩnh viễn không sử dụng được nữa (ftiOS, Dev Team), một số khác từ lâu không còn được cập nhật (Cydia.vn, ZodTTD & MacCiti), song song với đó là sự xuất hiện của vô số các nguồn khác (Cydia Viet Nam, Havoc, Kênh táo, Hoàng Đình Phong), trong đó một trường hợp hy hữu rất khó hiểu (Kiiimo) với tình trạng như này: sau khi thêm source & cài bất cứ tweaks nào (từ bất cứ nguồn nào) rồi tiến hành respring thì Kiiimo ngay lập tức biến mất hoàn toàn khỏi Cydia, thành thử nếu cần cài tweak nào từ nguồn này tôi buộc phải re-add & vòng lặp cứ thế tiếp diễn (!?). UPDATE: theo chia sẻ từ một bạn nam giấu tên bên hội jailbreak thì vài năm trước dev bên Kiiimo & u0 mâu thuẫn cá nhân dẫn tới việc repo của Kiiimo bị block qua hosts, đến giờ tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Từng không dưới 42 lần khẳng định iPhone mãi chỉ là máy sơ cua do thiếu vắng bàn phím vật lý, tới tận thời điểm này BlackBerry Key2 (từng chia sẻ ở ĐÂY, ĐÂY & ĐÂY) vẫn là chiếc smartphone đáng xài & hợp với nhu cầu của tôi hơn cả. Trong khoảng một năm rưỡi cất tủ chiếc Key2 (Silver) bị liệt phím (25/6/2021 - 20/11/2022), việc lôi iPhone X (lỗi jailbreak) làm máy chính đã khiến trải nghiệm hàng ngày của tôi trở nên ngột ngạt & bí bách hơn bao giờ hết. Trớ trêu thay, một tháng trở lại đây tôi đã dần mở lòng hơn & tự nguyện dùng Xs Max thay thế Key2, nguồn cơn duy nhất có lẽ không gì khác ngoài việc tìm lại được niềm vui jailbreak sau 18 tháng chết dí với nền tảng iOS mặc định đầy nhạt nhẽo & vô vị. Bất giác nhớ tới đợt 2010 khi còn xài BlackBerry 8700V, tôi đã cười khi ông anh vợ đột ngột đưa ra đề xuất: “Dùng iPhone không, anh mua cho” để rồi 13 năm sau (tức mùng 2 tết Quý Mão vừa qua) cũng chính ông anh vợ này lại sốt sắng: “Hoàng thích iPhone 14 không?” & một lần nữa tôi vẫn chỉ cười mà rằng: “Em dùng Xs Max đủ rồi!”.
Mục đích đến với jailbreak của tôi không phải để hack game theo cách mà bá tánh vẫn hay làm, tuy nhiên có một hệ game mà dư âm của nó đến tận bây giờ (sau hơn 3 thập niên) vẫn khiến tôi dạt dào cảm xúc mỗi khi có dịp nhìn lại: NES. Từng chia sẻ hoài niệm về loại hình game này đợt 21/10/2012 trong một bài viết (ở ĐÂY), tôi đã mừng húm khi cài & xài được trình giả lập NES trên iPad Mini (đầu 2014). Coi, từ âm thanh đến hình ảnh, giao diện lẫn cách thức chơi đều y chang những gì từng diễn ra trong thời ấu thơ thuở nào. Ngặt nỗi với iPad 2018 Gen 6, cả NES.emu lẫn Snes9x EX++ đều không hỗ trợ xoay ngang do tác giả của 2 tweaks từ lâu không còn bận tâm tới việc cập nhật, buồn hơn nữa trên Xs Max không thể truy cập đường dẫn (do không tương thích với OS14.3) để load game mặc dù icon giả lập vẫn hiển thị trên Homescreen. Quá buồn cho một hệ game huyền thoại từng để lại biết bao kỷ niệm với thế hệ 7x, 8x như tôi.
Ngày tôi chính thức gia nhập nhóm “Apple - (Group chia sẻ hiểu biết về IOS)” là đợt 15/1/2018, sau này join thêm 2 nhóm là “Thủ Thuật Cydia và Jailbreak” đợt 4/4/2019 (gần đây đã đổi thành HỘI JAILBREAK LỚN NHẤT VIỆT NAM ©️️️️️️️️️️ 2022 - 2050) & "Thủ Thuật Jailbreak Support" đợt 5/2/2023 chỉ với mục đích nắm bắt thông tin & tích luỹ thêm các thủ thuật hữu ích. Qua đây, tôi được dịp tiếp cận nhiều tweaks hay, nhiều sources mới & cũng không ít lần cả 3 thiết bị của tôi (iPhone X, Xs Max lẫn iPad 2018 Gen 6) rơi vào trạng thái mất jailbreak do cài cắm quá nhiều thứ trong quá trình vọc. Dưới đây là 5 trong nhiều kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.
- Lần đầu (3/10/2020) qua shop “Nét đẹp Tinh Tế” (cơ sở Chùa Láng) để trang bị miếng dán chống vân tay thì iPad 2018 Gen 6 của tôi bị chủ shop tắt nguồn trong quá trình tác nghiệp.
- Lần 2 (19/10/2020), chiếc iPhone X bị sập nguồn do tôi sơ ý để kiệt pin trong lúc mải test cục RavPower RP-PB201 (từng chia sẻ ở ĐÂY).
- Đợt 15/2/2022, chiếc iPad 2018 Gen 6 đột nhiên bị restart, khoảng thời gian gần một năm sau đó tôi phải xài giao diện mặc định & mất toàn bộ tinh chỉnh, đây thật sự là một trải nghiệm rất tệ. Ba phen bốn bận thử re-jailbreak bằng Electra & Th0r mà không được, tôi tính cho em nó lên đỉnh bằng việc update phiên bản mới nhất nhưng chần chừ thế nào đến đợt 1/2/2023 sau rất nhiều lần “cố đấm ăn xôi” lại thành công với Unc0ver.
