Đây không phải bài review bộ phim do Anna Kendrick thủ vai chính trên Netflix, mà nó giống một bài nâng cao quan điểm, phân tích một trong những cột trụ về mặt nội dung của thể loại khoa học viễn tưởng: Bài toán toa tàu. Nếu không đưa ra những quyết định thực sự khó khăn, thậm chí khiến khán giả bị sốc, thì một tác phẩm khoa học viễn tưởng chắc chắn không thể thành công về mặt nội dung được.
Nhắc lại lịch sử, bài toán toa tàu được triết gia Philippa Foot đưa ra vào năm 1967, nội dung của nó kiểu như thế này: Một con tàu chạy đến ngã ba, rẽ phải thì có 5 người bị kẹt trên đường ray, còn nếu rẽ trái chỉ có một người bị mắc kẹt. Bài toán đưa ra câu hỏi yêu cầu người giải phải chọn bẻ ray để tàu rẽ trái hay rẽ phải. Cái thí nghiệm đầy tính ẩn dụ đấy phát hiện ra một điều, đó là tâm lý con người có tính quy luật và còn rất nhiều thiếu sót. Theo nhà khoa học Eleanor Nielsen, một cuộc khảo sát của các nhà triết học cho thấy gần 90% số người được hỏi sẽ chọn cách để 1 người hy sinh, cho phép 5 người sống sót.
Câu hỏi cho anh em dưới phần comment: Anh em sẽ chọn hy sinh một người để cứu năm người, hay hy sinh cả năm để cứu một người? Sẽ thế nào nếu trong số 5 người mắc kẹt ở đường ray bên kia là 5 tên khủng bố còn người mắc kẹt ở đường ray bên này là một khoa học gia nghiên cứu được những loại thuốc cứu giúp nhân loại? Rốt cuộc lựa chọn nào là “hợp lý” nhất? Vấn đề mang tính triết học này có quá nhiều dữ kiện ẩn có thể ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn, hoặc thậm chí là không lựa chọn. Đấy là một câu hỏi không có câu trả lời thỏa mãn tất cả mọi người, mà nó chỉ chứng minh được sự giao thoa giữa đạo đức con người và tâm lý học.
Nhắc lại lịch sử, bài toán toa tàu được triết gia Philippa Foot đưa ra vào năm 1967, nội dung của nó kiểu như thế này: Một con tàu chạy đến ngã ba, rẽ phải thì có 5 người bị kẹt trên đường ray, còn nếu rẽ trái chỉ có một người bị mắc kẹt. Bài toán đưa ra câu hỏi yêu cầu người giải phải chọn bẻ ray để tàu rẽ trái hay rẽ phải. Cái thí nghiệm đầy tính ẩn dụ đấy phát hiện ra một điều, đó là tâm lý con người có tính quy luật và còn rất nhiều thiếu sót. Theo nhà khoa học Eleanor Nielsen, một cuộc khảo sát của các nhà triết học cho thấy gần 90% số người được hỏi sẽ chọn cách để 1 người hy sinh, cho phép 5 người sống sót.
Câu hỏi cho anh em dưới phần comment: Anh em sẽ chọn hy sinh một người để cứu năm người, hay hy sinh cả năm để cứu một người? Sẽ thế nào nếu trong số 5 người mắc kẹt ở đường ray bên kia là 5 tên khủng bố còn người mắc kẹt ở đường ray bên này là một khoa học gia nghiên cứu được những loại thuốc cứu giúp nhân loại? Rốt cuộc lựa chọn nào là “hợp lý” nhất? Vấn đề mang tính triết học này có quá nhiều dữ kiện ẩn có thể ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn, hoặc thậm chí là không lựa chọn. Đấy là một câu hỏi không có câu trả lời thỏa mãn tất cả mọi người, mà nó chỉ chứng minh được sự giao thoa giữa đạo đức con người và tâm lý học.
Quay trở lại với Stowaway, bộ phim vừa lên Netflix ngày 22/04 ở Mỹ và Canada. Đấy là một phiên bản điện ảnh của bài toán đường ray. Trong phim, một phi hành đoàn gồm ba người du hành lên sao Hỏa bất ngờ phát hiện ra một kỹ sư mặt đất phục vụ cho việc phóng tàu vũ trụ bị bất tỉnh và mắc kẹt trong một khoang của tàu. Vấn đề nảy sinh khi tất cả đều phát hiện ra rằng, lượng khí oxy trên tàu không đủ cho cả bốn người sống sót đến lúc đặt chân xuống sao Hỏa. Kết cục phim thế nào, mời anh em thưởng thức, phim khá hay, không bị bí bách mệt mỏi như lúc xem Gravity.
Tạm thời bỏ qua câu chuyện của Stowaway, vì nếu viết thêm sẽ thành spoil nội dung phim, mất vui. Kỳ thực ý tưởng của “bài toán đường ray” đã được thành hình với truyện ngắn khoa học viễn tưởng tên là “The Cold Equations” của nhà văn Mỹ Tom Godwin, xuất bản lần đầu trên tạp chí Astounding Magazine vào tháng 08/1954, nhiều năm trước khi bài toán đường ray được các triết gia đặt ra một cách cụ thể.
