Kinh nghiệm đặt hàng mua máy ảnh xách tay - máy ảnh đã qua sử dụng !!!

091090098
30/7/2008 2:6Phản hồi: 13
Nêu vấn đề đã ...

Chắc hẳn nhiều người muốn mua hàng giá rẻ hơn hàng chính hãng phân phối tại Việt Nam ( giá trên trời ), hoặc không đủ tiền mua máy mới ( nhưng vẫn muốn mua máy ngon ) ... Giá cả của chúng thế nào ? Cách lựa chọn , test thử ra sao ? Cách lựa chọn hàng, so sánh giá cả trên site nước ngoài ...

Mời các bạn tham gia
----------------
Tạm thời trình tự mua hàng mình nghĩ ra được:
1. Kiểm tra tổng ngân sách đầu tư mua máy
2. Lựa chọn dòng máy ảnh sẽ mua
3. Tham khảo giá thị trường trong và ngoài nước
4. Lựa chọn người cung cấp / người bán hàng, chính sách bảo hành.
5. Đặt hàng , mua hàng, kiểm tra hàng hóa
----------------
Nội dung hướng tới :
- Xác định các máy ảnh nên mua tùy theo từng loại nhu cầu sử dụng, ngân sách khác nhau
- Giới thiệu các kênh mua hàng, xách tay có uy tín, các thị trường có hoạt động xách tay nhộn nhịp nhất
- Giới thiệu các site tham khảo giá tin cậy ở từng khu vực thị trường, có đánh giá uy tín của người bán
- Cách thức kiểm tra, test máy, phương thức mua hàng đã qua sử dụng ...
---------------
Mong các bạn tham gia đóng góp kiến thức, mọi yêu cầu hỏi đáp vui lòng gửi qua PM, mình sẽ tổng hợp và post gộp vào 1 số bài theo thời gian ... để mọi người cùng tham gia giúp đỡ
13 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Theo mình thì 1:Chấp nhận tin tưởng vào thương hiệu sản phẩm,xuất xứ
2:Tin tưởng vào lai liạch người bán hàng,có uy tín hay kô?
3:Là hàng điện tử nên may hơn khôn.
4:Có bị trục trặc gì thì coi như Tham thì thâm
5:Giá cũng chẳng cần thiết phải quá rẻ,của rẻ là của ôi mà.Đôi khi bằng giá mà kô có bh vẫn cứ mua vì tin vào hàng nước ngoài mà.
6:Kinh nghiệm bản thân em:kô biết ở Nhật,Mỹ hay Canada thế bào chứ bên Nga thì toàn hàng tàu 100% thôi.em sống bên đó 1 thời gianmthấy hàng đt bên đó chán lắm--->kô mua hàng xách tay từ Nga,he he
1. Lựa chọn dòng máy phù hợp !!!

Có những nguyên lý đúc kết rất bổ ích dành cho người có dự định sắm chiếc máy ảnh kỹ thuật số là :

1. Nên mua máy rẻ nhất ( có tính đến các phụ kiện ) đáp ứng tốt yêu cầu của mình.
Với đa số người chụp ảnh quá trình nâng cấp máy không phải là : Ngắm và chụp >>> zoom dài >>> bán chuyên nghiệp >>> chuyên nghiệp.
Có người đơn giản chỉ nâng cấp khi chiếc máy đang dùng đã có trục trặc, hoặc quá lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nữa ... nhiều người sẽ chọn máy cùng kiểu nhưng đời mới hơn ...

2. Máy bán chạy nhất, chưa chắc đã là máy tốt nhất - Thương hiệu tốt chưa chắc đã đảm bảo một model máy cụ thể là sẽ tốt .. Không như nhiều người nghĩ, Canon là thương hiệu số 1 không có nghĩa là máy nào của Canon cũng vượt trội so với các hãng khác ...

3. Máy đời sau luôn tốt hơn máy đời trước : không phải lúc nào cũng đúng ... có nhiều máy giờ không có brand new, nhưng lại luôn được người hâm mộ tìm mua kể cả là dạng refurbish hay secondhand ... tiếng tăm của những máy này làm lu mờ nhiều model mới tinh, bày bán ê hề ở các cửa hàng ...

4. Nên mua máy đã giới thiệu được 1 thời gian, để ít nhất bạn có thể đọc được, xem được ở đâu đó những bức hình chụp từ chiếc máy đó, những dòng nhận xét của người sử dụng ... nắm bắt các lỗi chế tạo đã phát hiện...

