CES 2025

CES 2025


Màn hình LED, LCD, mini LED và OLED khác biệt như thế nào?

Pnghuy
30/6/2022 18:13Phản hồi: 2
Màn hình LED, LCD, mini LED và OLED khác biệt như thế nào?
Phạm vi bài viết này mình sẽ tổng hợp cách đơn giản nhất về các loại tấm nền đã và đang sử dụng phổ biến trên TV, màn hình máy tính hay laptop hiện tại, cách phân biệt và cách hoạt động của chúng như thế nào nhé.

Màn hình LCD


Đây là dạng tấm nền màn hình phổ biến rộng rãi nhất, LCD nghĩa là Liquid Crystal Display - màn hình tinh thể lỏng. Riêng màn hình LCD thì cũng chia ra làm nhiều loại: màn hình tấm nền TN, VA hay IPS.

Màn hình LCD thường sẽ sử dụng những bóng đèn LED để chiếu vào panel, nhưng LED cũng có mini LED hay micro LED nữa, càng về sau càng đắt tiền hơn. LCD như trong tên gọi là tấm tinh thể lỏng được đặt giữa các tấm kính phân cực và đèn nền.
[​IMG]
Khi điện chạy qua, các tinh thể biến đổi để cho phép hoặc chặn ánh sáng đi qua các bộ lọc màu, tùy thuộc vào hình ảnh, để tạo thành những gì bạn nhìn thấy trên màn hình.

Ngày xưa, màn hình TV sử dụng công nghệ CRT, màn hình CRT sử dụng màn huỳnh quang và các ống tia cathode tác động vào các điểm ảnh để tạo sự phản xạ ánh sáng, nhưng sau này các nhà sản xuất dần chuyển sang đèn nền LED hết.

Màn hình tấm nền TN, VA hay IPS là gì?


TN, VA hay IPS là ba thể loại tấm nền phổ biến nhất của màn hình LCD, thường thấy trên laptop và màn hình nói chung. Mỗi thể loại đều có cách sử dụng tinh thể lỏng khác nhau, vậy điểm khác nhau là gì?

TN hay twisted nematic là dạng tấm nền đã xuất hiện trên thị trường khá lâu vì độ trễ thấp và nhất là giá thành sản xuất rẻ. Các tinh thể lỏng trong màn hình TN xoắn 90 độ để cho ánh sáng đi qua.
ROG_Swift_500Hz.jpg
Vì độ trễ thấp nên màn hình TN thường sẽ dễ dàng để có được tốc độ làm tươi cao, 300Hz, 360Hz hay thậm chí hơn. Gần đây mình có thấy ASUS giới thiệu chiếc màn hình 500Hz đầu tiên trên thế giới, cũng sử dụng tấm nền TN nhưng với công nghệ E-TN. E-TN cho độ trễ giảm 60% so với tấm nền TN thông thường và dành riêng cho các tựa game và giải đấu esport.

Mặc dù tấm nền VA hay IPS vẫn có thể có được tốc độ làm tươi cao nhưng TN sẽ giúp đẩy tốc độ làm tươi đến con số không tưởng.

Nhưng đổi lại, tấm nền TN sẽ có khả năng tái tạo màu sắc kém hơn VA hay IPS và cũng sẽ cho góc nhìn kém hơn, khó thấy hình ảnh rõ ràng từ những góc nghiêng.

VA hay Vertical alignment là tấm nền màn hình căn chỉnh dọc, trong đó các tinh thể lỏng được đặt vuông góc với đế thuỷ tinh và cho ánh sáng đi qua khi các tinh thể nghiêng đi. VA sẽ cho độ tương phản cực cao, hay nói cách khác là nó vượt trội hơn về độ tương phản, một trong các yếu tố quan trọng liên quan chất lượng hình ảnh.

Màn hình VA thường có độ tương phản trung bình vào khoảng 3000:1, trong khi IPS chỉ khoảng 1000:1.

Quảng cáo



Có thể nói VA và IPS Black (công nghệ cải tiến của IPS tăng tương phản lên 2000:1) khá ngang ngửa nhau trên thị trường nhưng IPS vẫn chiếm ưu thế hơn và có giá mắc hơn (nhưng cũng có vài màn hình sử dụng VA giá cũng rất cao).

Cuối cùng là IPS, in-plane switching với điểm mạnh là góc nhìn rất tốt và màu sắc rực rỡ, cơ chế sử dụng các tinh thể lỏng song song với các lớp kính, các tinh thể sẽ xoay để cho ánh sáng đi qua.

