Với những người bình thường thì có lẽ là thuyết tiến hoá của Darwin cũng chỉ là lý thuyết, đọc để biết, chứ khó có thể thấy được một cách rõ ràng sự tiến hoá trong tự nhiên. Đơn giản, để thấy được một loài nào đó đang tiến hoá thì cần cả một quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu lâu dài. Mới đây, 2 giáo sư thuộc trường đại học Tulsa đã công bố những thông tin về sự tiến hoá của loài chim nhạn ở phía Tây Nebraska sau hơn 30 năm nghiên cứu. Lũ chim này đã thích nghi với sự thay đổi của môi trường bằng cách làm ngắn đi đôi cánh của mình; đôi cánh ngắn hơn giúp cho việc vỗ cánh diễn ra nhanh hơn, sự linh hoạt tăng lên, giúp nó sống sót khi gặp nguy hiểm.
Loài chim nhạn ở Mỹ nổi tiếng với những chuyến di cư hàng năm từ Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Trong chuyến đi dài này, chúng thường hay gặp nguy hiểm là đâm phải các phương tiện giao thông và bỏ mạng. Theo một báo cáo năm 2005 của Sở Nông – Lâm nghiệp của Mỹ, ước tính có khoảng 80 triệu con chim bị chết mỗi năm do va chạm với phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lâu dài, giáo sư Charles Brown và Mary Bomberger Brown của ĐH Tulsa đã phát hiện ra rằng, số lượng chim nhạn bị chết vì tai nạn này đã giảm đi rất nhiều.
Loài chim nhạn cũng thường hay làm tổ bằng bùn tại các gầm cầu, đường vượt, hầm chui hay cống nước, và những công trình nhân tạo này thường nằm gần đường và có nhiều phương tiện qua lại, chính vì lẽ đó nó ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động của lũ chim.
Chim nhạn Mỹ chủ yếu ăn côn trùng, và thường đi săn mồi bằng chính đôi cánh. Nhằm thích nghi cho việc săn mồi trên không, cấu tạo cơ thể loài chim này có các đặc tính khí động và sải cánh dài giúp nó linh hoạt trong việc di chuyển. Chim nhạn thường săn mồi ở tốc độ bay khoảng từ 30-40km/h, nhưng nó có thể bay nhanh gấp đôi tốc độ đó. Khi săn mồi, lũ chim nhạn thường bay rất nhanh, với những cú ngoặt và nghiêng cánh nhanh, dù kỹ năng này giúp nó dễ bắt mồi nhưng cũng tạo ra nguy hiểm vì nguy cơ va chạm với các phương tiện sẽ cao hơn.
Đó cũng là lý do vì sao có nhiều con chim nhạn bị chết trong các vụ va chạm với phương tiện giao thông. Tuy nhiên, điều khiến 2 giáo sư Brown lưu ý đó là, mặc dù số lượng cá thể chim nhạn và cả phương tiện giao thông ở Tây Nam Nebraska đều tăng lên nhưng số vụ chim nhạn chết vì tông xe lại giảm từ 20 vụ vào năm 1982 xuống còn khoảng 2-4 vụ trong 2 năm trở lại đây.
Để tìm hiểu nguyên nhân, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh các thông số vật lý của những con chim bị xe đụng chết trong hàng chục năm qua (họ đã bảo quản xác những con chim này). Và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sải cánh của những con chim đã chết vì tai nạn giao thông lớn hơn khoảng 7% so với những con chim nhạn. Ngoài ra, trong khi sải cánh của những con chim bị chết vì tai nạn tăng đều hàng năm thì ngược lại sải cánh của loài chim nói chung lại giảm theo đúng số lượng đó mỗi năm. Theo số liệu năm 2012, sải cánh của loài chim nhạn là khoảng 102mm, trong khi sải cánh trung bình của những con chim bị chết vì tai nạn dài hơn khoảng 4-5mm.
Tóm lại là, các số liệu từ nghiên cứu của vợ chồng giáo sư Brown cho thấy loài chim nhạn dần dần ít bị tai nạn với các phương tiện giao thông hơn, và mối nguy đối với tất cả loài chim nhạn là không xác định – trong khi những loài có sải cánh lớn hơn thì nguy cơ cao hơn. Đôi cánh dài thì việc vỗ cánh sẽ nặng nề hơn, dẫn đến việc cất cánh hay xoay xở trên không chậm chạp hơn. Điều này lý giải cho quá trình tiến hoá có chọn lọc ở loài chim theo hướng làm ngắn sải cánh hơn. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy quá trình tiến hoá có thể diễn ra trong một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 30 năm, và loài chim đã có những thay đổi rõ ràng.