Không khó để nhận ra, Meta Quest 3 mới ra mắt luôn luôn được báo giới so sánh trực tiếp với một sản phẩm thậm chí còn chưa tới tay người tiêu dùng, Apple Vision Pro. Với cái giá chỉ bằng một phần bảy so với cặp kính “điện toán không gian” của Apple, rõ ràng những so sánh ấy là có lý do.
Còn với chúng ta, người dùng đã từng sử dụng Meta Quest 2, thì phép so sánh dễ nhận thấy nhất là camera nhận diện và đo đạc không gian trên Quest 3 giờ đã có màu, passthrough tín hiệu hình ảnh vào hai màn hình LCD khác hẳn so với Quest 2, vốn chỉ có hình ảnh đen trắng vì ứng dụng camera hồng ngoại. Khác biệt thứ hai dễ nhận thấy nhất, có lẽ là kích thước cặp kính gọn gàng hơn nhiều.
Những yếu tố khác biệt kể trên được củng cố bởi những nâng cấp lớn trong cấu hình cặp kính thực tế ảo. Hai màn hình dù vẫn là LCD, nhưng độ phân giải đã tăng lên 2064x2208 cho mỗi bên mắt. Chip xử lý Qualcomm Snapdragon XR2 Gen 2 được kết hợp với 8GB RAM để xử lý ứng dụng và game cài đặt ngay trên thiết bị, tức là gần như không cần thiết bị xử lý bên ngoài như máy tính chẳng hạn.
Còn với chúng ta, người dùng đã từng sử dụng Meta Quest 2, thì phép so sánh dễ nhận thấy nhất là camera nhận diện và đo đạc không gian trên Quest 3 giờ đã có màu, passthrough tín hiệu hình ảnh vào hai màn hình LCD khác hẳn so với Quest 2, vốn chỉ có hình ảnh đen trắng vì ứng dụng camera hồng ngoại. Khác biệt thứ hai dễ nhận thấy nhất, có lẽ là kích thước cặp kính gọn gàng hơn nhiều.
Những yếu tố khác biệt kể trên được củng cố bởi những nâng cấp lớn trong cấu hình cặp kính thực tế ảo. Hai màn hình dù vẫn là LCD, nhưng độ phân giải đã tăng lên 2064x2208 cho mỗi bên mắt. Chip xử lý Qualcomm Snapdragon XR2 Gen 2 được kết hợp với 8GB RAM để xử lý ứng dụng và game cài đặt ngay trên thiết bị, tức là gần như không cần thiết bị xử lý bên ngoài như máy tính chẳng hạn.
Đương nhiên để chơi những game PC trên nền tảng thực tế ảo, thì anh em vẫn cần kết nối kính với máy tính thông qua Quest Link, hoặc có dây hoặc không dây. Nhưng trong trường hợp của mình, router WiFi để kết nối cả máy tính lẫn kính VR đều không trong “tầm nhìn” của cặp kính, nên chất lượng hình ảnh khá tệ, kết nối cũng lâu. Thành ra chơi vài game đua xe VR như DiRT Rally 2.0 hay Project CARS 2 đều phải qua kết nối USB-C. Bù lại kết nối có dây vừa dùng kính vừa sạc pin luôn, dùng được lâu hơn so với khoảng thời gian gần 3 giờ đồng hồ thời lượng pin của Quest 3.
Về mặt trải nghiệm hình ảnh, việc ứng dụng lens pancake công nghệ mới thay cho lens fresnel răng cưa rõ ràng là nước đi đúng đắn của Meta. Nhờ đó, hình ảnh nét hơn hẳn, hoàn toàn không xảy ra hai trường hợp, một là anh em phải điều chỉnh tâm mắt vào chính giữa lăng kính để hình ảnh không bị phân cực, và hai là chi tiết hình ảnh ở góc vẫn nét căng.
Tuy nhiên có lẽ thứ quan trọng nhất đối với người dùng muốn trải nghiệm thử Meta Quest 3 chính là tính năng passthrough hình ảnh có màu nhờ hai camera mới trang bị trên Quest 3. Đương nhiên với mức giá 499 USD cho phiên bản bộ nhớ trong 128GB, thì chất lượng hình ảnh cũng chỉ tương đồng với mặt bằng chung kính thực tế ảo hiện giờ, có thêm màu. Chi tiết bên ngoài qua hai ống kính này tương đối nhoè. Bù lại, đã từng có vị giám đốc của mảng VR bên Meta khẳng định, chất lượng hình ảnh Passthrough trên Quest 3 sẽ được cải thiện qua thời gian.
