Sau khi quyết định “liều” nhờ người quen vận chuyển giúp kèm theo vài mã giảm giá trên website, mình đặt mua thùng máy Corsair iCUE 5000T RGB về Việt Nam. Hơn 1 tháng chờ đợi và thêm 2 tuần gom đồ, mình muốn chia sẻ với anh em trải nghiệm sử dụng thùng máy có giá 399.99 USD này, khác gì so với các mẫu mid-tower case còn lại.
Đầu tiên, phòng trường hợp anh em cũng có ý định như mình thì đây là lời khuyên, anh em có nhu cầu nên mua hàng sẵn ở cửa hàng trong nước, tránh vận chuyển từ nước ngoài. Sẽ có khi anh em không tận dụng được những mối quan hệ, việc nhập 1 món hàng cồng kềnh về là rất rắc rối (và tốn kém nữa).
Nhìn sơ về phụ kiện theo case, ngoài các thứ cần thiết và bắt buộc phải có để sử dụng thùng máy như 18 ốc #6-32 UNC gắn mainboard, 20 ốc gắn quạt, long đền thép, 8 ốc M2 bắt ổ SSD thì Corsair còn tặng kèm theo case 5000T thêm 3 ốc đế mainboard (standoff) dành cho anh em sử dụng cỡ E-ATX. Tiếp theo chúng ta có 6 dây velcro (dán xé) có móc nhựa để cố định cáp và 10 dây rút đen cỡ nhỏ. Thêm 1 phụ kiện khác là nắp che hộc nguồn để thay thế trong trường hợp thiết lập tản nhiệt nước custom.
Đầu tiên, phòng trường hợp anh em cũng có ý định như mình thì đây là lời khuyên, anh em có nhu cầu nên mua hàng sẵn ở cửa hàng trong nước, tránh vận chuyển từ nước ngoài. Sẽ có khi anh em không tận dụng được những mối quan hệ, việc nhập 1 món hàng cồng kềnh về là rất rắc rối (và tốn kém nữa).
Nhìn sơ về phụ kiện theo case, ngoài các thứ cần thiết và bắt buộc phải có để sử dụng thùng máy như 18 ốc #6-32 UNC gắn mainboard, 20 ốc gắn quạt, long đền thép, 8 ốc M2 bắt ổ SSD thì Corsair còn tặng kèm theo case 5000T thêm 3 ốc đế mainboard (standoff) dành cho anh em sử dụng cỡ E-ATX. Tiếp theo chúng ta có 6 dây velcro (dán xé) có móc nhựa để cố định cáp và 10 dây rút đen cỡ nhỏ. Thêm 1 phụ kiện khác là nắp che hộc nguồn để thay thế trong trường hợp thiết lập tản nhiệt nước custom.
Cảm nhận đầu tiên khi mình nhận thùng chứa Corsair 5000T là rất to và nặng, nó lớn hơn nhiều so với cỡ thùng thường gặp của 1 mẫu case mid-tower. Bên trong, bản thân case Corsair 5000T nặng gần 15 kg, với kích thước 560 x 530 x 251 mm, 1 khối cao to đen và phả ra mùi hương cao cấp. Mặt hông trái (nhìn từ phía trước) kính cường lực màu khói có lớp decal bảo vệ cùng 1 dấu hiệu cẩn thận, dễ vỡ.
Phía trước có thể thấy được 3 quạt đi kèm cùng 1 cửa lưới chắn bụi, cố định bằng nam châm vào thùng máy, anh em có thể tháo ra dễ dàng khi cần vệ sinh. Trong khi đó hông phải có 1 phần lưới tam giác lưu thông luồng khí, hoặc để cho những ai thích lắp đặt rad 360 mm ở vị trí này.
Ở ngay phần lỗ cắt sau nắp trên, nơi mà hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng là vị trí để cầm nắm khi cần di chuyển case, thế nhưng Corsair có đặt dấu chú ý, đại khái là nếu cầm vào phần này và dùng lực nhấc lên, nắp trên sẽ đi còn case ở lại. Nắp này chỉ mở khi anh em cần lắp rad 360 mm ở trên nóc, hoặc khi vệ sinh lưới lọc bụi bên trong mà thôi.
Quảng cáo
Cả 2 bên nắp hông đều có thể mở ra dễ dàng mà không cần công cụ hỗ trợ. Corsair thiết kế nắp hông gắn với case nhờ bản lề phía sau, có cả ốc cố định vị trí. Phần cửa hông cố định với thân case bằng ngàm gài, chúng ta chỉ cần đơn giản đưa tay vào khe hở ở mặt trước, kéo nhẹ về 2 bên là mở được.
Tổng cộng Corsair 5000T có 7 khe PCI và 2 khe dựng đứng card đồ họa, tất cả đều có lưới chắn tháo lắp được, cứng cáp và cho luồng khí lưu thông dễ dàng.
