Tìm hiểu về Nguồn máy tính

ngonluabattu
31/5/2012 8:2Phản hồi: 29
Nguồn máy tính (tiếng Anh: Power Supply Unit hay PSU) là một thiết bị cung cấp điện năng cho bo mạch chủ, ổ cứng và các thiết bị khác..., đáp ứng năng lượng cho tất cả các thiết bị phần cứng của máy tính hoạt động.

Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết về bộ nguồn máy tính, các bạn nên tham khảo trước về các công ty cung cấp bộ nguồn tại: http://giacavattu.com/30054/bo-nguon.htm

Đặc điểm

Nguồn máy tính là loại nguồn phi tuyến, khác với nguồn tuyến tính ở chỗ:

• Nguồn tuyến tính (thường cấu tạo bằng biến áp với cuộn sơ cấp và cuộn thứ cấp) cho điện áp đầu ra phụ thuộc vào điện áp đầu vào.


• Nguồn phi tuyến cho điện áp đầu ra ổn định ít phụ thuộc vào điện áp đầu vào trong giới hạn nhất định cho phép.

Nguyên lý hoạt động

Từ nguồn điện dân dụng (110Vac/220Vac xoay chiều với tần số 50/60Hz) vào PSU qua các mạch lọc nhiễu loại bỏ các nhiễu cao tần, được nắn thành điện áp một chiều. Từ điện áp một chiều này được chuyển trở thành điện áp xoay chiều với tần số rất cao, qua một bộ biến áp hạ xuống thành điện áp xoay chiều tần số cao ở mức điện áp thấp hơn, từ đây được nắn trở lại thành một chiều. Sở dĩ phải có sự biến đổi xoay chiều thành một chiều rồi lại thành xoay chiều và trở lại một chiều do đặc tính của các biến áp: Đối với tần số cao thì kích thước biến áp nhỏ đi rất nhiều so với biến áp ở tần số điện dân dụng 50/60Hz.

Nguồn máy tính được lắp trong các máy tính cá nhân, máy chủ, máy tính xách tay. Ở máy để bàn hoặc máy chủ, bạn có thể nhìn thấy PSU là một bộ phận có rất nhiều đầu dây dẫn ra khỏi nó và được cắm vào bo mạch chủ, các ổ đĩa, thậm chí cả các cạc đồ hoạ cao cấp. Ở máy tính xách tay PSU có dạng một hộp nhỏ có hai đầu dây, một đầu nối với nguồn điện dân dụng, một đầu cắm vào máy tính xách tay.

Nguồn máy tính cung cấp đồng thời nhiều loại điện áp: +12V, - 12V, +5V, +3,3V... với dòng điện định mức lớn.

Vai trò

Nguồn máy tính là một bộ phận rất quan trọng đối với một hệ thống máy tính, tuy nhiên có nhiều người sử dụng lại ít quan tâm đến. Sự ổn định của một máy tính ngoài các thiết bị chính (bo mạch chủ, bộ xử lý, bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên, ổ cứng...) phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn máy tính bởi nó cung cấp năng lượng cho các thiết bị này hoạt động.

Một nguồn chất lượng kém, không cung cấp đủ công suất hoặc không ổn định sẽ có thể gây lên sự mất ổn định của hệ thống máy tính (cung cấp điện áp quá thấp cho các thiết bị, có nhiều nhiễu cao tần gây sai lệch các tín hiệu trong hệ thống), hư hỏng hoặc làm giảm tuổi thọ các thiết bị (nếu cung cấp điện áp đầu ra cao hơn điện áp định mức).

Quảng cáo



Các kết nối đầu ra của nguồn

Nguồn máy tính không thể thiếu các đầu dây cắm cho các thiết bị sử dụng năng lượng cung cấp từ nó. Các kết nối đầu ra của nguồn máy tính bao gồm:

• Đầu cắm vào bo mạch chủ (motherboard connector): là đầu cắm có 20 hoặc 24 chân - Tuỳ thể loại bo mạch chủ sử dụng. Phiên bản khác của đầu cắm này là 20+4 chân: Phù hợp cho cả bo mạch dùng 20 và 24 chân.