- Lần thứ 4 chính là trường hợp chiếc Xs Max tôi hiện đang xài. Thời gian đầu, từng không dưới chục lần tôi dùng 3uTools trên máy tính Windows để cài Unc0ver nhưng cứ được 70% là y như rằng xuất hiện thông báo failed. Có người khuyên nên chuyển sang Taurine nhưng tôi phớt lờ do đã quá quen với giao diện của Cydia, hơn nữa kho tweaks bên này phong phú hơn rất nhiều so với Sileo & Zebra. Đợt vừa rồi (4/2/2023) tôi đã chính thức jailbreak thành công với việc tải file IPA ở ĐÂY, chiếc máy này sau đó cũng vài lần bị restart trong quá trình cài cắm nhưng dễ dàng khôi phục trạng thái jailbreak chỉ sau 1-2 phút. Tuy nhiên, có lần tôi loay hoay tới lui mà không thể xử lý, điển hình đợt 10/2 trong lúc vọc theme với Snowboard thì Xs Max bị xung đột. Cài xong Unc0ver qua Safari & tiến hành jailbreak thì liên tục báo lỗi: “An internet connection is required to verify trust of the developer - iPhone Distribution: Capinfo Comany Limited. This app will not be available until verified” dù trước đó đã nhấn Trust trong mục Device Management cũng như vạch sóng Wifi vẫn căng phồng, có vẻ như chứng chỉ của tool đã bị thu hồi (!?). Tiếp đến, tôi thử tải file IPA rồi mở bằng TrollStore thì vô được Unc0ver, nhưng lại xuất hiện quảng cáo ứng dụng Unveil. Dù tôi bỏ qua hay nhấn vô thì Unc0ver luôn hiện ra thông báo: “An error ocurred while disbabling codesigning”, rốt cục tôi cũng đã re-jailbreak thành công cho Xs Max với tool bên NÀY.
- Thêm một lần gần đây nhất (đợt 20/2/2023) cũng với chiếc Xs Max này, sau khi remove một tweak có tên "Apps Hacks" từ nguồn Cydia Viet Nam & resrping thì máy không lên táo, không vào được giao diện Homescreen mà chỉ hiện ánh sáng lờ mờ. Tôi tiến hành tắt máy, khởi động lại & re-jailbreak với sự hỗ trợ của gói u0Launcher (theo chia sẻ của bá tánh) do trước đó cài Unc0ver qua TrollStore liên tục bị lỗi ở công đoạn 18/32 với thông báo: "An error occurred while disabling codesigning". Lúc này tôi đã có thể truy cập Cydia, trên màn hình của Unc0ver cũng hiện ra dòng chữ "Jailbroken" nhưng giao diện ở Homescreen vẫn ở chế độ mặc định, toàn bộ các tweaks trong Settings cũng không thấy đâu, hoàn toàn không có bất cứ tinh chỉnh nào trước đây. Trước lúc nhấn u0Launcher, tôi bỏ tích ở dòng "Load tweaks", sau khi jailbreak tôi kích hoạt lại mục này, cũng như đã thử refresh Cydia, cài lại gói Applist & tiến hành respring nhưng tình trạng vẫn y chang. Hỏi tứ tung trên một số nhóm hội nhưng bất thành, tôi thử xoá 1-2 tweaks mới cài gần nhất rồi respring, sau đó re-jailbreak lần nữa bằng u0Laucher nhưng lần này tích vào dòng "Load tweaks" chứ không tắt như khuyến cáo của bá tánh, ai dè thành công cái rụp.
Với một vài trục trặc xương máu như vừa chia sẻ, lắm lúc tôi thấy chột dạ khôn cùng, cái cảm giác mất jailbreak thật sự thốn & gây hiệu ứng ám ảnh rất lớn tới trải nghiệm cá nhân nhưng cũng nhờ vậy jailbreak đã đem đến cho tôi những cung bậc cảm xúc đầy thăng trầm: từ hy vọng, kỳ vọng đến thất vọng & tuyệt vọng... Có những lúc tưởng chừng buông xuôi, phải cho em nó lên đỉnh vì không thể khắc phục, để rồi ánh sáng le lói cuối đường hầm ngay ở những phút giây chán chường, ẩm ương nhất đã khiến tôi như tìm lại được niềm đam mê cháy bỏng của đời mình. Có lẽ từ rày tôi sẽ hạn chế cài cắm các tweaks không thực sự cần nhưng thiết nghĩ với cá tính ưa vọc cố hữu hẳn sẽ còn nhiều dịp khiến tôi khó kìm lòng trước những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ & đầy cám dỗ.
Dưới đây là danh sách hơn nửa trăm tweaks tinh tuý nhất (xếp theo vần chữ cái, phần lớn cài từ nguồn Kênh táo) mà tôi đã cất công chắt lọc & đang trực tiếp trải nghiệm trên Xs Max, một số khác do cùng công dụng nên không tiện liệt kê vô. Lắm lúc tôi tự hỏi: liệu đến thế hệ iPhone thứ bao nhiêu thì Apple mới tích hợp phân nửa những tính năng tương tự cho người dùng? 10-20 hay 50 năm nữa? Cũng có thể là chả bao giờ, chính vì thế jailbreak luôn là điều mà tôi cũng như vô vàn những AE khác luôn hướng tới. Sau tất cả những gì đã chia sẻ, nếu kẻ ngoại đạo nào đó vẫn ráng cất lên bài ca cửa miệng kiểu: “Đéo hiểu thời này còn jailbreak để làm gì?”, chắc tôi chỉ còn nước ậm ừ & đằng hắng cho qua chuyện: “Kệ mợ tụi bay, tau méo quan tâm!”.
1. AudioRecorder XS (Nguồn: Limeneos, hỗ trợ OS12-14): ghi âm cuộc gọi cả 2 chiều. Đây chính xác là thứ mà xưa nay rất rất nhiều người khao khát nhưng liên quan tới quyền riêng tư nên Apple đã không tích hợp. Tweak tự động ghi âm 2 chiều các cuộc gọi truyền thống cũng như các ứng dụng hỗ trợ video call (Zalo, Discord, Zoom, Messenger, Facetime) mà không cần bất cứ thao tác thủ công nào. File được lưu với định dạng .m4a, trung bình 1 phút cỡ 390KB, vị chi 1 tiếng đồng hồ chỉ nặng vỏn vẹn… 22MB (ngang với dung lượng của một tấm ảnh raw). File sau khi ghi âm có thể nghe lại bất cứ lúc nào & dễ dàng chia sẻ qua Airdrop, Mail, Notes, Messages cùng các ứng dụng phổ biến, thậm chí có thể lưu trực tiếp trong mục quản lý Files mặc định của hệ thống, auto-backup lên dữ liệu đám mây (G.Drive & Dropbox). Thêm một điểm thú vị nữa: tweak có cơ chế bảo mật bằng Face ID trong trường hợp không muốn người khác truy cập & nghe trộm. Một tweak quá tuyệt vời mà chưa bao giờ những người theo hệ non-jailbreak có dịp trải nghiệm & tận hưởng.
