Có thể thấy trong thời gian gần đây, Microsoft đang đẩy nhanh các thương vụ mua lại những công ty nhỏ hơn với các phần mềm chất lượng. Điển hình là Acompli - email client trên iOS và Android, hay vừa qua là Sunrise - một ứng dụng lịch rất hay. Câu hỏi đặt ra ở đây đó là tại sao Microsoft lại tỏ ra đặc biệt quan tâm và chi nhiều tiền cho những startup như vậy, họ cần developer giỏi hay họ cần một thứ gì khác vĩ mô hơn?Khi vừa nhậm chức CEO Yahoo, bà Marissa Mayer đã tiến hành mua lại một loạt các startup, những công ty nhỏ với mục đích chính đó là chiêu mộ nhân tài. Tuy nhiên ở Microsoft, mọi chuyện không phải như vậy, cái mà tập đoàn công nghệ Mỹ hướng đến, đó chính là sự tái tạo - hay nói cách khác đó là biến Microsoft trở thành một gã khổng lồ phần mềm thực sự
Trước khi Satya Nadella lên làm CEO Microsoft, tập đoàn Mỹ vẫn lấy Windows làm trọng tâm trong hoạt động kinh doanh, phần lớn vì sự lớn mạnh và phổ biến của hệ điều hành này trên khắp thế giới. Nhưng với Nadella thì điều đó là chưa đủ, ông muốn Microsoft phải là một “tập đoàn phần mềm” thật sự, đặc biệt là ở mảng di động.
Để tiến hành mục tiêu đó, Microsoft bước đầu mua lại Acompli và nhanh chóng dựa vào Acompli để cho ra mắt ứng dụng email đa nền tảng Outlook. Và theo dự đoán thì sau khi mua Sunrise, Microsoft cũng sẽ sớm tung ra một ứng dụng lịch mới và nó có thể sẽ có cái tên mang nhãn hiệu Office. Có thể thấy từ Acompli và Sunrise, ta sẽ rút ra một điều đó là Microsoft đang muốn mang lại những gì tốt nhất cho các dịch vụ xoay quanh Office.
Củng cố sức mạnh các dịch vụ xoay quanh bộ Office chính là ý nghĩa của việc mua lại Sunrise và Acompli
Đúng như vậy, Microsoft đang muốn tăng lượng người dùng Office lên nhiều lần, bằng chứng rõ nét nhất chính là động thái miễn phí sử dụng bộ Office trên nền tảng di động. Ngoài ra, Microsoft cũng hợp tác chiến lược với Dropbox để tích hợp dịch vụ đám mây này vào sâu trong Office. Và chính nhờ những bước đi rất ý nghĩa đó của Microsoft, hay có thể nói là Nadella, đã giúp cho người dùng giờ đây được trải nghiệm những ứng dụng di động chất lượng cao - vốn chỉ có trên desktop trước đó.
Quay trở lại với việc mua Acompli và Sunrise cũng như “có thể là những startup tiềm năng khác trong tương lai”, rõ ràng đây là một bước đi chiến lược rất khôn ngoan của Microsoft - tương tự như cái cách mà họ quyết định miễn phí bộ Office. Microsoft thừa hiểu rằng sự thống trị của bộ phần mềm Office đang đối diện với nguy cơ rất lớn đến từ việc ngày càng nhiều khách hàng và doanh nghiệp chuyển sang các dịch vụ đám mây có tính năng tương tự, hay rõ ràng hơn là Google Docs.
Sức mạnh của Google Docs rõ ràng chưa thể nào sánh kịp với bộ Office từ Microsoft, tuy nhiên nhiều người không quan tâm đến điều đó, họ chỉ cần một bộ ứng dụng văn phòng đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất. Chính vì vậy, việc giữ khách hàng và doanh nghiệp sử dụng Office là một thử thách thật sự, nhưng dù sao cũng rất đáng khen ngợi nếu như Microsoft mang lại trải nghiệm tốt đến với các ứng dụng xuyên suốt Windows, Android và iOS. Một lần nữa, hướng đi và hướng tập trung này của Microsoft có thể sẽ không mang tập đoàn quay trở lại thời hoàng kim như thời kỳ Windows, nhưng nó cho thấy Microsoft đã rất nhạy bén trong việc phản ứng lại những đổi thay của thị trường, và thay đổi lại cách mà họ phát triển phần mềm.