• Đầu cắm cấp nguồn cho bộ xử lý trung tâm (CPU) (+12V power connector) có hai loại: Loại bốn chân và loại tám chân (thông dụng là bốn chân, các nguồn mới thiết kế cho các bo mạch chủ đời mới sử dụng loại tám chân.

• Đầu cắm cho ổ cứng, ổ quang (giao tiếp ATA) (peripheral connector): Gồm bốn chân.

• Đầu cắm cho ổ đĩa mềm: Gồm bốn chân.

Quảng cáo



• Đầu cắm cho ổ cứng, ổ quang giao tiếp SATA: Gồm bốn dây.

• Đầu cắm cho các cạc đồ hoạ cao cấp: Gồm sáu chân.

(Lưu ý: Một số đầu cắm khác đã có ở các nguồn thế hệ cũ (chuẩn AT) đã được loại bỏ trên mười năm, không được đưa vào đây)

Các đầu cắm cho bo mạch chủ và thiết bị ngoại vi được nối với các dây dẫn màu để phân biệt đường điện áp, thông thường các dây dẫn này được hàn trực tiếp vào bản mạch của nguồn. Tuy nhiên có một số nhà sản xuất đã thay thế việc hàn sẵn vào bản mạch của nguồn bằng cách thiết kế các đầu cắm nối vào nguồn. Việc cắm nối có ưu điểm là loại bỏ các dây không cần dùng đến để tránh quá nhiều dây nối trong thùng máy gây cản trở luồng gió lưu thông trong thùng máy, nhưng theo tác giả (TMA) thì nó cũng có nhược điểm: Tạo thêm một sự tiếp xúc thứ hai trong quá trình truyền dẫn điện, điều này làm tăng điện trở và có thể gây nóng, tiếp xúc kém dẫn đến không thuận lợi cho quá trình truyền dẫn.

Quy ước màu dây và cấp điện áp trong nguồn máy tính

Quy ước chung về các mức điện áp theo màu dây trong nguồn máy tính như sau:

• Màu đen: Dây chung, Có mức điện áp quy định là 0V; Hay còn gọi là GND, hoặc COM. Tất cả các mức điện áp khác đều so với dây này.

• Màu cam: Dây có mức điện áp: +3,3 V

• Màu đỏ: Dây có mức điện áp +5V.

• Màu vàng: Dây có mức điện áp +12V (thường quy ước đường +12V thứ nhất đối với các nguồn chỉ có một đường +12V)

• Màu xanh Blue: Dây có mức điện áp -12V.

• Màu xanh Green: Dây kích hoạt sự hoạt động của nguồn. Nếu nguồn ở trạng thái không hoạt động, hoặc không được nối với máy tính, ta có thể kích hoạt nguồn làm việc bằng cách nối dây kích hoạt (xanh green) với dây 0V (Hay COM, GND - màu đen). Đây là thủ thuật để kiểm tra sự hoạt động của nguồn trước khi nguồn được lắp vào máy tính.

• Dây màu tím: Điện áp 5Vsb (5V standby): Dây này luôn luôn có điện ngay từ khi đầu vào của nguồn được nối với nguồn điện dân dụng cho dù nguồn có được kích hoạt hay không (Đây cũng là một cách thử nguồn hoạt động: Đo điện áp giữa dây này với dây đen sẽ cho ra điện áp 5V trước khi kích hoạt nguồn hoạt động). Dòng điện này được cung cấp cho việc khởi động máy tính ban đầu, cung cấp cho con chuột, bàn phím hoặc các cổng USB. Việc dùng đường 5Vsb cho bàn phím và con chuột tuỳ theo thiết kế của bo mạch chủ - Có hãng hoặc model dùng điện 5Vsb, có hãng dùng 5V thường. Nếu hãng hoặc model nào thiết kế dùng đường 5Vsb cho bàn phím, chuột và các cổng USB thì có thể thực hiện khởi động máy tính từ bàn phím hoặc con chuột máy tính.