2. Barrel VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS3.1-14.8): cho phép thay đổi hiệu ứng gạt trái/phải với 30 hình thức tinh chỉnh khác nhau.
3. BioProtect X (Nguồn: BigBoss, hỗ trợ OS12-15): thiết lập bảo mật cho mọi app/game, NC, CC, Settings, Folder… túm lại là bảo mật tất tần tật các hạng mục lớn nhỏ khác nhau thông qua cơ chế Passcode, Touch ID & Face ID. Hình dung sau khi được kích hoạt, một cửa sổ yêu cầu nhập mật khẩu hoặc nhận diện bằng vân tay/khuôn mặt sẽ luôn hiện ra mỗi khi nhấn vào ứng dụng trên màn hình. Ưu điểm: không hạn chế số lần nhập sai, chỉ khi nhập đúng mới truy cập được vào ứng dụng. Không những vậy, BioProtect X còn hỗ trợ ghi nhớ Wifi quen thuộc giúp người dùng thoải mái truy cập app/game mà không bị yêu cầu nhập pass. Tweak này tôi mua với giá 71k đợt 29/3/2019 khi còn xài iPhone X, thật tuyệt giờ vẫn có thể restore purchase & xài bình thường trên Xs Max mà không phải mua lại lần 2, khả năng cao thông tin thanh toán được quản lý theo tài khoản iCloud.
4. BootSound (Cydia Viet Nam, hỗ trợ OS14-14.8): tuỳ chọn âm thanh khởi động máy. Đây là tính năng tôi mong đợi từ bấy lâu nay nhưng mãi tới 18/2/2023 mới biết đến. Tweak cho phép tuỳ chọn bất cứ âm thanh nào mà người dùng mong muốn, mọi thứ chỉ đơn giản với thao tác copy file âm thanh vô đường dẫn: Library/BootSound, sau đó xoá file mặc định của tweak. Hiện tôi chọn âm thanh khởi động Windows XP quen thuộc như vẫn đang xài trên BlackBerry Key2 miết bấy lâu nay.
5. CallBar X (Nguồn: Kiiimo): thu gọn giao diện cuộc gọi, hỗ trợ 3 thao tác kích hoạt nhanh bằng cách trượt trái/phải ở Status Bar hoặc nhấn Double-Tab ở khu vực này. Tôi biết đến CallBar X đợt 3/3/2020 qua nguồn Kiiimo nhưng giờ chuyển qua xài bản của Kênh táo (hỗ trợ OS12-14.8).
6. CamScanner v5.26.0 (cài qua TrollStore với định dạng IPA): đây là ứng dụng rất hữu ích & hoàn toàn miễn phí với công dụng chụp ảnh & scan tài liệu. Sau khi chụp xong, phần mềm sẽ tự động căn chỉnh & làm sáng bức ảnh, tạo cảm giác như được scan bởi thiết bị chuyên dụng. Tôi biết đến app này đợt 20/1/2023, lúc đó Xs Max vẫn chưa jailbreak.
7. ColorBadges VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS10-14.8): đổi màu hiển thị số lượng thông báo theo đúng màu của ứng dụng. Chi tiết hơn như sau: Settings (trắng ngà), Shopee (cam), Messenger (tím), Youtube & Viettel Post (đỏ), Facebook, Tinh Tế, Zalo, App Store, Discord (xanh nước biển)… Ngoài ra, tweak còn hỗ trợ bo viền xung quanh Noti, tạo một phong cách rất riêng, khác hoàn toàn với biểu tượng màu đỏ cứng nhắc mà Apple thiết kế.
8. ColorBanners 3 VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): thay đổi màu sắc thông báo ở Banner, Locksreen cũng như NC & đặc biệt đồng bộ với màu sắc của từng ứng dụng. Đây cũng là một tweak khá hay mà tôi phát hiện hôm 3/2/2023, giúp giao diện NC trở nên sinh động & đỡ nhàm chán.
9. ColorMyBattery (Packix, hỗ trợ OS11-13): thay đổi màu theo tỷ lệ % pin. Biết đến tweak từ đợt 26/3/2019 nhưng đến giờ tôi vẫn giữ nguyên tinh chỉnh màu sắc như này suốt bao năm qua: 0-30% (đỏ), 31-70% (vàng), 71-100% (xanh lá cây).
10. Crane VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS11-16.2): cho phép sử dụng đồng thời nhiều tài khoản trên mạng xã hội. Trước khi jailbreak cho Xs Max, tôi cài IPA qua TrollStore & hiện cũng đang dùng tính năng Dual-app trên Facebook, Messenger & Youtube. Hình thức này nhân bản thêm một icon ngoài Homescreen nhưng khá bất tiện: không hỗ trợ push Noti, thành thử muốn cập nhật thông báo mới buộc phải truy cập ứng dụng. Tuy nhiên với Crane thì cả 2 điều bất cập nói trên đều không xảy ra, tweak cho phép add các containers trong mục Settings, khi cần chuyển đổi account chỉ cần nhấn & giữ ứng dụng rồi lựa tài khoản cần truy cập (như kiểu nhấn chuột phải trên máy tính để tuỳ chọn tính năng). Đây là cách tinh chỉnh khá độc đáo mà tôi biết đến trong đợt 2/2/2023 nhân một buổi tối giữa tuần nằm vọc trước lúc đi kềnh.
11. Cydown Việt Nam (Nguồn: Hoàng Đình Phong, hỗ trợ OS6+): hỗ trợ tải các tweaks trả phí trên Cydia. Ngoài ra bên trong Cydown còn tích hợp rất nhiều tính năng khác: chặn quảng cáo, hiển thị số lượng packages, tự lưu file Deb sau khi cài, rung khi kết thúc tiến trình cài đặt hoặc gỡ bỏ tweak, bổ sung nút Cancel trong mục Search, bỏ qua cảnh báo nguồn, ẩn cảnh báo lỗi làm mới & nhiều thứ khác nữa…
12. DLeasy (Nguồn: BigBoss): hỗ trợ tải clip trên các mạng xã hội như: Facebook, Messenger, Youtube với thao tác nhấn giữ & save. Toàn bộ các clip sẽ tự động được lưu trong mục Photos nên rất tiện quan sát. Tôi biết đến tweak này đợt 15/4/2019 nhân dịp vọc iPhone X nhưng giờ không thấy trong nguồn BigBoss nữa, hiện đang xài tạm bản của Kênh táo (hỗ trợ OS10-14.8).
