ROG Zephyrus M16 là phiên bản nâng cấp của M15 năm ngoái, đây là một bản nâng cấp lớn và thay đổi về định nghĩa của một chiếc laptop gaming cao cấp trong năm 2021 này. Trong bài viết hôm nay mình muốn chia sẻ lại với anh em về chiếc laptop gaming cao cấp này của ASUS sau hơn 3 ngày trải nghiệm nó để chơi game, chia sẻ với anh em về hiệu năng của con CPU Intel Core i9-11900H mới nhất của nhà Intel.
Khi lần đầu tiên được cầm trên tay con Zephyrus M16 mình đã không còn thấy bất cứ điểm gì của con M15 cũ nữa, tất cả mọi thứ gần như thay đổi từ ngoài vào trong. Tất nhiên những đặc trưng của dòng ROG Zephyrus thì vẫn còn được giữ lại như thiết kế mặt A chia làm hai loại hoạ tiết, hoàn thiện thuộc loại xuất sắc trong phân khúc laptop gaming cao cấp, màn hình đẹp và cấu hình thì khỏi bàn.
Khi lần đầu tiên được cầm trên tay con Zephyrus M16 mình đã không còn thấy bất cứ điểm gì của con M15 cũ nữa, tất cả mọi thứ gần như thay đổi từ ngoài vào trong. Tất nhiên những đặc trưng của dòng ROG Zephyrus thì vẫn còn được giữ lại như thiết kế mặt A chia làm hai loại hoạ tiết, hoàn thiện thuộc loại xuất sắc trong phân khúc laptop gaming cao cấp, màn hình đẹp và cấu hình thì khỏi bàn.
Thiết kế cải tiến rất nhiều từ Zephyrus M16
Thiết kế của Zephyrus M16 không mang tính đột phá hay cách mạng, nhưng nó hoàn thiện thêm những gì mà M15 đã làm tốt. Mặt A vẫn là kiểu hoạ tiết đó, nhưng đã được hoàn thiện tốt hơn với 8279 lỗ Prismatic Film phản chiếu hiệu ứng RGB độc đáo mà không có chiếc laptop nào hiện tại làm được. Điều này mang tính nhận diện thương hiệu cao của ROG dù logo ROG phát sáng đã không còn nữa. Mình thích cách mà ROG hoàn thiện mặt A này, nó mang lại cho người dùng sự cá nhân hoá cao, sự cá tính khi sử dụng chiếc máy này tại nơi công cộng.
Toàn bộ phần khung máy vẫn là kim loại được phay xước CNC ASUS gọi là "Off-Black", độ hoàn thiện tốt và chắc chắn, gần như không có hiện tượng flex xảy ra khi nhấn mạnh vào, đem lại sự tự tin hơn cho người dùng. Phần bản lề của M16 được làm dày hơn, to hơn so với bản lề của M15 trước đó vốn được cho là mỏng manh. Kiểu bản lề hai bên không lạ trong giới laptop nhưng nếu làm không kĩ sẽ ảnh hưởng đến độ bền, chưa kể phần bản lề ở góc máy cũng là nơi sẽ tiếp đất nếu có va chạm, vì vậy cải thiện phần bản lề là điều mà ROG nên làm và họ đã lắng nghe những phản hồi của người dùng. Chất lượng bản lề vẫn vậy, vẫn tốt và giữ màn hình 16" tốt, không rung lắc quá nhiều và mở được một góc 180 độ, kiểu bản lề Ergo Lift đặc trưng của ASUS, giúp máy có không gian bên dưới để tản nhiệt tốt hơn.
Anh em thường hay nghĩ rằng laptop gaming cấu hình khủng và được làm bằng kim loại sẽ đánh đổi về trọng lượng đúng không? Nhưng với M16 ROG đã đem lại cho người dùng một chiếc laptop gaming hiệu năng cao nhưng lại có tính di động cao. Cân nặng của Zephyrus M16 chỉ là 1.9kg và độ dày chỉ là 2cm, nó là vừa đủ để anh em có thể mang đi mang lại, bỏ vào ba lô đi làm hay đi học cũng rất hợp lý.