• Một số dây khác: Khi mở rộng các đường cấp điện áp khác nhau, các nguồn có thể sử dụng một số dây dẫn có màu hỗn hợp: Ví dụ các đường +12V2 (đường 12V độc lập thứ 2); +12V3 (đường 12V độc lập thứ 3)có thể sử dụng viền màu khác nhau(tuỳ theo hãng sản xuất) như vàng viền trắng, vàng viền đen.

Công suất và hiệu suất

Công suất nguồn được tính trên nhiều mặt: Công suất cung cấp, công suất tiêu thụ và công suất tối đa...Hiệu suất của nguồn thường không được ghi trên nhãn hoặc không được cung cấp khi nguồn máy tính được bán cho người tiêu dùng, do đó cần lưu ý đến cả hai thông số này.

Công suất

Công suất tiêu thụ

Là công suất mà một nguồn máy tính tiêu thụ với nguồn điện dân dụng. Công suất tiêu thụ được tính bằng W là công suất mà người sử dụng máy tính phải trả tiền cho nhà cung cấp điện (tất nhiên phải tính thêm công suất của màn hình máy tính trong trường hợp máy tính thuộc loại máy tính cá nhân)

Công suất cung cấp

của nguồn được tính bằng tổng công suất mà nguồn cấp cho bo mạch chủ, CPU và các thiết bị hoạt động. Công suất cung cấp thường phụ thuộc vào số lượng và các đặc tính làm việc của thiết bị. Công suất cung cấp thường nhỏ hơn công suất cực đại của nguồn.

Công suất cung cấp của nguồn máy tính ở các thời điểm và chế độ làm việc khác nhau là khác nhau, nó không bình quân và trung bình như nhiều người hiểu. Các thiết bị thường xuyên thay đổi công suất tiêu thụ thường là:

• CPU: Có nhiều chế độ tiêu thụ nhất: Khi làm việc ít, khi giảm tốc độ (thường thấy ở các CPU cho máy tính xách tay, các CPU dòng Core 2 duo của Intel...), khi làm việc tối đa.

• Cạc đồ hoạ: Khi cần xử lý một khối lượng đồ hoạ lớn (khi chơi games, xử lý ảnh, biên tập video...) cạc tiêu tốn hơn mức bình thường.

• Chipset cầu bắc (NB): linh kiện tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên bo mạch chủ, nếu bo mạch chủ tích hợp sẵn cạc đồ hoạ thì chipset cầu bắc tiêu tốn năng lượng hơn, và giao động mức tiêu thụ tuỳ theo chế độ đồ hoạ.

• Ổ quang: Khi đọc hoặc ghi sẽ tiêu tốn năng lượng hơn mức bình thường.

• Các quạt trong máy tính nếu có cơ chế tự động điều chỉnh tốc độ theo nhiệt độ của hệ thống.

Công suất cực đại tức thời

của nguồn máy tính là công suất đạt được trong một thời gian ngắn. Công suất này có thể chỉ đạt được trong một khoảng thời gian rất nhỏ - tính bằng mili giây (ms). Rất nhiều hãng sản xuất nguồn máy tính đã dùng công suất cực đại tức thời để dán lên nhãn sản phẩm của mình.

Công suất cực đại liên tục

Là công suất lớn nhất mà nguồn có thể đạt được khi làm việc liên tục trong nhiều giờ, thậm trí nhiều ngày. Công suất này rất quan trọng khi chọn mua nguồn máy tính bởi nó quyết định đến sự làm việc ổn định của máy tính.

Thông thường một hệ thống máy tính không nên thường xuyên sử dụng đến công suất cực đại liên tục bởi khi này một trong các linh kiện điện tử trong nguồn máy tính làm việc đạt đến (hoặc xấp xỉ) ngưỡng cực đại của nó.

Hiệu suất

Hiệu suất của nguồn máy tính được xác định bằng hiệu số giữa công suất cung cấp và công suất tiêu thụ của nguồn.

Mọi thiết bị chuyển đổi năng lượng từ các dạng khác nhau đều không thể đạt hiệu suất 100%, phần năng lượng bị mất đi đó bị biến thành các dạng năng lượng khác không mong muốn (cơ năng, nhiệt năng, từ trường, điện trường...) do đó hiệu suất của một thiết bị rất quan trọng.

