Tizen, hệ điều hành di động tương lai có khả năng thay thế Android?

Duy Luân
2/3/2014 22:54Phản hồi: 101
Tizen, hệ điều hành di động tương lai có khả năng thay thế Android?
Tizen_OS.jpg

Có lẽ anh em Tinh tế đã nhiều lần nghe nói đến cái tên Tizen NG (gọi tắt là Tizen), một trong số những hệ điều hành di động mới nổi lên trong thời gian gần đây. Cùng với Firefox OS và Sailfish OS, Tizen là một trong số ba nền tảng mobile mã nguồn mở được cho là sẽ cùng nhau thay đổi vị thế thống thị của Android. Vậy liệu Tizen có khả năng làm được điều đó hay không?[prebreak][/prebreak]

Tizen và thu nhập của Samsung


Kể từ năm 2007 đến nay, Android đã từng bước trở thành một hệ điều hành di động chiếm thị phần lớn nhất trên cả smartphone lẫn tablet. Trong đó, chỉ riêng ở mảng điện thoại thôi thì một mình Android đã nắm trong tay 81% thị phần (số liệu do IDC cung cấp vào Q3/2013), một con số gần như "bất khả chiến bại". Chỉ trong vòng sáu năm, Android đã liên tục phát triển và một trong những hãng có công lớn cho sự thành công đó chính là Samsung. Nhờ tiềm lực quảng cáo mạnh và dải sản phẩm phong phú, Samsung đã giúp người dùng tiếp cận nhiều hơn với Android, đồng thời chứng tỏ cho các hãng khác thấy rằng họ có thể dùng nền tảng của Google để kiếm tiền trong thị trường di động ở thời điểm hiện tại.

Càng nhiều người dùng Android thì cũng đồng nghĩa với việc càng nhiều người sử dụng các dịch vụ như Gmail, YouTube, Google+, Google Maps, chưa kể đến những khoản tiền được khách hàng chi để mua ứng dụng hoặc các vật phẩm theo dạng in-app purchase. Tuy nhiên, vấn đề với Android đó là nguồn doanh thu dồi dào này không chảy vào túi Samsung, thay vào đó lại đi vào túi của Google.

Chúng ta cũng có thể thấy rằng từ lâu Samsung đã có nỗ lực tích hợp một hệ sinh thái riêng của mình vào các máy Android song song với việc cung cấp những dịch vụ của Google, điển hình như cửa hàng ứng dụng Samsung Apps, kho nhạc Samsung Musics và còn nhiều app khác nữa. Nó cho thấy hãng sản xuất Hàn Quốc này cũng rất muốn kiếm được cái gì đó từ việc kinh doanh nội dung chứ không chỉ thu tiền bán phần cứng.

Vậy giải pháp nào cho vấn đề nói trên? Samsung đã bắt tay vào xây dựng một hệ điều hành cho riêng mình nhằm kiểm soát chặt hơn các nguồn tiền, và từ đó Tizen ra đời.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ

Tizen thực chất cũng có phần nhân Linux, tương tự như nhiều hệ điều hành mã nguồn mở trên thế giới. Nền tảng này không chỉ do một mình Samsung phát triển mà còn có sự góp sức của Intel và nhiều thành viên khác thuộc Hiệp hội Tizen, bao gồm Fujitsu, Huawei, KT, NEC CASIO Mobile Communications, NTT DOCOMO, Orange, Panasonic Mobile Communications, SK Telecom, Sprint, Vodafone... Nhưng trong số đó, Samsung và Intel vẫn là hai cái tên có ảnh hưởng và trách nhiệm to lớn nhất.

Về lịch sử của Tizen thì bạn có thể xem sơ đồ bên dưới chứ mình sẽ không đi sâu nói về chuyện này. Trong số những OS xuất hiện ở sơ đồ thì Bada cũng là một cái tên khá nổi trong khoảng 3 năm về trước nhờ loạt điện thoại Samsung Wave. Nhưng đến nay thì Bada đã bị dừng phát triển và giờ Samsung chỉ tập trung vào Tizen mà thôi.

