Intel Arc Alchemist GPU với đại diện đầu tiên ở phân khúc phổ thông - Arc A380 - đã chính thức được giới thiệu ở sự kiện INTEL TECH CAMP tại Việt Nam. Trước đây, mình đã chia sẻ với anh em về thiết kế ngoại hình của sản phẩm ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC rồi, hôm nay mình tiếp tục với phần thử nghiệm hiệu năng và 1 số chi tiết về GPU rời mới của Intel.
Kiến trúc Xe HPG
Vi kiến trúc Xe HPG được Intel thiết kế nhằm mang lại hiệu năng cao và khả năng mở rộng tốt hơn, hiệu quả hơn cho game thủ và nhà sáng tạo. Xe-core là khối tính toán nền tảng mới trong dải sản phẩm GPU của Intel. Kiến trúc tập lệnh (ISA) Xe được tối ưu hóa cho từng phân khúc thị trường cụ thể, cũng như các tác vụ về đồ họa hay chơi game. Mỗi Xe-core bên trong GPU Xe HPG được cấu hình với Vector Engine 256 bit, có nhiệm vụ tăng tốc đồ họa truyền thống và các tác vụ tính toán; trong khi đó Intel Xe Matrix Extensions (Intel XMX) engine 1024 bit được xây dựng nhằm tăng tốc các tác vụ AI.
Trên tay card đồ họa ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC
Hiện tại Tinh tế đang thử nghiệm card đồ họa Intel Arc A380 - mẫu GPU đã và đang tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều trên truyền thông. Sản phẩm mà bọn mình trên tay đến từ nhà sản xuất ASRock, model Challenger ITX Intel Arc A380 OC.
tinhte.vn
Kiến trúc Xe HPG
Vi kiến trúc Xe HPG được Intel thiết kế nhằm mang lại hiệu năng cao và khả năng mở rộng tốt hơn, hiệu quả hơn cho game thủ và nhà sáng tạo. Xe-core là khối tính toán nền tảng mới trong dải sản phẩm GPU của Intel. Kiến trúc tập lệnh (ISA) Xe được tối ưu hóa cho từng phân khúc thị trường cụ thể, cũng như các tác vụ về đồ họa hay chơi game. Mỗi Xe-core bên trong GPU Xe HPG được cấu hình với Vector Engine 256 bit, có nhiệm vụ tăng tốc đồ họa truyền thống và các tác vụ tính toán; trong khi đó Intel Xe Matrix Extensions (Intel XMX) engine 1024 bit được xây dựng nhằm tăng tốc các tác vụ AI.
GPU Xe HPG cấu hình bằng các Render Slice để có thể mở rộng dễ dàng từ những giải pháp năng lượng thấp đến các hệ thống chơi game cao cấp mạnh mẽ. Cấu trúc bộ nhớ đồ họa băng thông cao với bộ đệm L2 kết nối mỗi slice mang lại khả năng mở rộng linh hoạt thành các giải pháp đa slice, kết hợp lại để trở thành những mẫu GPU rời lớn hơn. Các Render Slice của Xe HPG tích hợp toàn bộ phần cứng tăng tốc đồ họa được thiết kế để tăng tốc các tác vụ rasterization và ray-tracing, tối ưu cho DirectX 12 Ultimate.
Intel XMX
AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều mặt đời sống và cả khía cạnh công nghệ, định nghĩa lại cách dựng hình theo thời gian thực, cải thiện chất lượng hình ảnh. Để tăng tốc các tác vụ này và nhiều tác vụ khác nữa trong tương lai, GPU Xe HPG được trang bị 1 thứ gọi là XMX - Xe Matrix Extensions - phần cứng tăng tốc AI chuyên dụng. XMX mang lại khả năng tính toán gấp 16 lần cho INT8 inferencing. Con số này có được là kết quả của việc so sánh giữa XMX và các tập lệnh MAC (MultiplyACcumulate) truyền thống, hoặc tăng gấp 4 lần nếu so với tập lệnh DP4a. Intel XMX cũng hỗ trợ cho nhiều kiểu dữ liệu được tối ưu hóa bởi AI như FP16, BF16, INT4 và INT2.