13. DownloadBar14 VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS12-14.8.1): hiển thị thông số % tiến trình tải ứng dụng ngay trên icon của Homescreen trước khi hoàn thành. Một tiện ích nhỏ nhưng khá thú vị mà tôi vô tình biết đến trong đợt 3/2/2023.
14. Eclipse Dark Mode Colors (iOS 13+) (Nguồn: Packix, hỗ trợ OS13-14): tạo backround tối màu cho các ứng dụng. Mặc dù Xs Max (OS14.3) đã hỗ trợ Dark Mode trên toàn hệ thống, tuy nhiên tôi vẫn phải cài vì một số ứng dụng cứng đầu buộc phải nhờ đến sự can thiệp của tweak này mới đổi được sang nền tối, điển hình như: Cydia, Grab, Tìmbuýt, Viettel Post, Google Keep… Từng có lần hy hữu (1/2/2023) tôi vô mục tuỳ chỉnh trong tweak & không thấy hiển thị danh sách app nên đã refresh kho Cydia cũng như cài lại gói “Applist” theo hướng dẫn của admin “Thế Tiger” bên hội jailbreak thì mọi thứ đã xuôi chèo mát mái trở lại.
15. Edge VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS11-14.8): tạo viền nhiều màu sắc bao quanh màn hình, giúp giao diện iPhone lung linh & huyền ảo hơn. Tôi từng cài cho Xs Max đợt 3/2/2023 nhưng sau vài ngày đã remove do không còn hứng thú nữa.
16. ExactTime (Nguồn: Havoc, hỗ trợ OS10-15.7.1): hiển thị chính xác khung thời gian mỗi khi có thông báo ở các mục: Phone log, Mail, Messages & Notification Center thay vì áng chừng số phút một cách chung chung.
17. Facebook No Ads (Nguồn: Haoict, hỗ trợ OS12-14): chặn quảng cáo trên Facebook cả 2 mặt trận: Sponsor lẫn Suggestion. Đây là 2 thứ quảng cáo gây sự khó chịu rất lớn với tôi mỗi khi lướt Newsfeed, tuy nhiên sau đợt cài tweak này (23/2/2023) tôi đã giải quyết triệt để vấn nạn quảng cáo vô tội vạ. Không những vậy, tweak còn hỗ trợ tải video (kể cả clip trong nhóm kín lẫn Stories), ngăn bạn bè phát hiện khi xem Stories, ẩn Stories, thậm chí chặn luôn cả tính năng tạo status nếu muốn.
18. Faces Pro (Nguồn: Packix, hỗ trợ OS7-12.1.2): chèn ảnh theo ý muốn vào nút nhập passcode ở Lockscreen. Tweak này tôi biết từ đợt 27/3/2019 & sử dụng thường xuyên trên iPhone X, mặc dù OS14.3 trên Xs Max không nằm trong danh sách được support nhưng cài & xài vẫn ổn. Bình thường tôi quen dùng passcode dạng hỗn hợp cả chữ lẫn số nhưng do kích thích với tweak này nên đã chuyển qua dạng numeric với hình ảnh quốc kỳ của các nước theo thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới như sau: Comoros - Luxembourg - Iran - Seychelles - US - Sweden - Bolivia - Nordic - Eritrea cùng một tấm ảnh avatar bất hủ chụp đợt 14/10/2006 bởi 1 trong 2 chiếc điện thoại di động đầu đời của tôi: Nec e228 (từng chia sẻ đợt 28/10/2021 ở ĐÂY).
19. Filza file manager (Nguồn: BigBoss, hỗ trợ OS7-14): trình quản lý file chuyên dụng. Tôi chính thức sử dụng tweak này thay cho iFile từ đợt 27/2/2020 trên iPhone X nhưng từ khi chuyển qua Xs Max không hiểu sao lại chuyển qua cài từ nguồn Kênh táo cùng loạt tweaks khác. Những ai chơi theme chắc đều hiểu rõ tầm quan trọng của Filza, thi thoảng tôi cũng dùng để copy paste một số file âm thanh với định dạng .mp3 nhằm thay đổi âm thanh thông báo cho từng ứng dụng yêu thích.
20. HapticKeys VN (Kênh táo, hỗ trợ OS11-14.8): tạo độ rung phản hồi khi gõ & khi nhấn app ở HS. Mặc dù ProKeys VN cũng có tính năng tương tự nhưng tôi vẫn cài song song để tăng độ rung phản hồi với lực mạnh hơn, cho cảm giác gõ thật tay hơn khi thao tác trên phím ảo.
21. Icon Renamer (Nguồn: Kiiimo, hỗ trợ OS11): đổi tên ứng dụng. Nhiều khi tên ứng dụng hơi dài hoặc không ưng ý, tôi dùng tweak này để thu gọn & rename theo cách riêng của mình. Cách thức khá đơn giản: nhấn & giữ app cần đổi tên, sau đó nhấn đúp để tiến hành rename. Từ khi biết đến sự tồn tại của Icon Renamer (đợt 11/4/2019) thì em nó luôn nằm trong danh sách các tweaks buộc phải cài trên iPad Mini, iPad 2018 Gen 6, iPhone 6s, iPhone X, iPhone Xs Max… kỳ diệu ở chỗ mặc dù chỉ tương thích với OS11 như phần mô tả bên Kiiimo nhưng OS14.3 vẫn cài & xài được.
