Đây là đoạn video khá ấn tượng về thí nghiệm thả quả bóng rổ từ trên đỉnh một con đập có độ cao 126,5 mét xuống bên dưới. Lần đầu tiên, quả bóng được để yên và thả rơi tự do xuống bên dưới - có khá bình thường. Nhưng điểm đặc biệt và gây ấn tượng mạnh đối với người xem là ở lần thả thứ 2: người ta xoay tròn quả bóng và sau đó thả xuống. Lúc đầu nó vẫn rơi thẳng xuống nhưng sau đó… dần dần thay đổi quỹ đạo thành đường cong parapol và rơi xuống hồ nước cách đó khá xa.
Chỉ trong vòng 3 ngày, đoạn video đã đạt 9,1 triệu lượt xem trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube (thời điểm viết bài). Một hiệu ứng rất đẹp mắt và ngạc nhiên. Tại sao vậy? Thật ra, đây là thí nghiệm biểu diễn cho hiệu ứng Magnus, đặt theo tên của nhà khoa học người Đức đã phát hiện ra nó Heinrich Gustav Magnus (1802-1870). Hiệu ứng này khảo sát sựu di chuyển của quả bóng trong không khí và thường xuất hiện trong các môn thể thao như bóng đá, tennis, golf,… Cú sút phạt kinh điển nhất mọi thời đại của Roberto Carlos trong trận Pháp - Brazil hồi năm 1997 là một đại diện cho hiệu ứng này.
Hiệu ứng Magnus được diễn tả tóm tắt như sau:
- Nếu quả bóng không xoay, do tính đối xứng nên dòng không khí quanh quả bóng không tạo ra một lực tác dụng nào.
- Nếu quả bóng xoay tròn, dòng không khí (các phân tử khí) ở phía cùng chiều quay của quả bóng sẽ chuyển động nhanh hơn so với ở phía đối diện. Sự khác biệt về tốc độ di chuyển của các phân tử khí sẽ tạo nên chênh lệch áp suất tĩnh giữa 2 phía của quả bóng, từ đó tạo ra lực tác dụng lên quả bóng theo phương thẳng đứng, hướng cắt qua chiều quay quả bóng. Và hệ quả cuối cùng như chúng ta thấy là quả bóng sẽ di chuyển theo đường cong parabol.
Một chiếc tàu với các cột trụ để áp dụng hiệu ứng Magnus, tạo dòng không khí đẩy tàu về phía trước
Ngoài những ứng dụng trong thể thao, hiệu ứng Magnus cũng từng được áp dụng trong các phương tiện di chuyển như tàu thuyền, máy bay,… Trong đoạn video bên trên, các bạn sẽ thấy một con tàu E-ship với các cặp ống cao ở mũi và đuôi. Đó không phải là ống khói mà là những cột điều tiết dòng không khí, lợi dụng hiệu ứng Magnus để đẩy con tàu đi về phía trước. Một chiếc máy bay khác với thiết kế khá độc đáo, không có cánh mà dùng các trụ xoay, cũng lợi dụng Magnus để bay.
Một chiếc máy bay không cánh, dùng các trụ xoay để bay