Review máy sấy quần áo mini Lumias WCD-268W

Ngon Bổ Xẻ
21/2/2025 6:34Phản hồi: 31
Review máy sấy quần áo mini Lumias WCD-268W
Một chiếc máy sấy quần áo thông thường có chiều dài và rộng tầm 55-60cm và chiều cao phổ thông là 85cm, đây cũng là kích thước phổ biến nhất của máy sấy quần áo. Và mình gặp vấn đề với kích thước phổ thông này.

Vấn đề và giải pháp

Căn hộ chung cư của mình chỉ được thiết kế một khoảng logia nhỏ dành cho máy giặt, và khoảng trống phía trên máy giặt lại bị vướng dàn nóng của điều hoà, vì vậy chỉ còn dư 70 cm và các phương án máy sấy quần áo thông thường với chiều cao 85cm sẽ không thể đặt vừa ở vị trí bên trên máy giặt được.

may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-39.jpg
Mình cũng đã từng cân nhắc giải pháp thay máy giặt bằng máy giặt sấy 2 trong 1, nhưng công nghệ sấy của máy giặt sấy 2 trong 1 phổ biến tại thị trường VN lại là công nghệ sấy ngưng tụ với nhiều nhược điểm mà mình đã chia sẻ trong bài viết này.

Giải pháp máy giặt sấy 2 trong 1 với công nghệ sấy bơm nhiệt lại không có nhiều lựa chọn chính hãng và giá thành cao. Chưa kể mình đang hài lòng với máy giặt và không muốn thay thế.

May mắn là hiện tại đã có một giải pháp có thể giải quyết vấn đề này, để mình có thể sử dụng máy sấy mà không cần phải thay đổi máy giặt, đó là một chiếc máy sấy có kích thước nhỏ gọn hơn. Lumias đã mang lại giải pháp đó với máy sấy quần áo thông hơi mini Lumias WCD-268W.

may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-40.jpg
Kích thước của Lumias WCD-268W là 48x40x56cm (DxRxC) và có thể đặt lên trên máy giặt của mình mà không sợ vướng vào dàn nóng điều hoà ở phía trên. Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số trải nghiệm sử dụng của mình về chiếc máy sấy mini thú vị này.

Thiết kế

Về mặt thiết kế, Lumias WCD-268W nhỏ gọn và đẹp. Toàn bộ mặt trước là phần cửa được làm mặt nhựa mica tối màu. Bản thân ống lấy khí vào cũng được ẩn đi chứ không lộ ra như các máy sấy quần áo thông thường.

may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-3.JPG
Phần cánh cửa được hít nam châm rất mạnh, tương đương các ngàm cửa của máy sấy thông thường, đây cũng là một điểm hiện đại của Lumias WCD-268W.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-4.JPG
Phần cánh cửa cũng có cơ cấu an toàn để máy nhận biết khi nào cửa mở và đóng. Nếu đang hoạt động mà chúng ta mở cửa, máy sẽ tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-5.JPG
Bảng điều khiển của máy được thiết kế với các nút cảm ứng và màn hình hiển thị số bằng led rất hiện đại và đẹp mắt và ẩn bên dưới lớp kính cửa. Máy có thể cài đặt tuỳ chỉnh nhiệt độ (40-50-60 độ C) và thời gian (20-30-60-90-120-180 phút).

Máy có cả chế độ sấy nguội, tức là sấy bằng nhiệt độ môi trường chứ không gia nhiệt. Bên cạnh đó còn có tính năng sấy thông minh mà ở phần sau của bài viết mình sẽ chia sẻ trải nghiệm sử dụng thực tế tính năng này.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-1.JPG
Góc bên dưới chính là khe để lấy khí vào, được khéo léo giấu vào bên trong mép cửa, giúp thiết kế mặt tiền của Lumias WCD-268W tối giản và đẹp.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-6.JPG

