SUPRIM là dòng sản phẩm cao cấp nhất của MSI dành cho card đồ họa, không chỉ sở hữu thiết kế cứng cáp, “ngầu lòi” mà còn trang bị trên đó những tiến bộ công nghệ cũng như thành phần linh kiện tốt nhất. Trong bài viết này, mình chia sẻ với anh em về mẫu card MSI GeForce RTX 4090 SUPRIM X 24G, đi sâu chi tiết để thấy được khi bỏ ra cỡ 50 - 55 triệu đồng thì sẽ nhận được những gì.
Hơi trái ngược với sản phẩm bên trong, phần vỏ hộp RTX 4090 SUPRIM X lại toát lên vẻ lịch lãm thay vì gaming. Mặt trước hộp hoàn toàn không quảng cáo hay màu mè về những tính năng, công nghệ của nhà sản xuất, đơn giản có logo RTX 4090, SUPRIM X và khiên rồng. Thông tin ở phía sau cũng cơ bản, giới thiệu tản nhiệt TRI FROZR 3S, quạt TORX, ống dẫn nhiệt, buồng hơi và điều khiển qua MSI Center.
Hơi trái ngược với sản phẩm bên trong, phần vỏ hộp RTX 4090 SUPRIM X lại toát lên vẻ lịch lãm thay vì gaming. Mặt trước hộp hoàn toàn không quảng cáo hay màu mè về những tính năng, công nghệ của nhà sản xuất, đơn giản có logo RTX 4090, SUPRIM X và khiên rồng. Thông tin ở phía sau cũng cơ bản, giới thiệu tản nhiệt TRI FROZR 3S, quạt TORX, ống dẫn nhiệt, buồng hơi và điều khiển qua MSI Center.
Phụ kiện đi kèm ngoài cáp chuyển nguồn 4 x 6+2 pin PCIe ra 12VHPWR thì còn có 1 giá đỡ card. Điểm đặc biệt là giá đỡ rất cao/dài, lớn, cứng cáp và chắc chắn.
Trên phần đế đỡ điều chỉnh được có chữ SUPRIM, cao su để êm và không trầy xước card. Mình thấy phần đế này hoàn thiện chưa thực sự tốt ở mép, dù vát kim cương thì khá đẹp.
MSI GeForce RTX 4090 SUPRIM X 24G có kích thước 336 x 142 x 78 mm, khá lớn. Back I/O shield chiếm 3 slot PCI và thân card còn dày hơn nữa. Trọng lượng card khá nặng, gần 2.5 ký (2413 gram), nhìn tổng thể rất ngầu và gây ấn tượng nhờ 3 quạt cỡ lớn cùng những đường cắt chéo lạ mắt thay vì khung tròn.
Các cổng xuất tín hiệu hình ảnh gồm có 1 cổng HDMI 2.1a (hỗ trợ 4K @ 120 Hz HDR, 8K @ 60 Hz HDR) và 3 cổng DisplayPort 1.4a. Khu vực trống của I/O shield được cắt thành các lỗ thoát nhiệt. Góc chụp này cho anh em thấy được độ dày thân card so với I/O shield.
Quảng cáo
Backplate cũng được trang trí bằng logo SUPRIM cùng các họa tiết cắt vát, chìm nổi lạ mắt. Mình không thích lắm cách bố trí ốc vít cố định card, đơn giản vì nó không theo thứ tự nào cả, hơi lung tung.
Cấp nguồn phụ cho RTX 4090 SUPRIM X là đầu 12VHPWR, theo MSI thì bộ nguồn được đề xuất là công suất 1000 W (tối thiểu 850 W). MSI bố trí 1 công tắc chuyển đổi BIOS giữa chế độ GAMING và SILENT tùy theo nhu cầu. GAMING sẽ mang lại hiệu năng tối ưu nhất còn SILENT sẽ tập trung vào giữ cho độ ồn lúc hoạt động là nhỏ nhất.
Sau khi tháo gỡ backplate thì anh em thấy được bo mạch card không quá dài. Thật ra MSI đã kéo dài PCB cho RTX 4090 SUPRIM X, còn đối với Founders Edition, bo mạch thậm chí còn ngắn hơn nữa.
Quảng cáo
Dàn linh kiện pha nguồn cực kỳ chất lượng mà MSI trang bị cho RTX 4090 SUPRIM X nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục ở tải cao. Con chip MP2891 của Monolithic Power Systems. Đây là bộ điều khiển kỹ thuật số, dual-rail, multi-phase chuyên được sử dụng trong việc cung cấp năng lượng cho NVIDIA PWMVID.
