Vừa qua mình có lắp đặt 1 dàn PC phục vụ công việc cũng như chơi game, với các linh kiện sử dụng chủ yếu của thương hiệu GIGABYTE. Hôm nay mình muốn chia sẻ chi tiết hơn với anh em về dàn máy, cũng như vài phép thử hiệu năng để anh em có cái nhìn tổng quan trước khi bắt tay vào xây dựng PC của riêng mình.
Mình chọn thùng máy GIGABYTE C200 GLASS, đây là mẫu case mid tower, kích thước 480 x 210 x 435 mm (H x W x D), hỗ trợ các mainboard cỡ tối đa ATX với 7 khe mở rộng và vị trí nguồn đặt dưới, dễ thao tác cũng như giúp luồng khí lưu thông tốt hơn. Các mẫu case hiện đại ngày nay thường không hỗ trợ khay 5.25 inch (dành cho ổ quang) nữa, và C200 GLASS cũng vậy. Sản phẩm có sẵn vị trí cho 2 ổ cứng 3.5 inch và 2 khay 2.5 inch chuyên dụng cho SSD.
Case
Mình chọn thùng máy GIGABYTE C200 GLASS, đây là mẫu case mid tower, kích thước 480 x 210 x 435 mm (H x W x D), hỗ trợ các mainboard cỡ tối đa ATX với 7 khe mở rộng và vị trí nguồn đặt dưới, dễ thao tác cũng như giúp luồng khí lưu thông tốt hơn. Các mẫu case hiện đại ngày nay thường không hỗ trợ khay 5.25 inch (dành cho ổ quang) nữa, và C200 GLASS cũng vậy. Sản phẩm có sẵn vị trí cho 2 ổ cứng 3.5 inch và 2 khay 2.5 inch chuyên dụng cho SSD.
GIGABYTE C200 GLASS có thiết kế tổng quan đơn giản, lịch lãm với mặt hông kính cường lực, mặt trước có dải đèn LED đầy tinh tế, dễ dàng thay đổi chế độ màu sắc bằng nút nhấn tích hợp ở mặt trên. Case hỗ trợ 2 cổng USB 3.0, tản nhiệt nước có rad kích thước tối đa 280 mm, PSU dài tối đa 170 mm, VGA 330 mm và khoảng sáng cho tản nhiệt khí tối đa 165 mm. Người dùng có thể gắn cùng lúc đến 6 quạt làm mát, trong đó 1 ở phía sau, 2 trên nóc và 3 phía trước. Phần đế gắn mainboard chưa có được độ cứng cáp cần thiết, khá mềm và lỏng lẻo, đây cũng chính là điểm trừ lớn nhất của mẫu thùng máy này.
Tản nhiệt
Mình chọn tản nhiệt nước AIO thay vì tản khí, lý do là nó bớt ồn ào hơn, nhẹ nhàng ít ảnh hưởng đến mainboard cũng như trông hiện đại và thích hợp với tổng thể không gian. Sản phẩm được sử dụng là AORUS WATERFORCE X 240 với block CPU bằng đồng, tích hợp màn hình LCD 60 x 60 mm có khả năng hiển thị thông tin hoặc các nội dung tùy chỉnh. Cả 2 quạt đi kèm đều là loạii ARGB, cỡ 120 mm, tốc độ hoạt động tối đa 2500 RPM, cho lưu lượng khí đạt 60 CFM với độ ồn 37.6 dBA.
Việc lắp đặt tản nhiệt nước cho CPU khá đơn giản, trong khi để bắt sản phẩm hoạt động đúng với những tính năng đi kèm lại có phần khó khăn. Cá nhân mình nghĩ GIGABYTE chưa thực sự tối ưu tốt nhất việc lắp đặt, đấu nối cho người dùng cuối, đồng thời phần mềm điều khiển (AORUS ENGINE và RGB FUSION 2.0) chưa hoạt động chính xác, dẫn đến không thể hiển thị nội dung trên màn hình tích hợp ở block CPU. Mình thử kiểm tra xem liệu còn có những khách hàng khác gặp vấn đề tương tự hay không thì cho ra nhiều kết quả, với những hướng dẫn xử lý đa dạng. Để quạt làm mát hoạt động và đồng bộ đèn với hệ thống thì dễ, nhưng khi muốn kích hoạt LCD, phần mềm báo lỗi.
Mainboard
Quảng cáo
Chuẩn bị sẵn để nâng cấp lên thế hệ vi xử lý mới nhất, mình chọn GIGABYTE Z690 GAMING X DDR4. Lý do mình vẫn sử dụng phiên bản mainboard hỗ trợ RAM DDR4 là vì hiện tại DDR5 vẫn khá hiếm hàng, đồng thời giá còn cao, do vậy DDR4 vẫn là lựa chọn tối ưu hơn. Là mẫu mainboard đầu bảng của GIGABYTE GAMING Series, Z690 GAMING X DDR4 được hãng ưu ái với nhiều công nghệ cùng tính năng hàng đầu. Mainboard có thiết kế 16+1+2 pha nguồn trực tiếp kỹ thuật số, PCI Express 5.0, giáp tản nhiệt đầy đủ, mạng LAN 2.5 GbE, khe cắm M.2 SSD có tản nhiệt lớn. GIGABYTE Z690 GAMING X DDR4 hỗ trợ các vi xử lý Intel tối đa đến Core i9 thế hệ 12, socket LGA1700, 4 khe RAM DDR4-5333 (OC) tối đa.