22. iCTMiZ XiV VN (Kênh táo, hỗ trợ OS14-14.8): tuỳ chỉnh cấu hình với gần 300 hạng mục lớn nhỏ khác nhau. Đây chính xác là tweak ALL in ONE tôi ưng bụng nhất trong toàn bộ những gì từng cài từ trước tới nay. Với thứ này, tôi dễ dàng can thiệp vào Homescreen, Lockscreen, Control Center, Dock, Icons, Folders, Settings, Status Bar, Multitasking, Phone, Messages, Camera, Photos, Apps, thậm chí cả trong Safari, Youtube, Screenshot. Một vài tính năng hữu hiệu có thể kể đến như: ẩn bất cứ thứ gì trên Status Bar, loại bỏ hoàn toàn background của thanh Dock cũng như cho phép tuỳ chỉnh độ rộng của app trên Dock, ẩn App Library, gán thao tác gạt từ dưới lên ở HS để tắt màn hình, bảo mật ứng dụng bằng Touch ID hoặc Face ID, hiển thị % download, thay đổi khoảng cách giữa các app trong CC, đổi màu các biểu tượng Wifi, Batttery, Signal, hiển thị % pin với các thiết bị có tai thỏ, thay đổi tên nhà mạng, bỏ qua chế độ xem trước mỗi khi chụp screenshot, tích hợp thời gian chi tiết từng cuộc gọi trong mục Phone, tuỳ chọn màu sắc cho các mục Missed Calls, Incoming Calls, Outcoming Calls, hiển thị chi tiết thông tin ảnh chụp trong mục Photos như: kích cỡ, độ phân giải, thời gian… xoá ảnh vĩnh viễn chỉ với một thao tác mà không hiện ra cửa sổ confirm, zoom ảnh vô tận, thậm chí ẩn toàn bộ những tấm hình nếu không muốn người khác tọc mạch. Thật sự nhiêu đây chỉ là một phần nhỏ trong danh sách các tính năng mà iCTMiZ được tích hợp, vẫn còn vô vàn những tuỳ chỉnh khác mà tôi không tiện liệt kê hết ở đây. Không hiểu sao mãi tới đợt 16/2/2023 vừa qua, tôi mới biết đến sự tồn tại của tweak này, giá như em nó hỗ trợ cho cả OS11 thì chắc mẩm tôi sẽ cài trên iPad 2018 Gen 6. Tuyệt vời hơn cả là tweak hoàn toàn miễn phí, dùng full mọi tính năng được tích hợp bên trong. Ngàn lần đội ơn tác giả iKarwan! Best tweak ever.
23. iPadSwitcher VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS12-14.8.1): quản lý đa nhiệm như trên iPad. Giao diện hết sức trực quan (tối đa 6 ứng dụng), ngoài ra tweak còn cho phép tuỳ biến khoảng cách (cả chiều rộng lẫn chiều cao) giữa các app trong trình đa nhiệm.
24. KillBackground13 (13-14) VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): xoá toàn bộ các app chạy ngầm chỉ với một thao tác swipe down khi đang ở chế độ đa nhiệm. Hơn thế nữa, người dùng cũng có thể lọc ra một whitelist tuỳ chọn gồm những ứng dụng không muốn tắt. Tôi hiện bổ sung 12 app vô danh sách này, cụ thể gồm: Cydia, Discord, Facebook, Google Keep, Mail, Messenger, Music, Photos, Safari, Tinh Tế, Youtube & Zalo vì không muốn mất công re-open những thứ thường xuyên sử dụng hàng ngày. Riêng với OS11.3.1 trên iPad 2018 Gen 6, tôi dùng bản KillBackgroundXS VN (cũng nguồn Kênh táo) thì thấy xuất hiện thêm tuỳ chọn biểu tượng đầu lâu ở sát mép 2 bên trái, phải của thanh Dock & tất nhiên vẫn tích hợp tính năng whitelist như vừa chia sẻ ở trên.
25. Magma (Nguồn: Kiimo, hỗ trợ OS11-12): tinh chỉnh màu sắc cho Control Center. Vốn dị ứng với màu đơn sắc mặc định, Magma là công cụ hết sức hữu ích, giúp giao diện CC trên Xs Max trở nên có hồn hơn. Nhẽ ra tôi vẫn cài ở nguồn này nhưng do tweak chưa hỗ trợ OS14, thử cài thì bị Safe mode nên đợt 3/2/2023 buộc phải chuyển qua Magma Evo VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS12-14.8).
26. Malipo (Nguồn: Packix, hỗ trợ OS10-14.3): phát âm thanh khi cắm sạc, tôi đặc biệt khoái tweak này do có thể tuỳ chọn sound theo ý riêng bằng cách copy paste file âm thanh theo đường dẫn: “Library/Application Support/Malipo/CustomSounds”. Vốn hay hoài niệm nên tôi chọn âm báo Online (thời Yahoo Messenger) để gán cho thao tác cắm sạc.
27. Messenger No Ads (Nguồn: haoict, hỗ trợ OS12-14): chặn quảng cáo trên Messenger, thêm một số tính năng khác như: ẩn trạng thái đang gõ, ngăn bạn bè phát hiện khi xem Stories, ẩn mục Stories & People, ẩn gợi ý danh bạ trong mục Search, thậm chí ẩn luôn cả mục Search.
28. MovieBoxPro (TrollStore): một ứng dụng để xem phim trực tuyến với rất nhiều chủng loại từ một số channel nổi tiếng như: HBO, Starz, Disney, Hulu, Netflix, Apple TV+… Ngoài việc hỗ trợ subviet thì app cũng cho phép người dùng điều chỉnh nhiều tốc độ phát nhanh/chậm khác nhau, cũng như dễ dàng thay đổi font, màu, size của phụ đề & share lên màn hình lớn. Sau 7 ngày dùng thử miễn phí, người dùng có thể mua gói VIP (với tư cách cá nhân) để xem phim với độ phân giải HD (720p) hoặc Full HD (1080p) với 3 tuỳ chọn: gói 1 tháng ($3.99/tháng), gói 6 tháng ($2.99/tháng), gói 12 tháng ($1.99/tháng) hoặc mua dưới diện Family (tối đa 5 thành viên, chia sẻ trên 4 màn hình) với giá tương ứng: gói 1 tháng ($5.99/tháng), gói 6 tháng ($4.99/tháng), gói 12 tháng ($2.99/tháng). Trường hợp nếu không tham gia gói VIP vẫn có thể xem phim bình thường nhưng độ phân giải chỉ là SD (360p). App này tôi phát hiện đợt 20/1/2023 - cùng thời điểm biết đến ứng dụng CamScanner v5.26.0 & cài qua TrollStore như đã chia sẻ ở phía trên.
29. Muffin (Nguồn: Cydia Viet Nam, hỗ trợ OS8-14): gói hỗ trợ cài icons, badges, masks & dock thông qua Snowboard. Hiện tôi khá ưng gói này, giao diện ngoài Homescreen của Xs Max được bo tròn nhẹ nhàng & đổ bóng ngay sát mép dưới của icon, tạo sự huyền ảo & kích thích, khác hẳn với giao diện mặc định chán ngấy của Apple.
