Camera giám sát Reoqoo

Camera giám sát Reoqoo


Nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khi muốn triệt sản

10/12/2021 8:42Phản hồi: 0
Nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khi muốn triệt sản
Nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khi muốn triệt sản

Sau khi sinh đứa con đầu lòng vào năm ngoái, vợ chồng cô Zhao Zihuan tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông muốn thực hiện phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Một đứa con là đủ đối với họ. Tuy vậy, yêu cầu này bị hai bệnh viện từ chối.

“Tôi vừa hoảng sợ vừa tức giận”, Zhao nói với Washington Post. “Nếu chúng tôi không may dính bầu (ngoài ý muốn) thì sao? Chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài sinh con. Gánh nặng sẽ rất lớn”.

Trong hơn ba thập kỷ trước đây, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để giảm tỷ suất sinh. Tuy vậy, trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng đảo ngược xu hướng này với lo ngại tỷ suất sinh thấp sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội trong tương lai, nhiều bệnh viện không còn hỗ trợ thắt ống dẫn tinh.

Khó khăn tìm nơi phẫu thuật


“Về lý thuyết, đây là một dạng phẫu thuật đơn giản. Tuy vậy, nhiều bệnh viện công từ chối thực hiện. Chúng tôi lo ngại các nguy cơ đến từ thực hiện một công việc mà giới chức trách không chấp thuận một cách rõ ràng”, ông Yang, giám đốc một bệnh viện ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, nói.

“Chính sách cơ bản hiện nay của Trung Quốc là tăng tỷ suất sinh”, ông Yang nói.

Theo dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố tháng 11 vừa qua, tỷ suất sinh của nước này năm 2020 là 8,5 trẻ/nghìn dân. Đây là con số thấp nhất trong hơn 70 năm. Mỗi phụ nữ Trung Quốc trung bình chỉ có 1,3 con, thấp hơn Nhật Bản. Do đó, dân số Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đảo chiều sụt giảm trong những năm tới.

Tuy vậy, những nỗ lực khuyến khích các gia đình có nhiều con hơn của Bắc Kinh - như cho phép đẻ con thứ ba, hỗ trợ tài chính hay cho phép cha mẹ nghỉ dài hơn sau khi có con - chưa đạt được nhiều thành công.

Luật pháp Trung Quốc quy định quyền sinh đẻ của người dân, bao gồm quyền tránh thai, được bảo vệ. Tuy vậy, một số cặp đôi lo ngại giới chức trách sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế với một số biện pháp tránh thai.

Một tài liệu của chính phủ Trung Quốc được phát hành hồi tháng 9 đề nghị chính quyền các địa phương giảm số lượng các ca phá thai “không vì vấn đề y tế”.

Theo Washington Post, 12 bệnh viện công tại các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu cho biết họ không còn thực hiện phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. 6 bệnh viện khác vẫn thực hiện phẫu thuật này, nhưng không chấp nhận các khách hàng là nam giới chưa kết hôn.

Một số khách hàng cho biết họ từng bị các bệnh viện từ chối, hoặc yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận kết hôn và chứng minh đã có con trước khi phẫu thuật.

Quảng cáo



Anh Zhou Muyun, 23 tuổi, sống tại thành phố Quảng Châu, muốn thực hiện phẫu thuật trong năm nay. Tuy vậy, anh đã không thành công.

“Sau khi chính sách ba con được ban hành, các bác sĩ có mối lo ngại mới, mang tính lâu dài. Việc thực hiện phẫu thuật sẽ tước đi khả năng có con, có cháu của người đàn ông trong một xã hội hướng đến gia đình”, giáo sư Sun Xiaomei tại Đại học Phụ nữ Bắc Kinh nhận định. “Không ai muốn bị đổ lỗi cho điều này”.

Để thực hiện phẫu thuật, nhiều người đã phải đi một quãng được rất xa. Anh Jiang, 30 tuổi, phải di chuyển hơn 1.000 km từ quê nhà Phúc Kiến đến thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên để thắt ống dẫn tinh vào tháng 3. Sau đó, anh biết tin cơ sở làm phẫu thuật cho anh đã ngừng cung cấp dịch vụ.

“Tôi cảm thấy bản thân như thoát khỏi một gánh nặng lớn”, Jiang nói. “Tôi hoàn toàn không ghen tị với những người đã kết hôn và có con”.

Sự thờ ơ của nhiều người Trung Quốc đối với phẫu thuật thắt ống dẫn tinh còn thể hiện quan điểm truyền thống: Phụ nữ nên là người chịu trách nhiệm cho việc tránh thai. Khi anh Zhou Muyun và bạn gái đề xuất nguyện vọng, một bác sĩ đề nghị bạn gái của Zhou đặt thiết bị tránh thai trong tử cung.

“Điều này thể hiện truyền thống gia trưởng”, Yue Qian, giáo sư xã hội học tại Đại học British Columbia nói. “Nam giới không bao giờ là trung tâm trong các vấn đề về hôn nhân, gia đình, sinh đẻ hay tránh thai”.

Quảng cáo



Cô Zhao Zihuan và chồng cuối cùng cũng có thể thực hiện phẫu thuật ở một bệnh viện công nhỏ bên ngoài thành phố Tế Nam. Ngay khi đã lên bàn mổ, chồng cô vẫn được bác sĩ thuyết phục suy nghĩ lại về quyết định của mình.

“Tôi nói bản thân vẫn muốn thực hiện”, chồng của Zhao hồi tưởng. “Dù sao chúng tôi mới là những người phải nuôi dạy đứa bé, chứ không phải là chính phủ”.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019