Điểm mạnh của IPS so với VA hay TN là cho góc nhìn rộng hơn, gam màu phong phú hơn và độ phổ biến rộng rãi. Nhưng nếu ưu tiên về tốc độ làm tươi thì tấm nền IPS tốc độ làm tươi cao mắc hơn nhiều so với tấm nền TN.

LCD-LED


Màn hình LCD sử dụng đèn nền LED là dạng phổ biến nhất hiện nay, LED hay Light Emitting Diode là các Đi ốt phát quang để phát ra ánh sáng, ánh sáng đi qua chất nền thuỷ tinh và tấm tinh thể lỏng để tạo ra hình ảnh.

Màn hình LCD-LED sẽ có hai dạng phổ biến là edge LED (LED viền) và full-array LED. Edge LED sẽ sử dụng các bóng LED nhỏ bố trí xung quan viền màn hình còn LED full-array sẽ sử dụng bóng đèn LED trải rộng trên tấm nền để có độ sáng đồng đều hơn.

Quảng cáo


QLED


[​IMG]

Thuật ngữ QLED với chữ Q là Quantum dots, màn hình LED chấm lượng tử. QLED thường được Samsung sử dụng và cách viết của nó rất dễ nhầm lẫn với OLED. Theo Samsung, QLED sẽ cho độ bao phủ màu rộng hơn LED thông thường, tạo ra nhiều màu sắc hơn.

Local-dimming LED


Dịch nôm na là màn hình LED với vùng biến thiên độ sáng cục bộ, nó sẽ giúp tăng khả năng kiểm soát độ sáng tốt hơn ở các phần khác nhau của màn hình. Hình ảnh sẽ được chia thành các vùng, cho phép màn hình thể hiện các mức độ sáng khác nhau.

Local-dimming LED rất phù hợp với các nội dung HDR, cung cấp độ tương phản cao hơn đáng kể với các loại nội dung này, giúp hình ảnh trông có sắc thái và chi tiết hơn.

HDR cũng có thể sử dụng với màn hình LED không có local-dimming, nhưng lúc này do chỉ có một vùng
biến thiên độ sáng duy nhất nên nội dung HDR khi xem trên màn hình này sẽ không có sự khác biệt với màn hình SDR.

Local-dimming là một giải pháp tốt nhất có thể để tăng độ tương phản của màn hình LED so với OLED, nhưng màn hình LED với local-dimming sẽ bị hiện tượng blooming, tức là ánh sáng từ vùng sáng của hình ảnh tràn vào vùng tối gần đó, khiến xung quan hình ảnh bị hiệu ứng "hào quang", khiến vùng tối vốn có màu đen gần đó trở nên xám hơn. Nhưng local-dimming cũng có nhiều dạng, như edge-lit local dimming hay full-array local dimming.

Edge-lit local-dimming ELD và Full-array local-dimming FALD


ELD.jpg
Mô tả của VESA về một màn hình ELD có 16 vùng biến thiên độ sáng.

Công nghệ ELD hay còn gọi là biến thiên vùng sáng cạnh, với tối đa 32 vùng nhưng chất lượng hiển thị sẽ kém hơn biến thiên độ sáng toàn mảng (full-array local-dimming) và giá thành cũng rẻ hơn và đương nhiên nó cũng sẽ bị hiện tượng blooming.

FALD.jpg
Còn đây là mô tả của VESA về màn hình FALD với 384 vùng biến thiên độ sáng.

FALD sẽ có nhiều vùng biến thiên độ sáng hơn ELD, dao động từ 384 đến 1152 vùng local-dimming, nhưng cũng giống ELD, FALD cũng sẽ bị hiện tượng blooming.

Mini LED


[​IMG]

Mini LED là một nhánh khác nữa của FALD, về bản chất mini LED vẫn là LED và cũng là màn hình LCD. Sự khác biệt giữa LED và mini LED đến từ kích thước của bóng LED, bóng LED trên mini LED nhỏ hơn 50% so với bóng LED thông thường, từ đó màn hình mini LED sẽ có nhiều bóng LED hơn, nhiều bóng LED hơn tức là có nhiều vùng local-dimming hơn, tương phản tốt hơn.

Tấm nền mini LED sẽ cho độ tương phản gần hơn với OLED, trong khi độ sáng thường cao hơn và không bị hiện tượng burn-in (lưu ảnh). Ngược lại, tấm nền mini LED hiện tại giá vẫn còn cao, đặc biệt so với màn hình LED thông thường. Ngoài ra, mini LED cũng có thể bị blooming.