5. Đừng để "thông số hoàn hảo" của một chiếc máy đánh lừa bạn ... độ zoom 3x-6x hay siêu zoom 12x / 20x ? ... thông số ISO là 3200 hay 6400 .. tuyệt vời quá ? độ phân giải 12Megapixel có tốt hơn 6 megapixel ? ... hãy xem các thông số cụ thể hơn của chúng, và quan trọng nhất xem hình chụp khi thiết lập các thông số đó ... để nhận xét chính xác hơn !!! Đừng đưa ra kết luận vội vàng nào ...
....
"Thông số hoàn hảo theo quảng cáo" - sự thực là như thế nào ?

- 12 Megapixel có luôn tốt hơn 6 megapixel không ?
Lợi thế duy nhất của nhiều "chấm" là khả năng rửa ảnh cỡ lớn như ảnh cô dâu chú rể treo đầu giường - điều chúng ta không bao giờ làm với hình chụp của một máy có ống kính cố định giá dưới 400$ cả ...
Nói về bất lợi thì lại rất nhiều : chụp tốn dung lượng thẻ đòi hỏi bộ đệm nhiều hơn, rõ ràng ảnh hưởng đến tốc độ chụp liên tiếp, mật độ pixel ( tổng số pixel / diện tích cảm biến ) cao hơn, ảnh tối hơn, nhiễu hơn ...
Nếu nhà sản xuất thay vì tăng gấp đôi số chấm ( tốn ít chi phí ), lại tăng gấp rưỡi diện tích cảm biến ( tốn nhiều chi phí hơn ) thì ảnh sẽ đẹp hơn ... vì phân bố pixel rộng rãi hơn là chen nhau trên cảm biến bé như cũ mà số pixel lại nhiều gấp đôi
Câu trả lời là KHÔNG TỐT HƠN - Số chấm tối ưu đúc kết được sẽ chỉ là 4 chấm -> 6 chấm, cảm biến càng to càng tốt, lưu ý là cảm biến cùng kích thước khác hãng, khác đời thì hiệu quả cũng không giống nhau ... nói chung cảm biến đời sau thường tốt hơn cảm biến đời trước cùng hãng , nếu số chấm không tăng gấp đôi thì rõ ràng là hơn hẳn

- Độ nhạy sáng tối đa ISO 800 / 1600 / 3200 / 6400 có phải máy nào có ISO tối đa càng cao là chụp thiếu sáng càng đẹp ... Trả lời : SAI - Phải đánh giá bức ảnh chụp ở mức ISO nào là chấp nhận được thì mới biết mức ISO tối đa nên chụp của một máy là mức nào ?
Trước đây các máy chỉ có mức ISO tối đa là 400 ... mấy năm gần đây các hãng đua nhau thêm lựa chọn cho các mức ISO 800, 1000, 1600, 2000, 3200, 6400 ... nhưng đa số chỉ là quảng cáo láo, các mức ISO đó cực kỳ vô dụng ... chỉ có tác dụng duy nhất là đánh lừa cảm nhận của người mua khi đọc bảng thông số ... khiến họ nghĩ máy có ISO max 3200 luôn chụp thiếu sáng tốt hơn máy chỉ có ISO max 2000 ...


- Máy được trang bị Pin lithium kèm xạc chính hãng, vậy là ngon rồi ? Trả lời : chưa thể biết có ngon không ... cần xem chi tiết hơn
Giống như pin điện thoại di động có dung lượng khác nhau, quả pin kèm theo máy ảnh có thể giúp máy chụp được tới 500-600 kiểu, nhưng cũng có thể chỉ được 150-200 kiểu ... lý do : dung lượng pin khác nhau, khả năng ngốn pin của các máy khác nhau
Có nhiều máy, nhà sản xuất ăn bớt pin + xạc, người mua phải thêm tiền mua pin + xạc ở ngoài, mức độ ổn định sẽ không cao như dùng pin + xạc chính hãng , nguy cơ mua pin / xạc kém, pin rởm khá nhiều ... chi phí không phải là nhỏ ...
Nên tham khảo một thông số theo CIPA, số kiểu ảnh chụp được trên 1 lần xạc pin .. dĩ nhiên càng nhiều càng tốt ... nếu lithium battery kèm theo quá kém, chọn loại dung lượng cao hơn hoặc chọn mua máy tương đương sử dụng pin AA
Nhiều máy Canon bây giờ giá rất rẻ, chỉ sử dụng 2 pin AA, chí phí mua pin rẻ hơn là dùng 4 pin, gọn nhẹ hơn, tuy nhiên tốc độ thực thi các tác vụ chụp ảnh, thời gian chờ hồi đèn flash sau mỗi lần chụp lâu la đến mức đáng ngạc nhiên ... lên đến 7-8 giây