Quảng cáo


Khu vực lấy khí vào cũng có màng lọc thô để hạn chế bụi bẩn từ bên ngoài lọt vào, ngay phía sau cửa lấy khí này là bộ phận gia nhiệt điện trở PTC, một trong những thành phần cốt lõi của máy sấy thông hơi.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-8.JPG
Phần bản lề cửa cũng được làm kim loại chắc chắn và cứng cáp.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-9.JPG
Lồng sấy ở bên trong được làm từ thép không rỉ kết hợp với một vài chi tiết nhựa. Lồng sấy của máy có đường kính 44cm, nhỏ hơn các máy sấy thông thường một chút (tham khảo máy sấy thông hơi 7kg có đường kính lồng sấy khoảng 56cm)
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-20.JPG
Bề rộng của lồng sấy là 24cm, nhỏ bằng khoảng một nửa so với máy sấy có kích thước thông thường (tham khảo máy sấy thông hơi 7kg có bề rộng lồng sấy khoảng 40cm)
View attachment 8176558
Bản thân kích thước bên ngoài của Lumias WCD-268W cũng rất nhỏ và kích thước lồng sấy đã chiếm gần hết phần nội thất bên trong, và để làm được điều đó Lumias đã thiết kế lại cơ cấu dẫn khí, loại bỏ hoàn toàn các ống dẫn khí bên trong như các máy sấy thông hơi truyền thống.

Kèm theo sự thay đổi đó, phần màng lọc xơ vải cũng đã được thiết kế khác hẳn với máy sấy thông hơi phổ thông và nằm ở phía cuối lồng sấy.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-43 copy.jpg

Quảng cáo


Sau khi tháo màng lọc xơ vải ra chúng ra sẽ thấy phần quạt gió chính của máy ở ngay phía sau này, đây cũng là điểm khác biệt với các máy sấy thông hơi truyền thống, khi mà hệ thống thông hơi được tối giản giúp máy được nhỏ gọn hơn mà vẫn đảm bảo tính năng.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-44.jpeg
Phần khung máy Lumias WCD-268W là kim loại, còn phía ốp mặt trước và mặt sau được làm từ nhựa. Hai bên có 2 tay cầm để chúng ta dễ dàng bê vác. Với khối lượng khoảng 15kg, việc di chuyển máy rất đơn giản.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-10.JPG
Mặt sau của máy là vị trí ống thoát hơi ẩm.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-11.JPG
Đi kèm sẽ có một ống thông hơi hình chữ L để chúng ta dễ dàng điều hướng luồng khí ẩm theo ý muốn
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-41.jpg
Ngoài ra, đi kèm với sản phẩm sẽ có một hệ thống móc treo tường, chúng ta có thể treo máy lên tường để tiết kiệm không gian.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-42 copy.jpg

Sử dụng thực tế

Mình đã test thực tế chiếc máy sấy quần áo này với một vài tình huống khác nhau như sau. Toàn bộ các bài test này mình đều thực hiện trong giai đoạn trời Hà Nội đang mưa phùn ẩm nhiều, nhiệt độ 15-18 độ C và độ ẩm luôn cao ở mức 80-90%.


Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất sấy của máy sấy thông hơi, như mình đã từng phân tích trong bài So sánh các công nghệ sấy trong máy sấy quần áo. Khi sử dụng vào mùa nóng và khô hơn, chắc chắn hiệu năng của máy cũng sẽ cao hơn.

Test 1 – sấy 3.5kg ướt


Khối lượng mình giặt là 2kg khô gồm chủ yếu là khăn tắm cotton và một vài món quần áo cotton mỏng. Mình giặt với máy giặt và vắt khô với tốc độ 1000 rpm. Sau khi giặt, khối lượng quần áo là 3.5kg ướt, mình sấy với chế độ Smart.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-2.JPG
Máy sấy Lumias chạy tầm 5 phút đầu sẽ phân tích lượng quần áo và mức ẩm, sau đó mình thấy thời gian hiển thị là 4h25p.

Thực ra thời gian sấy như vậy là hơi lâu nếu so với một chiếc máy sấy quần áo thông thường, nhưng đây là máy sấy mini, với lồng sấy nhỏ hơn và công suất bộ gia nhiệt thấp hơn, chỉ 800W (so với máy thông thường là 1800-2200W) nên thời gian sấy lâu hơn cũng là điều dễ hiểu.