Trong nguồn máy tính, năng lượng tiêu hao không mong muốn chủ yếu là nhiệt năng và từ trường, điện trường.

Các bộ nguồn máy tính tốt thường có hiệu suất đạt trên 80%. Thông thường các nguồn được kiểm nghiệm đạt hiệu suất trên 80% được dán nhãn "sản phẩm xanh - bảo vệ môi trường" hoặc phù hợp chuẩn 80+.

Chiếm đa số các nguồn máy tính trong các máy tính tự lắp ráp hiện nay trên thị trường Việt Nam là các nguồn chất lượng thấp hoặc ở mức trung bình. Hiệu suất các nguồn này chỉ đạt nhỏ hơn 50-70%.

Điều khiển nguồn máy tính

Đa số các nguồn máy tính chất lượng từ loại thấp cho đến cao cấp hiện nay đều là các nguồn dạng tự động làm việc mà không cần can thiệp bởi phần mềm hay con người (ngoại trừ công tắc bật tắt, công tắc gạt đặt mức điện áp, cơ chế mở của bo mạch chủ). Tuy nhiên có một số loại nguồn đặc biệt có thể cho phép người sử dụng can thiệp vào quá trình làm việc, thiết lập các thông số điện áp đầu ra...thông qua phần mềm điều khiển. Các nguồn này cho phép tinh chỉnh chế độ làm việc, theo dõi công suất. Hãng Gigabyte(Đài Loan) mới đây (thời điểm 2007) tung ra một số model cho phép thực hiện điều này.

Giải nhiệt trong nguồn máy tính

Nguồn máy tính là một bộ phận biến đổi điện áp, sử dụng các linh kiện điện tử nên thường sinh ra nhiệt. Vấn đề giải nhiệt (hoặc gọi một cách khác là tản nhiệt) trong nguồn máy tính rất được các hãng sản xuất coi trọng.

Các linh kiện điện tử cần tản nhiệt cưỡng bức (gắn tấm tản nhiệt):

• Tranzitor: Hai (hoặc nhiều hơn) tranzitor công suất đầu tiên.

• Các đi ốt nắn thành dòng một chiều.

• Cầu chỉnh lưu đầu vào (thường không gắn tản nhiệt đối với các nguồn công suất thấp) hoặc 04 đi ốt chỉnh lưu cầu.

Các linh kiện khác không cần giải nhiệt hoặc giải nhiệt tự nhiên bằng luồng gió cưỡng bức qua nguồn: IC (ít toả nhiệt), tụ điện , điện trở (thường), biến áp (có sinh nhiệt nhưng ít hơn nên có thể giải nhiệt tự nhiên) và các linh kiện khác.

Các linh kiện điện tử được giải nhiệt bằng các tấm tản nhiệt kim loại áp sát trực tiếp vào linh kiện. Các tấm tản nhiệt kim loại thường sử dụng dùng hợp kim nhôm. Các tấm tản nhiệt thường có hình dạng phức tạp để có diện tích tiếp xúc với không khí lớn nhất, có định hướng đón gió từ các quạt làm mát nguồn.

Để lưu thông không khí, tạo điều kiện trao đổi nhiệt giữa các tấm tản nhiệt và không khí, nguồn được bố trí ít nhất một quạt để làm mát cưỡng bức. Phân loại cách cách giải nhiệt cho nguồn dùng không khí lưu thông như sau:

• Hút gió ra khỏi nguồn: Thông dụng nhất là các quạt có kích thước 80 mm gắn phía sau nguồn để hút khí từ thùng máy - qua nguồn để thổi ra ngoài. Đa số các nguồn chất lượng thấp hoặc trung bình sử dụng cách này (tuy nhiên cũng có loại nguồn công suất lớn vẫn sử dụng cách này - nhưng rất hãn hữu).