- Chọn máy có zoom quang 12x/15x vậy là chuyện chụp ảnh sẽ tuyệt vời ?
Trả lời : không phải lúc nào cũng tuyệt, chỉ tuyệt khi ta vác súng dài đi chụp thể thao ngoài trời, trong không gian chật hẹp, thiếu sáng thì súng dài phải chịu thua thiệt ...
( tiếp ) Một chiếc Canon S5-IS "hoành tráng" dưới con mắt của nhiều người, khi chụp ảnh không zoom ở độ mở lớn nhất dưới ánh đèn tuýp "cho" nhiễu hột rõ rệt ở mức ISO 100, 200 ... nếu không dùng flash ... hãy thử chụp và zoom hình vừa chụp lên 1 chút, bạn sẽ biết ngay mà ...
Nói chung máy zoom dài không thể không dùng flash khi ở trong nhà, mặc dầu nhiều người nói có flash thì đều như nhau, nhưng bạn nào đã dùng máy cho ít nhiễu ở ISO cao hơn như 400, 800 thì sẽ hiểu khi dùng với flash máy có mức ISO cao ít nhiễu cũng cho bức hình đẹp hơn rõ rệt ... so với máy khác dùng flash nhưng khả năng bắt hình ISO cao nhiễu hơn ...

Một nhận định nên xem xét, hầu hết các máy zoom dài luôn cho những bức ảnh nhiễu hơn khi chụp thiếu sáng, chụp trong nhà ... chụp dưới bóng râm ... ngay ở các mức ISO khá thấp ( 200, 400 ) .. mặc dù được quảng cáo là có mức ISO tối đa là ...... 1600
Ba nhân tố chính tạo nên ảnh đẹp !!!

1. Ống kính
2. Cảm biến ( phổ biến là CCD sensor )
3. Bộ xử lý hình ảnh ( cái này ít người để ý nhưng cực kỳ quan trọng )
.................
Bài toán chi phí ống kính :
Hỏi: nếu gắn ống kính Canon G6 vào thân máy Canon G9 thì sao ?
Giá bán G9 sẽ đội lên cao hơn giá bán hiện nay kha khá .... Lý do ống kính G-serie trước đây "nhanh" hơn ống kính "vừa hạ cấp"của G-series hiện tại ( từ G7-G9 )

Trước đây zoom hết cỡ 4x trên máy G3, G5 thì độ mở vẫn còn tối đa là F3.0 , nhưng G9 chưa zoom độ mở tối đa đã là F2.8 và zoom hết cỡ thì Fmax sẽ là F4.8 .. nếu so với các ống kính trên zoom dài thì thua xa, ( dĩ nhiên S5IS được gắn thân G9 thì giá chắc cỡ khoảng trên 550$, nếu được gắn ống G9 thì S5-IS chắc giá chỉ nhỉnh hơn A720is 1 chút )

Thông số ống kính của Pana LX3 ( rất mới ) có nhiều điểm giống G-serie trước đây ( đến G6), zoom 2.5x độ mở F2.0-2.8 trong khi G5, G6 có zoom 4x độ mở F2.0-3.0 nên dù góc chụp LX3 rộng hơn, ống kính vẫn không nhanh bằng G5, G6 ...

Cái hơn của LX3 ở một số tính năng khác, không thể ko nói đến cải tiến ở cảm biến và phần xử lý hình ảnh ... để có thể chụp được ảnh có độ nhiễu thấp, ISO được quảng cáo lên tới 3200max ( trong khi G6 chỉ có mức ISO 400 đã nhiễu nặng ) .. cái này dễ hiểu vì cảm biến luôn được cải tiến ...

Tạm kết luận : zoom dài chừng 4-6x độ mở tối đa từ đầu đến cuối ống kính không chênh lệch nhiều và bắt đầu từ độ mở rất lớn như F1.8 hay F2.0 chẳng hạn ( kiểu như G5, G6 ) cho nhiều lợi ích hơn rất nhiều thông số độ mở ( các ống kính rẻ tiền ) trên Canon G9, cũng như A 650 Is và nhiều máy IXUS, Finepix, ngắm chụp hiện nay ( phổ biến là F2.8-F5.1 thậm chí F2.8-F5.9)

Vậy đừng bị foolish bởi thông số đẹp như mơ zoom 6x ( A 650IS ) .. hoặc zoom 12x với thông số rất tốt nhưng lại gắn trên body như S5-IS ( chả khác gì body dòng A rẻ tiền như A7xx )
Kết hợp tốt hơn chính là : thân G9 ống S5 hoặc đơn giản hơn ( mà Canon âm thầm hạ cấp ) thân G9 ống G3 độ zoom 6x ... hoặc những con lai như thân Fuji F31 + ống Canon G3, G5, G6

---------------------
( còn tiếp )
Chọn máy theo sở thích chụp ảnh

1. Mua máy có khả năng chụp thiếu sáng tốt :
- Điều kiện nào coi là chụp thiếu sáng ?
Không phải chỉ là buổi đêm hay trong nhà, buổi chiều, dưới bóng râm, hay ngày mùa đông mây mù rồi trong sân khấu, bảo tàng, rạp, ..... cũng chính là điều kiện thiếu sáng ...