Mình quan sát trong khi vận hành, máy có đảo quần áo theo cả 2 chiều, và đồng thời mình có cắm thiết bị đo công suất, ghi nhận được máy luân phiên bật / tắt bộ gia nhiệt để tối ưu nhiệt độ.

Kết quả, sau 4 tiếng rưỡi, mình thu được một mẻ quần áo và khăn tắm khô hoàn toàn, mềm mại, không bị khô cứng như lúc phơi. Tổng điện tiêu thụ cho mẻ sấy này là 2.2kWh, một con số tạm ổn với lượng quần áo đó.

Test 2 – sấy 5.5kg ướt (vượt mức đáp ứng)


Trong lần test 2, mình giặt 4kg quần áo cotton mùa đông, có dày, có mỏng, vẫn giặt bình thường với tốc độ vắt 1000 rpm. Khối lượng sau khi giặt xong là 5.5kg ướt, cho vào máy sấy là kín lồng sấy, không còn không gian để quần áo dịch chuyển.

Mặc dù biết là đang test quá tải, vì hướng dẫn sử dụng có lưu ý là không cho vượt quá 5kg ướt và thông số của máy chỉ là 4kg quần áo, nhưng mình vẫn thử xem kết quả sẽ ra sao.

Tương tự, mình vẫn dùng chế độ Smart, máy vẫn chạy 4h25p và tiêu thụ 2.2kWh điện. Tuy nhiên, không ngoài dự đoán, mẻ sấy đó vẫn ẩm chứ không khô, đặc biệt là những món nằm ở giữa lồng giặt, nhưng cũng không còn ướt như khi mới giặt xong.

Nguyên nhân chính là vì quần áo nhiều quá làm kín lồng sấy, không còn nhiều không gian để quần áo được đảo đều và để không khí nóng len lỏi qua quần áo.

Test 3 – sấy 1.5kg ẩm

Mình chia mẻ sấy của test 2 ra làm 2 phần để làm test 3 (1.5kg) với test 4 (2.5kg), để xem khi sấy ở khối lượng nhỏ và đồ ít ẩm, chế độ Smart của máy có hoạt động tốt không.


Sau khi chạy phân tích, máy tự động set 2h30p, mình hơi bất ngờ vì không nghĩ là cần nhiều thời gian như vậy nữa vì sau lần chạy Test 2, đồ cũng đã khô hơn khá nhiều rồi.

Tuy nhiên, sau khoảng 1 tiếng hoạt động, máy đã báo hoàn thành, quần áo đã khô. Tổng điện tiêu thụ là 0.64kWh. Có vẻ như ở chế độ thông minh cảm biến nhiệt độ và độ ẩm đã hoạt động tốt, khi thấy quần áo khô nhanh hơn ước tính trước đó là sẽ kết thúc sớm chu trình.

Test 4 – Sấy 2.5kg ẩm


Phần còn lại của Test 2. Tương tự, máy chạy phân tích và set 4h25 phút, nhưng sau đó chỉ khoảng 1h30p là hoàn thành chu trình. Mức tiêu thụ điện là 0.9kWh. Quần áo cũng khô hoàn toàn và mềm mại.

Test 5 – Sấy thủ công 3.5kg ướt


Với test 5, mình giặt 2kg quần áo khô, vắt 1000rpm thu được 3.5kg quần áo ướt.
Mình cho vào máy sấy nhưng không dùng chế độ Smart mà tuỳ chỉnh chế độ sấy thủ công với mức nhiệt 60 độ C và đặt giờ 30 phút, rồi cứ lặp lại cho đến khi quần áo khô mới dùng lại.

Mục đích là để test xem khi sấy ở mức nhiệt tuỳ chọn cao nhất như vậy, máy sẽ cần bao nhiêu lâu (bao nhiêu lần) để khô được quần áo. Đây là khối lượng sấy tương đương với Test 1, chỉ khác biệt ở việc thay vì chọn chế độ Smart tự động, mình thử chọn chế độ cài đặt thủ công.

