Trong sự kiện Lenovo (Trung Quốc) mua bộ phận PC của IBM, đông đảo người dùng băn khoăn: tương lai dòng máy tính xách tay ThinkPad ra sao? Những tín đồ ưa chuộng dòng máy tính IBM ThinkPad cũng rất quan tâm đến việc Lenovo sẽ tận dụng và phát huy thế mạnh công nghệ ThinkVantage như thế nào?
Vẫn quyết tâm như khi ký hợp đồng trị giá 1,75 tỷ USD năm 2004, Lenovo cam kết đầu tư mạnh mẽ để tiếp tục cho ra đời những mẫu sản phẩm ThinkPad mới, kế thừa tốt những đặc tính ưu việt của công nghệ ThinkVantage. Chuyến ghé thăm cái nôi của ThinkPad, Yamato Lab (Nhật Bản), giữa tháng 7 vừa qua đã phần nào các phóng viên đến từ khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ thấy rõ sự nỗ lực của Lenovo.
Ngay sau khi hoàn tất quá trình sát nhập trong nửa đầu của năm 2005, Lenovo đã kịp ra mắt mẫu ThinkPad X41 Tablet đầu tiên và công bố thế hệ ThinkPad thứ ba (gồm Z60t/Z60m) với nâng cấp màn hình wide, kết nối WWAN (theo thị trường Mỹ) và thiết kế họ đế mở rộng (docking station) mới. Tiếp trong hai quí đầu năm 2006, thế hệ ThinkPad thứ ba tiếp tục được hoàn thiện với phiên bản T60/X60 phổ thông và R60 hiệu quả.
Bên cạnh dòng sản phẩm ThinkPad phát triển theo hướng kế thừa, Lenovo tiếp tục làm mới mình với dòng máy tính xách tay Lenovo 3000 gồm ba mẫu Lenovo C100 phổ thông, N100 hiệu quả, V100 di động với nhiều nâng cấp hỗ trợ giải trí, đa phương tiện. Hướng phát triển sắp tới của dòng ThinkPad đã được xác định: dòng R, G cố gắng giảm giá; dòng Z, T tiếp tục đầu tư sức mạnh, tính năng; còn dòng X thay đổi thiết kế để ngày càng gọn nhẹ, di động hơn.
Sau khi sát nhập, Lenovo đã đa dạng hóa ThinkPad rất nhiều
Những thay đổi quan trọng của dòng ThinkPad gần đây dựa trên các yếu tố công nghệ mới nhất như bộ xử lý hai nhân, giao tiếp PCI Express, đĩa cứng SATA, bộ nhớ DDR2, vi mạch, kết nối không dây, bảo mật và nền tảng ThinkVantage thân thiện. Hệ thống quạt mô phỏng cánh chim cú vọ (trong dòng T60) giúp tạo gió mạnh hơn nhưng ít ồn hơn. Kết nối không dây trên ThinkPad không chỉ dễ dàng mà còn luôn được đảm bảo chất lượng nhờ trang bị 5 anten: 2xWiFi, 2xWWAN, 1xBluetooth. Độ bền tiếp tục được tăng cường dựa trên ba cải tiến: thu nhỏ mối hàn nối, giãn khoảng cách mối hàn; cách ly bo mạch chủ với bộ khung; sử dụng vỏ kim loại ThinkPad Roll Cage (trong T60, Z60) với mức chịu lực tăng 20-50% và giảm 40% lực tác động lên bo mạch chủ.
Đĩa cứng vẫn là khả năng chống shock 2D nhưng cảm biến có nhiều mức nhạy linh hoạt. Nắp trên MTXT được gia cố bằng hợp kim Magiê với Titan và có thêm màu bạc thời trang bên cạnh màu đen ThinkPad truyền thống. Cơ chế bảo mật được xây dựng trên nền tảng phần cứng là chip bảo mật TPM 1.2; kết hợp cả phương thức mật khẩu với dấu vân tay; sẽ có sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ ThinkVantage với giải pháp LANDesk vừa được Forrester Research xếp hạng tốt nhất trên cả ba mảng quản trị hệ thống máy khách.
Bộ công cụ tích hợp ThinkVantage nâng cấp theo hướng hỗ trợ người dùng tốt nhất từ khâu triển khai, kết nối, bảo mật, hỗ trợ sử dụng đến khâu thanh lý. Về lâu dài, các nghiên cứu, phát triển ThinkPad tại Yamato Lab tập trung theo 3 mục tiêu là nâng cấp công nghệ bộ xử lý, lưu trữ, hệ thống mạng/bus để tăng sức mạnh xử lý; tìm giải pháp để máy khởi động nhanh, giảm sự cố, kết nối đảm bảo và bảo mật an toàn, dễ dùng; tích hợp công nghệ phần cứng để hỗ trợ ứng dụng mới về âm thanh, hình ảnh, bảo mật...
Từ thời điểm giới thiệu mẫu ThinkPad 700C đầu tiên vào năm 1992 đến tháng 6/2006, dòng sản phẩm ThinkPad đã nhận tổng cộng 1.604 giải thưởng. Để tiếp nối thành tích và nhằm đảm bảo rằng ThinkPad vẫn là ThinkPad, Lenovo vừa thiết lập thêm hai trung tâm nghiên cứu, phát triển MTXT tại Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc).
Trung Tâm Nghiên Cứu Tokyo được IBM thiết lập tại Tokyo, Nhật Bản năm 1982 và đến năm 1993 dời về thành phố Yamato, tỉnh Kanagawa nên còn được gọi tắt là Yamato Lab. Đây chính là trung tâm nghiên cứu, phát triển đầu tiên của IBM đặt tại châu Á. Yamato Lab là nơi nghiên cứu, phát triển toàn bộ dòng MTXT của IBM trong thời gian qua và hiện có gần 200 nhân viên nghiên cứu trong tổng số 3.000 nhân viên nghiên cứu trên toàn cầu của IBM. Yamato Lab đã được IBM chuyển giao cho Lenovo từ năm 2005 (nguồn: ).
Yamato Lab được trang bị khá nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc kiểm tra độ bền của MTXT về độ rơi, độ rung, độ nén, khả năng đóng mở và có các phòng thiết kế đặc biệt để đo độ ồn, mức bức xạ điện tử khi MTXT hoạt động. "Bên cạnh yếu tố con người sáng tạo, việc kiểm định khắt khe nhiều tiêu chí mỗi mẫu sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng góp phần gắn liền thương hiệu ThinkPad với sự bền bỉ, tin cậy", ông Arimasa Naitoh-Phó chủ tịch Lenovo, phụ trách bộ phận phát triển MTXT và là người từng nhiều năm gắn bó với Yamato Lab-nhấn mạnh khi được hỏi về nguyên nhân thành công của dòng ThinkPad.