Trăng quầng, trăng tán là gì?

phanhienqt
8/5/2019 19:15Phản hồi: 117
Trăng quầng, trăng tán là gì?
Ông cha ta ngày trước thường "trông trời, trông đất, trông mây" để dự báo thời tiết. Và với những thứ "trên trời" thì Mặt Trăng và Mặt Trời rõ ràng là hai đối tượng dễ "trông" nhất. Có hai hiện tượng phổ biến liên quan đến Mặt Trăng, được ông cha ta đúc kết vào câu tục ngữ: "Trăng quầng thì cạn (hạn), trăng tán thì mưa", hay một phiên bản khác là "quầng cạn, tán mưa", và dùng chúng như một công cụ dự báo thời tiết.

Vậy "trăng quầng" là gì? "Trăng tán" là gì?


Trong tiếng Anh có hai hiện tượng tương ứng được gọi là Corona và Halo. Vấn đề của chúng ta ở đây là Quầng với Tán: Cái nào là Corona, cái nào là Halo? Câu trả lời như hình bên dưới.

57503411_345512532988055_6261085165263519744_n.jpg
Lunar Halo - Trăng tán (ảnh trái) và Lunar Corona - Trăng quầng (ảnh phải).
Trăng tán (Lunar Halo) là Mặt Trăng xuất hiện cùng với một vòng hào quang nằm tách biệt rộng ra bên ngoài. Khoảng giữa từ vòng hào quang này đến Mặt Trăng thường là vùng trống và có màu tối đen như màu nền trời. Vòng hào quang này theo định nghĩa sẽ được giải thích bên dưới là hào quang 22 độ (bán kính 22 độ).


Trăng tán còn được gọi là Nguyệt Quang. Nếu tán này xuất hiện quanh Mặt Trời thì gọi là Nhật Quang. (Lưu ý chữ "tán" có nghĩa là chiếc ô lớn hình tròn, chứ không phải là tán xạ hay tán sắc).

Trăng quầng (Lunar Corona) là Mặt Trăng xuất hiện cùng với một quầng sáng Quang hoa (corona) nhiều màu sắc gần giống cầu vồng bao sát xung quanh. Quang hoa này thường có kích thước không quá 15 độ bán kính.

Trăng quầng còn được gọi là Nguyệt Hoa. Nếu quang hoa xuất hiện quanh Mặt Trời thì được gọi là Nhật Hoa (hiện tượng quang học này khác với một Nhật Hoa khác của Mặt Trời xuất hiện khi có nhật thực toàn phần).

Định nghĩa

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (1988, 2003) định nghĩa:

  • Quầng: vầng sáng tròn, nhiều màu sắc bao quanh các nguồn sáng, sinh ra do ánh sáng nhiễu xạ trên các hạt nhỏ cùng kích thước.
  • Tán: vòng sáng mờ nhạt nhiều màu sắc bao quanh Mặt Trời hay Mặt Trăng do sự khúc xạ và phản chiếu ánh sáng qua màn mây.
(Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, 1988)

Như vậy thì cả hai hiện tượng Quầng và Tán đều tạo thành các vòng sáng bao quanh một nguồn sáng, chúng khác nhau ở cơ chế hình thành: Một bên là nhiễu xạ bởi hạt nhỏ cùng kích thước, và một bên là khúc xạ ánh sáng.

Trong thiên văn học phương tây cũng có nói đến hai hiện tượng của Mặt Trăng: corona và halo, theo từ điển Oxford tiếng Anh thì được định nghĩa như sau:
  • corona là một vòng nhỏ của ánh sáng nhìn thấy xung quanh Mặt Trời hay Mặt Trăng, do sự nhiễu xạ gây ra bởi các giọt nước.
  • halo là một vòng tròn của ánh sáng trắng hoặc nhiều màu xung quanh Mặt Trời, Mặt Trăng hay những vật thể sáng khác, gây ra bởi sự khúc xạ do các tinh thể băng trong bầu khí quyển.
Đi sâu vào thuật ngữ khoa học, Atmospheric Optics mô tả hai hiện tượng này như sau:

Quảng cáo


  • Corona là một hiện tượng quang học được tạo ra bởi sự nhiễu xạ ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao sáng... bởi sự hiện diện của các giọt nhỏ trong mây hoặc đôi khi là các tinh thể băng nhỏ. Trong tiếng Việt có thể gọi tên là Quang Hoa. Các quang hoa này có thể mở rộng đến 15º và thường bị "co dãn" khi các đám mây di chuyển qua. Một quang hoa được sinh ra khi mỗi tia sáng chạm vào mắt đã bị tán xạ bởi một giọt nhỏ.
  • Halo cũng là một hiện tượng quang học hiện diện ở nhiều dạng khác nhau, từ những hình dáng quen thuộc như một vòng sáng quanh Mặt Trời hay Mặt Trăng, cho đến những sự kiện quý hiếm khi mà cả bầu trời đan lên những vòng cung phức tạp. Chúng được hình thành do sự khúc xạ và phản xạ ánh sáng bởi các tinh thể băng nhỏ xíu trong bầu khí quyển, chủ yếu là ở các đám mây ti và mây ti tầng. Trong tiếng Việt có thể gọi tên là Hào quang, phổ biến nhất là hào quang 22º, là một vòng sáng với bán kính 22º quanh Mặt Trăng hay Mặt Trời.
Như vậy qua sự đối chiếu giữa các định nghĩa, có thể tạm thời kết luận như sau:
  • Halo (22º halo) = Tán
  • Corona = Quầng
Ảnh bên trên là ảnh chụp thực tế tán Mặt Trăng (ảnh trái) và quầng Mặt Trăng (ảnh phải). Chúng ta thấy rõ tán Mặt Trăng là một vòng tròn sáng có bán kính 22º, trong khi quầng có kích thước nhỏ hơn, gồm các vòng sáng nhiều màu sắc bao sát quanh Mặt Trăng.

Quầng và tán trong văn hoá dân gian Việt Nam


Trong dân gian Việt Nam cũng có nhiều câu tục ngữ hay ca dao với chủ đề tương tự. Chúng ta hãy tham khảo tục ngữ của các cộng đồng dân tộc thiểu số:
  1. Trăng có quầng đen như sắt là sắp có mưa lũ, trăng có quầng vàng như đồng là hạn lâu. (Tày)
  2. Trăng đội nón sắt thì lụt, trăng đội nón đồng thì mưa. (Thái)
  3. Mặt trăng đội nón đất khô, mặt trăng căng ô đất sụt. (Giáy)
Nhìn vào hình bên trên và đối chiếu với 3 câu tục ngữ thì có thể thấy dân tộc Tày (1) và Thái (2) gọi trăng tán là có quầng đen hay đội nón sắt (cũng đen), còn trăng quầng là có màu vàng đồng.

Đối với dân tộc Giáy (3) thì cách ví von khá thú vị: Nón đất - căng ô. Nón đất ở đây sẽ là quầng, còn căng ô sẽ là tán. Mình sẽ đi sâu hơn ở phần ngôn ngữ học ngay sau đây.

Corona và halo trong văn hoá dân gian phương tây

Quảng cáo


Trong văn hoá dân gian phương tây nhắc đến halo thì có câu: "ring around the moon means rain soon" (Mặt Trăng có vòng thì sẽ sớm có mưa). Câu tục ngữ này lại tương đương với "trăng tán thì mưa" ở Việt Nam. Ngoài ra còn có:
  • "If there is a halo round the sun or moon, then we can all expect rain quite soon." - Có tán trăng hay trời, mưa sắp đến mà thôi.
  • "The bigger (and brighter) the ring, The nearer the rain!" – Vòng càng to càng sáng, hẳn là sắp mưa sang.
  • "Circle near, water far; Circle far, water near." – "Vòng gần, nước xa; Vòng xa, nước gần".
Trong dân gian Trung Quốc hiện tượng hào quang xung quanh mặt trăng cũng được nhắc đến như một dấu hiệu chuyển biến thời tiết có mưa và gió sắp đến. "A halo around the Moon is a sign of wind."