• Thổi gió vào nguồn: Dùng một quạt đường kính 120 mm (hoặc lớn hơn, tuỳ model và hãng sản xuất) thổi gió vào nguồn. Mặt sau nguồn bố trí các ô thoáng để gió thổi qua nguồn ra ngoài thùng máy. Một số nguồn dùng hai quạt nhỏ hơn thay thế cho một quạt lớn. Cách này sẽ tạo luồng gió tập trung hơn tại các điểm cần tản nhiệt. Ưu điểm đối với việc sử dụng một quạt 120 mm là:

o Tốc độ quạt đường kính lớn thấp hơn quạt đường kính nhỏ nếu cùng một lưu lượng: Do đó nguồn ít ồn hơn.

o Quạt thường gần CPU nên hút gió nóng sau khi làm mát CPU thổi ra ngoài, tạo sự lưu thông hợp lý với các bo mạch chủ theo chuẩn ATX (chiếm đa số hiện nay).

• Kết hợp cả hai cách trên: Sử dụng với các nguồn công suất lớn (thường gặp ở một số nguồn công suất thực > 600W - 700 W)

Đa số các nguồn chất lượng tốt đều có cơ chế điều chỉnh tốc độ quạt, khi nguồn làm việc với công suất thấp, các quạt quay chậm để đảm bảo không ồn. Khi công suất đạt đến mức cao hoặc cực đại thì các quạt quay ở tốc độ cao.

Đa số các quạt cho nguồn là loại quạt dùng bạc, ở một số nguồn chất lượng tốt dùng quạt dùng vòng bi. Quạt dùng vòng bi thường bền hơn (đạt khoảng 400.000 giờ làm việc), quay nhanh hơn, ít ồn hơn so với quạt dùng bạc (quạt dùng bạc có tuổi thọ cao nhất khoảng 100.000 giờ làm việc).

Lọc nhiễu trong nguồn máy tính

Trong một bộ nguồn máy tính thường có các vị trí lọc nhiễu như sau:

• Lọc nhiễu đầu vào: Lọc bỏ các loại nhiễu trước khi biến đổi thành điện áp một chiều (trước cầu chỉnh lưu). Lọc nhiễu đầu vào thường dùng mạch tụ điện và cuộn cảm để loại bỏ toàn bộ nhiễu cao tần của lưới điện.

• Lọc nhiễu trung gian: Các khâu lọc nhiễu mạch giữa của nguồn - biến đổi từ phần điện một chiều sang xoay chiều tần số cao.

• Lọc nhiễu đầu ra: Lọc nhiễu sau biến áp cao tần: Thường sử dụng các cuộn cảm kết hợp với tụ (hoá) cho các đầu ra.

Bộ nguồn máy tính tốt

Nếu như đáp ứng được các yếu tố sau:

• Sự ổn định của điện áp đầu ra: không sai lệch quá -5 đến + 5% so với điện áp danh định khi mà nguồn hoạt động đến công suất thiết kế.

• Điện áp đầu ra là bằng phẳng, không nhiễu.

• Hiệu suất làm việc cao, đạt trên 80% (Công suất đầu ra/đầu vào đạt >80%)

• Nguồn không gây ra từ trường, điện trường, nhiễu sang các bộ phận khác xung quanh nó và phải chịu đựng được từ trường, điện trường, nhiễu từ các vật khác xung quanh tác động đến nó.

• Khi hoạt động toả ít nhiệt, gây rung, ồn nhỏ.

• Các dây nối đầu ra đa dạng, nhiều chuẩn chân cắm, được bọc dây gọn gàng và chống nhiễu.

• Đảm bảo hoạt động ổn định với công suất thiết kế trong một thời gian hoạt động dài