Trong “The Cold Equations”, phi công Barton đang thực hiện một nhiệm vụ đem nhu yếu phẩm và thuốc men lên một hành tinh xa xôi, và anh phát hiện ra một “người đính kèm”, Marilyn, cô gái 18 tuổi lẻn vào trong tàu để đi thăm người anh trai. Điều mà cô không biết, đó là con tàu của Barton chỉ mang đủ nhiên liệu để vận chuyển chính xác trọng lượng của một người cùng nhu yếu phẩm để hạ cánh an toàn ở điểm đến. Nếu Marilyn không chịu rời tàu, thì không chỉ tàu gặp tai nạn cả hai người cùng chết, mà người dân ở hành tinh Woden cũng sẽ gặp nguy khốn vì thuốc men không đến được với họ. Kết truyện, Marilyn liên lạc với anh trai lần cuối, rồi tự rời khỏi con tàu để nó hạ cánh an toàn xuống Woden.
Bản thân The Cold Equations là một thành công rực rỡ xét trên khía cạnh phản hồi của độc giả. Lý do là khi ấy, những câu chuyện nguy khốn như thế này thường kết thúc bằng việc các nhân vật tìm ra được giải pháp để tất cả cùng sống sót một cách thần kỳ, chỉ tích tắc trước khi mọi hy vọng tưởng chừng đều đã vụt tắt. Từ đó, những tác phẩm với những bước ngoặt bất ngờ và đánh thẳng vào tâm lý khán giả đều được đánh giá rất cao. Lấy ví dụ cái chết của Ned Stark trong Game of Thrones, hay cái kết đầy ám ảnh của bộ phim Hong Kong Infernal Affairs, Vô Gián Đạo phát hành năm 2002.
Chuyện kể lại rằng, John W. Campbell Jr., biên tập viên tờ tạp chí Astounding Magazine khi ấy vài lần gửi trả bản thảo câu chuyện lại cho Godwin vì tác giả cố gắng tìm mọi kẽ hở trong cốt truyện để giúp cả hai nhân vật đạt được cái kết có hậu nhất. Nói cách khác, không nhờ Campbell, thì thể loại khoa học viễn tưởng sẽ không thể phát triển được như ngày hôm nay, và cũng không có một tác phẩm ám ảnh như The Cold Equations.
Đối với truyện ngắn kể trên, “bài toán đường ray” mà Godwin khắc họa lại có thêm một biến số. Anh em sẽ để hàng nghìn người xa lạ chết để cứu một người mình đã quen biết, đã biết câu chuyện của bản thân họ, hay vẫn sẽ làm anh hùng cứu nhân độ thế, đại nghĩa diệt thân, hy sinh một người để cứu hàng nghìn người khác? Trong truyện, Marilyn thừa hiểu rằng cô không làm gì nên tội đến mức phải hy sinh bản thân như thế, nhưng rồi đến lúc, cô nhận ra rằng, sự hiện diện của cô trên con tàu vũ trụ bé nhỏ đi ngược lại mọi quy luật vật lý. “Phương trình vô hồn" đã đưa ra đáp án, rằng cô phải rời tàu. Vũ trụ bao la hoàn toàn không muốn cô chết, nhưng những phép toán lạnh lùng thì bắt cô phải chết.
Quảng cáo
Triết học là thứ phức tạp, vì ở một khía cạnh giải thích dễ hiểu nào đó, hàng ngày anh em có rất nhiều ý nghĩ vu vơ, về sự đúng, sự sai, những hành động của con người mà không làm cách nào tư duy cụ thể được ý nghĩ đó thành hình. Khi đó, triết học là thứ giúp ích cho con người, khi bộ môn này nghiên cứu và giải đáp những vấn đề chung và cơ bản của con người, của thế giới quan, kết nối đầy đủ những giá trị, quy luật, kiến thức và ngôn ngữ. Nhưng mỗi chủ nghĩa triết học khác nhau đôi khi lại xung đột với nhau về mặt bản chất, như giữa duy vật và duy tâm, giữa hiện thực và duy danh…
Trong quy mô của The Cold Equations, hai nhân vật Marilyn và Barton bị giằng xé giữa hai chủ nghĩa tư duy: Đạo đức hệ quả và đạo đức luân lý. Nếu suy nghĩ kiểu đạo đức hệ quả, thì sự hy sinh của Marilyn sẽ cứu được rất nhiều người. Nhưng nếu suy nghĩ theo đạo đức luân lý, thì Marilyn đâu có gây tội ác đến mức phải đền mạng như vậy, cô chỉ trốn vào con tàu để đi tìm anh mình thôi mà? Đến đây, nan đề mô tả hoàn hảo sự thiếu hoàn hảo về mặt lý trí của đạo đức con người, và mô tả được điều đáng sợ hơn: Quy luật tự nhiên, thứ không thể thay đổi và bất biến, hoàn toàn không quan tâm tới cảm xúc của con người.
