Khi mà những lo ngại do thảm hoạ hạt nhân gây ra còn chưa qua đi, Nhật Bản đã từng bước khắc phục nó và vừa rồi, họ đã cho vận hành lại nhà máy điện hạt nhân Ōi. Năm 2011 là một năm thảm hoạ đối với người Nhật. Tháng 3/2011 một trận động đất mạnh 9 độ richter đã làm rung chuyển bán đảo Oshika. Đây là trận động đất mạnh nhất mà nước này từng trải qua (và là trận động đất lớn thứ 5 trong lịch sử loài người), tiếp sau đó là một đợt sóng thần khủng khiếp đã quét sạch nhiều vùng ven bờ biển Nhật Bản. Khó khăn tiếp nối khó khăn, cơn sóng thần này đã gây ra rất nhiều sự cố ở các nhà máy điện hạt nhân, và sự cố lớn nhất có thể kể đến là việc lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi bị nổ, làm phóng xạ lan ra một vùng rộng lớn và ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm ngàn người dân Nhật Bản.
Sau sự cố này, Nhật đã dần đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của họ để tiến hành rà soát lại, có đến trên 50 lò phản ứng hạt nhân đã phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, hôm thứ Năm 5/7 vừa qua, nay họ đã khởi động trở lại lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Ōi.
Mục đích của sự việc này được đánh giá do nhu cầu dùng điện tăng cao cũng như Nhật Bản đang vào mùa nóng. Giới chức nước này cũng đã có nhiều động thái nhằm trấn an dư luận. Lò phản ứng này được lựa chọn sau khi vượt qua các đợt kiểm tra rất nghiêm ngặt và tuân thủ theo các nguyên tắc an toàn hạt nhân vào tháng 7/2012 nhằm bảo đảm một thảm hoạ tương tự như Fukushima Daiichi không tái diễn.
Mặc dù sự việc này nhận rất nhiều chỉ trích của những người phản đối, nhưng việc khởi động lại các lò phản ứng là cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu dùng điện trong mùa hè này, bởi 50 lò phản ứng hạt nhân bị đóng của Nhật đã cung cấp khoảng 30% tổng lượng điện năng cho toàn nước này. Khi cái nóng của mùa hè đến, chính quyền Nhật lo rằng các loại hình năng lượng khác sẽ không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhu cầu làm mát. Do vậy mặc dù vẫn còn những lo ngại về hiểm hoạ hạt nhân, họ đành phải chấp nhận sự lựa chọn duy nhất này.