• Dải điện áp đầu vào càng rộng càng tốt, đa số các nguồn chất lượng cao có dải điện áp đầu vào từ 90 đến 260Vac, tần số 50/60 Hz.
29 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết khá chi tiết, thanks bạn.
Hay. Thank
tốt 😃
CHo mình hỏi là nếu mình có 1 cục wifi dùng điện 12v 1A, MÌnh muốn dùng cục PSU của máy tính và câu dây 12V và vào để dùng, nhưng dây 12V của PSU lại 12A vậy có vấn đề gì ko ? và liệu cục PSU có tự điều chỉnh dòng phù hợp ko?
Cảm ơn b
@=Tử_Hải= Nó như cái đường ống nước ấy, bạn nối từ ống to sang ống nhỏ thôi.
@phuctri.sp Thế thì nó đưa ra tiêu chuẩn A để làm gì vậy b?
@=Tử_Hải= Để bạn cấp nguồn vào bằng hoặc cao hơn, bạn cấp nguồn thấp hơn thì thiết bị sẽ hoạt động không ổn định
@phuctri.sp Thế thì cái nguôn PC cũ chân vàng nó 12A thì cấp vào sẽ có vấn đề chứ, bên trên có bạn nói ko sao nên m` tắhc mắc
Uả mình nói có gì khó hiểu à?
Cục Wìfi nhà bạn cần nguồn 12V 1A, trong khi cục nguồn nhà bạn nó phát tận 12V 12A, 12A thì > 1A vậy thì có sai gì so với câu nói của mình đâu:
@phuctri.sp Ý là bạn trên kia nói cấp bt ko sao cả và tự nó thu về như kiểu ống nc to về ống nước nhỏ.
Nhưng mình thấy vô lý 1 chuyện là mỗi 1 thiết bị yêu cầu dòng theo nó, vậy mà cục nguồn pc 12A lại có thể cắm đc cái wifi 1A, thì chỉ có 2 vấn đề
1: Cục nguồn PC có thể tự hạ dòng về 1A cho chuẩn với thiết bị
2: Nguồn vẫn cấp 12A và thiết bị có thể chạy đc nhưng có thể có lỗi.
Câu hỏi của mình là nếu mình dùng nguồn PC chân 12A cắm cho cục wifi 1A thì 2 ý trên cái nào đúng.
Kiddy kut3
ĐẠI BÀNG
6 năm
@phuctri.sp Mình xem thông số Ampe trên nguồn hay đo đồng hồ mà biết ampe vậy bạn? Tại mình còn dư cục nguồn acbel 350w, tính lấy chế cháo vs motor 12v mà không rành cách đo ampe trên dây 12v.
@Kiddy kut3 Biết ampe của nguồn để làm gì? Mà nó ghi trên vỏ nguồn rồi còn gì
Thì mình nói rồi
Bạn cấp đến 12A thì phạm vào ý đầu nguồn vào cao hơn thì lỗi gì? Bạn cấp thấp hơn 1A thì mới lỗi phạm vào ý 2.
Bạn vẫn chưa hiểu dẫn chứng đường ống nước à? Cục nguồn ko tự hạ, mà do tải-cục wifi lấy vào mình. nó lấy 1A hoặc nhiều hơn (tối đa 12A) từ đường ống 12A.
@phuctri.sp vậy là thằng PC sẽ ko có chức năng hạ theo wifi. và thằng wifi sẽ tự hạ phải ko b?
Cái mình chưa hiểu là khi mà cắm 12a và wifi 1a thì thực tế wifi sẽ chạy với dòng 12a hay 1 trong 2 thằng sẽ tự hạ về 1A cho thiết bị ổn đinh?
À hiểu rồi.
Tức là dưới 1A sẽ gây lỗi wifi
Trên 1A thì wifi nó tự ổn định và chỉ nhận 1A đủ cho nó.
Còn nếu wifi yêu cầu trên 12A thì lại là trên của nguồn => cũng gây lỗi.
Như vậy. cứ trên 1A là wifi ổn định hết.
Rộng ra 1 chút thì mọi cái thiết bị chỉ cần có cục nguồn cấp ghi dòng cao hơn là ok ko vấn đề gì phải ko b. vì thi thoảng mình dùng nguồn dòng cao hơn cắm vẫn thấy ok chẳ sao cả nên mưới tiện thể tắhc mắc
Đúng rồi. Sai rồi
Ko có thằng nào hạ cả vì. Nguồn vẫn cấp 12A trên dòng 12A. Nó như cái đường ống nước nguồn cấp chính lưu lượng là 12m khối/s, bạn lấy về đưòng ống nhỏ nhà bạn lưu lượng là 1m khối/s.
Ở đây nguồn cấp ra vẫn đủ 12A, thằng tải lấy vào 1A theo đúng thiết kế, ko có thằng nào hạ cả. Nó chạy đúng theo thiết kế thôi

