THIẾT BỊ CẦN CÓ TRONG HỆ THỐNG ÂM THANH PHÒNG THU CHUYÊN NGHIỆP

thailevi
11/1/2021 2:26Phản hồi: 0
THIẾT BỊ CẦN CÓ TRONG HỆ THỐNG ÂM THANH PHÒNG THU CHUYÊN NGHIỆP
Hệ thống thiết bị luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên một phòng thu âm thanh chuyên nghiệp. Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chuyên nghiệp sẽ giúp phòng thu âm tạo được những bản thu như ý, chuyên nghiệp dành cho các bạn.

Danh sách các thiết bị trong phòng thu âm chuyên nghiệp hiện đại để các bạn tham khảo:

  • Máy tính PC hoặc MAC, phần mềm làm nhạc (thu âm và xử lý âm thanh)
  • Microphone
  • Preamp
  • Monitor (loa kiểm âm)
  • Audio interface (sound card)
  • Controller, Mixer
  • Headphone
  • Dây dẫn tín hiệu âm thanh.
  • MIDI controller.
  • Vật liệu tiêu âm và tán âm

1. Máy tính và Phần mềm làm nhạc (thu âm – xử lý âm thanh)




Mỗi nhu cầu sẽ khác nhau và điều kiện khác nhau nên cũng khác, như trên hình thì cấu hình máy tính tương đương 10 triệu, anh em nào có nhu cầu cao hơn có thể chọn chiếc máy tính bàn PC hoặc Laptop có cấu hình Core i3 trở lên (mình đang sài i5). Ram tối thiểu 4 GB nhưng tốt nhất nên cố gắng đầu tư lên 8 GB (vì khi chạy các Plug-in xử lý âm thanh sẽ ngốn khá nhiều RAM, sẽ xảy ra tình trạng mất tiếng hoặc rè rè nghe rất chói tai). Ổ cứng nên có 2 ổ cứng (dung lượng tùy thuộc vào như cầu sử dụng), 1 ổ để cài riêng hệ điều hành và phần mềm xử lý âm thanh (nên sài ổ SSD loại tốt), ổ thứ 2 để chứa các file dữ liệu Project âm thanh (Vì sử dụng chung 1 ổ cứng thì tốc độ truy xuất không đáp ứng kịp sẽ rất dễ bị “treo máy”).

Thật ra theo quan điểm của mình, máy PC là tốt hơn về cả chi phí lẫn tính tiện dụng (do mọi người quen sài với Windows hơn), Mac thường dành để coding (và chi phí cao hơn xíu).



Về phần mềm thì đa số phần mềm làm nhạc không đòi hỏi cấu hình máy tính xử lý quá cao, nên có khá nhiều sự lựa chọn phần mềm cho bạn. Tuy nhiên với mình khuyên bạn nên chọn Pro Tools hoặc Nuendo (hiện tại mình đang sài cả 2 song song tùy vào mục đích sử dụng), chúng đang được đánh giá là có chức năng toàn diện và chất lượng âm thanh tốt nhất hiện nay.

2. Microphone và Pop Filter :


Để có chất lượng âm thanh thu vào tốt nhất, với Microphone bạn nên mua loại Condenser vì nó có độ nhạy cao và khả năng “bắt lấy” âm thanh một cách chính xác.

Pop Filter là màng lọc chắn được đặt giữa Microphone và miệng của người đang thu âm, nhằm hạn chế những tiếng “phập phù” hoặc “xì” do hơi gió tạo ra khi phát âm những chữ “s”, “p” và “b”, ngoài ra còn tránh được “mưa phùn” khi người hát đang mải mê phiêu theo điệu nhạc giữ cho microphone không bị hơi ẩm làm rỉ sét hoặc hư hỏng.

3. Audio Interface (hay có thể gọi là Sound Card)


Đây là thiết bị đóng vai trò quan trọng làm cầu nối của cả hệ thống thiết bị phòng thu âm lại với nhau (microphone, nhạc cụ, loa, máy vi tính…). Có 3 chuẩn kết nối phổ biến giữa Audio Interface với máy tính là cổng USB, cổng Firewire 1394 và dạng card PCI.

Lưu ý khi chọn mua thiết bị Audio Interface cho hệ thống âm thanh phòng thu:


+ Audio Interface với Cổng USB thì phổ biến và tương thích với mọi máy tính hiện nay, nhưng cổng Firewire thì lại cho tốc độ kết nối nhanh và ổn định hơn. Nếu bạn chọn Audio Interface dùng loại cổng Firewire thì bạn cũng đừng quên lựa chọn cấu hình máy tính có cổng Firewire nhé (hoặc nếu không thì mua card chuyển từ PCI ra Firewire cũng được). Còn dạng card PCI thì tận dụng được sự ổn định và tốc độ truyền tín hiệu rất cao của chuẩn PCI-Express nhưng lại thiếu tính cơ động do phải gắn chặt vào mainboard.