Tạo ra những ứng dụng đa nền tảng với chất lượng cao chính là điều mà Microsoft đang và đã thực hiện
Việc mua Acompli và Sunrise là cái cách cho thấy sự nhanh nhạy và sáng suốt của Microsoft. Thay vì cố gắng tạo ra lại một cái gì đó, Microsoft đã quyết định hợp tác với các đối thủ. Như đã đề cập ở trên, nếu như Yahoo mua lại các startup để chiêu mộ nhân tài, thì Microsoft lại khác bởi khi nhìn vào chất lượng của bộ Office, Skype, OneNote hay OneDrive thì chắc hẳn ai cũng hiểu đội ngũ developer của Microsoft đã quá tốt. Điều mà Microsoft cần chính là “sự hài lòng của khách hàng”.
Sunrise và Acompli trước khi được mua lại là hai ứng dụng nhận sự đánh giá rất cao đến từ khách hàng. Cụ thể hơn, Acompli mà hiện giờ là Outlook khi ra mắt đã được nhiều trang công nghệ cũng như người dùng nhận xét là email client tốt nhất trên iOS, Sunrise mặc dù Microsoft chưa có động thái gì cụ thể (vì mới mua lại) nhưng bản thân nó cũng là một app có chất lượng rất cao.
Chưa dừng lại ở những ứng dụng, Microsoft được cho là mua lại N-trig (tập đoàn sở hữu công nghệ tích hợp trong cây bút của Surface Pro 3) với mục đích có thể là tăng cường sự hiểu quả của bút stylus trong những dòng tablet tiếp theo của hãng. Người ta nói rằng công nghệ không thể nào thay thế được sự đơn giản và hiệu quả của bút và giấy, chính CEO Satya Nadella cũng thừa nhận bút viết thường sẽ không thể dễ dàng bị thay thế một sớm một chiều được. Chính vì vậy, việc mua lại N-trig có thể là tín hiệu cho thấy Microsoft đang muốn mang lại điều gì đó hứa hẹn hơn cho bút stylus cũng như phần mềm đi kèm trong tương lai.
Quảng cáo
Ngoài N-trig, Acompli và Sunrise, Microsoft cũng cho thấy họ đang muốn đánh bại chính Google ở mảng tìm kiếm. Trong vài năm gần đây, Microsoft đang đẩy mạnh việc hơp tác với các dịch vụ lớn như Facebook, Twitter, Apple và cố gắng tích hợp hệ thống tìm kiếm Bing của mình. Đây được xem là chìa khoá quyết định để Microsoft đối đầu trực tiếp với Google ở mảng tìm kiếm ở đa nền tảng.
Microsoft với nỗ lực đa nền tảng, và đang trở thành một "gã khổng lồ" phần mềm thực sự
Tổng kết lại, việc mua Acompli và Sunrise cho thấy “nỗ lực đa nền tảng” của Microsoft. Mặc dù biết rằng sẽ rất khó để Microsoft lại tạo ra một cái gì đó “vĩ đại” như Windows, nhưng Microsoft đang cố gắng hết sức để mang đến chất lượng tốt nhất ở mỗi sản phẩm mà họ tạo ra. Outlook, trình duyệt Spartan, Windows 10 là những thứ thể hiện rõ nhất bộ mặt mới của Microsoft dưới thời Satya Nadella.
Chưa biết được từ giờ đến cuối năm, Microsoft sẽ còn mua lại bao nhiêu công ty nhỏ nữa nhưng chắc chắn rằng không lâu sau nữa, chúng ta sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về cái cách mà Microsoft tận dụng Sunrise hay N-trig. Trên hết, tất cả những hướng đi mới, sự nhạy bén cần thiết với thị trường, sự chuyển đổi, sự phục hưng hoặc có thể gọi là sự tái tạo ở những mảng di động, đám mây và mảng dịch vụ cho công việc đều đến từ Nadella - người thổi một luồng gió mới đầy năng động vào một Microsoft già cỗi.