Mer_and_mobile_operating_systems.svg.png

Điểm đáng chú ý ở Tizen đó là nó hỗ trợ các ngôn ngữ web thông dụng như JavaScript, CSS và HTML5. Thông qua đó, Samsung hi vọng sẽ đơn giản hóa quá trình thiết kế và phát triển ứng dụng, giúp thu hút một lượng lớn những lập trình viên vốn đã quen với việc xây dựng website sang phát triển app cho nền tảng của mình. Song song đó, kể từ bản 2.0 (vâng, mặc dù chưa có mặt trên nhiều máy nhưng Tizen đã lên đến phiên bản thứ hai rồi), Tizen hỗ trợ thêm bộ khung Open Services Platform lấy từ Bada để phục vụ cho việc viết app nội tại (native), từ đó tận dụng tối đa sức mạnh của phần cứng.

Tizen và nhiều loại sản phẩm khác nhau


Một điểm thú vị ở Tizen đó là nó không chỉ được dùng trên điện thoại, máy tính bảng mà còn có thể có mặt trên TV, máy tính, đồ gia dụng, thậm chí là cả các hệ thống giải trí của xe ô-tô hoặc máy móc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ngân hàng. Mới đây Samsung cũng mang Tizen lên máy ảnh và đồng hồ thông minh của mình thay cho Android. Đây là những động thái vừa cho thấy nỗ lực thúc đẩy Tizen phát triển nhằm thế chỗ cho nền tảng của Google, vừa cho thấy sự linh hoạt của Tizen khi có thể dùng cho rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Quảng cáo



Nói thêm về việc tích hợp lên ô tô, Chris Croteau, giám đốc Tizen kiêm quản lý về nền tảng của Intel, từng tiết lộ rằng hệ điều hành do hãng hợp tác với Samsung phát triển có "một nền tảng vững chắc trong ngành công nghiệp xe hơi" với sự hẫu thuận của Toyota, Jaguar và Land Rover. Đây là một lĩnh vực mà Android chưa được định vị tới, và nếu Google không nhanh chân hơn thì có thể hãng sẽ mất thị phần vào tay Tizen trong mảng phương tiện vận chuyển.

Tizen-In-Car-Entertainment-Land-Rover-3.jpg
Giao diện hệ thống thông tin trong ô-tô dựa trên Tizen do Intel phát triển

Vậy là Tizen đã có khá nhiều thuận lợi trong tay: sự ủng hộ từ một cơ số những công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ, khả năng ứng dụng lên nhiều sản phẩm khác nhau từ đắt tiền đến bình dân, sự đồng thuận từ một số tên tuổi lớn trong mảng ô-tô. Nhưng khi nào thí chúng ta mới được thấy một chiếc điện thoại chạy Tizen xuất hiện đây?

Điện thoại Tizen giờ đang ở nơi nào?


Tizen đã được Samsung nhắc đến từ năm 2013 tại triển lãm MWC, nhưng đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thấy được thiết bị nào sử dụng hệ điều hành này, trừ mẫu máy ảnh Galaxy NX300M và đồng hồ Galaxy Gear 2. Kể từ thời điểm đó, nhiều nguồn tin đã gợi ý rằng smartphone Tizen sẽ được Samsung phối hợp với nhà mạng NTT DoCoMo ra mắt vào cuối năm ngoái, thậm chí chúng ta còn thấy nhiều đợt rò rỉ của mẫu điện thoại này.

samsung_zeq_9000_Tizen_500px.jpg

Quảng cáo


Samsung ZEQ 9000 - chiếc smartphone Tizen mới bị rò rỉ​

Tuy nhiên, người phát ngôn của NTT DoCoMo cho biết rằng hiện "chưa phải là thời điểm thích hợp" để bắt đầu kinh doanh smartphone Tizen. Doanh số điện thoại thông minh của NTT DoCoMo đã không tăng nhiều so với năm 2012, thế nên trong bối cảnh hiện tại thì không có chỗ cho một OS di động thứ ba xuất hiện (bên cạnh Android và iOS). Mặc dù vậy, nhà mạng lớn nhất Nhật Bản vẫn để ngỏ khả năng phát hành thiết bị Tizen trong tương lai nhưng không đề cập đến bất kì khung thời gian nào.

