Thẩm phán chịu trách nhiệm giải quyết vụ tranh chấp pháp lý giữa Microsoft với Motorola (giờ đã thuộc về Google) mới đây tuyên bố rằng giá trị bộ sưu tập bằng sáng chế của Motorola không có giá cao như hãng đã định và khoảng cách biệt lên đến 3,2 tỉ USD/năm. Motorola từng kiện Microsoft trong nhiều năm với cáo buộc hãng sản xuất Windows đã vi phạm các bản quyền về Wi-Fi 802.11 và chuẩn nén video H.264. Những bản quyền này được xem là bằng sáng chế cơ bản, do đó chúng phải được cấp phép cho các công ty khác sử dụng theo hiệp ước FRAND và ở một mức giá hợp lí. Tuy nhiên, theo luật sư của Microsoft, Motorola đã vi phạm các điều khoản của FRAND khi đưa ra phí sử dụng quá cao. Motorola đòi Microsoft phải chia 2,25% giá bán của mỗi sản phẩm sử dụng những tài sản trí tuệ của mình, trong đó có bao gồm Xbox 360 và các máy tính chạy Windows 7. Tính tổng lại, chi phí bản quyền mà Motorola muốn có được lên đến 4 tỉ USD mỗi năm.
Thông thường thì các bên có liên quan sẽ tự thỏa thuận giá cả với nhau theo tinh thần FRAND, tuy nhiên trong vụ này thì thẩm phán James Robart phải đứng ra quyết định xem tỉ lệ ăn chia bao nhiêu hợp là hợp lí và tầm giá nào là thích hợp. Để làm việc này, tòa đã mở một phiên tranh tụng hồi tháng 11 năm ngoái với sự tham gia của 18 nhân chứng.
Đến ngày hôm nay, tòa đã đưa ra phán quyết rằng với mỗi sản phẩm của Microsoft có sử dụng bằng sáng chế H.264 do Motorola nắm giữ, phí sử dụng bản quyền hợp lí là 0,555 cent và có thể mở rộng lên cao nhất là 16,389 cent. Còn với sản phẩm sử dụng bản quyền Wi-Fi, phí sử dụng là 3,471 cent cho mỗi chiếc Xbox và 0,8 cent cho mỗi đơn vị sản phẩm, thiết bị khác. Giá trần cho bản quyền này là 19,5 cent mỗi sản phẩm.
Như vậy, với phán quyết của tòa, chi phí sử dụng bản quyền mà Microsoft phải trả cho Motorola chỉ là 1,797,544 USD mỗi năm, thấp hơn 3,2 tỉ USD với con số Motorola đưa ra ban đầu. Mặc dù vậy, số tiền nói trên vẫn còn cao hơn khoảng 500.000 USD so với con số mà Microsoft đề nghị.
Phản hồi lại phán quyết này, phó giám đốc bộ phận pháp lý của Microsoft, ông David Howard nói rằng "quyết định này tốt cho người tiêu dùng bởi vì nó đảm bảo rằng các công nghệ được đăng kí bản quyền tiêu chuẩn vẫn nằm trong tầm giá hợp lý với mọi người".
Theo The Verge, phán quyết của tòa