Hình vẽ mô tả sự hình thành của mây Ti tầng Cirrostratus(Cs),nguyên nhân làm xuất hiện Tán Trăng, khi có một frông ấm đang đến gần. Credit: Wikimedia.

Cơ sở khoa học của quầng và tán trong dự báo thời tiết


Tuy là các dự báo dân gian theo cách rất thô sơ, nhưng đây là sự đúc kết kinh nghiệm qua rất nhiều lần quan sát và qua một thời gian dài, và thực tế không phải là không có cơ sở khoa học.

Các tán hào quang (Halo) xuất hiện khi có sự hiện diện của các tinh thể băng ở trong các đám mây ti tầng Cirrostratus (ký hiệu Cs), hình thành khi đang có một khối không khí ấm nóng đang đến. Khối không khí này sẽ tạo nên Frông ấm kéo theo một khối áp suất thấp từ từ di chuyển. Luồng khí nóng sẽ tràn qua phía trên khối không khí lạnh hơn bên dưới, và tạo thành các đám mây ti tầng. Theo sau một frông ấm là một khu vực ấm nóng mà các khối không khí trong đó thường là ấm và ẩm, đây là nơi mà các cơn bão mạnh có thể hình thành.

Trong khi đó các quầng quang hoa (corona) thường xuất hiện khi có các đám mây Cao tích Altocumulus đi qua. Mây Cao tích (ký hiệu Ac) thường hình thành trong điều kiện khí quyển ổn định. Do đó quầng trăng có thể xảy ra trong 1 chu kì thời tiết ít biến đổi có thể là trong một chu kì hạn ít mưa.

Đối chiếu lại với câu tục ngữ "Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa" cho thấy rõ ràng là hợp lý.

Anh5_Wolkenstockwerke.png
Hình 2. Vị trí các đám mây theo chiều cao.​

Quầng và Tán về phương diện ngôn ngữ học


"Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa" là một câu tục ngữ thuần Việt, do đó ắt hẳn sẽ có ghi chép đâu đó trong các tài liệu cổ. Qua quá trình dày công tìm kiếm thì mình phát hiện có một đầu sách viết bằng... chữ Nôm có nhắc đến câu tục ngữ này: Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục, 1914, trang 2b.

Screen Shot 2019-05-09 at 2.35.13 AM.png
Thứ tự viết được sửa lại thành từ trái qua phải hàng ngang thay vì từ trên xuống dưới hàng dọc như trong sách, đọc như tiếng Việt hiện đại chúng ta đang dùng. (Thực ra thì là một ngôn ngữ chỉ khác ở cách viết).

Vì là chữ Nôm nên Google Translate không thể dịch được.


Sử dụng từ điển chữ Nôm để tra nghĩa các chữ Quầng (䨔) và Tán (傘) ta có:

  • 䨔 quầng: Vầng sáng mờ bao quanh một tinh thể vũ trụ.
  • 傘 tán: Đồ dùng che mưa nắng khi rước kiệu, như tàn nhưng lớn hơn. Hình dung vòm cây tạo bóng rợp do cành lá vây tròn.
Có thể hiểu Tán ở đây như là một cái ô tròn lớn, chứ không phải là "tán xạ" hay "phân tán" như nhiều người lầm tưởng. Từ đó có thể liên tưởng đến các câu tục ngữ ở trên ví trăng tán là "căng ô". Chữ Tán ở đây chỉ đơn thuần là mô tả hình dáng của Mặt Trăng và vòng sáng rộng lớn bao quanh với nền đen ở giữa (ảnh trái), hoàn toàn không liên quan đến các tính chất vật lý ánh sáng.

Nhầm lẫn giữa Quầng và Tán


Trong thực tế hiện nay, hầu hết các trang mạng đều định nghĩa và kèm theo cả hình ảnh theo cách hoàn toàn trái ngược so với định nghĩa nêu trên, cho rằng Quầng là Halo và Tán là Corona. Thậm chí có nơi còn "sáng tạo" hẳn một định nghĩa mới cho Corona: "ánh sáng từ mặt trăng đi qua bị khúc xạ nhiều lần, do đó không tạo ra một góc khúc xạ duy nhất, thậm chí bị tán sắc rõ rệt". (theo định nghĩa đã nêu ở phía trên thì corona hình thành do mỗi tia sáng bị nhiễu xạ bởi MỘT giọt nhỏ trước khi đến mắt người, chứ không phải do khúc xạ nhiều lần).