30. NicebarX (Nguồn: NiceiOS, hỗ trợ OS11-15): tuỳ biến Status Bar cho các thiết bị có thiết kế Notch. Quá ấn tượng với những gì tweak này hỗ trợ, tôi đã mua bản quyền cho iPhone X (OS11.4.1) đợt 18/2/2020 bằng Paypal với giá $5 sau vài ngày dùng thử. Đợt 4/2/2023, tôi tiếp tục mua bản quyền cho OS14.3 do khi ấy đã chuyển qua xài Xs Max với mức giá tương tự. Tweak này theo tôi thấy xuất xứ từ Trung Quốc nhưng rất được các jailbreakers tin dùng do tích hợp khả năng tuỳ biến sâu rộng về giao diện thông qua việc thay đổi màu sắc, vị trí, kích cỡ của các biểu tượng Weather, Time, Battery, Carrier, Signal, Net Speed… Ngoài ra, bên trong NicebarX chứa khá nhiều công dụng nhỏ lẻ khác mà tôi tin rằng bất cứ ai khoái vọc cũng đều hứng thú, điển hình như: gán thao tác Double-Tab để bật/tắt màn hình, hiển thị tên các ứng dụng trên thanh Dock, tắt nhanh toàn bộ hoặc tuỳ chọn các app đang mở, auto khôi phục trạng thái layout khi bị restart hoặc safe mode ngoài ý muốn, xoá ảnh triệt để mà không lưu vào thùng rác (tương tự thác tác Shift + Delete trên máy tính Windows), ẩn LS CC Home Bar, chặn Today View cũng như App Library, hiển thị các ứng dụng mới mở gần đây nhất trên Dock (tương tự iPad & Macbook), tuỳ chỉnh số lượng app trên Dock (tối đa 12 ứng dụng), gán nút Volume Up/Down cho các thao tác hoặc các ứng dụng hay dùng, đại khái như: quay số nhanh, quay màn hình, khởi động lại máy, kích hoạt chế độ Airplane, chống làm phiền… Với quá trời tiện ích như này thì NicebarX là 1 trong 3 tweaks không thể thiếu trên Xs Max của tôi (bên cạnh Springtomize & iCTMiZ).
31. No2Theft4 VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS12-14.8): phát âm thanh cảnh báo & auto chụp ảnh khi có người rút sạc hoặc nhập sai passcode (có thể tuỳ ý gán số lần nhập sai cũng như thời gian đếm ngược), tự động gửi SMS hoặc mail về số điện thoại đã chọn, thậm chí ngăn kẻ xấu tắt thiết bị. Cơ chế bảo mật quá tuyệt vời với một tweak hoàn toàn free mà tôi biết trong đợt 6/2/2023 vừa qua.
32. NoMoreDisabled (Nguồn: BigBoss, hỗ trợ OS10-12): ngăn việc vô hiệu hoá thiết bị sau nhiều lần gõ sai passcode màn hình, mặc dù không hỗ trợ OS14.3 nhưng trên Xs Max vẫn xài tẹt.
33. NoPassAfterRespring (Safe) VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS11-14.8.1): bỏ qua việc nhập passcode màn hình sau mỗi lần respring. Mặc định sau khi cài các tweaks sẽ bị yêu cầu respring để tính năng của tweak chính thức có hiệu lực, đây cũng là lúc mà người dùng phải nhập lại passcode hoặc nhận diện qua Touch ID, Face ID nhưng với sự hỗ trợ của tweak này thì máy sẽ vô thẳng giao diện Homescreen mà không phải làm thao tác trên.
34. NotifierDots VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS11-14.8): hiển thị icon dạng tí hon trên màn hình cùng số lượng thông báo mới của ứng dụng. Thường bá tánh hay đặt ngay phía dưới tai thỏ để trang trí, tôi cũng từng hứng thú cho tới khi khám phá ra tính năng tương tự tích hợp sẵn trong NicebarX. Điểm bất tiện của NotifierDots: không hỗ trợ ẩn trong app cũng như khu vực Lockscreen, thành thử các biểu tượng icon thường xuyên xuất hiện dù ở bất cứ khu vực nào, thậm chí đè lên các thông tin khác. Chưa kể bên NicebarX còn cho phép ẩn icon nếu không có thông báo, tuỳ chọn đặt theo chiều dọc hoặc ngang, cũng như thay đổi vị trí của badge xung quanh icon. Với những khả năng tuỳ biến ưu việt như này, tôi đã chính thức ngừng sử dụng NotifierDots mặc dù chưa remove khỏi máy tính từ thời điểm lần đầu cài cắm (6/2/2023).
35. NotiSound VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): tuỳ chỉnh âm báo cho từng ứng dụng. Đơn giản, dễ hiểu & hết sức tuyệt vời, thao tác cần làm chỉ đơn thuần là copy file âm thanh mong muốn vô đường dẫn: Library/Application Support/NotiSound, sau đó tiến hành custom âm thanh cho các ứng dụng. Tôi hiện đang gán một số âm thanh thời Yahoo Messenger như tiếng Buzz, Message’s coming… thay cho các âm báo mặc định của Facebook, Messenger, Zalo, Tinh Tế & Youtube, riêng Discord vẫn giữ nguyên do âm báo của app này quá đặc trưng, không đụng với các app khác.
36. PerfectCalc VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): hiển thị chi tiết các phép tính trên ứng dụng Calculator, tuy nhiên khi xoay ngang với giao diện máy tính khoa học thì bị lỗi hiển thị, hy vọng tác giả của tweak sớm nhận ra & khắc phục nhược điểm này.
37. Printemps (Nguồn: Havoc, hỗ trợ OS 14.2-15.3.1): thu gọn trình phát nhạc ở Locksreen. Tính năng khá đơn giản nhưng vẫn khiến tôi hứng thú, màn hình khoá sẽ gọn gàng hơn thay vì một trình phát nhạc bự chảng hiện chình ình bên ngoài LS.
38. ProKeys VN (Safe) VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): tạo hiệu ứng màu sắc cũng như cảm ứng lực cho phím ảo. Vốn dĩ từ lâu tôi đã chúa ghét cảm giác xài phím ảo trên màn hình của toàn bộ các dòng smartphone cảm ứng thuần (gồm cả iPhone), thế nên việc tích hợp lực phản hồi với phong cách blue switch cùng nhiều mức độ tuỳ chọn đã ít nhiều khiến tôi hưng phấn hơn mỗi khi gõ, riêng phần tuỳ biến màu sắc tôi không ưng cho lắm do không hỗ trợ gam màu yêu thích: rainbow.
