TTBC2024

TTBC2024


Tại sao Apple sản xuất tại Trung Quốc?

tommyteo85
18/5/2012 3:35Phản hồi: 0
"Tại sao Apple sản xuất tại Trung Quốc?

Câu chuyện màn hình iPhone.

Chuyện kể từ Nytimes và 9to5macs rằng, năm 2007, khoảng một tháng trước khi iPhone theo kế hoạch sẽ được lên kệ, Steve Jobs triệu tập các lãnh đạo cấp cao văn phòng. Hàng tuần nay, ông luôn mang theo bên mình mẫu iPhone trong túi quần.

Ông giận dữ lôi iPhone ra, chỉ cho mọi người thấy hàng loạt vết xước xuất hiện trên màn hình bằng nhựa, rồi móc tiếp chùm chìa khóa trong túi ra và nói; "Mọi người thường nhét cả iPhone lẫn chìa khóa vào túi quần, vì thế tôi không muốn bán một sản phẩm dễ dàng bị xước. Hãy ngay lập tức thay màn hình nhựa bằng màn thủy tinh chống xước và tôi muốn nó phải hoàn hảo trong vòng 6 tuần tới".

Hàng năm trước đây, các nhà sản xuất điện thoại di động cố tránh sử dụng màn hình kính bởi thao tác cắt và mài đòi hỏi sự chính xác cao độ và rất khó để thực hiện. Apple thực ra cũng đã tính tới lựa chọn một công ty Mỹ là Corning Inc để sản xuất tấm kính chịu lực và chống xước cho iPhone. Nhưng để cắt kính thành hàng triệu tấm màn nhỏ lắp cho điện thoại đòi hỏi phải có một nhà máy đủ lớn, rồi hàng trăm tấm kính để thử nghiệm và một đội ngũ động đảo các kỹ sư lành nghề thao tác. Rõ ràng nó sẽ tốn khoản kinh phí khổng lồ chỉ để phục vụ cho khâu chuẩn bị.


Tuy nhiên, một kỹ sư ngay sau khi rời cuộc họp đã bắt ngay một chuyến bay tới Thâm Quyến, Trung Quốc, bởi lẽ ông biết rằng nếu muốn một sự hoàn hảo trong khoảng thời gian ngắn như vậy, khó có thể có nơi nào khác ngoài nơi này.

Sau đó, theo lời một cựu quan chức Apple, khi đoàn khảo sát của hãng đến Trung Quốc, chủ một nhà máy cắt kính tại đây đã khoe sẵn một không gian xưởng rộng rãi mới được xây dựng thêm với lời giải thích; "Để phòng trường hợp các bạn ký hợp đồng với chúng tôi". Họ đã có sẵn một nhà kho đầy những mẫu kính thử nghiệm cắt sẵn có thể phù hợp với các sản phẩm của Apple và sẵn sàng cung cấp mẫu miễn phí. Người chủ còn đảm bảo sẽ có đủ lượng kỹ sư cần thiết mà không tính thêm khoản phí nào. Họ thậm chí còn có sẵn cả nhà ở cho công nhân ngay tại nhà máy để các công nhân luôn sẵn sàng suốt 24 giờ trong ngày.

Hợp đồng cắt màn hình cho iPhone vì thế đã được chuyển sang Trung Quốc.

Sau khi lượng kính làm màn hình iPhone được cắt xong, chuyến hàng đầu tiên đến Foxconn – nhà máy được lựa chọn lắp ráp iPhone, vào lúc nửa đêm. Người đốc công ngay lập tức dựng 8.000 công nhân khỏi ký túc xá, đưa cho mỗi người một cái bánh bích quy và một cốc trà, hướng dẫn họ đứng vào dây chuyền và chỉ trong vòng nửa giờ đã thiết lập xong một dây chuyền lắp ráp mặt kính. Trong vòng 96 tiếng, nhà máy đã hoàn thiện một dây chuyền lắp ráp với công suất 10.000 iPhone mỗi ngày. Chỉ trong vòng 3 tháng, Apple đã bán được một triệu iPhone, và từ đó đến nay, Foxconn còn lắp ráp thêm được hơn 200 triệu chiếc nữa.

"Tốc độ và sự linh hoạt tại đây thật đáng kinh ngạc. Không một nhà máy tại Mỹ nào có thể làm được điều đó", một cựu quan chức Apple cho biết.