Thông số máy ta sẽ cần : cảm biến mới và lớn, ống kính nhanh hoặc tối thiểu là không quá chậm, vì mọi thông số của máy cuối cùng thể hiện ở bức ảnh . Ta nhất thiết phải xem bức ảnh chụp zoom 100% ở ISO 400, 800, 1600 trong các điều kiện thiếu sáng nhất không có flash

Cảm biến mới và lớn : Pana LX3, Fuji F100fd, F50fd, F40fd, Canon G9, A 650 IS, ...
Cảm biến lớn ( không mới ) : Canon G3, G5, G6 , G7 ... Olympus C-8080, C7070, C5060, C5050 ...
Ống kính nhanh : Pana LX3, Canon G3-G5, G6 , Olympus C5050 ...

KHÔNG NÊN hy vọng nhiều vào khả năng chụp thiếu sáng của tất cả các máy zoom dài , chọn máy zoom dài bắt buộc bạn phải sử dụng flash trong các điều kiện thiếu sáng ... chụp hình ngoài tầm flash buổi đêm với zoom dài là 1 nỗi đau đó ...

2. Mua máy chụp thể thao, động vật, chim chóc ...
Zoom dài thêm tính năng chống rung rất tuyệt ... zoom dài thể hiện tốt hơn nếu chụp cùng độ zoom 6x như Canon G9 / A 650 hay 5x của Fuji F100fd ... đơn giản vì độ mở khi đó của ống kính zoom dài lớn hơn các máy kia ... ít nhất là 3 stop ...
Nói chung nếu đủ sáng và tầm vươn xa thì zoom dài là lựa chọn tốt nhất với chi phí chấp nhận được ...
Nhớ xem kỹ dự báo thời tiết trước khi bạn đi chụp ảnh bằng zoom dài .... hãy là nắng và trong sáng ...

3. Chụp phong cảnh, kiến trúc : sẽ cần máy có góc chụp càng rộng càng tốt, có mức độ méo hình là ít nhất, mức độ chấp nhận là tùy theo nhu cầu của bạn
Hiện giờ góc chụp rộng nhất với máy ngắm và chụp là máy với tiêu cự ngắn 24mm, 25mm ( quy đổi tương đương với tiêu cự máy phim 35mm), góc rộng phổ biến nhất là 28mm ... so với bình thường là 35, 36mm
Một số máy có góc rộng :
Nhiều máy Panasonic : LX3, FX36, FX500, FX100 ... TZ5
Canon SD 870 IS , SD800IS
Fuji : F100fd , S-series.... 28mm
Olympus : SP560, 570 ... C5060WZ , C 7070, C 8080 ..
Samsung : ...
........
Một số dòng máy bị mắc lỗi chế tạo, không nên mua ở dạng xách tay và secondhand :
- Canon : A 70, .. A95, A 650 IS loạt đầu cũng có lỗi ở màn LCD ... Canon S1-IS chết CCD
- Fuji : F-series trước 2005 rất dễ chết CCD ...
từ F10, F11, F20 ... thì khắc phục được ... F100fd một số máy bị pink banding ... nên kiểm tra kỹ ...
- Nikon : đáng tiếc nhất là Nikon 5700 CCD lớn 2/3" đáng tiếc lại lỗi CCD dễ teo ... lưu ý 5700 dùng CCD do Sony chế tạo,
...... lưu ý là các hãng không danh tiếng bằng thì tỷ lệ máy có lỗi cùng không kém, tuy nhiên vì không nổi tiếng lắm, bán được ít, nên có chết cũng ít người quan tâm ...
--------------
Góc chụp rộng từ máy có tiêu cự quy đổi 27mm theo máy phim 35mm .... ( máy có tiêu cự 35 hay 36mm như Canon G9, góc chụp hẹp hơn chắc chụp kiểu tương tự sẽ bị hụt chiều cao của tòa nhà )
.... ống kính, cảm biến, bộ xử lý hình ảnh - cái nào quan trọng nhất ?