Dưới đây là kết quả: (lưu ý: công suất ở đây là cộng dồn sau mỗi lần test)
  • Lần 1 – 0.33kW – đồ vẫn ướt
  • Lần 2 – 0.62kW – đồ vẫn ướt
  • Lần 3 – 0.92kW – đồ đã ít ướt hơn
  • Lần 4 – 1.2kW – đồ mỏng đã khô, đồ bình thường và đồ dày vẫn ẩm
  • Lần 5 – 1.49kW – hầu hết đồ đã khô, chỉ còn lại một số ít đồ dày vẫn còn hơi ẩm
  • Lần 6 – 1.77kW – hầu hết đồ đã khô, chỉ còn lại một số ít đồ dày vẫn còn hơi ẩm
  • Lần 7 – 2.1 kWh – đồ đã khô hoàn toàn
Vậy với khối lượng 3.5kg ướt, chế độ tuỳ chỉnh ở nhiệt độ 60 độ, sẽ cần đến 7 lần 30 phút, tương đương 1 chu trình 3.5 tiếng.

Mặc dù thời gian ngắn hơn và tiêu thụ ít điện ít hơn một chút xíu, nhưng mình thấy việc sử dụng thủ công này cũng không thoải mái lắm, vì lượng quần áo khác nhau sẽ cần thời gian sấy khác nhau. Nên mình vẫn thích chế độ Smart, cho vào sấy là xong không phải nghĩ ngợi gì nhiều.

Nhận định sau khi test


Sau khi test, mình có những nhận định sau:
  • Mình đã test 3.5kg ướt và thấy rất ổn vì vậy mình tin rằng máy sẽ sấy được 4kg ướt như thông số đã công bố, nếu khi giặt vắt ở mức cao hơn như 1200-1400rpm, có thể máy sẽ sấy nhanh hơn. (mình sẽ update sau khi test thêm)
  • Ngoài đảm bảo khối lượng, phần thể tích quần áo ướt xếp vào trong lồng sấy cũng chỉ nên chiếm khoảng 2/3 lồng sấy, để không khí có thể lưu thông tốt hơn và giúp mang ẩm ra khỏi quần áo tốt hơn, đồng thời quần áo có không gian để được đảo lên sẽ đỡ bị nhăn sau khi sấy xong.
  • Quần áo sấy xong khô hoàn toàn mà vẫn mềm mại, không bị khô cứng. Mình nghĩ điều này có được nhờ tính năng Smart và các cảm biến hỗ trợ, giúp máy xác định quần áo đã khô và không sấy quá mức.
  • Ở chế độ Smart như test 1, máy chạy chu trình 4h25 phút khá lâu, mình nghĩ một phần là vì máy sấy ở nhiệt độ không quá cao giúp quần áo khô mềm, phần khác là vì lồng sấy nhỏ và công suất máy hơi thấp chỉ 800W nên cũng không sấy nhanh hơn được.
  • Ngoài sấy quần áo, rất nhiều bụi và xơ vải cũng được giũ ra trong quá trình máy hoạt động, đây là một tác dụng phụ khá hữu ích của máy sấy quần áo có lồng xoay như thế này.
  • Sấy quần áo ngay sau khi giặt giúp quần áo thơm tho dễ chịu, không bị bay mùi như khi phơi nắng, và không bị mùi ẩm ướt như khi vào mùa nồm ẩm.

Mức ồn khi hoạt động

Trong quá trình sử dụng, mình cũng thấy có một nhược điểm nhỏ của máy đó là tiếng ồn khi vận hành. Trong phòng kín với độ ồn môi trường dưới 40dB, mình đo được tiếng ồn khi hoạt động của máy là khoảng 65dB, mức này có hơi cao hơn một chút so với máy sấy quần áo thông hơi kích thước thông thường.

may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-37 copy 2.JPG
Thực tế, mình lại không bị ảnh hưởng gì bởi mức ồn này vì mình để máy ở ngoài logia và đóng cửa, tiếng ồn của máy sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt bên trong nhà, bản thân máy sấy thông hơi cũng nên được đặt ở nơi thông thoáng nên các bạn cũng cân nhắc để nó ở bên ngoài không gian sinh hoạt.