Phân tích tác phẩm, nhà văn James E. Gunn cho rằng: "Nếu người đọc không hiểu hoặc không đánh giá cao những gì tác phẩm nói về nhân loại, cũng như mối quan hệ giữa con người và môi trường, thì độc giả đó cũng sẽ không thể thích thể loại khoa học viễn tưởng." Phải thừa nhận, rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại này khắc họa những nhân vật biết cách chấp nhận và đối mặt với những sự thật trớ trêu.
Ở một khía cạnh khác, những nền tảng mà The Cold Equations hay bài toán đường ray tạo ra lại khiến nhiều người lên tiếng phê phán những giá trị mà tác giả khắc họa thông qua tác phẩm hư cấu.
Quảng cáo
Mà những lời phê phán ấy thường tồn tại ở thời gian gần đây, khi mạng xã hội khiến mọi người trở nên thiên lệch về lối tư duy đạo đức luân lý nhiều hơn, ví dụ trong những vấn đề khá nóng như phá thai hay ăn chay chẳng hạn. Chính tiền đề có sẵn của truyện ngắn này cũng bị phàn nàn, vì làm sao một con tàu lại không được thiết kế với hệ thống dự phòng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ, thay vì khắc họa một câu chuyện mô tả sự thờ ơ của vũ trụ trước một mạng người.
Trong khi đó, nhà văn Cory Doctorow trong một bài viết trên tạp chí Locus thì tuyên bố rằng, The Cold Equations là một ví dụ về “rủi ro đạo đức”, thuật ngữ mà các nhà kinh tế học thường sử dụng để mô tả một tình huống khuyến khích một tác nhân kinh tế như một tập đoàn hành xử phi đạo đức để đổi lấy lợi ích về mặt tài chính, rồi lấy khái niệm rủi ro đạo đức để bào chữa cho những hành vi ấy.
Nhà văn viết: Chính tác giả là người đặt nền móng cho căn bệnh chết người, thứ dẫn đến sự cần thiết của nhiệm vụ chở thuốc men do Barton điều khiển. Chính tác giả là người xác định rằng con tàu không có hệ thống tự động lái để hạ cánh an toàn xuống hành tinh Woden, để Barton hy sinh thay cho Marilyn. Tất cả những tính toán đó dẫn chúng ta đến với một tình huống được tạo ra chỉ để biện minh cho việc giết một mạng người. Ở một khía cạnh nào đó, chính tình huống này đã biến tất cả trở thành nạn nhân: Anh phi công, công ty vận chuyển mà anh làm việc, hay chính bản thân cô gái vô tội kia.
Theo Doctorow, The Cold Equation là một ví dụ của rủi ro đạo đức, khi nó tìm ra mọi luận điểm để biện minh cho việc một con người vô tội phải hy sinh.
Và, lái nhanh một chút cho đúng chủ đề khoa học công nghệ, như giá trị của chính diễn đàn mà anh em đang sinh hoạt, thì bài toán đường ray có lẽ chính là lý do khiến cho con người vẫn chưa tin tưởng AI và robot làm việc tự động hóa thay con người, ví dụ như lái xe. Đến chính chúng ta còn không tin tưởng vào khả năng đưa ra quyết định của những người xung quanh, thì làm sao mà tin tưởng được những cỗ máy chỉ có phần tư duy lý lẽ mà không có phần tư duy cảm xúc được?
Xem xong Stowaway, rồi tìm đọc lại The Cold Equations, mình lại nhớ một trò chơi mình vừa chơi xong cách đây ít ngày, tên là Judgment, một hậu bản mở rộng của series game Yakuza do SEGA phát triển. Trong game, nhân vật chính phát hiện ra những tên xã hội đen bị sát hại, mất cả hai con mắt và bị vứt bên vệ đường. Khám phá đủ sâu, anh nhận ra rằng họ đều là những kẻ bị thí nghiệm để tìm ra loại thuốc chữa Alzheimer, thứ khiến hàng chục, hàng trăm nghìn gia đình phải khổ sở khi cha mẹ, ông bà mất trí nhớ, để rồi phải chăm sóc hàng ngày, hàng giờ. Nan đề đặt người chơi giữa hai lối tư duy đạo đức hệ quả và đạo đức luân lý được các nhà làm game Nhật Bản tô vẽ một cách đầy đẳng cấp. Câu hỏi của game đặt ra ám ảnh không thua gì những bức hình bằng chứng chụp lại những tên xã hội đen bị dùng làm thí nghiệm: Có đáng để khiến vài người chết để cứu rỗi cuộc đời của hàng triệu người khác hay không?
Stowaway, The Cold Equations, Judgment, hay chính bản thân bài toán đường ray đã, đang và sẽ mãi mãi là một nan đề không có lời giải đáp thỏa mãn lợi ích của tất cả mọi người một cách tuyệt đối, mà phải để chính bản thân từng người đưa ra quyết định cho riêng mình. Chí ít, đó sẽ là thực tế trong tương lai gần, cho tới khi chúng ta học được cách đánh giá một cách cụ thể giá trị của sinh mạng một con người.
(Tổng hợp)