Chưa hết, Samsung cũng tự mình xác nhận thông tin tương tự. Đồng CEO J.K. Shin của Samsung cách đây vài tuần đã nói hiện giờ "vẫn còn quá sớm để ra mắt một chiếc smartphone chạy Tizen". Ông chia sẻ rằng "vẫn còn nhiều thứ cần phải trưởng thành" trước khi Samsung chính thức giới thiệu một thiết bị như thế. Còn TV chạy Tizen thì phải chờ sớm nhất là đến nửa sau năm nay mới xuất hiện.

Hồi tháng trước Hội nghị lập trình viên Tizen đã diễn ra ở Hàn Quốc. Tại đây Hiệp hội Tizen đã công bố phiên bản Tizen 3.0 hỗ trợ chip 64-bit và nó được cho là sẽ xuất hiện trên những sản phẩm cao cấp của Samsung trong tương lai. Nhưng đáng tiếc là phải đến Quý 3 năm nay thì Tizen 3.0 mới được chính thức ra mắt, cộng với những thông tin từ Samsung và NTT DoCoMo thì nhiều khả năng chúng ta phải đợi tới gần cuối năm mới có thể thấy sự xuất hiện của smartphone Tizen.

Kho ứng dụng - yếu tố sống còn


Đây là một trong những vấn đề nan giải và quan trọng nhất đối với sự tồn tại và phát triển của một hệ điều hành di động trong thời buổi ngày nay. Thiếu app thì sớm muộn gì hệ điều hành cũng sẽ bị người dùng quay lưng mặc cho những tính năng tích hợp có hay đến mức nào đi chăng nữa. Hãy nhìn BlackBerry cũng như Windows Phone ở thời gian đầu là chúng ta có thể thấy được điều này. Trong bối cảnh Android đã có hàng trăm nghìn ứng dụng và nhiều trong số đó là miễn phí thì Tizen sẽ phải rất rất vất vả mới có thể đuổi kịp được số lượng app khổng lồ này.

Tizen_UI.png

Chính vì thế, chúng ta có thể cược rằng Samsung cùng với Hiệp hội Tizen sẽ làm mọi cách có thể để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái ứng dụng dành cho sản phẩm của mình. Họ sẽ cố gắng thu hút lập trình viên viết app cho Tizen ngay cả trước khi OS này được công bố nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc có thể thu hút được người dùng ngay từ giai đoạn đầu.

Cũng may là những công ty đầu tư vào Tizen thấy trước được điều này, thế nên họ đã tổ chức nhiều cuộc thi viết app, trong đó cái đầu tiên là "Tizen Port-a-Thon" - một sáng kiến nhắm đến các lập trình viên từng phát triển ứng dụng cho Bada và giờ Samsung muốn họ chuyển thể hoặc viết mới phần mềm của mình cho Tizen. Giải thưởng cơ bản của cuộc thi là 3000$.

Một cuộc thi lớn thứ hai là Tizen App Challenge do Intel và Samsung đồng tổ chức với tổng giải thưởng lên tới 4 triệu USD. Cuộc thi đã kết thúc hồi tháng 12 năm ngoái với những giải thưởng rất hấp dẫn: 200.000$ cho game đứng đầu, 50.000$ cho các app HTML5 hay.