Lấy ví dụ về những chiếc máy ảnh zoom dài 12x + chống rung + 1 khẩu F2.8 cho toàn bộ chiều dài ống kính thương hiệu Leica của Panasonic như FZ-2 ( 2MP), FZ-20 (5MP) ...

Thông số ống kính phải nói là không thể chê được, và chưa từng có dòng máy ngắm và chụp nào được trang bị 1 loại ống kính như thế ...

Vậy nhưng hình vẫn không được đẹp, rất nhiễu ... ngay từ mức ISO thấp nhất ...

Lý do tại sao ?
------------------
Xét về quá trình phát triển của máy chụp ảnh và máy chụp ảnh kỹ thuật số ,
? Bộ phận nào được cải tiến và đổi mới nhiều nhất : ống kính ? cảm biến ? bộ xử lý hình ảnh?
Trả lời : bộ phận cải tiến nhiều nhất để tạo nên sự khác biệt đó chính là các bộ phận mang tính KỸ THUẬT SỐ như cảm biến của máy ( bộ phận thu nhận hình ảnh ), và bộ xử lý hình ảnh ... ống kính là bộ phận quang học, vốn đã được kế thừa một quá trình phát triển dài từ khi máy ảnh đầu tiên ra đời, ... có rất ít thay đổi lớn trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Cảm biến thu nhận hình ảnh, phổ biến là cảm biến CCD trên máy ngắm chụp chính là bộ phận người mua cần xem xét đầu tiên khi nghiên cứu 1 chiếc máy ...

chiếc CCD này kết hợp với bộ phận xử lý hình ảnh thu nhận được sẽ cho ra những hình chụp mang phong vị của từng hãng máy ...
như là : hình bắt đầu có nhiều nhiễu ( noise ) ở mức ISO nào ?
máy sẽ áp dụng cơ chế giảm nhiễu tự động ít hay nhiều ( có thể làm mất chi tiết hình chụp ) ,
....
Kích thước của chiếc cảm biến này và kỹ thuật chế tạo nó có ảnh hưởng nhiều đến cải thiện chất lượng hình ảnh ...
Nếu dùng cùng 1 thiết kế, cùng thời gian, chiếc cảm biến 1/2.5" sẽ không thể cho chất lượng tốt hơn chiếc 1/1.8"

Tuy nhiên, thiết kế cảm biến ( và cả bộ xử lý hình ảnh ) có thay đổi theo từng đợt giới thiệu máy mới, vậy nên chớ có nghĩ rằng cảm biến 1/1.8" trên Canon G5 giống y hệt cảm biến 1/1.8" trên Canon G7 .. cảm biến mới hầu như là luôn tốt hơn cảm biến sản xuất đã lâu ...

Vì thế đôi khi cảm biến 1/1.8" đời sau đôi khi cho chất lượng ngang bằng hoặc đôi khi nhỉnh hơn cảm biến 2/3" nhưng thiết kế đã cũ ...

Với cùng 1 kích thước cảm biến, cùng kiểu thiết kế ra trước sau một thời gian không quá dài, nếu có thể hãy chọn chiếc chứa ít megapixel hơn ...
--------------
Một câu chuyện thú vị về tính cách mạng của cảm biến SuperCCD Fujifilm và ảnh hưởng của nó đến các hãng sản xuất khác :

Fuji công bố thiết kế SuperCCD giới thiệu từ khá sớm : cơ bản là 1 sensor với kích thước lớn hơn kích thước chuẩn 1 chút và với bố trí các photodiod khác với trên CCD truyền thống, bố trí đó giúp cho CCD thu nhận được nhiều ánh sáng và chi tiết hơn ... các cảm biến hiện có

Năm 2005 Fuji đã tạo nên 1 cuộc cách mạng khi cho ra đời chiếc máy ngắm và chụp Fuji F10 với SuperCCD kích thước 1/1.7" ( lớn hơn 1 chút so với kích thước thông thường 1/1.8" ở các dòng máy chụp khá như Canon G-series ) - 1 chiếc máy ảnh vượt hẳn tất cả các máy PnS về khả năng chụp thiếu sáng, mức ISO max từ 400 từ trước máy F-series trước đó đã dược đẩy lên mức 1600 ở F10 - mà ảnh vẫn có thể dùng được ...

Kể từ đó dòng Super CCD liên tục cải tiến và đều đặn các máy F11 ( 2005 ) , F30 ( 2006 ), F20 (2006) , F31fd (2006 ) , F40fd ( 2006 ), F50fd ( 2007 ) và F100fd ( 2008 ) ... Từ lúc đó người ta thán phục và rồi dần dần mong mỏi các hãng khác sẽ cho ra đời những chiếc máy có thể bắt kịp khả năng chụp của những chiếc Fuji được trang bị SuperCCD.