Một cựu quan chức cấp cao khác của Apple cho biết giờ đây toàn bộ chuỗi cung ứng được đặt tại Trung Quốc. Tại sao ư? Bạn cần một nghìn miếng đệm cao su? Nó ở ngay nhà máy bên cạnh. Bạn cần một triệu con vít? Nhà máy sản xuất vít chỉ cách đây vài dãy nhà. Hay bạn muốn thay đổi kiểu dáng vít một chút? Mọi thứ sẽ sẵn sàng trong vòng 3 tiếng đồng hồ.

Nhân công chưa phải là tất cả.

Không lâu trước đây, Apple vẫn tự hào là sản phẩm của mình là "Made in America", nhưng ngày nay thế sự đã đổi. Gần như tất cả 70 triệu iPhone, 30 triệu iPad và khoảng 59 triệu sản phẩm Apple khác bán trong năm ngoái được sản xuất tại nước ngoài.

Quảng cáo


Trong một cuộc gặp gỡ thân mật giữa tổng thống Mỹ Barack Obama với các CEO danh tiếng toàn Mỹ, một nhân vật có mặt tại đó đã cho biết Obama đã hỏi Jobs rằng; "Tại sao không thể lắp ráp iPhone tại Mỹ" với hàm ý có thể tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công Mỹ. Và Jobs đã trả lời một cách rất rõ ràng ; "Các công việc này sẽ không về Mỹ được đâu".
Bởi lẽ Apple cho rằng vấn đề không chỉ là việc nhân công nước ngoài rẻ hơn tại Mỹ. Họ cho rằng rằng chính quy mô rộng lớn của các nhà máy tại nước ngoài cùng với sự linh hoạt, cần cù và kỹ năng nhân công của Trung Quốc đã vượt xa các đối tác Mỹ, khiến cho cái mác "Made in the U.S.A" không còn là lựa chọn sống còn đối với các sản phẩm của Apple nữa.

Các nhà điều hành Apple cho biết thế giới ngày này đã thay đổi tới mức thật sai lầm khi đo lường mức độ đóng góp của một công ty bằng việc tính lượng nhân công sở tại mà công ty đó thuê. Họ bày tỏ "Chúng tôi bán iPhone ở trên 100 nước trên thế giới. Chúng tôi không có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của nước Mỹ. Trách nhiệm duy nhất của chúng tôi là làm ra sản phẩm tốt nhất có thể".

Đây cũng là câu chuyện tương tự của nhiều công ty điện tử tại Mỹ khác, rằng việc outsourcing đã trở nên thông dụng và phổ biến trong mọi ngành công nghiệp, từ kế toán, luật pháp, ngân hàng đến sản xuất ô tô hay dược phẩm.

Khó có thể ước tính giá thành của iPhone sẽ tăng bao nhiêu nếu lắp ráp tại Mỹ. Tuy nhiên, rất nhiều các nhà phân tích đã đồng ý rằng giá cả nhân công chỉ đóng góp phần nhỏ trong quá trình sản xuất công nghệ. Vì thế, nếu thuê nhân công Mỹ với lương Mỹ cũng chỉ thêm vào khoảng 65 USD trên mỗi iPhone. Do lợi nhuận của Apple thường lên tới hàng trăm USD mỗi iPhone nên nếu lắp ráp tại thị trường Mỹ, về lý thuyết, việc thêm vài chục USD trên mỗi sản phẩm cũng không phải là một gánh nặng quá lớn đối với công ty như Apple.

"Các công ty đã từng có thời cảm thấy nghĩa vụ phải hỗ trợ việc làm cho nhân công Mỹ, ngay cả khi đó không phải là lựa chọn tài chính tốt nhất", Betsey Stevenson, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Lao động Mỹ cho biết. "Nhưng bây giờ điều đó đã không còn nữa. Lợi nhuận và hiệu quả đã trở nên thắng thế", ông nói.

Các công ty như Apple cho biết thách thức trong việc đặt nhà máy tại Mỹ là tìm được đủ lực lượng lao động có kỹ thuật. Họ cần những kỹ sư ở mức cao hơn trung học nhưng không nhất thiết phải có bằng đại học. Tầng lớp kỹ sư trình độ trung lưu kiểu đó rất khó kiếm tại Mỹ, mặc dù những công việc này có thu nhập tốt. Vấn đề ở chỗ đất nước này không có đủ để đáp ứng nhu cầu.