Đây là lưới lọc bụi cho khu vực nguồn, thiết kế có phần nhô ra để tháo gỡ đơn giản.
Quảng cáo
Corsair đặt các cổng giao tiếp và cả nút nguồn ở trên nóc, phía trước. Cổng USB Type A và Type C đều mã màu vàng, với 4 cổng USB thường cùng 1 cổng Type C. Hầu như trên thị trường, chỉ có các mẫu case tầm trung cao trở lên mới trang bị USB Type C phía trước.
Đây là vết trầy ở nắp trên, mình cũng không rõ tại sao nó xuất hiện được. Có 3 trường hợp: vết trầy xước có sẵn từ nhà máy, bị xước khi qua hải quan, hoặc do mình vô tình tạo ra. Nhưng trường hợp 3 khá vô lý, khi mình tháo nilon bọc case ra thì đã có sẵn rồi, và phần nilon vẫn nguyên vẹn. Chất liệu của nắp trên và gần như mọi vị trí khác của Corsair 5000T đều bằng kim loại.
Anh em có thể thấy ẩn bên dưới nắp trên, cạnh trước và cạnh dưới phần chân case đều có các dải đèn LED trắng đục. Đây cũng là điểm đặc biệt mà hiện tại mới chỉ có trên mẫu Corsair 5000T. Các dải đèn LED RGB này sẽ đồng bộ hóa với 3 quạt đi kèm, cũng như các thiết bị LED RGB khác trong hệ thống để trình diễn hiệu ứng ánh sáng bắt mắt. Lời khuyên của mình là nên sử dụng và điều khiển, đồng bộ hóa bằng phần mềm iCUE để sử dụng được những hiệu ứng màu sắc đặc trưng, như Watercolor, Rain hay Visor, rất ấn tượng. Tổng số lượng LED trên các dải RGB này lên đến 160 đèn.
Độ mở tối đa của nắp hông khi vẫn còn gắn với case bằng bản lề là khoảng 150 độ, dĩ nhiên nó sẽ chiếm diện tích khá lớn và anh em cũng không cần đến góc độ này để thao tác bên trong case. Việc tháo ốc cố định bản lề hông chỉ là để mình có thể chụp ảnh được dễ dàng hơn thôi, còn trong quá trình sử dụng thì không cần thiết.
Nắp trên, lưới phía trước, 2 cửa hông đều gắn với bộ khung case bằng ngàm gài, rất tiện lợi trong việc tháo lắp.
Corsair 5000T có kích thước lớn dù vẫn được xếp trong dải sản phẩm mid-tower, hỗ trợ lắp đặt rad tản nhiệt nước lên đến 360 mm ở phía trước, bên hông và phía trên nóc. Lẽ dĩ nhiên, anh em không thể sử dụng mẫu tản nhiệt AIO Corsair iCUE H170i trên 5000T do rad dài đến 420 mm. Với 5000T, tản nhiệt H150i là giới hạn, nhưng bù lại, anh em có thể thiết lập tản nước custom thoải mái, sử dụng đồng thời 2 rad 360 mm với quạt đi kèm, hoặc đến 3 rad 360 mm đều được.
Nhà sản xuất đã đi dây sẵn và cũng bó gọn dây cáp rồi, anh em chỉ cần phải xử lý cáp từ PSU, quạt làm mát khi lắp ráp hệ thống mới mà thôi.
Đây là hub controller tích hợp với case 5000T, cho phép điều khiển cùng lúc đến 6 quạt làm mát và 6 kênh RGB, tương thích tốt với đầu RGB của Corsair. Ngoài ra, hub cũng có sẵn 2 cảm biến nhiệt độ, giúp anh em có thể đặt ở những vị trí mong muốn, từ đó linh hoạt điều chỉnh tốc độ quạt theo nhiệt dễ dàng.
Vị trí gắn nguồn có sẵn đệm cao su chống rung, cạnh bên đó là hộc 2 ổ cứng 3.5 inch. Nếu không sử dụng, anh em có thể tháo ra cất nhằm thông thoáng hơn cho thùng máy, hay dời nó về phía trước nếu cáp PSU quá nhiều.
Không gian bên trong Corsair 5000T rất rộng rãi, đủ sức chứa được mainboard cỡ E-ATX với điều kiện tháo nắp che dây nguồn 24 pin. Corsair gắn sẵn 9 ốc standoff cho mainboard, trong đó có 1 ốc định vị.
Đi kèm theo case 5000T là 3 quạt làm mát có LED RGB, model LL120 RGB. Đây là điểm đáng giá trên Corsair 5000T, vì bộ 3 quạt LL120 RGB khi bán rời có giá đến 90 USD, trong khi anh em mua lẻ là 40 USD.