Lưu ý là trong năm 2006 mọi SuperCCD đều có kích thước là 1/1.7" ... sau đó SuperCCD được cải ........ các thế hệ mới với kích thước 1/1.6" kể từ F50fd năm 2007
Hãy so sánh thời điểm chiếc Canon G7 ra đời .... tháng 9/2006 ( Canon G9 ra thị trường tháng 8/2007 ) tức là ra đời sau F31fd của Fuji
Kích thước cảm biến của G7 vẫn là 1/1.8" ( và G7 luôn được so sánh với A 640 ... nhiễu tùm lum ) ..
vậy mà sang năm sau Canon G9 lại có kích thước CCD khác thường ( so với truyền thống của Canon ) ...
kích thước CCD của G9 là 1/1.7" ... khả năng chụp thiếu sáng cũng tăng cường hơn ...

Có thể kết luận là đến năm 2007 Canon đã phải chấp nhận theo lối thiết kế của Fujifilm từ năm 2005 ( không dám nói là copy thiết kế ) trong việc nâng cấp cảm biến của dòng máy high-end của mình như G9 hay không ? Dù có là như vậy, họ vẫn luôn chậm chân hơn Fujifilm

Quan sát kỹ hơn thông số của nhiều máy cải thiện khả năng chụp thiếu sáng của Panasonic, Sony .... chúng ta lại thấy có những thiết kế cũng khác thường như vậy : xuất hiện các CCD có kích thước 1/2.33" hơi lớn hơn so với kích thước phổ biến 1/2.5" .... chúng từ đâu ra vậy ???

Không lẽ, các hãng đều bắt đầu có thiên hướng chế tạo "Super CCD" hết cả ???
DSLR hay PnS ?

Thực ra những người lăn tăn câu hỏi này thì hầu hết là :
- Người có ngân sách hạn hẹp ( mấp mé ngưỡng DSLR entry + lens kit )
- Người chưa xác định kiểu nhiếp ảnh mà mình cần
- Người bắt đầu nhưng có ngân sách rủng rỉnh 1 chút
......
Vậy thử so sánh DSLR entry + lens kitvới PnS xem sao :
Chúng ta đều biết lense kit phổ biến là có độ zoom khoảng 3x trở lại, do đó nếu so sánh với máy PnS thì độ zoom đó khá tương đương với độ zoom cơ bản trên các máy rẻ tiền nhất, và hơi đuối so với zoom trên các máy siêu zoom hoặc trung bình ...

Độ mở phổ biến là 3.5-5.6 trên 1 ống zoom khoảng 3x ...

Máy DSLR + lens kit chỉ cho chúng ta 1 khoảng zoom ngắn như IXUS, góc rộng tương đương 27 hoặc 28mm ( 18x1.6 / 1.5) như FX100 ( và chưa bằng FX35, NV24HD ) nhưng thua hẳn về độ mở max trên máy PnS ( phổ biến là F2.8-5.0, có máy còn tốt hơn ) ( 1)

Trừ khi chúng ta bỏ thêm một vài trăm cho đến cả nghìn USD nữa, chiếc DSLR của chúng ta khó mà chụp được các chế độ vốn có sẵn trên máy PnS :
- Macro
- Live view
- Telezoom như P80, SP570 trên 1 ống
- Đạt độ mở F2.8 hoặc tốt hơn
....
và hoàn toàn không thể quay được phim dù với độ phân giải thấp nào ...
Hơn nữa muốn chụp Macro không phải đơn thuần chỉ vặn wheel sang hình bông hoa là xong ... hehe ... tele zoom cũng vậy, phải tháo ống kính ra 1 cách cẩn thận ( khéo bụi vào ) rồi thay ống kính khác có tiêu cự phù hợp vào ( cũng phải cẩn thận vậy )

Hoàn toàn có thể quên việc chụp ảnh 1 tay đi ... vì máy DSLR rất nặng ( các ống kính của chúng cũng vậy ) thậm chí chúng ta còn phải tính đến vai để thồ máy và các ống kính cùng lỉnh kỉnh các phụ kiện khác .... với vóc dáng của người châu Á thôi ( chưa tính phụ nữ ) DSLR là một gánh nặng thực sự ...

Hệ quả của trọng lượng là : Thỉnh thoảng có nhiếp ảnh gia tròn mắt vì thấy có người nói rằng anh ta có thể chụp ảnh 1 tay với tốc độ chụp có 1/8s mà ảnh vẫn nét ( anh ta chụp bằng PnS nhẹ hều còn nhiếp ảnh gia lại chưa dùng PnS bao giờ, luôn phải cầm chụp DSLR ngót cả ký )
Việc sắm chân máy gần như là bắt buộc để gánh sức nặng của máy và ống kính ( thử hình dung cầm tạ tay tập cả buổi là biết ), chứ không phải như với PnS là để tự chụp và chụp đêm thôi ...