Card sử dụng cuộn cảm Carbonyl hiệu suất cao (High-Efficiency Carbonyl Inductor) nhằm tăng cường khả năng lọc điện và giảm tiếng ồn phát ra khi hoạt động. Cạnh đó là SPS (Smart Power Stage) hiệu năng cao cho phép điều chỉnh dòng điện chính xác với điện trở thấp. Cách kết hợp và bố trí này giúp giảm thiểu hao phí điện năng và giảm nhiệt sinh ra khi sử dụng. Ngoài ra, MSI cũng có thiết kế cầu chì trên PCB như là 1 biện pháp bảo vệ bổ sung, tránh các hư hỏng do điện gây ra.
MSI sử dụng công nghệ buồng hơi (vapor chamber) để tản nhiệt cho GPU RTX 4090 cùng các chip nhớ xung quanh. Nhiệt được hấp thụ qua buồng hơi, truyền đến các heatpipe rồi mới đi lên khối lá nhôm. Heatpipe trên RTX 4090 SUPRIM X được thiết kế đặc biệt với 1 phần dạng trụ vuông, cho phép tiếp xúc bề mặt buồng hơi tốt hơn.
Thiết kế đặc biệt theo hình gợn sóng ở cạnh trên của lá nhôm tản nhiệt giúp tăng cường hiệu quả làm mát khi luồng khí từ quạt thổi qua. Ngay bên dưới, các lá nhôm này có thêm đường cắt chữ V để cải thiện hiệu suất làm mát nhờ tối ưu góc nghiêng, tăng rãnh sóng để hướng luồng khí về phía trung tâm thay vì tản mát, từ đó đẩy hơi nóng ra ngoài nhanh hơn. Thiết kế này hoạt động tương tự như vòi phun.
Hệ thống TRI FROZR 3S còn có 3 quạt làm mát TORX 5.0. Các quạt này có thiết kế cải tiến để tăng luồng khí lên 23% so với quạt hướng trục thông thường. Anh em cũng thấy MSI không làm kiểu 3 quạt quay ngược chiều nhau mà họ có giải pháp khác. 9 cánh quạt TORX 5.0 chia làm 3 phần, mỗi phần 3 cánh, liên kết với nhau bởi vòng nhựa, giúp tập trung luồng khí vào khối tản nhiệt. Các cánh quạt cũng có độ nghiêng 22 độ, duy trì luồng khí áp suất cao ngay cả ở tốc độ thấp. Phần cuối của các vòng nhựa liên kết 3 cánh được thiết kế gập vào trong nhằm giảm nhiễu loạn và lực cản.
Đây là GPU Ada Lovelace mạnh nhất hiện tại với các chip nhớ Micron xung quanh.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i9-12900KS
- Mainboard: ASUS Maximus Z690 Formula
- RAM: CORSAIR Dominator Platinum DDR5-6000 16 GB x 2
- SSD: WD_BLACK SN850X
- VGA: MSI GeForce RTX 4090 SUPRIM X 24G
- PSU: FSP Hydro PTM PRO 1200W
Ở môi trường phòng có máy lạnh, nhiệt độ khoảng 28 độ C, MSI GeForce RTX 4090 SUPRIM X 24G gắn trong thùng máy, không có quạt đối lưu, chạy stress test bằng FurMark trong 10 phút cho nhiệt độ cao nhất 65 độ C, trạng thái nghỉ chỉ có 34 độ C. Quạt TORX 5.0 quay ở 50% tốc độ tối đa (khoảng 1700 RPM), không phát ra tiếng ồn khó chịu và hot spot ở khoảng 75 độ C. Nhìn chung anh em không cần phải lo về nhiệt độ của card khi chơi game hay làm việc nặng. Hệ thống tản nhiệt TRI FROZR 3S của MSI hoạt động hiệu quả.
3DMark là phép thử tổng hợp không xa lạ gì với người dùng máy tính, nhất là những anh em có biết về game hoặc phần cứng. Phần mềm 3DMark do UL cung cấp, gồm nhiều phép thử trải dài qua các tính năng cũng như tập lệnh đồ họa khác nhau, từ đó cho khả năng linh hoạt khi cần đánh giá sức mạnh đồ họa hay tính toán trong nhiều tình huống. Thông thường khi đánh giá card đồ họa, mình sẽ sử dụng phép thử Time Spy (Extreme, Ultra) để kiểm tra khả năng xử lý thuần API DirectX 12; Port Royal để thử khả năng đáp ứng các tựa game ray tracing hiện tại kết hợp với đồ họa DirectX.
