Hôm nay dọn dẹp nhà cửa, mình tìm thấy những cục pin laptop cũ, là pin rời. Mình chợt suy nghĩ là lần cuối mình tháo cục pin laptop ra là từ khi nào và lần cuối mình mua pin sơ cua cho laptop là từ khi nào? Có lẽ ít nhất là 5 năm về trước còn bây giờ, laptop có pin tháo rời khá hiếm. Vậy tại sao người ta chuyển sang tích hợp pin vào laptop thay vì dùng pin rời?
ASUS Zenbook UX31E - một trong những chiếc Ultrabook đầu tiên ra mắt cuối năm 2011.
Khoảng năm 2011, lúc đó mình vẫn đang xài chiếc laptop HP EliteBook Workstation 8560w chạy Intel Core thế hệ 2 thì chiếc máy này vẫn có pin rời. Thế nhưng cũng trong năm đó thì Ultrabook xuất hiện, mở đường cho những chiếc laptop có pin tích hợp cũng như phân khúc laptop mỏng nhẹ.
ASUS Zenbook UX31E - một trong những chiếc Ultrabook đầu tiên ra mắt cuối năm 2011.
Khoảng năm 2011, lúc đó mình vẫn đang xài chiếc laptop HP EliteBook Workstation 8560w chạy Intel Core thế hệ 2 thì chiếc máy này vẫn có pin rời. Thế nhưng cũng trong năm đó thì Ultrabook xuất hiện, mở đường cho những chiếc laptop có pin tích hợp cũng như phân khúc laptop mỏng nhẹ.
Vậy tại sao phải tích hợp pin để khiến máy mỏng hơn và nhẹ hơn?
Khi xưa xài laptop có pin tháo rời thì cục pin thường có hình dạng dài, vỏ nhựa cứng và khá nặng, lúc đó công nghệ pin thường được dùng là Li-ion. Công nghệ pin Li-ion có một đặc điểm là nó dùng chất điện phân lỏng nên sẽ cần được đóng kín bằng vỏ cứng. Vậy nên nếu anh em từng có dịp mổ pin laptop đời cũ thì anh em sẽ thấy bên trong cục pin dài đó chính là một loạt những cục pin Li-ion nhỏ (hay gọi là cell), kích cỡ tương tự pin AA và vỏ bằng kim loại. Các cell pin được nối với nhau, điều khiển bằng mạch sạc, cấu tạo của cả cục pin rất chắc chắn nhằm tránh nguy cơ va chạm gây đoản mạch, phát nổ. Cấu tạo vỏ cứng của pin Li-ion xưa cũng xuất hiện trên pin điện thoại, thường là hình vuông hay hình chữ nhật. Chính vì kết cấu vỏ cứng, chắc chắn nên pin nặng hơn đáng kể so với pin ngày nay. Thêm nữa, pin Li-ion chỉ có thể được đóng gói theo một số hình dạng nhất định như hình trụ, hình hộp vuông, chữ nhật và cần vỏ cứng nên để đảm bảo mật độ năng lượng, pin buộc phải có kích thước lớn.
Khi những chiếc máy mỏng ra đời thì để tích hợp pin, người ta chuyển sang dùng công nghệ pin Li-Po hay còn gọi là pin mềm. Nó cũng tương tự như pin Li-ion ngoại trừ chất điện phân được chuyển sang dạng gel polymer. Không còn lo rò chất lỏng và cũng khó phát nổ khi va chạm, pin Li-po có thể được chế tạo theo nhiều hình dạng do không cần phải đóng gói bằng vỏ cứng. Trọng lượng của pin Li-Po vì thế mà nhẹ hơn so với pin Li-ion.
Dell XPS 15 đời 2011 và đời 2022.
Như vậy với việc chuyển sang dùng pin Li-Po thì những chiếc laptop được giảm cân lẫn giảm cả 3 vòng. Thiết kế pin mỏng, dẹt đã giúp những chiếc máy đạt được độ mỏng đáng ngạc nhiên, ngay cả trên những chiếc laptop hiệu năng cao. Tiêu chuẩn ban đầu của Ultrabook là những chiếc laptop phải mỏng dưới 2,1 - 2,3 cm tùy dạng máy và kích thước màn hình. Vì vậy các hãng phải thay đổi công nghệ pin để đáp ứng tiêu chí này song song với việc thiết kế lại bo mạch và hệ thống tản nhiệt.
Vậy tại sao những chiếc laptop dày cui ngày nay cũng dùng pin tích hợp thay vì pin rời?
Máy trạm di động như ThinkPad P50/51 vẫn có pin rời (trái), từ P52 trở đi thì Lenovo đã bỏ thiết kế pin rời.
Trong những năm qua mình đã có cơ hội dùng nhiều mẫu laptop hiệu năng cao, những chiếc laptop gaming, sáng tạo nội dung và cả máy trạm di động dành cho doanh nghiệp. Điều mình nhận ra là laptop gaming hay thậm chí là máy trạm di động - một dòng máy vốn thường được thiết kế để dễ bảo trì, nâng cấp giờ cũng dùng pin tích hợp thay vì pin rời dù chúng vẫn có thiết kế dày cui và trọng lượng lớn. Sự thay đổi này cũng chỉ mới xuất hiện gần đây và lý do thì không giống như Ultrabook hay laptop mỏng nhẹ.