Mình lắp đặt hệ thống với case Corsair 5000T gồm mainboard ASUS ROG Maximus Z690 Hero EVA, CPU Intel Core i9-12900KS, RAM Corsair Dominator Platinum DDR5-5600 32 GB, SSD Samsung 980 Pro 1 TB, đồ họa ASUS TUF Gaming Radeon RX 6800 XT OC, tản nhiệt AIO iCUE H150i ELITE LCD và nguồn RM850e.
Mainboard Maximus Z690 Hero EVA cỡ ATX tiêu chuẩn nằm lọt thỏm bên trong lòng Corsair 5000T, tạo cảm giác như anh em đang sử dụng case full-tower hoặc cỡ main M-ATX vậy. Phần standoff mà Corsair sử dụng cho 5000T tương thích với ốc #6-32 UNC và mình cho rằng đây là lựa chọn tốt. Lý do là cỡ ốc này rất phổ biến, từ gắn card đồ họa, gắn PSU đến gắn ổ cứng, anh em không phải lo việc thiếu ốc nếu lỡ làm thất lạc về sau.
Radiator 360 mm của H150i ELITE LCD mình sẽ gắn trên nóc, chỉ sử dụng 3 quạt đi kèm tản nhiệt. Dĩ nhiên, khoảng trống của case là rất rộng rãi, anh em có thể thiết lập 6 quạt push - pull mà không sợ cấn mainboard.
Bộ nguồn RM850e gọn gàng hơn hẳn chuẩn thường, do đó khoảng trống cho dây nguồn dư rất nhiều. Anh em cũng có thể sử dụng nguồn thông thường hay các bộ nguồn công suất lớn, dài hơn mà không cần lo lắng về khoảng trống. Như mình đã nói ở trên, hộc ổ cứng có thể di chuyển ra phía trước được, hoặc nếu không có nhu cầu, anh em dễ dàng tháo gỡ để cất.
Khả năng hỗ trợ cho các thành phần linh kiện của Corsair 5000T là rất dư dả, có thể kể đến như độ dài card đồ họa là 400 mm, độ dài nguồn 250 mm hay chiều cao tản nhiệt khí đến 170 mm. Anh em thấy trong ảnh, mẫu TUF Gaming Radeon RX 6800 XT OC dài 320 mm chỉ như 1 món đồ chơi trong case 5000T mà thôi.
Việc lắp ráp và sử dụng 1 mẫu thùng máy có giá 400 USD là rất “đã”, và cũng rất khác khi so với những sản phẩm tầm thấp hơn. Mức giá 400 USD có thể mua được vài món linh kiện cần thiết để trở thành 1 hệ thống máy tính, nhưng nếu chi ra cho Corsair 5000T, anh em sẽ trải nghiệm được sự thoải mái khi ráp PC, không cần phải tính toán đi dây, hay lắp món nào trước món nào sau (trừ những thứ bắt buộc phải đúng thứ tự như VGA chẳng hạn). Thứ tự lắp ráp linh kiện desktop PC chỉ như 1 trò đùa đối với Corsair 5000T, vì mình thích thì mình cố định mainboard trước, hoặc buồn buồn thì mình gắn rad tản nhiệt AIO trước cũng chẳng có vấn đề gì. Khi anh em chi tiền và chi nhiều tiền cho 1 sản phẩm thường có giá rẻ hơn, thứ anh em nhận lại có thể là chất lượng hoàn thiện, chất liệu, sự bóng bẩy, sang trọng hay cũng có thể là những tiện ích, những thứ mà thậm chí người dùng còn không nghĩ đến, nhưng khi trải nghiệm rồi mới thấy nó hay.
Điểm mình chưa thực sự thích ở Corsair 5000T cũng có, đó là quá nặng, khiến cho việc di chuyển thùng máy rất khó khăn. Corsair có lẽ họ định vị mẫu case 5000T là để cố định và không xê dịch, thế nên không có thiết kế nào cho việc nhấc thùng máy dễ dàng cả. Anh em khi cần có thể cầm nắm ở phần lõm vô phía trước cạnh trên, trong khi phía sau thì phải lợi dụng khu vực back I/O panel để đặt tay. Ngoài ra, sau khi “lanh chanh” đặt case 5000T trên website Corsair rồi vận chuyển từ nước ngoài về, mình mới thấy điều này là vô nghĩa. Do có được vài mã giảm giá trên web nên mình thấy giá case rẻ hơn, nhưng quên tính toán chi phí vận chuyển, thuế và những rắc rối khi tự xử lý nhập hàng ở hải quan. Tổng cộng chi phí bỏ ra và thời gian tốn kém hơn nhiều so với mua thẳng ở các cửa hàng trong nước, với giá khoảng 8 đến dưới 9 triệu đồng - mức không tưởng nếu đổi từ giá web 399.99 USD sang tiền Việt.
Hiệu ứng Visor ↓
Hiệu ứng Rain ↓
Hiệu ứng Watercolor ↓