Cyberpunk 2077 không chỉ là 1 tựa game đơn thuần mà còn có thể coi là tác phẩm nghệ thuật, được game thủ mong chờ nhất năm 2020. Cyberpunk lấy bối cảnh vào năm 2077 tại Night City - 1 thành phố phồn vinh nhưng không kém phần hỗn loạn. Người chơi nhập vai nhân vật V, nghề nghiệp là lính đánh thuê, sở hữu khả năng chiến đấu cận chiến và tầm xa, cũng như học được các kỹ năng hack và vận hành máy móc. Mục đích có cơ thể bất tử, V dấn thân vào những cuộc chiến, thực hiện phi vụ trên khắp thành phố để hiện thực ước mơ.
God of War là tựa game hành động phiêu lưu có bối ảnh thần thoại Bắc Âu. Kratos - nhân vật chính trong game là 1 chiến binh và tướng lĩnh người Sparta - biệt danh 'Ghost of Sparta'. Liên tục bị các vị thần lợi dụng và gieo rắc đau khổ, Kratos trở nên căm ghét thần linh mặc dù bản thân anh cũng là một bán thần. Nhiều năm sau các sự kiện diễn ra trong God of War III, Kratos lúc này đã rời bỏ Hy Lạp để đến cõi Midgard ở Bắc Âu. Tại đây, anh đã kết hôn với một người phụ nữ tên là Faye và họ có với nhau một người con trai Atreus. Kratos và Atreus đã dấn thân vào một cuộc hành trình gian nan để thực hiện ước nguyện cuối cùng của Faye trước khi cô qua đời.
Red Dead Redemption 2 là tựa game hành động phiêu lưu - phần thứ 3 trong loạt Red Dead, đồng thời cũng là tiền truyện của Red Dead Redemption. Game lấy bối cảnh năm 1899, theo sau các chiến công của một kẻ ngoài vòng pháp luật - Arthur Morgan, thành viên của băng đảng Van der Linde, ở một phiên bản hư cấu của vùng Western, Trung Tây và Nam Hoa Kỳ. Arthur vừa phải đối phó với sự suy tàn của Miền Tây hoang dã vừa phải cố gắng chống lại lực lượng chính phủ, các băng đảng đối thủ và những kẻ địch khác. Phần kết của trò chơi nói về một thành viên trong băng đảng là John Marston, nhân vật chính của Red Dead Redemption.
Phần thứ 6 của Far Cry Series lấy bối cảnh tại Yara, một hòn đảo hư cấu vùng Caribe (lấy cảm hứng từ Cuba và có thể coi là sân chơi Far Cry lớn nhất) nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài "El Presidente" Antón Castillo, kẻ đang nuôi dạy đứa con trai tên Diego tuân theo sự cai trị của hắn. Game thủ sẽ vào vai 1 chiến binh du kích mang tên Dani Rojas, cố gắng lật đổ Castillo và chế độ này.
Với Deathloop, game thủ sẽ nhập vai Colt Vahn, một người mắc kẹt trên hòn đảo Blackreef trong vòng lặp thời gian. Vài chục năm trước, Blackreef được Egor Serling, một nhà khoa học phát hiện ra có thể tạo ra những đứt gãy không gian - thời gian, dẫn đến việc có những người trải nghiệm một ngày lặp đi lặp lại. Vậy là nhà khoa học ấy thành lập chương trình Aeon để nghiên cứu cách lợi dụng đứt gãy trải nghiệm được trên hòn đảo này để… biến con người trở thành bất tử. Serling kết hợp với những người khác để triển khai chương trình Aeon, ví dụ như Wenjie Evans, khoa học gia tạo ra vòng lặp, Aleksis Dorsey, người cấp vốn cho chương trình, hay Harriet Morse, kẻ đứng đầu giáo phái Eternalist, quy tụ những thành viên muốn trở nên bất tử hoặc chỉ thích tiệc tùng chè chén không có ngày mai (vì ngày mai giống hệt hôm trước thì sợ gì). Tổng cộng, có 8 thành viên mà Colt cho rằng, để vòng lặp đứt gãy, đưa anh trở lại cuộc sống bình thường thì chỉ cần giết đủ 8 con người này là xong.
Không có gì để bàn cãi về sức mạnh của AD102-300-A1 nói chung và RTX 4090 SUPRIM X nói riêng, tất cả đều hoàn hảo, đều có hiệu năng cực cao và vượt mức mong đợi. Sức mạnh của card thể hiện qua game tương ứng với mức tăng xung boost khoảng hơn 4% mà MSI đã thiết lập sẵn (2625 MHz so với 2520 MHz), ngoài ra anh em cũng có thể sử dụng MSI Center để chuyển sang chế độ Extreme Performance và cho card chạy ở xung boost 2640 MHz.