Intel XeSS
Công nghệ Intel XeSS hay Xe SuperSampling sử dụng thuật toán dựa trên AI và phần cứng tăng tốc Intel XMX để mang lại chất lượng hình ảnh có độ nét cực cao, trong khi dựng hình thực sự ở độ phân giải thấp hơn. XeSS cũng tương tự như NVIDIA DLSS hay AMD FSR, cho phép chơi game ở độ phân giải cao mà vẫn đảm bảo được hiệu năng khung hình. XeSS ứng dụng máy học (Machine Learning) để tổng hợp ra các hình ảnh rất gần với chất lượng dựng hình nguyên bản. XeSS tái tạo lại các chi tiết subpixel từ các pixel lân cận và dựa vào cả những khung hình trước đó đã được bù trừ chuyển động
ACM-G11 SoC
Quảng cáo
Mẫu card đồ họa ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC trang bị con chip Arc A380, về cơ bản là biến thể đầy đủ của ACM-G11 SoC. ACM-G11 có 2 Render Slice, 8 Xe-core với Intel XMX, 8 RTU (Ray Tracing Unit và bộ đệm L2 dung lượng 4 MB. Sản phẩm sử dụng khe cắm PCIe x16 với giao diện PCI Express 4.0 x8, tích hợp memory controller được tối ưu hóa cho bộ nhớ đồ họa GDDR6. Các kỹ sư Intel thiết kế memory controller này cho kiến trúc quản lý bộ nhớ hiện đại, tính năng Resizable BAR cho phép toàn bộ bộ nhớ đồ họa của GPU có thể được truy xuất cùng lúc hiệu quả nhất.
Con chip Arc A380 và thiết kế tham chiếu của Intel cho mức TBP (Total Board Power) cao nhất 75 W, nghĩa là không cần cấp thêm nguồn phụ. Tuy vậy,các đối tác sản xuất có thể tạo ra những biến thể khác rồi cung cấp ra thị ttrường. Theo đó, nếu mức TBP ≤ 75 W, card không cần nguồn phụ nhưng mức xung nhân cao nhất 2000 MHz. Nếu TBP ≥ 80 W, bắt buộc phải có nguồn phụ, đồng thời cũng cho phép đặt xung ở 2250 MHz (đây là trường hợp của sản phẩm trong bài). Nếu TBP ≥ 87 W, card có thể chạy ở 2350 MHz.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i7-12700K
- Mainboard: GIGABYTE Z690 AORUS XTREME
- RAM: AORUS DDR5-5200 32 GB
- VGA: ASRock Challenger ITX Intel Arc A380 OC
- SSD: AORUS Gen4 1 TB
- PSU: AORUS P1200W 80+ Platinum Modular
Quảng cáo
Bộ phần mềm điều khiển Intel Arc A380 có tổng dung lượng khoảng 1.2 GB, trong đó bao gồm driver và phần mềm Intel Arc Control. Intel Arc Control tích hợp nhiều chức năng để anh em có thể điều chỉnh và theo dõi các chỉ số của card đồ họa, chia làm 4 phần chính gồm Drivers, Games, Performance và Studio. Khu vực Performance cho phép thay đổi cách mà Intel Arc A380 hoạt động, như mở khóa giới hạn công suất mà con chip GPU tiêu thụ, giới hạn nhiệt độ cao nhất, tăng điện thế hay tăng hiệu năng. Ngoài ra, Intel Arc Control cũng cung cấp 1 bảng thông tin hiển thị số liệu đồ họa để theo dõi ngay trong khi chơi game - In-Game Overlay, hơi đáng tiếc lại thiếu mất phần nhiệt độ card cũng như tốc độ khung hình.
Mình đã tiến hành mở khóa tối đa tất cả thông số mà Intel Arc Control cho phép, thử nghiệm stress card bằng Furmark và theo dõi cũng như ghi lại thông tin cảm biến nhờ GPU-Z. Kết quả cho thấy nhiệt độ cao nhất mà GPU Arc A380 đạt đến là 80 độ, tốc độ quạt làm mát gần 1900 rpm, công suất mà con chip tiêu thụ là 66 W, trong khi tổng công suất của card (TBP) đạt 100 W (do Furmark báo). Các phần mềm như Furmark có lẽ cần phải được cập nhật thêm mới có thể theo dõi được nhiệt độ của GPU Intel Arc, phiên bản 1.31 chưa thể vẽ đồ thị nhiệt độ mà chỉ báo số lúc stress card.