Nét gaming hầm hố vẫn còn ở trên M16 và không bị mất đi từ M15, nó thể hiện ở hệ thống khe lấy gió tản nhiệt hầm hố với hai khe hai bên, hai khe phía đằng sau và hai khe ở dưới đáy máy. Nó sẽ đảm đảm bảo cho việc phần nhiệt lượng toả ra từ cấu hình cực khủng của chiếc máy này sẽ được tản hiệu quả, giữ cho hiệu năng của máy luôn ở mức tốt nhất và đáp ứng các nhu cầu làm việc và giải trí "hard-core" của người dùng.
Quảng cáo
Tuy vậy có những chi tiết trong thiết kế của M16 mình nghĩ là ROG nên cải thiện tiếp tục ở phiên bản năm sau, đó là những chi tiết khe tản nhiệt hay khớp của bản lề còn được làm bằng nhựa, trông nó không có cảm giác cao cấp cho một chiếc laptop gaming 72 triệu đồng.
Màn hình 4 viền siêu mỏng, độ phân giải 2K 165Hz 3ms
Phần cấu hình và hiệu năng của máy mình sẽ đề cập sau với anh em, một điểm khác mình rất thích trên chiếc Zephyrus M16 này và mình nghĩ rằng những hãng laptop khác cũng nên trang bị cho chiếc laptop gaming cao cấp của mình, đó là màn hình. Trước đây màn hình của những chiếc laptop gaming ít được chú trọng về phần chất lượng, hay nói đúng hơn là sự cân bằng giữa chất lượng hiển thị và công nghệ màn hình không tương xứng.
Ví dụ như Zephyrus M15 của năm ngoái, ROG mang đến cho người dùng hai sự lựa chọn là Full HD và 4K, với màn hình Full HD chắc chắn độ đẹp sẽ không bằng 4K, bù lại tốc độ làm tươi cao, còn màn hình 4K cho chất lượng hiển thị đẹp nhưng tốc độ làm tươi thấp hơn và việc scale của Windows còn gặp lỗi nên nó cho trải nghiệm không trọn vẹn.
Với Zephyrus M16, ROG đang mang đến một tiêu chuẩn mới cho laptop gaming cao cấp, đó là màn hình 2K 165Hz 4 viền siêu mỏng. 4 viền siêu mỏng (thực ra là 3 viền siêu mỏng và viền dưới được che giấu khéo léo nhờ cơ chế bản lề Ergo Lift) sẽ đem lại trải nghiệm chơi game tốt hơn, đã hơn. Tuy có 4 viền siêu mỏng nhưng M16 không hi sinh webcam như một số mẫu laptop gaming khác.
Quảng cáo
Tiếp theo về độ phân giải, dừng lại ở mức 2K cho tât cả phiên bản cấu hình sẽ đem lại sự trung hoà giữa chất lượng hiển thị và tốc độ làm tươi, chưa kể màn hình của Zephyrus M16 có tốc độ phản hồi chỉ 3ms và hỗ trợ công nghệ Adaptive Sync, giúp các cảnh game sẽ mượt mà hơn và ít có độ trễ hơn. Còn nói về chất lượng hiển thị của M16 thì nó ở mức tốt, nếu không muốn nói là rất tốt, đạt chuẩn màu Pantone Vallidated gần như đạt 100% ở cả 3 dải màu phổ biến là sRGB, Adobe RGB và DCI-P3, không chỉ chơi game ngon mà nó sẽ giúp các công việc liên quan đồ hoạ cho ra màu sắc chuẩn xác hơn.
Điểm hiểm hoi mình thấy Zephyrus M16 còn thừa hưởng từ M15 trước đó chính là bàn phím. Bàn phím của M16 vẫn giữ layout và trải nghiệm gõ tốt như M15 trước đó. Layout bàn phím của những chiếc laptop ROG chỉ cần nhìn vào là biết ngay, với những nút chức năng được làm độc lập, nút nguồn tích hợp cảm biến vân tay hình lục giác. Phần keycap và hành trình của bàn phím được làm vừa phải, cho cảm giác gõ nảy, phản hồi nhanh và chính xác. Đèn LED RGB sẽ làm tăng trải nghiệm khi chơi game nhưng việc chỉ có LED RGB 1 vùng khiến cho chiếc laptop này phần nào giảm đi sự cao cấp. Mình nghĩ rằng một chiếc bàn phím với LED RGB từng phím hoặc RGB 4 vùng sẽ tốt hơn, cá nhân hoá hơn và người dùng có thể tuỳ biến theo sở thích.