Mổ xẻ bên trong

Như phần trên mình đã chia sẻ, mình thấy kết cấu của máy sấy mini Lumias tối giản hơn so với máy sấy truyền thống, vì vậy mình cũng tò mò về việc bố trí linh kiện và đã mở phần nắp lưng ra để xem bên trong.


Tương tự như các máy sấy thông hơi khác, 1 động cơ sẽ truyền động cho cả lồng sấy và quạt gió. Với máy sấy thông thường, quạt gió sẽ được gắn trực tiếp vào trục động cơ, vì thế sẽ phải có một hệ thống ống dẫn khí để kết nối 3 thành phần là lồng sấy, quạt gió và bộ gia nhiệt.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-23.JPG
Nhưng với Lumias WCD-268W, để giảm kích thước và tối ưu cho thiết kế nhỏ gọn, nhà sản xuất đã có một giải pháp hay đó là tích hợp quạt gió vào đáy lồng sấy, và sử dụng thêm 1 dây cua-roa màu xanh để dẫn động từ động cơ cho quạt gió.

Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn hệ thống ống dẫn khí giúp máy nhỏ gọn hơn. Không khí sẽ đi từ cửa gió phía trước qua bộ gia nhiệt ptc là vào luôn lồng sấy và thoát ra ngoài thông qua quạt gió ở phía sau lồng sấy.

Phía sau khu vực quạt gió này có nhiều cảm biến để máy xác định quần áo đã khô hay chưa cũng như các cảm biến an toàn chống quá nhiệt, đây là những thứ cần có trên một chiếc máy sấy quần áo thông hơi.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-24.JPG
Hệ thống puly có tự động kéo căng dây cua-roa, giúp dây không bị trùng sau thời gian sử dụng, tương tự như các máy sấy thông hơi cơ bản khác.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-26.JPG
Hệ thống dây cua-roa với puly có kích thước khác nhau sẽ giúp quạt và lồng sấy quay với tốc độ khác nhau mặc dù chỉ kết nối chung đến với 1 động cơ.
may-say-quan-ao-mini-lumias-wcd-268w-25.JPG
Cá nhân mình đánh giá, giải pháp phần cứng này của Lumias khá thông minh, tinh giản hệ thống dẫn khí, giúp máy nhỏ gọn hơn nhưng vẫn giữ nguyên chức năng của thiết bị.

Máy sấy mini Lumias đáp ứng được nhu cầu nào


Chắc chắn là máy sấy mini là để dành cho không gian nhỏ. Nếu đang có dư không gian, bạn không cần mua máy sấy mini, hãy mua máy sấy kích cỡ phổ thông hoặc nếu không quá quan trọng tính thẩm mĩ, hãy mua tủ sấy.

Máy sấy mini sẽ phù hợp với những bạn nào hay phải di chuyển, vì khối lượng của máy chỉ khoảng 15kg, bằng một nửa so với máy sấy thông hơi kích cỡ bình thường (nặng khoảng 30-35kg). Nên việc bê vác và dịch chuyển đơn giản, một người là có thể bê và vận chuyển máy.

Vì kích thước nhỏ, nên không đáp ứng được nhu cầu sấy nhiều quần áo, vì vậy sẽ chỉ hợp với gia đình ít người, mình nghĩ là 3 người trở xuống, với mỗi mẻ quần áo khi giặt là tầm 3kg để khi sấy rơi vào tầm 4kg là vừa. Như nhà mình có 2 người, khoảng 2 ngày giặt 1 mẻ quần áo thì sẽ vừa cho máy sấy, còn nếu để 3 ngày mới mới giặt 1 mẻ thì sẽ hơi quá tải cho máy sấy mini cỡ này.