Vậy máy DSLR chỉ có thể cầm chụp bình thường với tốc độ khoảng 1/30s trở lên ( theo đúng luật 1/focal length - focal lengh = 27-28mm) .. ai khỏe tay thì có thể chụp nhanh hơn 1 chút, nhưng cầm tay 1/10s trở xuống là không phải dễ ... và đặc biệt còn phụ thuộc trọng lượng ống kính đang mang, mà tốc độ chụp còn phải tăng lên nữa .. đôi khi không thể cầm tay mà chụp được ( vì quá nặng ) (2)

Đúng là chúng ta có thể có được chất lượng ảnh tốt hơn từ máy DSLR vì :
- Cảm biến to hơn tốt hơn / flash tốt, lấy nét chính xác, nhanh hơn ...
- Shutter lag ( độ trễ ) khi chụp rất nhỏ
- Chất lượng ống kính ( sẽ mua với khối tiền )
....
Nhưng cái thứ 3 ( tối quan trọng ) trong danh sách là chuyện tương lai đi kèm với các hệ lụy khác ... ( ở đây chúng ta chỉ mới nói đến DSLR + lens kit - vốn có chất lượng khá tồi )
Mức độ mất giá của DSLR cũng khá nhanh, có thể bằng giá tiền mua 1 chiếc máy ảnh PnS sau 1 năm, mỗi ống kính bổ sung cũng có thể bằng giá 1 hoặc 2 hoặc 3, 4 cái máy ảnh PnS ... mà cái có thể bổ sung này lại rất ít down giá ... anh em DSLR ta hầu hết mua secondhand cho rẻ bớt

Và đặc biệt nếu dùng để chụp gia đình hoặc dã ngoại, hiếm khi bạn có thể nhờ ai đó chụp cho chính mình ... nên nếu bạn không có 1 chiếc PnS mà chỉ có 1 DSLR, bạn sẽ gần như không có hình chụp của bản thân mình ... vợ ở nhà một mình muốn chụp cho baby cũng là khó ... quay phim thì bó tay ...

Vậy nên số lượng tiêu thụ của PnS vẫn áp đảo DSLR mỗi năm ... Lời khuyên là : nên có ít nhất 1 chiếc PnS cho dù có sắm DSLR hay không ...

Vài lời bàn lùi mời các bác đâm chém !!!
zorroz
ĐẠI BÀNG
16 năm
Em đâm bác một phát đây. Làm sao bác có thể so sánh độ mở của ống kính của DSLR với Pns được. CCD trên PnS bé tí, PnS có mở max 2.8 thì hình vẫn rõ nét từ đầu đến cuối. Và khi bác zoom trên PnS thì khẩu cũng khép lại chứ có giữ được 2.8 đâu.
Tham khảo giá máy ảnh trên site nước ngoài - và biết bỏ qua những cái giá quá rẻ

Với máy xách tay, chúng ta biết rằng 2 nguồn hàng xách về nhiều nhất là Nhật Bản và Mỹ ... lý do dễ hiểu vì nguồn gốc đảm bảo và giá có-thể-xách-về được ( chứ châu Âu và Úc thì cao lắm )

Tham khảo giá của thị trường Nhật thường ta hay vào site kakaku, nhưng site này là tiếng Nhật, phải sử dụng công cụ dịch babelfish cho dễ đọc ( tỷ giá yên Nhật khoảng 153-158 đồng / 1 yên )
Link đến kakaku đã dịch sang tiếng Anh :
http://babelfish.yahoo.com/translate_url?doit=done&tt=url&intl=1&fr=bf-home&trurl=http://kakaku.com/camera/digital-camera/&lp=ja_en&btnTrUrl=Translate

Tham khảo giá thị trường Mỹ thì có nhiều site khác nhau :
Yahoo : http://shopping.yahoo.com/b:Digital Cameras:20148412;_ylt=AmLKcMDU_ng7Tqy_l32viaFXv1kB;_ylu=X3oDMTBodWdqb25nBHNlYwNjYXRlZ29yeWxpbmtz