Thậm chí có sách giáo trình Khí Hậu Và Khí Tượng Đại Cương dành cho giảng dạy đại học cũng gọi tên theo cách ngược lại như vậy.

Một điều trùng hợp là người Trung Quốc cũng gọi Halo là Quầng () như cách gọi của truyền thông Việt Nam hiện nay.


Tuy nhiên, nếu đối chiếu với việc dự báo thời tiết theo cách hiểu này thì có vẻ như không đúng lắm, thậm chí là ngược lại. Thường thì khi nhìn thấy Corona, hiếm khi sau đó có mưa dù là có các đám mây lướt qua Mặt Trăng tạo nên quầng quang hoa nhiều màu sắc như cầu vồng kia. Trong khi đó, khi xuất hiện vòng sáng halo thì sau đó ít hôm có thể lại có mưa rơi.

Bằng chứng gần nhất là vào ngày 26/4/2019 vừa rồi ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng xuất hiện một vòng tròn sáng quanh Mặt Trời. Hầu hết các mặt báo đều gọi đó là quầng, và nếu là như vậy thì thời tiết tiếp theo sau đó dự kiến sẽ hạn. Thế nhưng những ngày tiếp sau đó, Câu lạc bộ Thiên văn Đà Nẵng tổ chức quan sát bầu trời thì gặp mây và mưa (chứ không phải khô hạn như câu "trăng quầng thì hạn").


Ảnh: Tán Mặt Trời ở Tam Kỳ ngày 26/4/2019.​

Kết


Đến đây, theo mình thì đã rõ ràng: Quầng là Corona, còn Tán là Halo (vòng tròn hào quang 22 độ). Mặc dù rằng đang có một sự nhầm lẫn tai hại về ngôn ngữ học trong cộng đồng hiện nay, thì bằng việc chứng minh được nguồn gốc của từ ngữ và bản chất vật lý của từng hiện tượng, chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về các hiện tượng tự nhiên lý thú này.

Tham khảo
  1. Vật Lý Thiên Văn: Hiểu đúng về câu tục ngữ "trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa"
  2. VLTV: Quang hoa (corona): Hiện tượng và bản chất vật lý
  3. VLTV: Hào quang tinh thể băng (ice halo): Hình dáng và nguồn gốc hình thành
  4. Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục, 1914, trang 2b.
  5. Atmospheric Optics: Corona
  6. Atmospheric Optics: Ice halo
  7. Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải, Gs. Nguyễn Quang Hồng (Viện Hán Nôm), dự án Nôm Foundation, xuất bản năm 2015.
  8. Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, 1988.
  9. Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, tái bản 2003.
117 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mặt trời hôm nay chói quá :p

