Thuật ngữ Augmented Reality (AR) hay còn gọi là Tương tác thời gian thực bắt đầu được nhắc đến nhiều từ năm 2009 khi mà người ta áp dụng nó nhiều hơn vào cuộc sống với các ứng dụng thực tiễn. Gần đây nhất, Google Glass có thể coi là một đại diện tiêu biểu cho việc ứng dụng AR, mỗi khi bạn nhìn vào một đồ vật thì tương ứng trên màn hình trước mắt sẽ hiện ra các thông số của đồ vật đó. Thực tế thì Augmented Reality cũng chỉ là một thuật ngữ mà thôi, để có thể có những phần mềm ứng dụng vào cuộc sống thì chúng ta cần những công cụ phát triển, Vuforia của Qualcomm là một trong số đó. Nền tảng này cung cấp cho những nhà phát triển phần mềm các công cụ cần thiết để có thể tạo ra những ứng dụng trên Android, iOS với những tính năng độc đáo. Vừa qua, Qualcomm cũng đã mở rộng Vuforia với điện toán đám mây giúp cho cơ sở dữ liệu được mở rộng hơn, thoải mái hơn. Hãy cùng tìm hiểu thêm về Vuforia qua bài viết này nhé.Trước hết, cụ thể Augmented Reality là như thế nào?
Augmented Reality (AR) nói nôm na là công nghệ giúp cho bạn quan sát những vật trong thế giới thật thông qua màn hình một thiết bị điện tử, không những thế nó còn có thêm các thông tin liên quan đến vật thể đó. Giống như khi bạn lấy điện thoại và hướng camera của nó về trái dưa hấu trước mặt thì trên màn hình ngoài hình ảnh trái dưa còn có thêm thông tin về nguồn gốc cũng như giá trị dinh dưỡng và cách sử dụng. Ngoài việc dựa trên hình ảnh, thông tin còn được tối ưu nhờ vào các dữ liệu đến từ các thành phần khác như GPS, la bàn, gia tốc kế, micro…
Ví dụ như với ứng dụng Google Sky map, bạn sẽ có thông tin chi tiết về các vì sao trên bầu trời nhà bạn, hướng camera về chòm sao nào thì nó sẽ hiện tên cũng như thông tin chi tiết, phần mềm này còn có thể hướng dẫn bạn di chuyển điện thoại để “bắt” được 1 chòm sao nào đó. Hay như phần mềm Checkin+ HD dựa trên dữ liệu định vị GPS của bạn để thể hiện các địa điểm xung quanh vị trí đứng hiện thời.
Công nghệ tương tác thời gian thực của ngày hôm nay cho phép hiển thị văn bản, ký tự hoặc hình ảnh 3 chiều lên trên một nội dung số (hình ảnh/video) để bổ sung thêm thông tin hoặc giúp nó trở nên thú vị hơn. Ví dụ như trong video dưới đây, Tissot đã dành riêng cho 1 trang web để giúp khách hàng có thể thử trước mẫu đồng hồ muốn mua. Việc cần làm là bạn đeo miếng giấy đánh dấu vào cổ tay và giơ nó ra trước webcam của máy tính.
Vậy Qualcomm Vuforia đóng vai trò gì trong thế giới AR?
Thế giới AR là vô tận với rất nhiều kiểu ứng dụng thực tế khác nhau, tuy nhiên để biến những lý thuyết đó thành hiện thực thì cần công cụ để thực hiện. Vuforia là một trong số đó, đây là một nền tảng được Qualcomm phát triển, giúp cho các lập trình viên có thể hiện thực hoá ý tưởng của mình. Bộ công cụ lập trình Vuforia SDK 2.0 hỗ trợ cả hai hệ điều hành iOS và Android với các API được cung cấp tương thích với ngôn ngữ lập trình C++, Java, Objective-C và .Net.
Thế mạnh của Vuforia đó là thư viện hình ảnh đồ sộ, cùng với khả năng nhận biết vật thể được tập trung phát triển. Với công cụ này mã hiệu để nhận biết không cần là một hình ảnh vật thể cụ thể mà bạn có thể sử dụng các dữ liệu riêng, các mã QR… Không những thế, với Vuforia thì bạn có thể thiết kế các vật thể 3D một cách đơn giản hơn, không tốn nhiều thời gian và công sức, nhờ vào công cụ Multi-Targets.
Vừa qua Qualcomm Qualcomm mở rộng nền tảng thực tế ảo Vuforia với điện toán đám mây. Trước đây, mỗi phần mềm được phát triển bởi công cụ này chỉ có khả năng lưu trữ sẵn 80 hình ảnh, điều này hạn chế khá nhiều khả năng ứng dụng thực tế. Giờ đây, với SDK 2.0 thì những nhà phát triển còn được cung cấp thêm khả năng truy suất vào đám mây dữ liệu của Qualcomm. Ngoài 100 hình ảnh được lữu sẵn trong phần mềm, lập trình viên còn có thể cập nhật thêm nhiều hơn thông qua công cụ lưu trữ trực tuyến này.
Những ứng dụng thực tế?
Qualcomm Vuforia rõ ràng là rất hay, tuy nhiên người dùng bình thường như chúng ta thì quan tâm đến những ứng dụng thực tế hơn. Nếu như bạn vào trang web www.vuforia.com/showcase thì sẽ thấy đã có rất nhiều phần mềm AR được phát triển nhờ vào công cụ Vuforia, hầu hết đều có hai phiên bản dành cho iOS và Android. Ứng dụng nhiều nhất có lẽ là trong các cửa hàng, khi mà bạn chỉ cần dùng một phần mềm chuyên biệt, sử dụng nó và hướng về 1 sản phẩm định mua thì thông tin chi tiết về sản phẩm đó sẽ hiện rõ ràng lên trên màn hình. Như video dưới đây American Apparel đã áp dụng cách này cho cửa hàng của mình.
Quảng cáo
Công nghệ AR còn rất được ưa chuộng trong các chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm. Hãng quảng cáo Blippar là một đối tác của Qualcomm cũng thường xuyên sử dụng Vuforia trong các chiến dịch của mình. Như gần đây là chiến dịch quảng cáo cho BlackBerry Z10
Hãy thử tưởng tượng, trong lúc đọc báo bạn bắt gặp hình ảnh một chiếc đồng hồ thật đẹp nhưng thông tin lại không có nhiều. Ngại gì mà không giơ điện thoại ra, ngay lập tức tất cả đã hiển thị đầy đủ trên màn hình, từ kích thước đến giá bán hay website cửa hàng. Bạn thấy một trang quảng cáo lớn với chiếc BMW sang trọng, giơ điện thoại ra và hình ảnh 3D đã sẵn sàng, quay tới quay lui, mở cửa xem nội thất … Không có gì là không thể.
Nguồn tham khảo: Vuforia.com