Vùng chiếu nghỉ tay và toàn bộ bề mặt của khung bàn phím được ROG phủ một lớp vật liệu mềm, nhám và sờ vào rất thích tay, nhưng nó có một nhược điểm là sẽ bám mồ hôi và dấu vân tay rất nhiều, mình là người không ra mồ hôi tay nhưng chỉ cần chạm nhẹ và chơi game tầm 5-10 phút là sẽ để lại những dấu tay và lòng bàn tay của mình ở lại trên đó, nên anh em sử dụng nhớ giữ gìn kĩ và thường xuyên lau chùi để cho chiếc máy luôn đẹp nhé.
Trải nghiệm chơi game với Zephyrus M16: Phê
Bây giờ sẽ đến phần quan trọng nhất của M16, đó là cấu hình và hiệu năng của máy. Mình điểm sơ qua với anh em một chút về phiên bản cấu hình chiếc M16 mình đang có, đây là cấu hình gần max option của Zephyrus M16:
- CPU: Intel Core i9-11900H 8 nhân 16 luồng, xung cơ bản 2.5GHz và turbo boost lên đến 4.9GHz, TDP 45W.
- GPU: GeForce RTX 3070 8GB GDDR6, TGP 100W.
- RAM: 32GB DDR4 3200MHz SO-DIMM.
- SSD: 2TB NVme của Samsung, PCIe 4.0.
Điểm thú vị và làm mình tò mò về hiệu năng của M16 nằm ở con CPU rất mới của Intel, thế hệ Tiger Lake và còn có thể nói là flagship dành cho những chiếc laptop hiệu năng cao của năm nay, Intel Core i9-11900H. Đây là con CPU 8 nhân được Intel sản xuất trên tiến trình 10nm SuperFin sau một thời gian dài mắc kẹt ở 14nm, cũng chính vì được sản xuất ở tiến trình mới và là con chip hiệu năng cao cho nên mình tò mò muốn biết hiệu năng thực tế của nó như thế nào cho nhu cầu sử dụng thực tế, từ làm việc cho đến chơi game. Mình có thử nghiệm một số bài test về CPU để anh em tham khảo dưới này, cũng như chơi vài tựa game mình đang chơi mỗi ngày để kiểm chứng khả năng xử lý và thực thi của CPU.
- Cinebench R23 (chạy 1 lần, chạy 5 lần).
- PCMark 10 (chạy 1 lần, chạy 5 lần).
- AIDA 64 (stress test 30 phút).
- render bằng Premiere Pro project 4K@60fps.
- Chơi game: GTA V, CS:GO, The Division 2, Fall Guys.
Intel Core i9-11900H là một con CPU được sản xuất trên tiến trình mới 10nm của Intel và là con bài chủ lực của hãng cho phân khúc laptop gaming và laptop sáng tạo cao cấp. Hãng đã mắc kẹt quá lâu ở 14nm và bây giờ khi Intel Core i9-11900H 10nm ở đây rồi thì người ta sẽ tò mò về hiệu năng, điện năng và nhiệt lượng của con chip này, nó có cải thiện so với thế hệ trước hay không, và câu trả lời là có.
Bằng chứng là khi mình cho chạy những bài test về CPU nặng như PCMark 10, Cinebench R23, AIDA64 thì Intel Core i9-11900H luôn cho một hiệu năng tối đa trong một thời gian rất dài mà không có tình trạng tụt xung hay quá nhiệt nào xảy ra. Dù cho số nhân và luồng của 11900H ko thay đổi so với thế hệ trước nhưng vì tiến trình mới và kiến trúc mới mà con chip này được tối ưu hơn. Với hiệu năng này của Intel Core i9-11900H sẽ rất phù hợp cho những anh em nào làm các công việc về đồ hoạ, render vì vi xử lý của Intel được tối ưu cho rất nhiều phần mềm đồ hoạ hiện tại, ví dụ Intel Quick Sync trong những phần mềm edit video của Adobe.
Mức xung của Intel Core i9-11900H và công suất nó luôn ở trong trạng thái được đẩy lên tối đa khi làm những công việc nặng, cần nhiều sức mạnh xử lý của CPU, mình kiểm tra bằng phần mềm thì thấy mức xung luôn ở ngưỡng 4.7-4.8GHz cho đơn nhân và 3.6GHz cho cả 8 nhân, một con số rất ấn tượng và thoả mãn những anh em khó tính. Nhiệt độ của Intel Core i-11900H toả ra không còn là mối quan tâm quá lớn khi bỏ vào M16 nữa, nhờ vào hệ thống tản nhiệt với hai quạt kích thước lớn (lớn hơn M15), tốc độ quay cao (5500-5600RPM) và khe thoát nhiệt lớn sẽ giúp cho chiếc máy mát hơn, và thực tế là nhiệt độ của M16 gần như không bao giờ vượt ngưỡng 90 độ mà thường ổn định ở mức 75-85.