Liệu những sân chơi như thế này có giúp kho ứng dụng của Tizen phát triển mạnh hay không thì còn phải chờ đến cuối năm nay mới có lời giải đáp, nhưng với nỗ lực của các bên liên quan thì tình hình có vẻ khá khả quan. Brian Warner, quản lý trưởng mảng dịch vụ của Hiệp hội Hợp tác Linux, nói về mối quan hệ giữa tổ chức của mình với Tizen như sau: "Chúng tôi đã thật sự bị ấn tượng với một làn gió các công cụ lập trình cũng như các hoạt động hỗ trợ cho Tizen". Ông bày tỏ niềm tin rằng điều đó sẽ giúp mang lại giá trị cho Tizen trong cuộc chiến OS di động bởi "đây là cách tốt nhất để thúc đẩy một hệ sinh thái mạnh mẽ và đầy sức sống".

Thong_bao.png
Tizen cũng có khu vực thông báo, và nó sẽ được tích hợp chặt chẽ, phong phú với các app bên thứ ba

Kết


Thông qua bài viết này, chúng ta thấy rằng Tizen hoàn toàn có khả năng vươn lên mạnh mẽ để chiến đấu với Android trong tương lai không xa. Samsung, Intel và nhiều công ty lớn khác cũng đang nỗ lực làm cho hệ sinh thái xoay quanh Tizen trở nên phong phú hơn, sẵn sàng để "ra trận" và thu hút những khách hàng tiềm năng của mình. Samsung thậm chí còn muốn cộng đồng Tizen bắt tay với Mozilla, nhà phát triển Firefox OS, để cùng nhau phát triển trên lĩnh vực mobile nữa kìa.

Chỉ trừ một vấn đề duy nhất: chúng ta, những người tiêu dùng cũng như anh em lập trình viên, vẫn đang từng ngày mong chờ sự xuất hiện của một thiết bị Tizen thực thụ, một chiếc smartphone hoặc tablet có khả năng phát huy tối đa sức mạnh của nền tảng mới mẻ này. Chúng ta hãy chờ xem vào cuối năm nay thì một thiết bị như thế có xuất hiện hay không, và liệu nó có phải là hồi chuông báo động cho Android hay không.