MSN Shopping : http://shopping.msn.com/results/digital-cameras/bcatid4362/forsale?text=category:digital-cameras
Amazon : www.amazon.com

bạn cũng có thể vào các site có uy tín như Butterflyphoto.com , abesofmaine.com ... để xem giá trực tiếp ... tuy nhiên khuyến khích so sánh giá qua các công cụ trên ...
Giá có thể kèm miễn phí vận chuyển, không có thuế ... hoặc chưa bao gồm phí vận chuyển ... bạn nên xem cụ thể trong site bán hàng ...
-------
Khi gặp những giá quá rẻ cho 1 món hàng, ví dụ 300$ 1 máy ảnh Canon 450D , bạn nên nghi ngờ ... vì có khá nhiều site bán hàng giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua ...
Bạn nên tham khảo các site review người bán như sau :
http://www.resellerratings.com/
http://www.pricegrabber.com/

nhập địa chỉ hoặc tên site bán hàng nghi ngờ vào để xem mức độ uy tín ra sao ... có nhiều điều nhận xét "thú vị" đằng sau những cái tên hay thuộc về cùng 1 người bán có mức giá rất chi là rẻ ...
Có những ống kính PnS ko khép khi zoom đến 420mm ... đại đa số ống kính DSLR cũng khép lại y như bạn nói khi zoom ... loại không khép thì không nằm trong khuôn khổ bài so sánh này ... ( bạn đọc kỹ lại 1 chút ) ...

Ống kính DSLR zoom đạt độ mở F2.8 và xóa phông tốt thuộc về "hệ nâng cấp"

Bạn xem 1 chút xóa phông và khẩu F2.8 không khép ở 420mm của ống LEICA 35-420 F2.8 IS nhé

Là ảnh chụp từ Pana FZ-2 - 1 máy ảnh mình đã từng dùng ( hình mượn từ Flickr ). Máy này giờ còn giao dịch chắc giá khoảng 70-100$
Hàng secondhand chất ...

Một số máy được giới thiệu từ khá sớm, nhưng cấu hình so với các máy hiện nay thì .... VẪN RẤT ĐÁNG MƠ ƯỚC ( ảnh cũng rất tốt ) ... đặc biệt thỉnh thoảng vẫn thấy có người rao bán ... ( hehe )

Olympus C2100UZ năm 2000 ( 2MP - mật độ pixel 6MP/cm2, zoom 10x chống rung, cảm biến 1/2" - lớn hơn cảm biến S5-IS, SX110 .. )


Olympus C4040 (2001 ) / C5050 năm 2002 ( 4 / 5Megapixel - mật độ 10 / 13MP /cm2, zoom 3x, cảm biến 1/1.8", đặc biệt độ mở max F1.8 - min F10 ... so với độ mở phổ biến hiện nay max F2.8 - min F8 )


Canon G1/G2 Sony S70/S75/85 ra từ 1999-2002 zoom 3x, độ mở từ F2.0-F2.5, Canon G3/G5/G6 zoom 4x độ mở từ F2.0-3.0


Panasonic FZ-1/FZ-2 2002 /2003 ( 2Megapixel - zoom 12x chống rung ống kính, độ mở trên cả dải zoom 12x là F2.8 , sau này các model mới hơn là FZ10 / FZ-20 cũng vẫn duy trì tính năng độc nhất vô nhị này



Sony F707 2001 / F717 2002 - cảm biến lớn 2/3" OK zoom CarlZeiss 5x F2.0-2.4 lấy nét bằng laser dạng hologram hiệu quả ngay trong phòng tối tuyệt đối, thân xoay ( giống như model trước F505 -1999)


"Một số dòng máy bị mắc lỗi chế tạo, không nên mua ở dạng xách tay và secondhand :
- Canon : A 70, .. A95, A 650 IS loạt đầu cũng có lỗi ở màn LCD ... Canon S1-IS chết CCD
- Fuji : F-series trước 2005 rất dễ chết CCD ...
từ F10, F11, F20 ... thì khắc phục được ... F100fd một số máy bị pink banding ... nên kiểm tra kỹ ..."

"
pink banding" là lỗi gì ạ, bác có thẻ tả kỹ hơn một chút ko ? em đang dùng con fuji F100fd, nên rất cần biết các lỗi xảy ra trên dòng máy này. Cám ơn rất nhiều.
Pink band là Viền màu hồng trên ảnh khi chụp ở ISO cao như 400, và khi chụp 1 kiểu flash / 1 kiểu không ... ( kiểu ko flash sẽ bị )

Nhìn viền trái của ảnh sau


Đã có firmware của hãng để fix lỗi trên
Xem hướng dẫn chi tiết ở đây

Cách check version hiện tại :
Giữ nút disp/back khi bật máy > máy sẽ hiển thị version hiện tại ... version mắc lỗi là 1.00 ... check xong bấm menu/ok để tắt máy ...

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019