Tên lửa New Glenn của Blue Origin lần đầu phóng lên không gian

Frozen Cat
16/1/2025 14:0Phản hồi: 5
Tên lửa New Glenn của Blue Origin lần đầu phóng lên không gian
Sau một thời gian trì hoãn, tên lửa New Glenn hoàn toàn mới của Blue Origin đã được phóng đi lần đầu tiên từ Mũi Canaveral, bang Florida. Gần 3 phút sau thì tầng dưới đã tách ra và quay về, còn tầng trên tiếp tục bay lên. Và sau hơn 12 phút kể từ khi phóng thì tầng trên đã lên đến quỹ đạo Trái đất trung bình (MEO), đạt mục tiêu chính của sứ mệnh. Đáng lẽ vụ phóng đã diễn ra vài ngày trước, nhưng bị dời lại do băng tích tụ trong tên lửa.

Khi quay về thì tên lửa đẩy tầng dưới đã khởi động được 3 động cơ, nhưng nó vẫn không thể hạ cánh và được cho là đã cháy trong bầu khí quyển. Blue Origin đã chuẩn bị sẵn một con tàu đặt trên Đại Tây Dương phòng trường hợp nó đáp xuống. Theo công ty thì dù sao đây cũng là mục tiêu không quan trọng cho lắm.

ten-lua-new-glenn-tai-be-phong-lc-36-canaveral.jpg

Tên lửa cao 98 mét, có đường kính 7 mét và đã được Blue Origin ròng rã phát triển từ năm 2013 đến nay. Nó gồm 2 tầng, trong đó tên lửa đẩy tầng dưới cao 57,5 mét có thể tái sử dụng, còn tầng trên sẽ cháy khi tái nhập bầu khí quyển. Tầng dưới được công ty đặt mục tiêu phóng ít nhất 25 lần.

Tầng dưới được trang bị 7 động cơ BE-4, có lực đẩy tổng hợp 17.100 kN và tầng trên có 2 động cơ BE-3U với tổng lực đẩy 1.540 kN. Động cơ BE-4 sử dụng kết hợp khí metan hóa lỏng và oxy lỏng để làm nhiên liệu, còn BE-3U sử dụng hydro và oxy lỏng. Cả 2 loại động cơ đều do Blue Origin sản xuất.


New Glenn có thể mang 45 tấn lên quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), còn lên quỹ đạo địa tĩnh (GTO) thì đem được 13,6 tấn. Vụ phóng này sẽ giúp New Glenn đạt chứng nhận đủ khả năng thực hiện đề án phóng các vệ tinh tình báo và quân sự bằng tên lửa tư nhân (NSSL), do Binh chủng Không gian Mỹ khởi xướng. Trong tương lai, nó cũng sẽ phóng các vệ tinh internet Project Kuiper của Amazon.

Trong lần phóng “mở hàng” này New Glenn không triển khai bất kỳ vệ tinh nào, mà khoang tải trọng ở tầng trên của nó chỉ chứa một vệ tinh demo mang tên Blue Ring Pathfinder. Đây là nguyên mẫu của vệ tinh Blue Ring sắp ra mắt của Blue Origin.

tai-trong-demo-cua-blue-ring-duoc-dua-vao-khoang-cua-new-glenn.jpg
Blue Ring Pathfinder chuẩn bị được bỏ vào khoang tải trọng của New Glenn.

Thiết bị demo bao gồm ăng-ten thông tin liên lạc, hệ thống điện và máy tính. Nhiệm vụ của nó là xác thực khả năng liên lạc của Blue Ring từ quỹ đạo xuống mặt đất, đồng thời thu thập dữ liệu. Blue Ring Pathfinder vẫn gắn với tầng trên trong 6 giờ thực hiện nhiệm vụ, có điều 2 vỏ bọc của khoang sẽ rơi ra.

Blue Origin phát triển Blue Ring để đáp ứng nhu cầu của Lầu Năm Góc về một phương tiện hậu cần có thể tiếp cận quỹ đạo địa tĩnh và các quỹ đạo khác cao hơn LEO, nhưng phải có chi phí thấp.

Theo Space, Blue Origin.
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Quá xuất sắc. Bây giờ không phải chủ có mỗi Nasa
Cười vô mặt
ad làm bài so sánh với Falcon 9 của SpaceX đi.
akay, lại sắp thêm một thằng xe ôm công nghệ!
Tầng trên hiện tại có còn bay theo quỹ đạo nữa không?
@maicasio Tầng trên vẫn bay trên quỹ đạo đó bạn, sau khi xong nhiệm vụ nó sẽ cháy trong khí quyển.

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019