Tham khảo: TechRadar
101 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hi vọng có cái mới thiệt mới
Đừng như là BaDa ;)
Androi cũng đang tự thay máu rồi !
@thuybui.hn.1980 Bada là riêng của SS. còn cái Tizẽn thần đèn này là bao gồm cả 1 liên minh công nghệ bác ợ
360DarkLord
ĐẠI BÀNG
11 năm
Có chăng cũng phải 3 4 năm nữa mới khiến Android phải lưu ý
Chưa thể nói trước được điều gì nhưng hy vọng Tizen lớn mạnh chiếm được niềm tin nơi khách hàng và các dev để thêm một sự cạnh tranh thêm một sự lựa chọn
vuswt
ĐẠI BÀNG
11 năm
cứ phát triển,người dùng sẽ được lợi cao nhất từ các hệ điều hành,thoải mái chọn lựa
Cứ tốt là ủng hộ và mở thì càng tiện hơn
Theo ngu ý của m thì nên lấy kho app Play làm nền. Như BB10. Sau đó tối ưu triệt để.
Bảo mật như BB, nhẹ nhàng như Wp để có thể chạy trên các thiết bị cấu hình siêu thấp như đồng hồ hay kính, nhẫn...
Sự kết nối bá đạo. cầm điện thoại điều khiển đc tivi, máy giặt, oto... mà ko cần 1 ứng dụng thứ 3 nào.
Cuối cùng vẫn là phải có 1 hay vài ông trùm chống lưng.
Ước mơ có thể cài mọi os lên chiếc 1110i 8 năm tuổi của em. em xin hết.
Rij
TÍCH CỰC
11 năm
@spsp Bác sống lầm thời đại rồi. Mời bác 100 năm nữa quay lại..😁. Chừng nào các hãng còn chạy đua vũ trang và ng tiêu dùng còn đang bị mờ mắt bởi nsx thì những điều đó chắc ko thành sự thật đâu. Nhưng e cũng đồng ý với bác, lót dép ngồi hóng 😆
huuhoancz
ĐẠI BÀNG
11 năm
@spsp Lấy kho app của Gu gồ làm nền? Gu gồ thấy nguy hiểm, nó chăn thì xong đời hả bác. Ăn theo thì người ta làm Tizen làm gì?
@spsp Bỏ con 110i của cậu vào máy xay rồi đưa ra trộn keo hồ nặn cái đt viết lên đó chữ Tizen là ok rồi😃
dinh.nd
ĐẠI BÀNG
11 năm
@spsp vậy là $ thu từ Nội dung Mobile vẫn cứ chảy vào túi của Google ^^
@dinh.nd Giống amazon đã làm mà bạn.
quan trọng là SS có đủ tự tin để dồn tiềm lực tài chính vào đứa con này hay k. Vì để lật đổ được Android phải mất 1 thời gian dài, và k ít tiền
Cuộc chơi càng đông càng hấp dẫn, coi bộ SS và GG đang mẫu thuẫn với nhau đó
Tizen sắp đủ lông đủ cánh để có thể quay lại giết ông nội (hay bà ngoại) của mình 😁
ongnooii
TÍCH CỰC
11 năm
Nói chung có phát triển thuận buồn xuôi gió với tốc độ thần tốc thì cũng phải vài năm mới nên cơm nên cháo. Ít ra là trong vòng 3-4 năm nữa chắc android vẫn độc tôn thôi.
Cũng khá đó chứ, nếu yêu cầu hệ thống = 1/2 Android và kho App = 2XAndroid là duyệt
liệu có bị đầy bộ nhớ đệm như Bada os không đây!😃:p😁
Hồi trước dùng SS chả bao h động đến mấy cái phần mềm Samsung apps hay Svoice, Samsung music.. vì cơ bản nó ko tốt = mấy dịch vụ tương đương của Google.
Samsung muốn có cơ hội lật đổ Android thì phải bỏ ngay cái thiết kế dở hơi, loè loẹt đi, nhìn mấy con flagship của SS mà như đồ chơi trẻ con.
điều quan trọng vẫn là tư duy sáng tạo làm sao để tạo ra một hđh hoàn toàn mới có nhiều tính năng khác biệt và độc đáo mới có thể thu hút đc người tiêu dùng còn nếu vẫn chỉ dậm chân ở mức "đối thủ có gì thì ta có đó" thì khó có thể thu hút đc người tiêu dùng. Chẳng hạn như cái giao diện ở bên trên cần phải thay đổi hơn nữa sao cho khác biệt hoàn toàn vs những cái hiện tại mới có thể cạnh tranh đc còn như bên trên thì có nhiều điểm tương đồng khá giống vs android ;)
Thôi thì chuyện của tương lại.

Nhưng chí ít ở hiện tại chả thấy gì gọi là tiềm năng ở HĐH này cả.
@doinho Anh ấy phải tạo Gió trước chăng ? :p
Tizen là cái gì thế , đọc hết bài vẫn chưa hiểu ? :p
@dmt4ukhw4 thì đọc đi, cắm mặt vào mà đọc, mà hiểu đi..😁
@dmt4ukhw4 Bởi vậy người ta nói ipo chỉ giỏi hát CL.. giỏi ipợ .. Chứ còn công nghệ thì chả bít gì sất.. Hihi.. H thì bít Tizen là gì chưa..
@dmt4ukhw4 Chắc là cái sẽ bị quên lãng nay mai.


Sent from my iPhone using Tinhte.vn mobile app
dungleo
ĐẠI BÀNG
11 năm
😁 an roi hAy ios hay ti zẹt cug k qtam, miễn là tốt cho ng dùng. Kể ra ss mà chuyển hết sag e nó thì ăn roi mất đi một thị phần tg đối khá :3 dẫu sao nó cug dẫn đầu binh đoàn ăn roi mak


Sent from my iPhone using Tinhte.vn

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019