Tạm biệt EVGA, một tượng đài làm VGA huyền thoại

vhhai_c3
17/9/2022 16:24Phản hồi: 0
Tạm biệt EVGA, một tượng đài làm VGA huyền thoại
Xin chào mọi người đây là lần đầu tiên mình viết bài chia sẻ trên Tinhte sau hơn 10 năm đọc chùa. Thực ra hôm nay mình biết được một tin rất shock nên mới nảy ý định viết để chia sẻ cho các bạn yêu thích phần cứng máy tính. Văn vẻ của mình có thể không trau chuốt lắm mong mọi người thông cảm ạ!
Nói tới VGA thì chắc hẳn không ai không biết về hãng công nghệ EVGA, vốn rất nối tiếng trong việc sản xuất AIB (Add-in Board) sử dụng GPU đến từ Nvidia. Hãng đã sản xuất VGA dùng GPU Nvidia từ những năm 1999 và khi mình đọc thông tin EVGA ngừng sản xuất VGA trên khắp các báo công nghệ nước ngoài và Twitter thì cảm thấy rụng rời, có thể ví như việc Dell nói sẽ từ bỏ sản xuất laptop vậy. Giữa một thị trường mà đến 80% các sản phẩm đến từ các OEM của Đài Loan thì EVGA đến từ Mỹ nó như một cơn gió khác lạ dành cho người đam mê công nghệ, và đặc biệt là 1 fanboy EVGA như mình.

Mình đã xem rất kỹ phân tích từ video của anh youtuber JayzTwoCent. Jayz là một youtuber chuyên về hardware và có một mối quan hệ sâu rộng với nhiều nhà cung cấp và đại diện thị trường, anh đã có vố số những thông tin khi tiếp xúc với các đại diện thị trường, những thông tin mà chúng ta không tìm thấy được trên báo chí hay các official webpage. Mình xin tóm tắt một số ý mà anh đã phân tích về mối quan hệ giữa Nvidia và các Partner như sau:

1.NVIDIA kiểm soát rất chặt hoạt động của các hãng làm Graphic AIB
Để có được một mối quan hệ “đối tác” với Nvidia, các hãng công nghệ như EVGA hay thậm chí cả Asus, MSI, Gigabyte, Galax, Zotac, Gainward và nhiều hãng khác phải chịu một sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ và khắt khe đến từ Nvidia. Đành rằng các hãng như EVGA, Asus,… được coi là “Partner” của Nvidia nhưng cái mối quan hệ đôi bên thì không lấy gì làm công bằng cả. Cái công bằng này mình sẽ nói ở ý thứ hai.
Việc Nvidia kiểm soát quá chặt các hãng làm AIB được JayzTwoCent miêu tả là một hành động “giết chết sự nhiệt huyết" (the death of the enthusiasm). Jayz cũng chia sẻ rằng EVGA phải chịu đựng một mối quan hệ hết sức áp lực và nguyên do chính là Nvidia tỏ ra quá khắt khe với các “Partner” của mình. Nvidia kiểm soát cách các OEM thiết kế và sử dụng bo mạch, các thông số phần cứng… Đã qua lâu rồi cái thời mà thiết kế card màn hình vui vẻ và sống động như chiếc Asus Rog Mars 760 Dual GPU dùng 2 GPU trên 1 bo mạch tự thiết kế; hoặc cái thời mà các hãng có thể tự tung ra các phiên bản có thêm RAM để đa dạng phân khúc. Nvidia bây giờ kiểm soát từng li từng tí đến từng thông số và đó là hiện thân cho cái chết của sự nhiệt huyết sáng tạo.
[​IMG]

(ASUS Mars 760 chiếc card với bo mạch do Asus tự thiết kế để sử dụng 2 GPU GTX 760)

2. NVIDIA tạo ra một quan hệ không công bằng với các Partner của mình
Jayz đã dùng cụm từ “non-mutual agreement” (thỏa thuận không dành cho đôi bên) để mô tả cách mà Nvidia duy trì mối quan hệ với các Partner. Các đối tác đang ở trong một mối quan hệ mà họ luôn ở thế bị động. Một điều hết sức ngớ ngẩn ở đây là Nvidia luôn để các Partner là đối tượng cuối cùng được biết thông tin, Partner là đối tượng cuối cùng được biết sản phẩm của họ khi nào được phép bán; sản phẩm của họ sẽ được phép bán ở mức giá bao nhiêu, thậm chí thông tin mà các Partner biết còn không nhiều hơn các youtuber công nghệ nữa. Jayz chia sẻ rằng không ít lần anh thấy ngạc nhiên khi các thông tin anh ấy biết cũng cùng thời điểm với các nhà đại diện thị trường được biết. Thậm chí trong nhiều trường hợp, một số youtuber như anh ấy còn có thông tin driver của dòng của sản phẩm mới sớm hơn cả OEM trong khi driver là thứ cốt lõi để OEM xây dựng một mẫu prototype trước khi tiến hành sản xuất.

