Theo lời Setsuya Kataoka, quản lý trưởng mảng kế hoạch sản phẩm và tiếp thị của Olympus, mới đây đã có những chia sẻ thú vị về chiếc máy ảnh OM-D E-M5 Mark II mà công ty vừa ra mắt hồi tuần trước. Kataoka cũng là người chịu trách nhiệm giám sát nhóm nghiên cứu và phát triển nên dòng sản phẩm OM nổi tiếng của hãng. Theo ông, điểm quan trọng nhất mà Olympus đã làm được với E-M5 Mark II không phải là chế độ High Res Shot cho phép chụp ảnh lên đến 40 megapixel bằng cảm biến 16 megapixel. Thay vào đó, thứ quan trọng nhất chính là những cải tiến đối với hệ thống chống rung 5 trục và đây chính là chìa khóa giúp High Res Shot có thể hoạt động được.
Ở các máy ảnh khác, tính năng dịch chuyển cảm biến thường được dùng cho mục đích chống rung, còn với E-M5 Mark II thì nó còn có thêm tác dụng thu thập thêm những chi tiết "nằm chen giữa các pixel ở vị trí ban đầu". Cụ thể hơn, cảm biến của máy sẽ dịch chuyển những mức cực nhỏ (0,0002mm so với vị trí ban đầu, dung sai +/- 0,0001mm) để chụp 8 tấm hình riêng lẻ, sau đó ghép chúng lại để cho ra thành phẩm cuối cùng 40 megapixel. Đây chính là chế độ High Res Shot. Thực chất nhóm nghiên cứu của Olympus cũng đã thử chụp 2, 4, 6, 8 và 16 tấm liên tiếp nhưng họ nhận thấy rằng việc chụp trên 8 tấm cho kết quả tốt hơn không đáng kể, thế là con số 8 đã được chọn cho sản phẩm thương mại.
Nhưng vấn đề đó là nếu như bạn chụp High Res Shot thì bạn phải tìm cách nào đó cố định máy thật vững, nếu không quá trình chụp 8 tấm ảnh sẽ không đồng nhất và kết quả cuối cùng không được như mong muốn. Olympus khuyến cáo người dùng chỉ nên dùng chế độ này để chụp chủ thể tĩnh và cần có thêm chân máy. Vấn đề là không phải lúc nào người ta cũng có thể đem chân máy theo bên mình, nhất là những người đã bỏ tiền ra mua một hệ thống máy ảnh nhỏ gọn như OM-D. Kataoka cũng thừa nhận rằng việc cầm tay và chụp ảnh là đặc trưng cơ bản của dòng camera này.
Chính vì thế, công ty mới dồn sức cải tiến hệ thống chống rung quang học 5 trục, vốn là một trong những tính năng nổi bật của dòng OM-D E-M5 thế hệ đầu tiên. Họ nhận thấy rằng bằng cách này người dùng có thể không cần đến chân máy mà vẫn có được một tấm ảnh 40MP chất lượng cao (tất nhiên là không phải trong mọi trường hợp). Ngoài ra, vì không có gương lật, còn màn trập cơ không hoạt động ở chế độ chụp màn trập điện tử (đóng ngắt điện) nên OM-D E-M5 Mark II không tạo ra rung động trong nội bộ máy.
Khi được hỏi rằng vì sao OM-D E-M5 Mark II không có thiết lập ISO 100, Kataoka cho biết nguyên nhân là do giới hạn của cảm biến. Ông cũng thừa nhận rằng mức ISO thấp là cần thiết khi chụp ảnh trong một ngày nắng đầy đủ, thế nên công ty đã đẩy nhanh tốc độ màn trập để bù lại phần nào. Cụ thể hơn, E-M5 Mark II có tốc độ nhanh nhất là 1/16.000 giây khi chụp bằng màn trập điện tử và 1/8.000 giây khi chụp bằng màn trập cơ. Olympus hi vọng giới hạn về ISO nói trên sẽ sớm được giải quyết trong tương lai.
Olympus cũng có tích hợp tính năng chạm để lấy nét trên màn hình cảm ứng của E-M5 Mark II, tuy nhiên giới hạn từ phía nhà cung ứng đã khiến vùng có thể chạm bị hạn chế hơn so với bình thường. Kataoka giải thích rằng các đối tác của công ty đang làm việc để Touch AF có thể dùng ngay cả ở sát viền màn hình.
Nguồn: Dpreview