download.jpg
bomvodo
ĐẠI BÀNG
6 năm
@iPhonefans Vozer thiện lành lâu lắm mới thấy ếch xanh. Thật xúc động
@meoden007 Tinh tế bây giờ có cả chuyên mục Dự báo thời tiết
@iPhonefans Hahaha
FB_IMG_1556695144299.jpg
meoden007
ĐẠI BÀNG
6 năm
@bomvodo Cảm giác gặp dc ae thiện lành thật là thân thương, haizzzz biết khi nào mới dc về nhà cũ đây
Chợt nghĩ đến "Vầng hào quang ở miền Trung"
bababucon
ĐẠI BÀNG
6 năm
@jos.duytruong Cố ý dùng từ "Quầng hào quang" là có dụng ý khác. "Tán nhật" thì đem lên báo làm gì. Mấy hôm sau lại tiếp bài sài gòn có "quầng hào quang" nghe vừa sang chảnh vừa như điềm báo minh chủ.
@jos.duytruong Có phải ý bác là vầng thái dương
... ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm ... :rolleyes:
@Expelliarmus Trăng nhớ người xưa lắm
Vì ng đó hay đánh rắm...kkkk
Mình chỉ biết trăng tròn đẹp dã man a hj hj
Từ ấy chong tôi bừng lắng hạ
Mặt chời trân ní trói qua trim
Bài viết công phu, nhưng tới khúc cuối mình bị loạn cmnr 😃
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
...........cái này là Ẩn dụ phải ko mn , tại lâu quá rồi , cô giáo văn dậy bài này năm 2001, ngày xưa ngại viết văn vãi lái .,,toàn 4 với 5 điểm, bây giờ thì chém gió như trạng heheee
@Bảo ngọc bg vậy đâu mới là mặt trời thật? và mặt trời nào đỏ hơn?
@chumeo_di_hia B cứ đùa ....😆
Đọc bài này của thớt hại não vl ra 😁
@caocaolatre199x Thì chỉ cần nhớ tán nhỏ thì hạn tán rộng thì mưa
Đơn giản cứ nhớ càng rộng nước càng ra nhiều cho dễ hiểu
Ngày nhỏ ở quê mùa hè ra ngoài đường, bờ sông chơi dưới ánh trăng rất đã
kebono
TÍCH CỰC
6 năm
Bài hay mà buồn ngủ quá. Đánh dấu mai đọc tiếp.
Chúc cả nhà ngủ ngon
Chữ nôm khó thật nhỉ ông cha ta sáng tạo chữ nôm từ chữ hán mà thấy có khi còn phúc tạp hơn ấy không có chữ quốc ngữ thì không thể tưởng tượng nổi viết như thế nào
@quân ken Theo 1 người thân học hán nôm của mìn thì chữ Nôm khó gấp vài lần chữ hán 😁
@quân ken mấy đồ già với mấy ông làm văn hoá cứ hay tự hào chữ Nôm chứ mình thấy nó nhảm nhí bỏ bà, ghép đủ thứ bộ Hán tự linh tinh thành 1 con chữ, 1 nùi nét vừa khó nhớ khó viết lại mất đi tính logic vốn có của chữ tượng hình, cũng chẳng giúp được cái mục đích thoát Trung
@daskrene ôi lâu lâu mới gặp ng anh em đồng mưu. chữ nôm tào lao bỏ mịe chứ có gì hay đâu. dùng chữ tượng hình để ký âm, xong phải hiểu nghĩa khác. làm như chữ hán chưa đủ khó hay sao á.