39. RespringModule (Nguồn: Kiiimo, hỗ trợ OS11-14): thêm biểu tượng Respring vào khu vực CC. Thứ này thật sự hữu ích với tôi, thay vì phải truy cập vào Settings hoặc sâu bên trong các tweaks thì hoàn toàn có thể thao tác ngay ở CC dù đang ở bất cứ cửa sổ ứng dụng nào. Sau khi cài xong, buộc phải vào Settings/Control Center & add để lôi biểu tượng Respring ra. Xong là xong.
40. SafariBlocker (Nguồn: Packix): chặn quảng cáo trên Safari. Một số trang web thường xuyên nhảy ra tab quảng cáo mỗi khi có thao tác trên màn hình (điển hình: javhd), sau khi cài tweak này thì toàn bộ các quảng cáo đều bị chặn cho im ru, không dám ngoi lên dù chỉ một lần. Tiếc là tới giờ tôi vẫn chưa tìm được tweak nào khả dĩ có thể chặn quảng cáo đồng thời ở cả 3 mặt trận: Facebook, Messenger & Safari nên mỗi app phải xài một tweak riêng biệt.
41. ScreenshotX VN (TrollStore): chèn ảnh vào Mockup. Phàm những ai yêu thích jailbreak chắc đều sử dụng app này, tôi rất hay chụp screenshot để minh hoạ & chia sẻ lên mạng xã hội. Việc sử dụng mockup sẽ mang đến một phong cách độc đáo & rất riêng, nhẽ ra tôi cài trên Cydia như thường lệ nhưng tại thời điểm đó Xs Max vẫn chưa jailbreak được nên buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của TrollStore. Thật vy diệu khi hình thức này lại giúp tôi chèn thêm một số mockup khác lạ mắt, trong khi nguồn Kênh táo chỉ dùng được những khung có sẵn.
42. Shadow (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS8-14.8): chặn phát hiện jailbreak, đặc biệt là các app ngân hàng. Hiện tôi chỉ dùng ACB trên Xs Max, sau khi test thử tôi có thể truy cập ACB hoàn toàn bình thường, thay vì hiển thị thông báo: “Jailbroken or rooted devices are not supported” như trước đây.
43. Shortmoji VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): chèn thêm biểu tượng cảm xúc (tối đa 15 emoji) & các câu lệnh như: Copy, Paste, Cut, CTRL+A. Giờ thì chiếc bàn phím ảo mà tôi vốn dị ứng bấy lâu nay đã thực sự tiện lợi hơn rất nhiều, các thao tác xử lý cũng vì thế mà nhanh gọn hơn. Còn khá nhiều tinh chỉnh khác được tích hợp trong tweak nhưng với tôi 2 thứ nói trên đã quá dư dùng, không hiểu sao mãi tới ngày 7/2/2023 mới tình cờ phát hiện ra tweak này.
44. ShowTouch (Cydia Viet Nam, hỗ trợ OS11-14.8): hiển thị chấm đỏ trong từng thao tác khi quay màn hình. Tôi chính thức cài từ đợt 18/2/2023, tweak đặc biệt hữu dụng với những AE hay làm clip hướng dẫn & share trên mạng xã hội.
45. Shuffle (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): thu gọn danh sách tweaks & các app hệ thống trong mục Settings. Ngoài mục đích nói trên, tôi cũng tận dụng tính năng chèn ảnh cá nhân trong Settings, giúp giao diện khu vực này trở nên độc đáo hơn. Ngoài ra, tweak còn cho phép rename cũng như thay đổi vị trí các mục, bo tròn góc ảnh & thay đổi chiều cao tấm ảnh theo ý muốn.
46. SmartBrightness (File định dạng .deb): hiển thị % Volume & Brightness ở CC. Đợt 15/4/2019 khi còn xài OS11.3.1 & 11.4.1, tôi dùng SugarCane (nguồn: Packix) nhưng gần đây chuyển sang OS14.3 thì tweak này không hỗ trợ. Thử cài từ nguồn MainRepo theo mách nước của bá tánh thì ký tự màu đen hơi tối, hên sao đợt 22/2/2023 bạn Anh Minh bên hội jailbreak đã chia sẻ với tôi ứng dụng này & đã hiển thị ký tự % màu trắng rất nổi bật & đúng ý.
47. SneakyCam VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): chụp & quay clip ngay cả khi đang tắt màn hình. Một ứng dụng rất thú vị mà mãi tới 9/2/2023 trước lúc đi kềnh tôi mới biết đến qua chia sẻ của admin Thinh Nguyen bên hội jailbreak. Với thao tác nhấn đúp Volume Up/Down để quay/chụp (có độ rung phản hồi để nhận biết), tôi dễ dàng lưu lại ảnh & clip khi cần. File sau khi lưu sẽ tự động nằm trong mục Photos, trong đó chất lượng video tối đa là 2160p, khung hình là 240fps, còn ảnh mặc định có độ phân giải 1080x1920.
48. SnowBoard (Nguồn: SparkDev, hỗ trợ OS7-15.7.1): hỗ trợ cài theme. Tweak này quá nổi tiếng trong giới jailbreak, nhất là những người chơi theme nên tôi không diễn giải thêm. Hiện tôi đang dùng 2 gói extension là: Icon Masks & Icon Effects cài từ nguồn SparkDev, riêng theme thì cài bên Cydia Viet Nam với “Muffin”. Đợt mới jailbreak cho Xs Max, tôi tính dùng Anemone để tạo bóng đổ hiệu ứng gương cho các ứng dụng trên thanh Dock như khi còn xài iPhone 6s, X & iPad Mini tuy nhiên tweak này chỉ hỗ trợ từ OS7-11 nên tạm thời chưa thực hiện được ý định.
49. Springtomize 5 VN (Nguồn: Kênh táo, hỗ trợ OS13-14.8): tinh chỉnh cấu hình các hạng mục. Như đã nói ở trên thì Springtomize là 1 trong 3 tweaks không thể thiếu trong danh sách buộc phải cài của tôi. Tweak tổng hợp rất nhiều tiện ích như: đổi tên Carrier, tạo Animation khi tắt màn hình, thay màu nền CC, NC & Folder, ẩn Dock, ẩn các thành phần trên Status Bar cũng như khu vực LS, tắt âm thanh chụp screenshot & âm báo mỗi khi cắm sạc, tăng giảm số lượng cũng như thay đổi kích thước icon ở Homescreen, Page, Folder (cả chiều ngang lẫn chiều dọc), ngăn gỡ ứng dụng, chặn thay đổi layout… Còn vô vàn những thứ khác nữa mà tôi không muốn liệt kê hết ở đây, hãy thử trải nghiệm nếu iPhone của AE đã jailbreak.
