Sa thải 1,000 nhân sự, nhà máy Sony từng sản xuất 4 triệu đĩa/ngày giờ phải chật vật mưu sinh

Bruce Springsteen là ca sĩ, nhạc sĩ huyền thoại nước Mỹ, 1 trong những nghệ sĩ có album bán chạy nhất thế giới với hơn 140 triệu bản tiêu thụ trên toàn cầu. Ông ký hợp đồng thu âm với nhãn đĩa Columbia thuộc Sony Music, 1 trong 3 hãng thu âm lớn nhất thế giới. Năm 1984, album Born in the USA của Bruce Springsteen ra lò ở nhà máy Terre Haute, bang Indiana, Mỹ. Đây là 1 trong những album bán chạy nhất mọi thời đại với cả 7 đĩa đơn đều lọt top 10 Billboard Hot 100. Đáng chú ý, album này cũng chính là đĩa CD đầu tiên được sản xuất ở Bắc Mỹ, định dạng lưu trữ Sony có đóng góp lớn phát minh.

Nhà máy thuộc sở hữu của Sony DADC mở cửa vào năm 1983, 1 năm sau khi định dạng CD được Sony giới thiệu (đồng phát triển với Philips). Đĩa CD mở ra kỷ nguyên dẫn đầu làn sóng công nghệ và mang về cho hãng cả núi tiền bản quyền. Sự ra đời của máy nghe nhạc Walkman chạy đĩa (Discman) và các đầu phát CD của Sony đã góp phần phổ cập định dạng này. Có thể nói, họ đã góp phần định hình cả ngành công nghiệp âm nhạc và âm thanh, thông qua những thành tựu như đĩa CD, máy nghe nhạc,... lẫn sở hữu công ty thu âm có hợp đồng với nhiều nghệ sĩ hàng đầu.

Nhà máy Sony trở thành 1 cỗ máy dập đĩa trong suốt hơn 20 năm sau đó. Họ sản xuất nhiều loại đĩa vật lý, từ CD, DVD, LaserDisc cho tới Blu-ray, phục vụ nhu cầu chơi game, xem phim và nghe nhạc, cũng chính là các thị trường giải trí mà tập đoàn Nhật Bản tham gia. Ở thời điểm đỉnh cao năm 2008, cho ra lò hơn 4 triệu đĩa/ngày. Khi ấy, họ phải thuê tới 2,000 con người để đảm bảo dây chuyền hoạt động 24/7 không nghỉ. Nhưng đó cũng là phút huy hoàng cuối cùng trước khi xu hướng thay đổi, ngành công nghệ làm quen với nút "Download" và bây giờ là streaming, dần bỏ lại các định đạng đĩa vật lý.

Nhu cầu tiêu thụ đĩa liên tục suy giảm, thể hiện qua chính báo cáo kinh doanh của Sony Music, Sony Pictures và Sony Interactive. Đĩa CD, DVD, Blu-ray ngày càng ít được sử dụng, nhiều người thậm chí mua chúng chỉ để trưng bày sưu tập hoặc lấy thẻ quà tặng, photobook, mã code tải game, các loại hàng hóa ăn theo,... Nhà máy buộc phải thay đổi để tồn tại, bắt đầu từ sa thải 1,000 nhân sự rồi chuyển hướng kinh doanh sang 2 mặt hàng khác: thiết bị y tế và phụ tùng ô tô. Phó chủ tịch cấp cao của Sony DADC Chad Bolin thừa nhận dù không bị phá sản, “đó vẫn gần như là 1 trận thua.”


"Sản lượng giờ thấp nhất trong lịch sử. Mặc dù chúng tôi từng cưỡi trên những con sóng cao hơn bao giờ hết trong hơn 20 năm. Dù đã cố duy trì càng nhiều công việc càng tốt, duy trì càng nhiều nhân sự càng tốt, song thực tế là không thể tăng trưởng. Khi đó, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định cứng rắn hơn để xoay chuyển con tàu Titanic này" - ông cho biết.

Nhà máy giờ không còn sản xuất đĩa như trước mà chủ yếu đảm nhận đóng gói và phân phối. Mọi đĩa game PlayStation bán ra ở Bắc Mỹ đều phải "chảy qua" cơ sở này trước. Đồng thời khoảng 90% số lô hàng máy chơi game bán ra ở Mỹ cũng được đóng gói và phân phối từ đây. PlayStation giờ chính là "phao cứu sinh" của họ, phần nào giống trường hợp của PS3 khi đóng vai trò phổ cập đĩa Blu-ray ra thế giới trước kia.

Heather Strohm, Giám đốc phát triển kinh doanh mới của Sony DADC được thuê từ 1 năm trước, đã xoay xở khi thiết lập quan hệ đối tác với North American Lighting, 1 hãng sản xuất hệ thống chiếu sáng ô tô. Giúp nhà máy kiếm thêm những hợp đồng sản xuất đa dạng hơn.

Họ cũng tìm cách tận dụng 1 phòng sạch từng sản xuất đĩa để hướng tới sản xuất thiết bị y tế, với đầy đủ các tiêu chuẩn vô trùng khắt khe nhất. Strohm cho biết: "Phòng sạch là 1 trong những thứ tốn kém nhất và chúng tôi đang có ngay 1 cái ở đây mà không làm gì." Nó có thể dùng để lắp ráp dụng cụ y tế với diện tích chiếm khoảng 20% mặt sàn phòng sạch họ có. Chưa kể còn 1 nhà kho rộng hàng chục mét vuông có thể tận dụng.

Nhà máy giờ chỉ còn 300 công nhân và ban lãnh đạo không muốn phải đóng cửa. Họ cố gắng sắp xếp bất kì mối quan hệ hợp tác nào khả thi, có thể giải quyết việc làm và phúc lợi cho những con người này. Một số có tay nghề cao với thời gian làm việc trên 25 năm kinh nghiệm. Lãnh đạo Sony DADC nhấn mạnh cho thuê mặt bằng không phải giải pháp tích cực vì không có ích cho các nhân viên, thay vào đó, họ muốn đối tác có thể tận dụng chính lực lượng lao động sẵn có ở đây.

Bolin tin tưởng vào tương lai của cơ sở. Ngay cả khi đĩa game đang dần biến mất vì người ta chuộng hình thức tải về digital, họ vẫn có thể duy trì công việc đóng gói và phân phối máy chơi game ở đây.



Nguồn

Quảng cáo

4
3
thực tế không còn khách nào vào hỏi mua đĩa game nữa luôn ấy bạn ey!
0
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019