Riêng về việc chơi game thì sức mạnh Intel Core i9-11900H có thể nói là quá dư thừa, khi một con CPU Intel Core i5-11500H cũng đã gánh được, kết hợp với RTX 3070 8GB sẽ tạo thành một bộ đôi chơi game bá đạo, không ngán bất kì một tựa game nào hiện tại, thậm chí còn có thể chơi tốt ở mức settings cao đến max settings. Mình đã thử chơi từ những tựa game nhẹ như Fall Guys, tựa game FPS huyền thoại như CS:GO cho đến những tựa game AAA nặng như The Divison 2, GTA V thì nó đều có thể gánh một cách ngon lành ở mức settings tối đa (mức xung CPU luôn ở mức 3.6-3.8GHz cho cả 8 nhân, công suất có khi đẩy lên tận 70W). Điều làm mình hài lòng đó là mức nhiệt độ không vượt ngưỡng 90 như đã nói, giúp cho hiệu năng luôn giữ ở mức cao khi chơi game trong nhiều tiếng liên tục, không có tình trạng drop khung hình hay giật lag xảy ra trong quá trình chơi. Việc giữ nhiệt độ ổn định là điều rất quan trọng, ngoài việc giữ hiệu năng ở mức cao còn giúp cho quạt không kêu quá to ảnh hưởng đến âm thanh khi chơi game và phần kê tay và bàn phím cũng không quá nóng, gây cảm giác khó chịu.
Mình phát hiện ra rằng ở phiên bản Zephyrus M16 này, ROG đã nâng cấp cặp loa của máy, với việc trang bị thêm driver woofer và tweeter giúp cho không chỉ những lúc giải trí với âm nhạc mà khi chơi game nó cũng cho cảm giác đã hơn, chúng ta đã có một trải nghiệm nhìn tốt, một hiệu năng tốt thì còn lại âm thanh tốt sẽ làm trải nghiệm phê tăng thêm.
Những khi không chơi game, chỉ làm việc văn phòng thông thường thì chỉ cần điều chỉnh mức quạt ở mức silent trong ứng dụng Armoury Crate thì máy sẽ hoạt động vô cùng êm ái, kết hợp với viên pin 90Wh sẽ cho thời lượng sử dụng vào khoảng 5 tiếng, đây là một mức thời lượng sử dụng chấp nhận được cho một chiếc laptop hiệu năng cao, lại còn có một màn hình rất đẹp. Máy có cổng Thunderbolt 4 hỗ trợ sạc PD 100W nhưng vì chiếc máy này có cấu hình quá khủng, hiệu năng quá cao nên không thể sử dụng cổng sạc PD 100W được mà phải sử dụng adapter theo máy và chuẩn sạc riêng với công suất lên đến 230W khá nặng, đây sẽ là điều người dùng phải chấp nhận để có một hiệu năng tốt nhất.
Với những ngày vừa qua được trải nghiệm Zephyrus M16, mình tin rằng ROG sẽ tiếp tục thành công với thế hệ laptop gaming cao cấp của hãng, như M15 đã làm trước đó. Mình nhận thấy rằng, Với Zephyrus M16, hãng không chỉ muốn hướng đến những game thủ chỉ chơi game đơn thuần, mà muốn mở rộng tập khách hàng của mình với những người dùng sáng tạo, mở ra một thị trường rất sôi động mà ở đó ít có những chiếc laptop nào vừa đáp ứng được nhu cầu chơi game, vừa có thể đáp ứng những nhu cầu về đồ hoạ (cả 2D và 3D), edit video, dựng phim chuyên nghiệp. Minh chứng rõ ràng đó là việc hãng trang bị con CPU flagship Intel Core i9-11900H 8 nhân hiệu năng và sức mạnh cực khủng, hướng nhiều hơn đến những công việc đa nhiệm, cần nhiều sự tính toán của CPU và một chiếc GPU đủ để bổ trợ cho CPU khi làm việc cũng như những phút giây giải trí với những tựa game đỉnh cao.