Trong khi nghiên cứu về bệnh sốt rét ở Mali, một quốc gia Tây Phi, các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống muỗi kháng được thuốc diệt côn trùng, vì vậy họ đã công bố điều này với thế giới, rằng có thể sắp tới đây, mùng (màn ngủ) có thể sẽ không còn bảo vệ con người an toàn được nữa nếu như loài muỗi kia xuất hiện ngoài thiên nhiên.Anopheles gambiae là tên khoa học của giống muỗi "siêu việt" mới, được ghi nhận có khả năng kháng được thuốc xịt muỗi. Theo nghiên cứu, muỗi Anopheles gambiae trước đây được xem là biến thể của 2 giống muỗi mang mầm bệnh sốt rét, nhưng gần đây đã được các nhà côn trùng học phân thành một giống loài mới. Trong thử nghiệm, người ta nhốt loài muỗi này trong mùng và phun thuốc xịt muỗi, nhưng chúng vẫn sống mà không bị hề hấn gì. Giáo sư Gregory Lanzaro thuộc đại học California cho rằng giống muỗi này là sự tiến hoá của tự nhiên từ 2 loài muỗi sốt rét, nhằm thích nghi với thuốc diệt muỗi của con người.
Mùng (màn ngủ) được tẩm thuốc diệt muỗi là phương pháp rẻ tiền đang được tài trợ cho các quốc gia châu Phi, nhằm giúp người dân nơi đây an toàn trước dịch sốt rét, sốt xuất huyết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của giống muỗi mới kháng được thuốc xịt muỗi sẽ gây khó khăn rất nhiều cho con người, khi mà những chiếc mùng này không còn có thể bảo vệ được họ nữa. Theo giáo sư Lanzaro, việc cần làm hiện nay là chúng ta phải gấp rút nghiên cứu phương pháp mới trong phòng và trị bệnh sốt rét, trước khi giống muỗi kháng thuốc sinh sôi nảy nở và lai ra thêm nhiều loài mới nguy hiểm hơn nữa.