Paracetamol là loại thuốc chính được sử dụng để cắt giảm những triệu chứng đau và sốt của thai phụ trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu tại đại học Edinburgh trong nghiên cứu gần đây đã phát hiện thấy việc sử dụng paracetamol trong một thời gian dài ở phụ nữ mang thai có thể làm giảm khả năng sản xuất testosterone, một loại hocmon sinh dục nam, của bé trai trong bụng mẹ. Đây là loại hocmon được sản xuất trong tinh hoàn, rất quan trọng đối với sức khỏe nam giới trong suốt cuộc đời. Việc suy giảm hocmon này của bào thai được cho là nguy hiểm bởi nó có khả năng làm tăng nguy cơ vô sinh, mắc tật ẩn tinh hoàn (undescended testicle hay crypxorchidism) và thậm chí là ung thư tinh hoàn.Được biết, nhóm đã tiến hành thử nghiệm tác dụng của Paracetamol đối với việc sản xuất testosterone ở những con chuột có các cấy ghép mô tinh hoàn người. Những mô ghép này được dùng để bắt chước sự trưởng thành và chức năng của các tinh hoàn đang phát triển trong tử cung. Những con chuột này được sử dụng liều paracetamol điển hình - chỉ trong khoảng thời gian 24h hoặc trong suốt 7 ngày. Một giờ sau liều dùng cuối cùng, họ tiến hành đo lượng testosterone được sản xuất ra bởi tinh hoàn . Kết quả cho thấy, sau 24h sử dụng paracetamol, không có sự suy giảm lượng hocmon được sản xuất ra. Tuy nhiên, sau 7 ngày sử dụng, lượng testosterone đã giảm 45%.
Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả này một lần nữa có thể giúp giải thích những mối liên hệ đã được công bố trước đó giữa việc sử dụng paracetamol ở phụ nữ mang thai và các vấn đề sức khỏe sinh sản của những bé trai cũng như xác nhận các giải thích trước đó có liên quan đến điều này. Tuy nhiên, nhóm cũng cho rằng, cần thiết phải thực hiện thêm các nghiên cứu khác để thiết lập cơ chế gây ra những hiệu ứng này của paracetamol.
Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu khuyến cáo rằng các thai phụ nên tuân theo những chỉ dẫn hiện hành để chỉ sử dụng thuốc giảm đau ở những liều dùng thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và cố gắng chỉ sử dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Science Translational Medicine.
Nguồn: Medicalxpress