Bạn hiểu thế cũng được.
Nó tùy vào hoàn cảnh nữa, ví dụ khi bạn nối dây dẫn mà để nguồn ra cường độ dòng quá cao so với sức chịu đựng của dây dẫn thì sẽ cháy dây
Thực ra trong quá trình hoạt động tải ko phải giữ nguyên dòng theo thiết kế là 1A, mà dòng vào sẽ tùy thuộc vào mức độ hoạt động của tải, tải hoạt động nhiều, tải lớn thì lấy dòng cao ngược lại nếu hoạt động ít tải nhẹ thì dòng vào sẽ nhỏ. Như vậy nói dòng nhỏ hơn 1A sẽ bị lỗi thì cũng ko hẳn đúng.
Nó tương tự với việc bạn sử dụng quạt điện, khi khởi động dòng vào sẽ phải lớn để đủ quay cánh quạt, nhưng khi quạt đã chạy ổn định thì dòng vào sẽ nhỏ, vì lúc này tải nhẹ
@phuctri.sp Quá hay. vậy mình cũng nắm đc về vấn đề đó rồi.
Suy cho cùng là thiết bị thiết kế 1A thì ông có cấp ntn nó vẫn chỉ lấy 1A MAX.

OK. Vậy về vấn đề volt mình tiện hỏi b luôn

Nếu wfi 5V mình vẫn có thể dùng cục điện 9v hoặc 4,5v
Vậy có giới hạn nào cho khoảng cách ví dụ như cộng trừ 5Volt hay gì đó ko b?
@=Tử_Hải= Sao lại Wifi 5V vẫn dùng cục 9V hoặc 4.5V được 😁
Điện áp và cường độ dòng điện là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau nhé! Điện áp nguồn cấp và tải phải = nhau. Cấp lớn hơn tải thì cháy tải, cấp nhỏ hơn tải thì ko hoạt động
@phuctri.sp Vậy mà con wifi 9v bị cháy nguồn e cho chạy cái 12v vẫn ok đấy :D
@=Tử_Hải= Vì cái Wifi nhà bạn chịu được đến 12V chứ sao :D.
Bên trọng một thiết bị điện tử thường có một mạch ổn áp, 1 vài Volt lớn hơn so mặc định đều ok. Thậm chí lớn gấp đôi cũng vẫn chạy chỉ có cái mạch siêu nóng và không biết trụ được bao lâu.
Nghiên cứu về điện thì có nhiều cái thú vị lắm 😁
Mình nói ở trên điện áp thấp hơn thì ko chạy cũng chưa hẳn đã đúng, vì ngoài 2 cái điện áp và cường độ dòng điện thì còn 1 cái mở rộng nữa là công suất. Nếu bạn ko đảm bảo được điện áp nguồn ra đúng như yêu cầu thì chỉ việc tăng cường độ dòng điện lên sao cho bằng hoặc lớn hơn công suất tải yêu cầu thì vẫn chạy.
Ví dụ 1 cái modem yêu cầu 9V 0.5A, tức công suất phát cần là 9V x 0.5A = 4.5W, vậy bạn kiếm 1 cái nguồn 5V 0.9A thì vẫn chạy bình thường.
@phuctri.sp Ô tính công suất tiêu thụ của DC lại Volt nhân A à bạn ?
@=Tử_Hải= DC thì mới tính bằng U.I chứ vì dòng điện ko đổi mà 😁
kungfu9
CAO CẤP
8 năm
nên có hình ảnh minh họa để bài viết sinh động, gợi đọc cho người xem hơn nhé:p
@phuctri.sp Thông tin của bác hữu ích và thực tế ghê, nếu có thể học hỏi thêm bác nhiều điều như thế này thì thật là bổ ích. Cảm ơn bác!
Em đang có bài tập tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của psu, ở đây có ai có thể giúp em hiểu rõ về điều này không ạ? Em cảm ơn

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019