Thời gian sấy lượng quần áo ở mức gần full tải cũng khá lâu, phải tầm 3-4.5 tiếng mới có thể sấy khô hoàn toàn quần áo (trong điều kiện môi trường lạnh ẩm), vì vậy nếu bạn đang kì vọng một chiếc máy sấy quần áo với tốc độ sấy nhanh như sau 1-2 tiếng là đã thu hoạch được thành phẩm, máy sấy mini sẽ không dành cho bạn.

Mặc dù thời gian sấy lâu, nhưng mình thấy không vấn đề gì nếu các bạn cho chạy vào buổi tối, giặt đồ xong cho vào máy sấy rồi đi ngủ, sáng hôm sau đồ sẽ khô để mặc được rồi.

Quan trọng nhất phải nhắc lại, máy sấy mini là để dành cho những bạn không có nhiều không gian, vì thế đừng so sánh nó với một chiếc máy sấy phổ thông kích cỡ thông thường.

Thông số kĩ thuật

Trước khi kết thúc bài viết, mình muốn điểm qua thông số kĩ thuật của máy, các bạn cũng có thể tham khảo trên trang chủ của Lumias:

  • Mã Model: Lumias WCD-268W
  • Công suất: 800W
  • Công nghệ sấy thông hơi, gia nhiệt PTC
  • Khối lượng sấy: 4kg (ướt)
  • Khối lượng máy: 14.5kg
  • Kích thước máy: 48 x 40 x 56 cm

Tổng kết

Máy sấy quần áo mini Lumias WCD-268W là một mẫu máy sấy hiếm hoi trên thị trường có kích thước nhỏ gọn được nhập khẩu, phân phối và bảo hành chính hãng. Máy vận hành tốt và có thể sấy quần áo khô, mềm, thơm, dễ chịu dù thời gian sấy có thể sẽ lâu một chút.


Nếu như bạn đang tìm kiếm một mẫu máy sấy thông hơi mini để phù hợp với không gian nhỏ và sử dụng cho gia đình ít người, thiết kế đẹp, Lumias WCD-268W là một sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, Lumias WCD-268W được phân phối và bảo hành chính hãng tại Việt Nam cũng giúp chúng ta yên tâm sử dụng. Các bạn có thể tham khảo thêm về sản phẩm này tại gian hàng chính hãng của Lumias Việt Nam, mình sẽ để link ở dưới phần bình luận. Giá tham khảo cho sản phẩm này là khoảng 4 triệu đồng, khi mua trên các sàn thương mại điện tử có thể được sale ở mức giá khoảng 3.5 triệu đồng.

Bài viết này mình mới đánh giá dựa trên những trải nghiệm sử dụng trong thời gian ngắn, chưa đánh giá những yếu tố về độ bền hay hiệu quả sau khi sử dụng thời gian dài, mình sẽ sử dụng lâu hơn và chia sẻ những cập nhật chi tiết hơn. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

31 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Các bạn có thể tham khảo sản phẩm máy sấy mini Lumias WCD-268W tại gian hàng chính hãng của Lumias trên các sàn thương mại điện tử

| Shopee | Lazada |


Nếu truy cập Shopee bị lỗi, các bạn có thể xem trên website của mình tại đây.

Khi các bạn ấn vào link để xem hoặc mua hàng, mình có thể sẽ nhận được một chút hoa hồng từ tiếp thị liên kết, dù không nhiều nhưng cũng sẽ góp phần giúp mình xây dựng kênh và đem lại nhiều bài review hữu ích hơn đến với các bạn. Cám ơn các bạn.
Lâu lâu mới có 1 bài ổn, chứ mấy ông TT suốt ngày tranh nhau lên bài 16e với se4, rồi lại kỳ vọng, lại giá như....đọc mà như cái TT được bọn táo mỹ bao tiêu ý
@hoanghai1104 Còn đỡ hơn mấy bài tự quảng cáo bản thân xàm lờ và ngứa mắt của vài tên mót 😆
Giá 4tr cho máy như vậy là khá đắt, mình cũng có máy dòng này ( hiệu khác nhưng vẻ ngoài có vẻ cùng 1 OEM) nhưng loại 6kg to hơn mới phù hợp sử dụng cho gia đình, máy 4Kg chỉ sấy đồ trẻ em là đã hết rồi, đồ người lớn nhất là nam đồ dày sấy lâu và cũng nhăn khá nhiều so với các dòng máy sấy cao cấp khác
@phduong25 Săn sale trên mấy sàn tmdt thì con này còn tầm 3.3-3.5 triệu

