Nếu lỡ điện thoại Android của anh em có bị chậm thì mời anh em ngâm cứu mấy cách bên dưới. Chúng là những thứ mình thu thập được sau một thời gian trải nghiệm đủ loại máy Android từ thấp đến cao. Mình cũng chia sẻ với anh em một số phương pháp thường được người ta dùng nhằm tăng tốc máy nhưng không thật sự mang lại hiệu quả để anh em biết mà né. Mời các bạn góp ý thêm bằng cách comment vào bên dưới để làm nguồn tham khảo cho những anh em tới sau nhé.
Những cách dùng được
Đổi launcher khác
Launcher là thành phần mà bạn sẽ phải dùng nhiều, vậy nên không lạ khi việc đổi sang lancher khác là một trong những thứ có thể giúp bạn cảm thấy máy của mình trở nên nhanh hơn. Một số launcher mặc định có thể sẽ hơi nặng nề so với cấu hình, mình để ý vụ này hay xảy ra với các dòng Android giá rẻ tầm 3-4 triệu trở xuống. Lý do chậm là vì nhà sản xuất muốn nhét nhiều chức năng vào launcher để người dùng không cảm thấy thua kém nhiều so với các sản phẩm khác, hoặc để launcher đó thống nhất giữa các máy tầm thấp và máy tầm cao giúp nhà sản xuất đỡ phải tùy biến phần mềm.
Khi ấy bạn chỉ cần thử cài một launcher khác vào, ví dụ như Nova Launcher, Apex Launcher hay thậm chí là Google Now Launcher thì cảm giác sẽ khác hẳn. Các launcher này thường chạy mượt hơn và nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với launcher gốc. Riêng mình thì thích Nova Launcher, mình đã cài nó cho những máy Android từ 4 triệu cho tới 18 triệu và đều hài lòng với hiệu năng của launcher này.
Những cách dùng được
Đổi launcher khác
Launcher là thành phần mà bạn sẽ phải dùng nhiều, vậy nên không lạ khi việc đổi sang lancher khác là một trong những thứ có thể giúp bạn cảm thấy máy của mình trở nên nhanh hơn. Một số launcher mặc định có thể sẽ hơi nặng nề so với cấu hình, mình để ý vụ này hay xảy ra với các dòng Android giá rẻ tầm 3-4 triệu trở xuống. Lý do chậm là vì nhà sản xuất muốn nhét nhiều chức năng vào launcher để người dùng không cảm thấy thua kém nhiều so với các sản phẩm khác, hoặc để launcher đó thống nhất giữa các máy tầm thấp và máy tầm cao giúp nhà sản xuất đỡ phải tùy biến phần mềm.
Khi ấy bạn chỉ cần thử cài một launcher khác vào, ví dụ như Nova Launcher, Apex Launcher hay thậm chí là Google Now Launcher thì cảm giác sẽ khác hẳn. Các launcher này thường chạy mượt hơn và nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với launcher gốc. Riêng mình thì thích Nova Launcher, mình đã cài nó cho những máy Android từ 4 triệu cho tới 18 triệu và đều hài lòng với hiệu năng của launcher này.
Dọn dẹp widget màn hình chính cho gọn gàng
Việc để quá nhiều widget trên màn hình có thể làm máy chậm đi (icon thì không sao), nhất là các widget có khả năng tự động cập nhật thông tin liên tục. Nếu không thật sự cần, bạn hãy dọn dẹp các widget nào không sử dụng đi nhé. Mình đã từng có trải nghiệm này với chiếc Oppo Find 7, sau khi bỏ đi các widget hình ảnh, nhạc nhẽo mặc định thì cảm giác launcher mượt hơn nhiều khi vuốt ngón tay qua lại. Tất nhiên với widget nào bạn có dùng thì cứ để lại, đừng hi sinh đi trải nghiệm tiện lợi để đổi thêm mốt chút tốc độ. Tiền mình mà, xài cho thoải mái đi 😁
Đổi trình duyệt
Mình thì chưa thấy bao giờ, nhưng đã từng đọc qua một số comment của anh em nói rằng Chrome chạy chậm chạp trên máy của anh em. Trong trường hợp đó, anh em có thể chuyển sang sử dụng trình duyệt mặc định do hãng cài sẵn. Trình duyệt mặc định thường được phát triển dựa trên Android Browser có trong hệ điều hành, nó không có nhiều tính năng, không hỗ trợ sync mạnh như Chrome nên theo lý thuyết là sẽ chạy nhanh hơn, nhất là với các máy cấu hình thấp. Anh em nào bị vụ này rồi thì hãy chia sẻ thêm với mọi người về cách giải quyết nhé.