OLED


OLED là công nghệ màn hình có thể nói là xịn nhất hiện tại và cũng là loại màn hình duy nhất không phụ thuộc vào tấm tinh thể lỏng (LCD). OLED là viết tắt cho Organic Light Emitting Diode - Đi ốt phát quang hữu cơ. Về chất lượng hiển thị thì nó tốt hơn bất cứ loại màn hình LED nào đang có hiện tại.

[​IMG]

Đối với màn hình OLED, mỗi pixel đều có khả năng tự phát sáng và bật tắt độc lập, vì vậy màn hình OLED có thể tạo ra đến hàng triệu vùng local-dimming. Chính vì thế, trên màn hình OLED bạn sẽ thấy màu đen của nó cực kì sâu và độ tương phản của nó cũng cao hơn bất kì loại màn hình sử dụng công nghệ LED nào đang có. OLED cũng đem lại một độ bao phủ màu cực rộng và độ bão hoà màu cao. OLED cũng sẽ không bị tình trạng blooming như mini LED.
OLED.jpg
Nếu có điểm nào OLED chưa thể bằng được mini LED thì đó là độ sáng, mini LED có thể đưa độ sáng lên trên 1000 nits dễ dàng, thậm chí màn hình mini LED Samsung Odyssey Neo G8 đang ở Tinh tế có độ sáng lên đến 2000 nits. Ngoài ra, màn hình OLED sẽ có nguy cơ bị tình trạng burn-in do các pixel dần lão hoá sau quãng thời gian dài sử dụng.

QD-OLED


[​IMG]

Cũng giống như QLED, QD-OLED sử dụng những đi-ốt phát quang hữu cơ chấm lượng tử, đem lại nhiều màu sắc hơn nữa nhờ sử dụng các chấm lượng tử (quantum dots). TV-QD OLED mới bắt đầu ra mắt hồi đầu năm nay từ Samsung, từ đó đưa Samsung trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của LG trong phân khúc TV OLED cao cấp. Tìm hiểu thêm về QD-OLED anh em có thể đọc tại đây.

Tham khảo: Arstechnica.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

https://vnreview.vn/thread/so-luoc-cac-cong-nghe-man-hinh-dang-co-quanh-ta-lcd-oled-miniled-phan-1.492581209269575

À nếu là dạng bài Sơ lược về công nghệ màn hình thì mình có viết rồi nè. Có 2 phần chính và 1 số bài viết vệ tinh liên quan. Ai thừa thời gian có thể đọc chơi. 👻

Btw, đây là bài viết gần nhất về màn hình trên tt
https://tinhte.vn/thread/apple-samsung-sony-nhan-giai-thuong-man-hinh.3520394/


Bài này ngắn nên ai là fan hãng đọc lướt qua cũng dc.
Mình xin phép tóm gọn lại như sau:
Màn hình LED:

Sử dụng các điốt LED để tạo ra ánh sáng. Các điốt này phát sáng khi điện được đi qua.
Có độ sáng cao, tương phản tốt và khả năng tái tạo màu sắc tốt.
Thường được sử dụng trong các màn hình ngoài trời hoặc trong các ứng dụng quảng cáo lớn.

Màn hình LCD:

Sử dụng một lớp lỏng trong suốt (liquid crystal) và nguồn sáng phía sau để hiển thị hình ảnh. Các pixel trên màn hình LCD sẽ kiểm soát ánh sáng để tạo ra hình ảnh.
Có độ sáng trung bình và góc nhìn hạn chế.
Thường được sử dụng trong các màn hình máy tính, TV, điện thoại di động.

Màn hình mini LED:

Sử dụng hàng ngàn điốt LED nhỏ (mini LED) để cung cấp ánh sáng cho mỗi pixel.
Cung cấp độ sáng cao, tương phản tốt và độ chính xác màu sắc tốt hơn so với màn hình LED truyền thống.
Thường được sử dụng trong các màn hình cao cấp, đặc biệt trong lĩnh vực gaming và nhìn hình ảnh chuyển động nhanh.

Màn hình OLED:

Sử dụng các điốt OLED tự phát sáng khi điện được đi qua. Mỗi pixel trên màn hình OLED có thể tự điều khiển ánh sáng của mình.
Cung cấp độ sáng cao, độ tương phản tốt, góc nhìn rộng và màu sắc chính xác.
Thường được sử dụng trong các màn hình điện thoại di động, TV cao cấp và các thiết bị đeo công nghệ.
Nguồn tham khảo thêm: Ledp.vn (DX Events - Màn Hình Led P)
#dxevents #ledp

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019