3. NVIDIA cạnh tranh không lành mạnh với chính các Partner
Thực ra đây cũng là một ý trong mối quan hệ không công bằng nhưng vì nó lớn nên mình tách riêng ra. Những năm gần đây thị trường card đồ họa là một thị trường cực kỳ sôi nổi và vô cùng cạnh tranh. Quá nhiều thứ biến động ảnh hưởng đến thị trường như tình trạng nghỉ dịch ở nhà, khan hiếm nguồn cung, khan hiếm linh kiện… Các hãng sản xuất luôn có line-up trải dài nhiều phân khúc để cạnh tranh hiệu quả hơn. Và thực tế thì hãng nào cũng có những dòng bán chạy và những dòng bán kém chạy. Nhưng thực tế thì biên độ lợi nhuận của các hãng đều tương đối trồi sụt. Chi phí marketing là rất lớn. Thậm chí như EVGA để bán được sản phẩm trên Amazon, Micro Center, Best Buy thì hãng cũng phải chia sẽ doanh thu khi bán qua các hệ thống đó. Rồi cả việc xử lý hàng tồn khi mà tình tramgj dư thừa đang hiển hiện… Lợi nhuận bị bào mòn theo nhiều cách khác nhau.
Ấy vậy mà năm 2016 tại Austin bang Texas khi dòng Pascal 1000 Series ra mắt, Nvidia đã có một hành động khiến nhiều người bất ngờ và hoài nghi. Hãng tung ra bản Founder Edtion và khi đó bán cao hơn MSRP đề xuất $100. Có nghĩa là Nvidia lại đi cạnh tranh với chính các Partner của mình. Tại thời điểm đó, có nhiều hoài nghi rằng: này, điều này thật đáng sợ, Nvidia đang cố giảm thiểu các AIB, đồng thời lại vươn lên tự bán lẻ sản phẩm cuối của chính mình…. Và rồi Nvidia đã thanh minh rằng họ chỉ bán một số lượng Board hạn chế và chỉ bán trong một thời gian ngắn thôi nên là không có chuyện đó đâu. Rồi đến một ngày đẹp trời tại Cologne Đức, RTX 2000 Series ra mắt và các sản phẩm Founder Edition lần này còn chẳng có giá cao hơn MSRP đề xuất cho các OEM nữa, hoàn toàn tương đồng. Lần này thì các hãng sản xuất thật sự ở vào hoàn cảnh bấp bênh vì hãng nào cũng muốn đầu tư vào tản nhiệt tốt hơn, điện năng tốt hơn nhưng giá lại không thể quá cao so với bản Founder. Còn nếu các hãng giảm giá thành để sản xuất các bản hiệu năng ngang ngang bản với bản Founder thì chắc chắn khi bán mấy bản đó thì lợi nhuận thua xa Nvidia bán bản Founder vì lợi thế về chi phí sản xuất do GPU là nhà trồng được.
Đây là một ví dụ tiêu biểu về cái cách mà Nvidia bán hàng vô cùng bất công đối với các Partner:
[​IMG]
(So sánh giá RTX 3090ti - Ảnh cắt từ video của JayzTwoCent)
Chiếc 3090ti bản Founder đang bán ở $1099 thậm chí còn dưới cả giá đề xuất của chính Nvidia; trong khi bản FTW3 của EVGA đang bán với giá $1399. Với mức giá chênh lệch đến $300 thì có lẽ không khó để người mua chọn sản phẩm nào. Vấn đề ở chỗ Nvidia bán dưới giá đề nghị ở $1099 thì có lẽ chỉ ít đi một chút lợi nhuận thôi nhưng để EVGA phải giảm giá để cạnh tranh đươc với bản Founder thì có lẽ họ chẳng còn chút lợi nhuận nào, chưa kể có khi còn lỗ. Jayz mô tả động thái giảm giá bản Founder của Nvidia như một sự không tôn trọng, thể hiện rõ ràng một “thỏa thuận không công bằng” giữa hai bên. Nvidia giám sát từng ly từng tí các đối tác nhưng đồng thời lại sẵn sàng chơi chiêu chèn ép các đối tác và trong trường hợp này có vẻ EVGA đã đạt đến giới hạn chịu đựng.

Đoạn cuối video, Jayz chia sẻ rằng EVGA chưa có ý định bán mình, và cũng không có ý định sản xuất cạc màn hình cho AMD hay Intel, chỉ đơn giản là họ từ bỏ mảng sản xuất VGA, một mảng chiếm tới 80% doanh thu của họ. EVGA sẽ tiếp tục bán hết số RTX 3000 Series còn đang tồn kho đồng thời cam kết bảo hành đầy đủ đến hết thời hạn cho tất cả các sản phẩm của họ. Tuy cũng là 1 người yêu mến EVGA nhuwg Jayz cũng khuyên người sử dụng cân nhắc việc mua 1 chiếc EVGA tại thời điểm này để tránh trường hợp mất nhiều thời gian bảo hành trong tương lai hoặc tệ hơn là khi hết thời gian bảo hành thì không có linh kiện thay thế. Còn đối với mình đây là một cú shock bất ngờ và đáng tiếc. Mình vừa là fan của EVGA và cũng yêu thích GPU của đội xanh hơn đội đỏ. Nhưng với sự thật được phơi bày thế này thì ít nhiều cảm tình của mình dành cho Nvidia đã bị vơi đi. Dù sao cũng thật đáng tiếc cho tượng đài. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài. Mình dịch từ video nên có thể có nhiều sai sót mong các bạn thông cảm và góp ý cho mình ở comment với ạ 😊

Tham khảo: (1)

Quảng cáo

Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019