nhân đây mới phục Nguyễn Du viết hơn 3000 câu thơ chữ nôm. fan cứng lắm mới làm đc.
tdinhamj
TÍCH CỰC
6 năm
Giờ ít có bài đọc hay hay như vầy...
phanhienqt
ĐẠI BÀNG
6 năm
@tdinhamj Cảm ơn bạn ủng hộ 😁
Quần & Tán khó phân biệt vãi... t coi dự báo thời tiết đây
phanhienqt
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Hybrid Gs Chỉ là các hiện tượng thú vị thôi mà bạn. Đôi khi quầng và tán xuất hiện nhưng chẳng thấy thời tiết thay đổi gì 😁 Tốt nhất là khi thấy 2 thứ này thì lôi máy ảnh ra chụp thôi :D
Ông này nói ngược:
Đây là trăng quầng
EAA1B44B-B198-4ECF-8946-466594BA2DEA.jpeg
Trăng tán:
B84E0972-16E5-438A-80E4-D94EEBBB75DC.jpeg
@Phuc Le Hoang Em thì không care về tục ngữ lắm. Nhưng về mặt ý nghĩa thì quầng là tụ lại, tán là tản ra, cho nên em nghĩ bác thớt chính xác.
Còn về halo thì em không đồng ý vì đó là một bài hát của Beyoncé
@phanhienqt Hình 1 auto hạn,
Hình 2 sắp có mưa.
Bài viết lấy data mà thấy khác so vs dân gian mình quá.
@phatkrongana Ngược lại nhé !
fairydream
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Phuc Le Hoang Thế thì bà ngoại mình lại chỉ ngược lại nhé.
Đây là quần hay tán anh em? Hai cái hình đầu hình như hơi sai IMG_9050.JPG
Biên giới Lao Bảo - Quảng Trị 9 - 2017
phanhienqt
ĐẠI BÀNG
6 năm
@ducanh.UT Này là trăng tán nha bạn, thấy rõ một vòng hào quang lớn và tách biệt khỏi Mặt Trăng ở trung tâm 😁
@ducanh.UT Đây là trăng sáng bác nhé!
phanhienqt
ĐẠI BÀNG
6 năm
@ducanh.UT Ồ tối qua mình xem trên điện thoại thì thấy một vòng sáng lớn lờ mờ bao quanh. Sáng nay nhìn qua màn máy tính thì không thấy nữa. Nói tóm lại là không rõ ràng lắm 😁
timmyboynhoc
ĐẠI BÀNG
6 năm
gần 2 năm tui chả xem mặt trăng vì ngủ thẳng cẳng đến sáng.
kebono
TÍCH CỰC
6 năm
@timmyboynhoc Tối thím cũng ko nhìn trăng à
Hồi nhỏ ko bik là gì..hỏi ng lớn..cũng ko bik lun...thế là chôn giấu trong im lặng..Giờ nó đã được khai quật và giải thik. Thanks bác.. Nhớ như lúc cái hồi mắt mình có thể phóng to sinh vật nhỏ qua giọt nước lúc tắm, thấy con vi khuẩn lun kaaa. xong ko bik gọi là gì..tình cờ xem cái fb có trang về khoa học có nói về hiện tưởng này..thế mới bik là gì, thêm vỵ Djavu XD
namthienhung
ĐẠI BÀNG
6 năm
Chưa bao giờ thấy bán kính dc đo bằng độ. Các bác thông não hộ em với.
@namthienhung Chắc quy chiếu với mặt đất. Kiểu như nói camera góc rộng ấy bác, góc ở đây là góc nhìn.
Nhưng khoảng cách Trái Đất và mặt trăng không cố định, cho nên sai số với kiểu nói này chồng chất quá. Nói toẹt ra là bao nhiêu km có phải hơn không?
SonAmpe
CAO CẤP
6 năm
@namthienhung Mình cũng thế. Ai giải thích hộ với @@
@namthienhung Bởi vì nó không thể xác định được bán kính nên dung góc độ thì chính xác hơn.
phanhienqt
ĐẠI BÀNG
6 năm
@namthienhung Để mình giải thích sơ lược như thế này nhé:

Vì Mặt Trăng ở xa, mà các vòng sáng này là hiện tượng quang học bên trong khí quyển. Do hình dạng lục lăng của các tinh thể băng quay tự do trong các đám mây ti tầng trên cao, nên mỗi tia sáng sẽ bị khúc xạ một góc 22 độ. Vì Mặt Trăng/Mặt Trời là một nguồn sáng nên các tia khúc xạ đến mắt người sẽ luôn cách nguồn sáng này 22 độ, do đó tạo thành một vòng sáng bao quanh. Nếu lấy thước đo độ từ vị trí bạn quan sát thì sẽ thấy vòng sáng cách Mặt Trăng/Mặt Trời 22 độ.

Khi có các hiện tượng này xảy ra, dù bạn đứng ở trên núi hay dưới đồng bằng, ánh sáng từ Mặt Trăng/Mặt Trời đến mắt bạn đều có 2 phần: một là bản thân Mặt Trăng/Mặt Trời chiếu sáng ở giữa, một phần bị khúc xạ 22 độ. Vì lớp tinh thể băng trải rộng trên cao nên dù đứng ở đâu trong vùng ảnh hưởng thì mỗi người đều nhìn thấy một hỉnh dạng tương tự như vậy: một nguồn sáng ở giữa và một vòng sáng 22 độ bán kính.

Nói tóm lại thì ánh sáng của Mặt Trăng/Mặt Trời đến với mắt theo hai đường: trực tiếp và gián tiếp, và chỉ có thể đo bằng góc chứ không có khoảng cách cố định.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019