Quảng cáo


+ Condenser Microphone yêu cầu nguồn điện Phantom 48V để hoạt động, vì vậy bạn hãy chắc chắn là Audio Interface cũng hỗ trợ cấp nguồn này nhé (nhưng thật ra hầu hết Audio Interface hiện nay đều đư cấp nguồn 48V).

+ Hãy xác định rõ nhu cầu cần thu khoảng bao nhiêu microphone để lựa chọn Audio Interface có số cổng Mic In / Line In phù hợp. Đừng bị “lừa tình” bởi những chiếc Audio Interface trông có vẻ hầm hố vì có thật nhiều nút, thật nhiều cổng In/Out. Luôn nhớ rằng với cùng 1 giá tiền thì chiếc Audio Interface nào ít cổng In/Out hơn thường sẽ có chất lượng linh kiện tốt hơn.

Một số model Audio Interface có chất lượng tốt dành cho “home studio” như: TC Desktop Konnekt 6, M-audio Fast Track Pro, Presonus Firebox, Focusrite Scarlett 2i2, Avid Mbox 3 Mini,…

4. Preamp:




Preamp là thiết bị xử lý tín hiệu âm thanh nhận vào từ microphone, có nhiệm vụ edit EQ giọng hát, compresor cho tín hiệu âm thanh được đều và đẹp hơn.

5. Loa Monitor

Quảng cáo



Loa Monitor (Loa kiểm âm) được ví như là “đôi tai thứ 2” của bạn, khác với loa thường ở chỗ nó có nhiệm vụ tái tạo lại âm thanh một cách “trung thực nhất”, chứ không phải là “hay nhất”. Loa Monitor phát ra thứ âm thanh trung thực, “có sao kêu vậy”, và nhà sản xuất loa Monitor cố gắng giữ nguyên chất lượng âm thanh gốc. Nhờ vậy người xử lý âm thanh có thể biết chính xác bản thu âm của mình cần tùy chỉnh lại chỗ nào cho tốt nhất.

Một số model Loa Monitor có chất lượng rất tốt như: Yamaha HS 50M, Mackie MR6-mk3, Tannoy Reveal 601A, KRK Rokit 5 Gen 3, Presonus Eris E5, M-audio BX 5A (hoặc BX 8A), Tascam VL-A5, Alesis M1 Active…

6. Controller, Mixer


Controller, Mixer là thiết bị có nhiệm vụ in out tín hiệu âm thanh cuối cùng chuyển đến Loa monitor, hiện nay các mixer và controller digital được sử dụng nhiều nhất, vì nó mang lại âm thanh trung thực nhất.

7. Headphone Monitor



Headphone Monitor có đặc tính tương tự như Loa Monitor, sử dụng trong trường hợp cần cho ca sĩ nghe được phần nhạc nền hoặc nghe được chính âm thanh đang thu vào microphone (giọng nói, tiếng động, nhạc cụ…) và cũng dành cho người kỹ thuật viên dùng để kiểm tra bản mix âm thanh.

Lưu ý khi chọn Headphone Monitor:
+ Nếu bạn dùng Headphone này cho người đứng trước Microphone thu âm, hãy chọn loại Closed Headphone Monitor (thường là dạng Full-size chụp kín vành tai và có độ cách âm rất tốt, tránh âm thanh lọt ra ngoài có thể đi vào Micro làm hỏng bản thu).

+ Nếu dùng Headphone để cho kỹ thuật viên mix âm thanh, hãy chọn dạng Open Headphone Monitor vì loại này tái tạo tốt “không gian âm thanh” và có độ chi tiết tốt hơn.

Một số model phù hợp như: Sennheiser HD 280 Pro, Sony V6, BayerDynamic DTX 910, Audio Technica ATH-M30X…

8. Dây dẫn tín hiệu âm thanh


Dây dẫn trong hệ thống âm thanh được ví như “làn đường cao tốc” mà các tín hiệu âm thanh sẽ đi qua. Do đó hãy luôn chọn dây dẫn và jack cắm chất lượng tốt để không làm suy hao và biến đổi tín hiệu, để tín hiệu đi qua một cách tốt nhất.

Lưu ý khi lựa chọn dây dẫn tín hiệu âm thanh:

+ Tốt nhất là nên mua loại dây – jack tín hiệu đã làm sẵn của các hãng uy tín như Monster Cable, Mogami, Pro Co,… hoặc mua đầu jack Neutrik và các loại dây tín hiệu loại tốt rồi nhờ kỹ thuật viên hàn dây jack với nhau cho đúng kỹ thuật.

+ Nên tính toán chiều dài dây dẫn tín hiệu vừa đủ, không nên dùng quá dài hơn nhu cầu, sẽ làm chất lượng tín hiệu sẽ bị suy giảm dần theo độ dài của dây.

