Các nhà nghiên cứu tại Đại học California San Diego đang phát triển loại thuốc nhỏ mắt có thể chữa trị bệnh đục thủy tinh thể mà không cần phải phẫu thuật như trước đây. Thí nghiệm đã được áp dụng hiệu quả trên loài thỏ, sắp tới là trên loài chó, có thể sẽ được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên người và hứa hẹn tạo nên một phương pháp điều trị đục thủy tinh thể giá rẻ, đơn giản, dễ dàng phổ biến cho nhiều người, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Đục thủy tinh thể là tình trạng phần thủy tinh thể trong suốt trở nên mờ đục, tạo thành một "đám mây" còn gọi là cườm, ngăn cản ánh sáng đi vào võng mạc, từ đó dẫn tới suy giảm thị lực và theo thống kê, đục thủy tinh thể chiếm một nửa số người mù trên khắp thế giới. Hiện tại, người ta có thể dùng phẫu thuật để chữa trị một cách hiệu quả nhưng chi phí tốn kém và đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải đạt trình độ chuyên môn nhất định. Đây là vấn đề khá hóc búa đối với các nước đang phát triển, khi mà bệnh nhân nghèo vẫn chiếm đa số.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã tìm cách dùng thuốc điều trị đục thủy tinh thể thay thế cho phẫu thuật nhằm cắt giảm chi phí, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế cũng như các rào cản không thể vượt qua. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vừa công bố, các nhà nghiên cứu đã phát triển loại thuốc nhỏ mắt có thể thu hẹp kích thước của phần thủy tinh thể bị đục trên loài chó. Đây được cho là một bước tiến quan trọng, góp phần giải quyết căn bệnh này.
Phần lớn các trường hợp đục thủy tinh thể đều do ảnh hưởng của tuổi tác, cá biệt một số trường hợp cũng có thể mắc bệnh khi gặp phải các chấn thương hoặc khiếm khuyết di truyền. Để tìm cách chữa trị, đầu tiên nhóm nghiên cứu muốn truy tìm căn nguyên dẫn tới căn bệnh này. Giáo sư Kang Zhang tại Đại học California San Diego và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu tại 2 gia đình có tất cả những đứa bé sinh ra đều mắc đục thủy tinh thể (bẩm sinh).
Qua nghiên cứu, họ phát hiện rằng những trường hợp bị đục thủy tinh thể bẩm sinh đều bị một đột biến trong gen với chức năng sản xuất ra các phân tử mang tên lanosterol. Đối với người bình thường, các phân tử "lanosterol khỏe mạnh" có nhiệm vụ ngăn không cho protein vón cục lại vớ nhau, từ đó ngăn ngừa đục thủy tinh thể. Ngược lại, các phân tử "lanosterol bất thường" không còn tác dụng đó nữa và hậu quả là protein sẽ vón lại tạo thành cườm trên mắt.
Theo đó, Zhang và nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc nhỏ mắt có chứa các phân tử lanosterol - đây chính là "loại thuốc" sẽ chữa trị đục thủy tinh thể. Để thử nghiệm hiệu quả của thuốc trong việc làm giảm kích thước của cườm mắt, nhóm đã lấy mắt của những con thỏ bị đục thủy tinh thể, sau đó cho dùng thuốc lanosterol trong vòng 6 ngày. Kết quả cho thấy thuốc có thể làm giảm mức độ của cườm mắt, đồng thời giúp thủy tinh thể trong suốt hơn.
Giáo sư Zhang cho biết: "Chúng tôi đã thử nghiệm tác dụng của thuốc nhỏ mắt đối với những con chó bị đục thủy tinh thể. Chúng tôi nhỏ thuốc cho chúng 2 lần mỗi ngày trong vòng 6 tuần và kết quả cho thấy, các mức độ nghiêm trọng của bệnh đã giảm đáng kể." Tuy nhiên, ông cho rằng các khối cườm có thể sẽ xuất hiện trở lại sau vài tháng ngưng thuốc. Do đó, ông tin rằng loại thuốc nhỏ mắt này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu là phát triển một loại thuốc nhỏ mắt giá rẻ, hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong các bệnh nhân nghèo.