50. Stylish11 (Nguồn: BigBoss, hỗ trợ OS11-13.3): làm nổi bật tên hiển thị của ứng dụng, đổi màu thanh Dock & Page Dot, ẩn Badges khi có thông báo mới, thậm chí ẩn luôn cả Icon Label, cũng như tắt chế độ hiển thị xem trước mỗi khi chụp ảnh màn hình…
51. T9Dialer Việt Nam (Nguồn: Hoàng Đình Phong, hỗ trợ OS11-14.7): thay đổi màu số nhập liệu & phản hồi rung khi nhấn phím. Đây là 2 thứ tôi đã tuỳ chỉnh sau khi cài đợt 23/2/2023, ngoài ra tweak hỗ trợ thêm một số tính năng khác nhưng tôi không có nhu cầu: hiện tab bàn phím khi khởi chạy, di chuyển trường số lên sát phần tai thỏ để tăng khoảng trống hiển thị kết quả tìm kiếm, tìm theo số điện thoại, ưu tiên tìm tên trước họ sau.
52. Tweak Count 2 (Nguồn: BigBoss, hỗ trợ OS8-9): hiển thị số lượng tweaks đã cài trong Cydia. Tính tới thời điểm chia sẻ bài viết này, tôi đã cài tổng cộng ngót 100 tweaks cùng các gói hỗ trợ đi kèm, con số này dự sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.
53. uYouPlus v17.15.1 (TrollStore): chặn quảng cáo khi xem Youtube. Thời điểm tôi cài ứng dụng này là 20/1/2023, khi ấy Xs Max vẫn chưa jailbreak, ngoài việc chặn hoàn toàn quảng cáo theo đúng nghĩa đen tweak còn hỗ trợ một vài thao tác tiện ích, điển hình là vuốt nhẹ từ trái/phải sang phải/trái ở góc trên màn hình để tăng/giảm Volume, thực hiện thao tác tương tự nhưng ở mép dưới màn hình để tăng/giảm độ sáng, thay đổi tốc độ phát video, tiếc là không hỗ trợ tải clip. Dù sao trên đây cũng là những tính năng tôi tin bất cứ ai hay xem Youtube đều mong muốn có được, quá tuyệt khi ứng dụng này hoàn toàn có thể cài qua TrollStore mà không bắt buộc phải jailbreak.
54. Wifi Passwords List (TrollStore): hiển thị toàn bộ mật khẩu những wifi từng kết nối. Nhẽ ra tôi cài từ nguồn BigBoss nhưng tweak bên này chỉ hỗ trợ OS8-9 nên buộc phải nhờ đến TrollStore (tương tự với CamScanner & MediaBoxPro). Về cơ bản, giao diện hiển thị khá giống với những gì tôi từng biết, toàn bộ các tên wifi cũng như passwords đều rất rõ ràng & trực quan, rất tiện khi cần share cho những máy khác, có thể sắp xếp danh sách wifi theo trật tự chữ cái, thời điểm add hoặc theo lần truy cập gần nhất.
55. Xen HTML (Hoàng Đình Phong): chèn widget vào Homescreen & Lockscreen. Hiện tôi chỉ dùng thứ này với mục đích chèn widget ở khu vực LS, cụ thể là ClockFrame (Cydia Việt Nam) để hiển thị đồng hồ & thời tiết như giao diện HTC. Thực tế tôi muốn chia đôi thông tin Date & Time như từng dùng SimpleLS trên iPhone X (OS11.4.1) nhưng tweak không hỗ trợ OS14.3. Riêng ở Homescreen, tôi không chèn bất cứ widget nào vì muốn tận dụng khoảng trống để bài trí các Apps theo sở thích.
BÊN DƯỚI LÀ MỘT SỐ THẮC MẮC MÀ TỚI GIỜ TÔI VẪN CHƯA TÌM RA LỜI GIẢI ĐÁP:
- Tweak nào cho phép chụp screenshot với định dạng JPEG, thay vì PNG?
- Tweak nào cho phép cài ứng dụng trên App Store mà không phải nhấn đúp phím Power?
- Tweak nào chuyển Address Bar của Safari xuống sát phía dưới màn hình (tương tự Android)?
- Tweak nào gán âm thanh (theo ý muốn) cho các thao tác: tắt/mở màn hình, pin đầy/yếu (theo % tuỳ chọn)?
- Tweak nào hiển thị ảnh avatar trong mục Contact? Tôi đã test thử với Copic 2 (Nguồn: Kênh táo lẫn BigBoss) nhưng khi nhấn Activate đều bị rơi vào trạng thái Safe Mode.
- Làm sao để chơi giả lập 4 nút NES & SNES tương tự NES.emu & Snes9x EX++? Tôi cài thử 2 tweak này từ nguồn BigBoss thì vẫn hiện icon giả lập ở Homescreen nhưng bấm vô không thấy đường dẫn để load ROM, vẻ như cả 2 tweak đều không hỗ trợ OS14.3...
- Với NiceBarX, tôi rất ưng với thiết kế cũng như vị trí, màu sắc của các biểu tượng Battery, Wifi, Signal như từng mần trên iPhone X (OS11.4.1), tuy nhiên giao diện của NiceBarX trên Xs Max (OS14.3) có chút khác biệt & tôi chưa tìm ra cách cài đặt. Hiện tôi đang xài tạm mẫu tải từ Cloud được tích hợp trong tweak.
- Làm sao để đánh thức màn hình với thao tác Double-Tab (lúc máy đang tắt)? Tôi đã cài thử "SmartTab" với nguồn của Kênh táo & cả BigBoss nhưng cứ sau tầm 2 phút đều auto không có tác dụng. Thậm chí ngay cả các thao tác: vuốt từ dưới lên, từ trên xuống, nhấn & giữ trong 2 giây để mở app, mở khoá máy, mở CC, mở NC… đều không dùng được. Tuy nhiên nếu tắt màn hình khi đang ở Homescreen hay Lockscreen đều hoạt động tốt. Ngoài ra trong NicebarX cũng hỗ trợ tính năng “Double Tab screen to wake” nhưng cũng không xài được.