Chỉnh lại thời gian animation
Animation là các hiệu ứng chuyển động mà bạn thấy ở Android, ví dụ như khi có một hộp thoại nào đó hiện ra, tốc độ chuyển giữa app về launcher khi nhấn phím home, hay hiệu ứng chuyển giữa các cửa sổ app lúc ấn phím Recents. Bạn có thể chỉnh thời gian của những hiệu ứng này ngắn lại và các thao tác sẽ trở nên nhanh hơn một chút, ít nhất là bạn sẽ cảm thấy nhanh hơn. Riêng mình không dùng cách này vì nó làm mất đi cảm giác tự nhiên và nhẹ nhàng - nguyên nhân mà các hiệu ứng được sinh ra. Nhưng anh em cứ thử, biết đâu lại thích thì sao?
Cách chỉnh lại tốc độ của hiệu ứng:
Quảng cáo
- Vào Settings > About phone > Software Information
- Nhấn vào chữ Build Number 7 lần
- Quay trở ra Settings bằng phím back, tìm mục Developer Options > Advanced
- Kiếm mục "Window animation scale", "Transition animation scale", "Animator duration scale", chỉnh cho số x xuống mức Animation scale .5x (giảm thời gian hiệu ứng xuống phân nửa) hoặc Animation off (tắt hiệu ứng hoàn toàn)
Đổi máy mới
Vâng, sự thật là nếu anh em cảm thấy máy của mình quá chậm, đã làm đủ mọi cách mà vẫn cứ thấy chậm không được như ý thì hãy nghĩ tới việc mua một cái điện thoại khác ngon hơn, mạnh hơn. Những thiết bị cấu hình quá thấp dù có cố gắng chỉnh sửa, áp dụng thủ thuật tới đâu đi nữa thì nó cũng sẽ chạm tới giới hạn và không thể nhanh hơn được. Đôi khi cũng có những máy cấu hình rất khá nhưng vẫn chậm, chủ yếu là do nhà sản xuất không tối ưu phần mềm tốt, lúc đó thì anh em không còn làm gì được (trừ việc thử qua ROM Cook, nhưng anh em đã biết xài ROM cook thì có thể tự quyết định việc mua hay bán máy rồi, không cần mình khuyên nữa).
Những cách không nên dùng
Task Killer hay các app dọn bộ nhớ
Task killer ở đây là những ứng dụng để xóa bớt app ra khỏi RAM. Lý do mà bạn dùng Task Killer không hiệu quả là vì chỉ một thời gian ngắn sau các ứng dụng bạn chạy lên cũng sẽ lại làm đầy RAM trở lại. Mà ngay cả khi bạn kill app thì hầu hết chúng cũng đã được Android đưa vào trạng thái "ngủ đông" nếu như máy thật sự thiếu RAM nên thứ mà bạn đang làm là hoàn toàn vô ích. Bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác trong topic: Anh em không cần phải dùng task killer nữa.
Quảng cáo
Thói quen tắt bớt app khi không sử dụng
Cái mình đang nói tới là thao tác vuốt vuốt để đóng app mà nhiều bạn làm "như một thói quen". Thao tác đóng app này cũng giống với việc bạn sử dụng task killer: bạn đang làm thứ mà Android đã được lập trình để làm, và thường thì bạn đang đóng một app mà trước đó nó đã bị Android tạm ngừng hoạt động rồi. Từ trước tới nay mình chưa hề thấy cách tắt bớt app này tỏ ra hiệu quả lần nào cả, ngoại trừ việc bạn tắt đi những app đang bị lỗi hoặc đang bị đơ mà thôi. Không phải mình không cho bạn tắt app khi ứng dụng gặp vấn đề, Google làm ra chức năng này là có lý do cơ mà, nhưng không nên rảnh rảnh ngồi quẹt app để tắt vì nó chẳng giúp gì cả.
Phần mềm chống virus
Cách đây ít năm mình được nghe nhân viên tư vấn của các cửa hàng bán điện thoại nói như thế này: chị mới mua máy Android, chị nên cài phần mềm chống virus để nó quét và diệt virus khi xuất hiện để máy chạy nhanh hơn. Mình thấy khá buồn cười, vì tất cả những ứng dụng chống virus mình thử nghiệm đều mang lại trải nghiệm khá kém, chưa có cái nào làm máy chạy nhanh hơn nếu không muốn nói là còn làm chậm điện thoại vì các tác vụ hẹn giờ. Ngày nay lời tư vấn này đã không cần, nhưng phần mềm chống virus thì vẫn cứ xuất hiện trên khá nhiều thiết bị di động Android mà mình bắt gặp mỗi ngày. Lời khuyên của mình là không cần xài app chống virus cho Android làm gì, chỉ cần anh em cẩn thận một chút khi sử dụng là ngon.
Anh em có thể tham khảo thêm topic này: CSKN - Sử dụng thiết bị Android an toàn.
Mình chỉ biết nhiêu đó, mời anh em chia sẻ thêm những cách khác để xử lý vấn đề nhé.