Samsung đặt hàng máy móc Nhật Bản để sản xuất chip nhớ và panel OLED

Trang tin công nghệ Hàn Quốc TheElec cho biết, Samsung Display chuẩn bị lắp đặt máy lắng đọng chân không đầu tiên trong dây chuyền OLED Gen 8 vào tháng tới. Cỗ máy này vẫn do Canon Tokki sản xuất và sẽ chạy dây chuyền OLED Gen 8 hướng đến panel cỡ vừa trên laptop, tablet. Theo kế hoạch của SDC, họ muốn cung cấp những lô hàng đầu tiên cho Dell và HP, trước khi đạt được đơn hàng sản xuất panel OLED cho MacBook của Apple.

Việc lắp đặt và hoàn thiện quy trình sản xuất dự kiến mất 1 năm, dây chuyền có thể đi vào hoạt động từ năm 2025. SDC sẽ chi hàng ngàn tỷ won cho đến năm 2026 nhằm đảm bảo sản lượng ra lò 10 triệu panel/năm, phục vụ thị trường laptop và tablet đang dần OLED hóa. Họ có lợi thế đi trước các đối thủ. BOE có kế hoạch đầu tư vào dây chuyền OLED Gen 8 nhưng vẫn chưa chốt nhà cung cấp máy lắng đọng chân không (CVD).

LG Display còn tệ hơn khi thiếu tiền mặt và nợ nần, đang phải ưu tiên ổn định dòng tiền và đảm bảo thanh khoản trước. Công ty đã cắt giảm kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất năm 2024 xuống ~1.5 tỷ USD sau khi bị âm hơn 1.8 tỷ USD vào năm ngoái. Hãng màn hình Hàn Quốc đã phải chịu lỗ lũy kế 3.6 tỷ USD suốt 6 quý liên tiếp, mãi đến quý 4/2023 vừa rồi mới lãi được 98 triệu USD. Họ lên kế hoạch huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu và dự định dùng 28% trong đó để trả nợ, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ năm nay xuống 260%. Ngoài ra, đầu năm nay vừa vay hợp vốn với 3 ngân hàng Hàn Quốc để có thêm gần 500 triệu USD trang trải, kỳ hạn 3 năm với lãi suất huy động 5.4%.

Ngoài lắp đặt máy chân không để sản xuất màn hình, Samsung được cho là sẵn sàng sử dụng hệ thống máy khắc từ 1 công ty Nhật khác để sản xuất chip nhớ. Năm ngoái, Samsung đã tiếp cận 1 máy khắc lai của Tokyo Electron (TEL) để thử nghiệm sản xuất. Cỗ máy sử dụng nguồn phát điện RF lẫn DC, lần đầu tiên trong ngành.

Các máy truyền thống sử dụng nguồn điện RF dần không đáp ứng được sản lượng điện yêu cầu để ion hóa khí gas ăn mòn trong buồng hơi, việc tăng công suất máy phát RF có thể làm tăng kích thước hệ thống và xuất hiện hồ quang điện. Khi chip nhớ ngày càng tiên tiến, càng cần cấp nguồn điện lớn hơn. TEL đã giải quyết được bài toán này và tạo ra đột phá bằng việc bổ sung DC.

Máy khắc lai này có thể tạo ra các lỗ kênh dọc trong cấu trúc 3D của chip nhớ NAND với độ sâu 10 micromet chỉ trong 33 phút, giúp tăng lên 400 lớp bộ nhớ. Phương pháp mới cải thiện năng suất 2.5 lần và ít gây hại cho môi trường hơn kiểu cũ. Kết quả dùng thử của Samsung khá tích cực, các kỹ sư hết lời khen ngợi thiết bị, việc khắc thực hiện nhanh mà bề mặt hoa văn lại rất tinh xảo. Nhiều nguồn tin trong ngành tin cỗ máy này sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng nhờ hiệu quả mang lại.

Samsung đã lên kế hoạch dùng công nghệ mới ở thế hệ chip NAND thứ 10, dự kiến sau 2-3 năm nữa vì phải tới 2025 thì TEL mới bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, trong khi người Hàn vui mừng vì thành tựu của người Nhật thì ở bên kia đại dương, người Mỹ lại lo lắng. Đối thủ của TEL là LAM Research rất lo ngại trước thách thức mới, dự đoán có thể mất đến 10-15% thị phần. Khoảng 60% số máy khắc chip nhớ của Samsung hiện do LAM Research cung cấp, nếu hãng chip Hàn Quốc chuyển sang hàng Nhật, đó sẽ là 1 tổn thất.

Năm tài khóa 2023, TEL kiếm được 3.9 tỷ USD nhờ các hệ thống khắc, chiếm 1/4 trong tổng doanh thu. Họ kì vọng hệ thống khắc lai này sẽ giúp mở rộng hơn nữa doanh thu và thị phần khi mà xu hướng chip nhớ 3D NAND đa lớp ngày càng thịnh hành. Tại thị trường máy khắc (etching: quy trình ăn mòn trong ngành bán dẫn), LAM thống trị với 50% thị phần và TEL bám theo sau với 25%. Để đối phó, LAM Research Hàn Quốc vừa phải thay gấp CEO, nhiệm vụ hàng đầu là giữ chân các khách hàng địa phương.
4
6
Sếp viết bài nhưng phải nhờ AI tóm tắt lại đọc cho gọn.
0
Ở Việt Nam, LG Electronics muốn ổn định phải đuổi cổ đám bộ sậu marketing, chăm sóc khách hàng, bảo hành khu vực miền Trung đi, rồi nâng cấp lại thì mới mong có cơ may ngóc đầu lên được. Chứ năm nào cũng rên khó rên lỗ làm chi.

Công nghệ LG OLED là đỉnh thiên hạ mà lúc nào thị phần cũng lẹt đẹt sau Samsung, Sony, khả năng cao LG Electronics còn đứng chót bảng vào hạng thứ 4,5 thế giới.

Nhớ vụ bán hàng màn hình IPS thì buộc nhân viên tư vấn cho khách phải gõ bộp bộp vào màn hình để khách thấy nó xịn, nó chịu được lực, nếu nhân viên không gõ sẽ bị đề xuất sa thải. Nực cười! (Còn lỡ gõ bể màn hình thì chả có văn bản nào thể hiện công ty sẽ chịu chi phí thay màn hình này).

LG Display bán màn hình OLED cho Sony, rồi LG buộc nhân viên tư vấn cho khách là: Panel OLED của Sony là do LG cung cấp. Nhân viên hỏi link hình ảnh/video thể hiện điều đó đâu để còn show ra làm bằng với khách thì phòng marketing trả lời “không cung cấp”, chắc sợ Sony nó kiện?

Tiếp theo là LG Electronics đá xoay màn hình Quantum Dot của Samsung, nói là rất độc hại với sức khỏe nếu bị vỡ ra, xong hai năm sau họ cũng sản xuất màn hình theo công nghệ Quantum Dot đó luôn, ta nói…

Rồi mới đây LG Electronics có cái kiểu đặt tên QNED cho nó hao hao giống với công nghệ Quantum Dot là QLED của Samsung ha. Ôi giời ôi luôn!
2
Đang thắc mắc là sao không xây nhà máy bên Hàn mà lại xây bên Nhật. Ông thớt có biết tại sao không?
0
Trước khi qua dt samsung, sài điện thoại LG của 10 năm trước màn hình đẹp dã man. Lâu quá quên mất LG gì rồi. Nếu LG còn sản xuất chắc mua thay vì Samsung.
0
Sang Việt nam mà làm nhà máy. Nhân công vn còn nhiều
0
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019