9. MIDI Controller:

MIDI là thiết bị có vai trò kết nối giữa các loại nhạc cụ kỹ thuật số với nhau. Chức năng của MIDI là truyền dẫn tín hiệu dữ liệu số và lệnh điều kiển hệ thống sample trên softwav nhằm tạo ra bản hoà âm. MIDI Controller là thiết bị quan trọng và không thể thiếu trong các phòng thu âm chuyên nghiệp.

10. Vật liệu tiêu âm và tán âm


Bạn hiểu nôm na “tiêu âm” là hấp thụ bớt âm thanh và “tán âm” là khuếch tán âm thanh ra nhiều phía khác nhau. Nếu phòng thu của bạn bao quanh bởi những bức tường trống trơn thì rất dễ thấy những hiện tượng như tiếng bị “um” nghe lùng bùng, hoặc bị vang nghe “ong ong”, hoặc tệ hơn nữa là bị feed back gây “tiếng hú”. Nếu bị như vậy thì sẽ khó mà thu âm tốt được, nên cần dùng một số vật liệu tiêu âm và tán âm để “điều tiết” âm thanh.

Vật liệu tán âm mình thường sử dụng mà mút kim tự tháp.

Phòng thu âm thanh cần được tính toán, lắp đặt các vật liệu tiêu âm và tán âm phù hợp để loại trừ những “triệu chứng âm thanh” có thể xảy ra:

+ Những chỗ bị “um” hoặc “ong ong” thì một trong những cách “trị” đơn giản nhất là có thể đặt vào đó tấm mút trứng gà (một loại mút mềm màu đen hoặc vàng, có những gợn sóng lồi lõm như khay đựng trứng gà hoặc có hình khối tam giác, kích thước khoảng 1m x 2m, dày 3 cm hoặc 5 cm). Nhưng nếu dán mút trứng gà khắp phòng thì sẽ gây tình trạng âm thanh bị “bí” nghe mất tự nhiên và thiếu sức sống, nên sẽ cần dùng một vài tấm vật liệu cứng (như ván gỗ cứng có bề mặt láng, tấm mút xốp loại cứng…) để đặt xen kẽ vào để có một độ phản xạ âm thanh nhất định.

+ Nhìn chung, bạn trang âm cho phòng thu như thế nào mà nghe thấy âm thanh vẫn tự nhiên, không có cảm giác âm thanh bị chồng chéo, không bị vang vọng hay “um” là ổn.

11. Bàn và ghế


Không thể thiếu cho bất kì tiện nghi nào khác là một bộ bàn ghế đủ tiêu chuẩn cho anh em ngồi cả ngày làm việc mà không phải than vãn đau lưng ê ẩm khắp người.

Bộ bàn mình đang sử dụng là Studios Desk, loại có 4 tầng với khay đàn và kê chân, 2 cái còn làm làm phần chính rồi.


Ngoài ra, nếu có nhiều diện tích, các bạn có thể sắm loại đặc biệt có 2 thùng hai bên để có nhiều không gian chưng diện, mở rộng trang thiết bị mà vẫn gọn gàng như mẫu bên dưới.



Bên cạnh đó, mình cũng thấy có một số anh em sử dụng bộ bàn chữ L cũng khá ổn, như một mẫu mình để bên dưới, các bạn cứ tham khảo thử nhé. Hoặc tùy theo sở thích mỗi người và điều kiện kinh tế mà sẽ có những cái hay ho riêng.

12. Cuối cùng là phòng thu


Phần này cực kì quan trọng, nhưng một số bạn thường hay bỏ qua hoặc làm cho có.

Phòng thu mình thường có diện tích khoảng 14 - 18m2, tùy theo phương án lựa chọn. Nhưng tốt nhất nên cỡ 18m2 cho đủ diện tích “bày bừa”.

Có hai phương án có thể lựa chọn:

Phòng thu và hậu kỳ cùng một nơi: thường dùng cho các bạn có hạn chế về không gian và cũng như kinh phí, cái này thì có cái lợi là về ngắn hạn thôi, chứ vấn đề về sản phẩm thì dễ dính tạp âm, và dễ bị các vấn đề khác (đồ điện tử dễ bị oxy hóa mà, nên càng kỹ càng tốt, nhiều bạn vẫn mang đồ ăn nước uống vào phòng, chỉ vô ý một cái là hậu quả khôn lường).

Phòng thu và hậu kỳ ở hai nơi tách biệt: một số nơi thì phòng thu kiêm luôn hậu kỳ là một phòng khác. Nhưng mình đặc biệt thích có 1 phòng thu âm cách biệt, diện tích 2 mét vuông là được, còn khu vực còn lại có thể là khu vực hậu kỳ. Tùy phòng thu, có nhưng nơi khu thu vực thu âm khá rộng để tạo cảm giác thoải mái, và hạn chế được âm vang.


Cuối cùng, vẫn cần 1 cái đầu có tư duy về âm nhạc và am hiểu về công nghệ nữa thì mới kham được hết đống ở trên. Nếu bài hay, anh em đừng tiếc cho mình một like để mình có thêm động lực chia sẻ thêm cho mọi người ở tinhte nha.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019