Quảng cáo
Bố cục phần cứng của máy đã thay đổi để tối ưu không gian cho các thành phần như hệ thống tản nhiệt và các cổng kết nối. Trước đây khi laptop còn dùng pin rời, cục pin thường được đặt tại cạnh sau máy và nó như là vị trí mặc định trừ một số ít những chiếc máy có pin đặt tại cạnh trước hay bên hông máy. Giờ thì laptop có pin tích hợp thì cục pin thường được đặt tại cạnh trước, ngay dưới chiếu nghỉ tay và bàn rê. Vị trí ở phía sau được dành cho hệ thống tản nhiệt và các cổng kết nối. Hệ thống tản nhiệt trên những chiếc laptop đời mới cũng thích ứng với sự thay đổi của phần cứng, trên những mẫu laptop Ultrabook thì hầu như không thay đổi nhiều nhưng với laptop gaming, phần cứng mạnh hơn đòi hỏi nhiều ống đồng hơn và heatsink nhiều hơn, dày hơn. Chúng ta có thể bắt gặp những chiếc laptop gaming có khe tản nhiệt ở cạnh sau và 2 bên, quạt thổi hơi nóng ra xung quanh, hiệu quả tản nhiệt tốt hơn. Như hình trên anh em có thể thấy sự thay đổi của dòng MSI GE63 và GE66, cùng cỡ 15,6" và cục pin đặt sau đã chiếm khá nhiều diện tích của hệ thống tản nhiệt.
Thiết kế bo mạch cũng trở nên đơn giản hơn, như tình huống của GE63 và GE66 thì MSI đã sử dụng thêm 1 bo mạch phụ để bổ sung cổng kết nối tại cạnh máy, trong khi đó với GE66 thì chiếc máy này có nhiều cổng đặt sau song song với các cổng tại cạnh máy và tất cả các cổng này đều nằm trên cùng một bo mạch. Điều này cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm tính phức tạp của thiết bị và cuối cùng là giá thành.
Pin chiếm trọn không gian còn lại của chiếc Surface Laptop 4.
Pin Li-ion có thể thiết kế theo nhiều hình dạng, từ đó nhà sản xuất có thể tận dụng không gian trống cho pin, từa tăng dung lượng vừa tiết kiệm diện tích. Điều này rất cần thiết với những chiếc máy hiệu năng cao bởi phần cứng mạnh hơn, ăn điện hơn trong khi công nghệ pin thì không nhiều thay đổi. Nhờ pin Li-Po mà những chiếc laptop này được trang bị cục pin có dung lượng đến 99 Wh - dung lượng tối đa mà bạn được phép mang máy theo trong hành lý xách tay khi đi máy bay.
Những thói quen đã biến mất khi pin laptop không thể tháo rời
Quảng cáo
Chắc nhiều anh em nhớ, khi laptop gặp vấn đề khẩn cấp chẳng hạn như vô tình nước đổ lên bàn phím thì tháo pin là một cách nhanh, tiện, an toàn để cứu chiếc máy. Mình từng gặp sự cố đổ nước vào bàn phím và điều mình đã làm là lập tức tháo pin thay vì nhấn giữ nút nguồn cho tắt máy. Chiếc máy của mình về sau chỉ bị hư bàn phím, mạch vẫn còn nguyên sau khi cho bỏ thùng gạo và phơi khô. Giờ gặp tình huống tương tự hoặc một số trường hợp không thể tắt máy được thì chúng ta chỉ có thể phụ thuộc vào nút nguồn hay tệ hơn là chờ cho chiếc máy cạn sạch pin.
Thay pin đã chai dễ như thay cái ốp điện thoại. Thật vậy, giờ mà muốn thay cục pin đã chai trong máy thì bạn chỉ có thể lên hãng hoặc nếu anh em có kinh nghiệm mở máy thì tự mua pin về tự thay, dĩ nhiên là mất zin và cũng có nguy cơ hỏng hóc. Trong khi đó với laptop kiểu cũ thì anh em chỉ việc mua 1 cục pin đúng model, tháo pin cũ ra bằng nút gạt và lắp pin mới vào. Vậy là máy được hồi mana một cách đơn giản.
Ngoài ra, mình cũng thường mua pin dung lượng cao hoặc pin sơ cua cho laptop để tăng thời lượng sử dụng. Nếu anh em từng xài ThinkPad hay những dòng laptop doanh nghiệp, máy trạm di động xưa kia thì sẽ không lạ với những cục pin "gù" - pin dung lượng cao, gắn vào nâng cả đáy máy lên và dĩ nhiên là cho thời lượng sử dụng lâu hơn so với pin gốc.
Mình vào thời điểm xài EliteBook Workstation của HP thì mình còn sắm cả pin sơ cua và cả cối sạc pin, mỗi khi đi làm cũng hay đem pin theo. Thậm chí dòng máy này còn có những phụ kiện pin mở rộng (extended battery) dưới dạng 1 cái khay hay dock gắn thêm vào đáy máy. Như hình trên là cục pin mở rộng chữ U của dùng được cho nhiều dòng HP EliteBook, EliteBook Workstation và ProBook, bên phải là cục pin mở rộng dạng khay dành cho Dell Latitude.
Đi làm lại cell pin cũng là điều mình và nhiều người bạn khi đó thường làm. Với các cell pin dạng viên pin rời như pin AA, có nhiều chỗ nhận làm lại cell và chi phí cũng rẻ hơn so với mua pin mới. Giờ với pin dẹt thì mỗi khi có máy bị chai pin hay bạn bè hỏi thay pin thì mình cũng gợi ý là mua pin mới thay thế thay vì làm lại cell vì nó không đơn giản như trước.
Pin chai mà không muốn thay hay sợ pin chai khi thường cắm sạc liên tục? Tháo pin ra xài nguồn trực tiếp! Đây là thói quen của nhiều người trong đó có mình khi đó, nhiều chiếc laptop tháo pin ra vẫn xài nguồn trực tiếp được.