Quảng cáo



Mỗi một chiếc iPhone chứa hàng trăm chi tiết, trong đó ước tính khoảng 90% linh kiện được sản xuất tại nước ngoài. Các linh kiện bán dẫn cao cấp thì đến từ Đức và Đài Loan, bộ nhớ từ Nhật và Hàn Quốc, tấm nền màn hình và bảng mạch từ Hàn Quốc và Đài Loan, chipset từ Châu Âu, kim loại hiếm từ Châu Phi và Châu Á. Và tất cả các thứ này được lắp ráp tại Trung Quốc.

Đối với Apple, Foxconn là ví dụ điển hình về việc Trung Quốc có thể cung cấp số lượng nhân công với sự cần cù mà không đối tác Mỹ nào có thể bì kịp. Khu phức hợp này có khoảng 230.000 nhân công, rất nhiều trong số đó làm việc 6 ngày một tuần và thường làm việc 12 tiếng một ngày tại nhà máy. Khoảng trên một phần tư số nhân công của Foxconn sống trong các khu ký túc xá của nhà máy và rất nhiều công nhân kiếm ít hơn 17 USD một ngày.

Với lực lượng nhân công đông đảo, Foxconn phải thuê khoảng gần 300 bảo vệ để hướng dẫn đi lại trong các khu nhà máy để tránh lượng người ùn ứ mỗi giờ tan tầm. Nhà bếp trung tâm trung bình tiêu thụ khoảng 3 tấn thịt lớn và 13 tấn gạo mỗi ngày.

Không chỉ ở Trung Quốc, Foxconn hiện có hàng chục các nhà máy khác ở Châu Á và Đông Âu, ở Mexico và Brazil và hiện đang lắp ráp cho khoảng 40% các mặt hàng điện tử gia dụng toàn thế giới cho các hãng lớn như Amazon, Dell, Hewlett-Packard, Motorola, Nintendo, Nokia, Samsung và Sony.

"Họ có thể thuê 3.000 người trong vòng một đêm", Jennifer Rigoni, cựu giám đốc cung ứng toàn cầu Apple cho biết. "Liệu có nhà máy nào tại Mỹ có thể thuê 3.000 người một đêm và thuyết phục họ sống trong nhà ở tập thể của nhà máy hay không", ông băn khoăn.

Thêm một lợi thế khác, đó là các nhà máy tại Trung Quốc có thể cung cấp cho Apple lượng kỹ sư lành nghề với một quy mô mà các công ty Mỹ khó lòng theo kịp. Ví dụ, với dây chuyền lắp ráp iPhone, các quan chức của Apple ước tính cần khoảng 8.700 kỹ sư để quản lý và hướng dẫn cho khoảng 200.000 nhân công. Hãng ước tính ở Mỹ phải mất tới 9 tháng mới có thể tìm được từng đấy kỹ sư lành ngề.

Nhưng tại Trung Quốc, họ chỉ mất 15 ngày.

Tất nhiên, Apple cũng đóng góp không nhỏ vào việc tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công Mỹ, bằng chứng là trong khi các công ty khác thường chuyển các trung tâm khách hàng (Call Center) ra nước ngoài, Apple vẫn giữ tại Mỹ. Apple gần đây cũng đã xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá tới 500 triệu USD tại North Carolina với ước tính khoảng 100 vị trí toàn thời gian.

Một nguồn tin khác cũng cho biết lượng nhân công phục vụ cho bán hàng của Apple cũng mang lại hàng nghìn công việc cho người Mỹ, kể cả lượng nhân công trong các công ty chuyển phát nhanh như FedEx hay UPS, dù rằng không hãng nào công bố con số cụ thể do phải đảm bào điều khoản giữ bí mật của Apple.

Một điều thú vị là, ngoài phần mềm, các linh kiện bán dẫn cao cấp trong các phiên bản 4 và 4S là phần cứng duy nhất của iPhone được làm tại Mỹ, ở một nhà máy tại bang Texas.

Nhưng là nhà máy của công ty Samsung.

Quang Minh"
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019