Con này mình thấy tối ưu có vẻ ổn nên ít nhăn lắm, sấy khô vừa đủ mềm nên ít nhăn, tất nhiên đổ dễ nhăn như sơ mi thì không tránh được, nhưng quần kaki thì mình thấy ít nhăn. Cotton thì không nhăn luôn
@Ngon Bổ Xẻ nhăn hay không thì còn do số lượng đồ bác giặt nữa, nếu không đủ không gian sấy thì đồ nào cũng sẽ nhăn thôi, kinh nghiệm tối đa chỉ 2/3 thể tích lồng sấy thôi.
Mình mua máy 6kg chỉ có 4,2tr thôi.
@phduong25 Không đủ không gian sấy quần áo không được đảo lên còn bị lâu khô hoặc không khô luôn ý 😁
@phduong25 bác dùng hãng nào thế
@phduong25 Bác dùng loại vủa hãng nào chia sẻ cho em với
Sấy gì 4 tiếng đồng hồ. Quá lâu. Chỉ nên sấy tầm 1 tiếng rưỡi đổ lại thôi với lượng áo quần đúng quy ước.
@bulknick Máy mini , công suất nhỏ, lồng sấy nhỏ nên kết quả là sấy lâu, khó lòng sấy nhanh được. Bù lại sấy nhiệt thấp thì quần áo cũng đỡ bị khô cứng

Nếu dùng thì có thể dùng kiểu giặt đồ buổi tối tầm 1 tiếng xong ném vào sấy rồi đi ngủ cho nó chạy cũng được, sáng hôm sau khô ráo lấy ra mặc hoặc cất 😁
Máy này sấy hơi lâu với điện sài cũng hơi nhìu, mình hiện dùng con máy giặt sấy của Samsung khá hài lòng. Như với lượng giặt 3,5kg ướt sấy 1h là khô rùi
Em để link video ở dưới, ae xem máy em đang dùng nhé.

https://vt.tiktok.com/ZSMhquWNb/
IMG-4757.png
IMG-4758.png
IMG-4756.png
Nhờ đọc các bài viết của Ngon Bổ Xẻ mà tui hiểu tường tận cách hoạt động của các loại máy sấy 😃 Mấy tháng trước cũng khá đau đầu khi mua máy giặt sấy vì ban công chung cư khá nhỏ, không để được 2 máy. Cuối cùng mua em nữ hoàng giặt sấy bơm nhiệt 2 trong 1 của Samsung, dùng được 3 tháng rồi. Khá hài lòng. Chưa có lỗi gì.
@quangcali Trước mình tìm hiểu các loại máy sấy hay máy giặt sấy mình cũng rất mông lung các công nghệ khác nhau, may là bài viết của mình có giá trị cho mọi người, hehe

Máy giặt + sấy mà dùng bơm nhiệt thì quá ngon rồi, ném đồ vào là xong, quần áo sạch khô thơm ngon haha 😁 mà em nữ hoàng đó có phải mẫu 25kg không nhỉ, nếu đúng thì mình cũng ấn tượng mẫu đó lắm, bữa ngắm ở showroom nó quá hoành tráng

Nhân tiện nhắc đến thì để link đọc bài viết cho các bạn nào chưa biết luôn:

So sánh các công nghệ trong máy sấy quần áo:
https://ngonboxe.com/gia-dung/so-sanh-cong-nghe-say-trong-may-say-quan-ao/