CPU
Mình dừng lại ở tùy chọn Intel Core i5-12600K do nhu cầu không quá lớn dù có chơi game. Mẫu CPU Alder Lake này vừa ra mắt hồi Q4/2021, sở hữu 6 nhân Performance cùng 4 nhân Efficient, 16 luồng xử lý với xung hoạt động cao nhất 4.9 GHz, bộ đệm Smart Cache dụng lượng 20 MB. Tích hợp sẵn đồ họa Intel UHD Graphics 770, Core i5-12600K cho khả năng hoạt động tốt với nhu cầu thông thường, giải trí nhẹ nhàng mà không cần đồ họa rời.
RAM
Kit RAM AORUS RGB DDR4-3733 16 GB vừa tậu cách đây không lâu cũng là 1 phần lý do mà mình chọn mainboard có hỗ trợ thế hệ RAM này. Mình không có nhu cầu ép xung cao và cũng muốn hệ thống hoạt động ổn định nên AORUS RGB DDR4-3733 là đã đủ. RAM có độ trễ CL19-19-19-43 trên nền Intel, xung cao nhất 3733 MHz, cần cấp nguồn 1.2 V. Mặc định kit RAM chạy ở xung 2666 MHz, điện thế 1.2 V nhưng bạn hoàn toàn có thể bật XMP 2.0 để tận hưởng mức xung 3733 MHz ở điện thế 1.4 V. Không chỉ có tản nhiệt làm mát chip nhớ lúc hoạt động, phía trên sản phẩm còn tích hợp đèn RGB, tương thích với các sản phẩm khác khi đồng bộ với phần mềm.
Quảng cáo
VGA và màn hình
Về card đồ họa, mình sử dụng mẫu GIGABYTE GeForce RTX 3050 Eagle đã được trên tay cách đây không lâu, song hành với đó là màn hình GIGABYTE G24F Gaming, kích thước 23.8 inch, tấm nền IPS, độ phân giải Full HD và phủ lớp chống chói. Cá nhân mình khá thích những màn hình có phủ lớp chống chói do nó mang lại khả năng hiển thị tốt hơn trong nhiều điều kiện ánh sáng, đồng thời cỡ màn 24 inch là vừa đủ với thói quen chơi game FPS ngồi gần màn hình như mình.
GIGABYTE G24F Gaming Monitor có độ tương phản 1000:1, góc nhìn rộng, màu sắc chuẩn xác, khả năng tái tạo 90% không gian màu DCI-P3 và 120% RGB, thời gian phản hồi 2 ms (GTG). Điểm đặc biệt của màn hình này là sở hữu tần số quét đến 165 Hz, mang lại lợi thế khá tốt cho những game thủ thi đấu chuyên nghiệp, nơi chỉ 1 tích tắc thôi cũng đủ quyết định trận đấu.
Dàn máy được “nuôi” bằng bộ nguồn Antec EAG-PRO 550, được chứng nhận tương thích chuẩn ATX 12V 2.4, thiết kế 1 đường +12V công suất lớn, phù hợp với các hệ thống dùng card đồ họa dòng cao. Tổng công suất của EAG-PRO 550 là 550 W, hiệu suất lên đến 92% nhờ chứng nhận 80 PLUS Gold.
Thử nghiệm hiệu năng
Toàn bộ hệ thống chạy trên nền hệ điều hành Windows 10 (phiên bản 10.0.19044.1288) và tập lệnh đồ họa DirectX 12, được thử nghiệm qua các phép benchmark gồm 3DMark, PCMark, Unigine Superposition, Final Fantasy XIV Endwalker, Shadow of the Tomb Raider: Definitive Edition và Horizon: Zero Dawn như kết quả dưới đây.
Do VGA chỉ dừng ở mức entry-level nên khả năng hỗ trợ ray tracing là có nhưng chưa thực sự ổn khi chơi game, có thể thấy DirectX Raytracing feature test của 3DMark chỉ ở mức 13.8 fps. Trong khi đó công nghệ DLSS cho thấy kết quả hiệu năng tăng tương ứng khoảng 2.5 lần qua phép thử NVIDIA DLSS feature test, số khung hình tăng từ 16.23 fps lên đến 40.96 fps.
Tựa game Shadow of the Tomb Raider: Definitive Edition cũng cho kết quả tương tự ở công nghệ ray tracing: khi bật mức medium, RTX 3050 đủ sức đạt 104 fps trung bình, nhưng ở tùy chỉnh tối đa hiệu ứng, card chỉ đủ đáp ứng ở 70 fps, giảm khoảng 1/3. Horizon: Zero Dawn bật tối đa hiệu ứng đồ họa, game có tốc độ khung hình trung bình chưa chạm mốc 60 fps, dừng lại ở 59 fps.
Kết
Có thể anh em cũng nhận thấy hệ thống mà mình lắp ráp có vẻ rất chắp vá, không theo bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào cả. Dĩ nhiên, nó đáp ứng được tầm nhìn cũng như túi tiền và những dự định cá nhân của mình trong tương lai. Với mainboard cao cấp, mình hoàn toàn có thể nâng cấp CPU lên mức tối đa mà không cần phải suy nghĩ về khả năng hỗ trợ, trong khi tùy chọn RAM DDR4 lại phong phú và hợp lý hơn, ít nhất ở khoảng vài tháng tới.
Qua các phép thử cũng cho thấy rằng RTX 3050 chỉ dừng lại ở mức entry level, mang lại khả năng đồ họa vừa đủ cho các tựa game hiện tại với những hiệu ứng cần phải tinh chỉnh hợp lý thay vì “nhắm mắt” max mọi thứ. RTX 3050 phù hợp cho giải trí ở độ phân giải Full HD, nếu muốn nâng lên mức chất lượng 2K hay thậm chí 4K, anh em cần đầu tư nhiều và rất nhiều ở thành phần linh kiện này, nhất là nếu muốn trải nghiệm ray tracing thực thụ trong cơn sốt VGA vốn chưa có dấu hiệu chấm dứt.