Một điểm “rất Intel” mà mình nhận thấy khi thử nghiệm Arc A380 là khả năng điều chỉnh mức xung nhân tự động, tương tự như công nghệ Speed Step. Xung GPU dù rằng theo thông số là 2250 MHz và mình cũng không ép xung bằng công cụ khác, nhưng có thể tăng lên đến 2700 MHz khi chạy Furmark (tăng thêm khoảng 15%), kéo theo TBP lên 100 W. Đây cũng là lý do vì sao ASRock trang bị thêm đầu cấp nguồn PCIe 8 pin cho card. Rõ ràng là mức 75 W của riêng khe PCIe là không đủ đáp ứng. Mình đánh giá ngưỡng nhiệt 80 độ là không cao, khi mà Challenger ITX Intel Arc A380 chỉ có thiết kế 1 quạt và khối tản nhiệt nhôm nhỏ gọn. Với các mẫu card cao hơn, tản nhiệt tốt hơn, nhiệt độ gần như không phải vấn đề để người dùng cần phải quan tâm khi sử dụng Intel Arc GPU. Điện thế cấp cho GPU cũng được điều chỉnh tự động, với mức thông thường 1.005 V và cao nhất 1.192 V.
Hướng đến phân khúc phổ thông, Intel Arc A380 đáp ứng được nhu cầu chơi game ở độ phân giải Full HD. Các phép thử tổng hợp đánh giá rằng Intel Arc A380 đủ sức để chơi gần như tất cả các tựa game hiện tại ở 1080p, mức hiệu ứng từ trung bình đến cao nhất. Mình thử với Horizon Zero Dawn, mức Ultimate thì đạt được khung hình trung bình 39 fps, trong khi Shadow of the Tomb Raider là 52 fps. Red Dead Redemption 2 khá nặng nên đạt được 33 fps và Total War Three Kingdoms là 31 fps, tất cả đều bật tối đa thiết lập chất lượng hình ảnh.
Intel vẫn đang tích cực làm việc và cải thiện driver cho dòng GPU rời Arc Alchemist, và chiến lược của họ là tập trung cho những tựa game mới với API mới trước, sau đó mở rộng ra game cũ hơn. Chính vì vậy anh em sẽ thấy là 1 số tựa game với API cũ sẽ không thể tận dụng được hết sức mạnh của card. Mình có thử với Hitman: Absolution ra mắt hồi 2012, tốc độ khung hình đạt được chỉ khoảng 20 fps. Đây là 1 điểm rất vô lý nếu như Arc A380 không thể chạy được tựa game hành động cách đây 1 thập kỷ ở mức tốc độ khung hình “chơi được” - 30 fps, do đó vấn đề chắc chắn nằm ở driver. Chúng ta và cả Intel đều cần thêm thời gian.
Nhìn chung Intel Arc A380 là 1 mẫu card phổ thông khá ổn dựa trên những kết quả thử nghiệm tổng hợp. Sức mạnh thuần của GPU rời từ Intel đã có sẵn, vấn đề ở đây là cần 1 bộ driver có đủ khả năng để tận dụng chúng. Trước mắt thì Arc A380 không có vấn đề gì với những game mới trên nền đồ họa dùng API hiện đại, từ hiệu năng, giá thành cho đến nhiệt độ, nhưng phần thiết kế card có lẽ tương lai sẽ có nhiều lựa chọn tốt và đẹp hơn. Anh em nếu muốn sử dụng Intel Arc GPU cho hệ thống máy tính của mình thì cần lưu ý rằng phải có và bật tính năng Resizable BAR để khai thác được hết tiềm năng card. Còn nếu cấu hình đã quá cũ, anh em nên tiếp tục với 2 lựa chọn từ NVIDIA và AMD, do Intel Arc được thiết kế theo hướng mới, tận dụng Resizable BAR để sử dụng toàn bộ dung lượng VRAM tối ưu và hiệu quả nhất.