So sánh các công nghệ trong máy giặt sấy:
https://ngonboxe.com/gia-dung/so-sanh-cong-nghe-may-giat-say/
@quangcali Mình dùng con máy giặt sấy của Samsung hơn 2 năm nay rùi, ko phải loại bơm nhiệt xịn như của bác nhưng cũng thấy khá hài lòng, nhất là mấy hnay trời nồm ẩm thấy nó tuyệt vời thật 😁
@Ngon Bổ Xẻ Đúng là con Samsung 25kg đó bạn. Nếu lúc trước không đọc mấy bài phân tích của bạn thì đã mua con 2 trong 1 sấy ngưng tụ rồi. Lúc đó cũng chưa biết sấy thông hơi, sấy ngưng tụ hay sấy bơm nhiệt là gì mặc dù đã dùng máy sấy cũng hơn 20 năm rồi 😃
@Boykenzy9x Con của bạn chắc là sấy ngưng tụ?
@quangcali Của e sấy ngưng tụ bác ạ
Mình mới vác về con Whirlpool 5tr ,nhà rông nên quăng đâu cũng được xả hơi tự do ,nó có cái mà mình chọn là Khay sấy giày
@anhcom67 em xin mã tham khảo bác ơi
Theo kinh nghiệm hạn hẹp của e thì nếu ae tính mua máy sấy thì nên tìm loại có khối lượng sấy tương đương với máy giặt nhé. Không đến lúc giặt xong mà máy sấy k đáp ứng đủ khối lượng, nếu cố nhồi nhét quần áo vào sấy sẽ bị quá tải, dẫn đến việc quần áo vẫn ẩm và lại hại máy sấy.
@Trieulh Cái này đúng nha 😁 chưa kể đến là khi xem khối lượng giặt/sấy nên kiếm user manual của hãng để xem, vì đôi lúc khối lượng công bố thường là khối lượng tối đa máy đáp ứng và thường là cho chất cotton, còn ví dụ giặt mix các loại chất liệu thì khối lượng giặt/sấy khuyến cáo sẽ thấp hơn, chỉ còn 3-4kg
Lumias máy hút ẩm khá ngon
@grozar Trước mình có review con D3T Pro, trải nghiệm dùng thấy ngon thật, máy êm, ngoại hình đẹp, app tuya cũng ổn

https://tinhte.vn/thread/review-nhanh-may-hut-am-lumias-d3t-pro.3846236/
Sấy 3,5 kg mà 4.5h thì thôi, vì trừ khi trời nồm còn bình thường mấy giặt sấy cũng đc 70% rồi, phơi có gió tầm 4.5h nó cũng tự khô,
@LAMSAODAYH Trời nồm nó sấy 4.5 giờ thì trời bình thường nó sấy sẽ nhanh hơn 😁 trời nào mà phơi gió tầm 4.5h thì lúc đó sấy sẽ phải ít hơn rồi, vì cưỡng bức không khí nóng hơn đi qua quần áo mà :D
Thời gian sấy hơi lâu nhỉ. Mình ở TPHCM, nên thông thường phơi trong ngày sẽ khô. Chỉ là nhiều khi quên giặt đồ, sáng bấm máy giặt 15 phút. muốn sấy tầm 30 phút để có đồ mặc thì có vẻ máy này không đáp ứng
Cũng hay đó.
giải pháp qúa tốt anh à, vs người ở trọ 1 mình như em thì quá tiện, giặt tay xong cho vào sấy như anh nói khô, mềm hơn phơi thì đáng cân nhắc, nhất là thời tiết khu vực miền trung mưa cả tuần thì em này càng tiện, em sẽ rinh 1 con về 😃.
Cảm ơn anh!
@Minh.Tôn Lúc đầu mình không nghĩ là sấy nó ngon thế, nhưng sấy xong so sánh với cái mẻ phơi mới thấy sao quần áo, đặc biệt là khăn tắm nó mềm khác biệt luôn 😁 nói chung khá thay đổi quan điểm của mình về máy sấy thông hơi, cứ nghĩ thông hơi sấy bị khô cứng cơ
Mình cần 1 cái máy giặt sấy nhỏ gọn như này: giặt 6kg, sấy 4kg để trong nhà bếp để giặt khăn giẻ lau và tạp dề, ko biết hãng nào làm ko nhỉ

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019