Và khi sử dụng những ứng dụng như Quest Link kết nối có dây USB-C, hay Air Link không dây, anh em thực sự được trải nghiệm cảm giác “điện toán không gian” đúng nghĩa đen, chí ít là khi kết hợp với những phần mềm của bên thứ ba như Virtual Desktop Streamer.
Quảng cáo
Còn Quest Link thì hoặc cho anh em trải nghiệm cảm giác làm việc trong không gian ảo, hoặc gõ hai lần vào cạnh trái cặp kính để về chế độ Passthrough cho phép quan sát thế giới bên ngoài, chứ thực sự không có khả năng vừa nhìn ra bên ngoài, vừa hiển thị màn hình máy tính trong môi trường AR như Virtual Desktop Streamer.
Đấy chính xác là lý do Quest 3 ngay khi ra mắt đã được đem ra so sánh về mặt tiềm năng với Apple Vision Pro. Cái cảm giác làm việc trong môi trường thực tế tăng cường, không bị giới hạn bởi kích thước màn hình máy tính rất tuyệt vời. Lấy ví dụ kết nối kính với máy laptop. Anh em sẽ không còn bị cái màn hình 13 hay 17 inch gây gò bó nữa.
Sử dụng những ứng dụng như Quest Link để làm việc trong môi trường thực tế ảo, anh em có thể kéo một cách tự do những ứng dụng đang mở trên máy tính, tạo ra không gian làm việc hoàn hảo nhất, tự do hơn cả việc xài hai hai ba màn hình máy tính lớn, vì những ô cửa sổ trình duyệt làm việc, hay ứng dụng nhắn tin có thể mở và đặt ở bất kỳ đâu anh em muốn.
Nhưng Quest Link không cho phép làm việc trong môi trường thực tế trộn, không ghép tín hiệu camera màu passthrough. Gõ hai lần vào kính thì chỉ nhìn ra được bên ngoài, chứ không vừa làm việc theo kiểu không gian màn hình lơ lửng, vừa nhìn được mọi thứ diễn ra được.
Quảng cáo
Để làm được điều đó thì lại cần những phần mềm của bên thứ ba, như mình đã nói, là Virtual Desktop Streamer. Có một giải pháp ổn hơn, là Immersed, cho phép hiển thị 3 màn hình cùng một lúc. Còn Virtual Desktop Streamer chỉ hiển thị được một màn hình mà thôi, muốn đổi qua màn khác thì thứ nhất anh em phải gắn máy tính vào hai màn hình thật, để hỗ trợ hiển thị và truyền dữ liệu cho kính thực tế ảo, và hai là phải ấn phím tắt đổi qua đổi lại giữa hai hoặc nhiều màn hình, hơi bất tiện.
Thành ra chúng ta mới có cái tiêu đề của bài viết. Những gì Quest 3 đem lại, với cái giá 499 USD khởi điểm, rẻ hơn nhiều so với Quest Pro, và chỉ bằng một phần nhỏ chi phí mua Apple Vision Pro, chính xác là bước khởi đầu cho tương lai làm việc trong môi trường thực tế tăng cường, cũng như mô tả được tiềm năng của khái niệm metaverse, thứ mà đến bây giờ, Meta đổ rất nhiều tiền phát triển mà vẫn chưa hiện thực hóa được tương lai.
Ở khía cạnh của một chiếc kính thực tế ảo, đặc biệt là một thiết bị VR dạng “standalone”, không cần thiết bị nguồn phát và xử lý hình ảnh, Quest 3 là những nâng cấp sáng giá. Chơi game thực tế ảo trên cặp kính này, dù là những ứng dụng phát triển trên nền Oculus Mobile, hay xử lý từ máy tính, thì điều mình thấy ấn tượng nhất vẫn là chất lượng hình ảnh nhờ việc Meta ứng dụng cả hai yếu tố, màn hình LCD độ phân giải cao, và cặp lens khuếch đại hình ảnh thiết kế pancake.
Dù vậy, cảm giác chơi game hay sử dụng kính lâu thì vẫn bị mỏi, vì kích thước kính có thể giảm so với Quest 2, nhưng kính vẫn có cảm giác nặng nề. Bù lại, dàn strap cố định kính trên đầu bằng vải co giãn khá dễ dùng, và thoải mái hơn hẳn so với đời trước. Đằng nào thì với thời lượng pin gần 3 tiếng, con số ấy cũng trùng khớp với khoảng thời gian hợp lý để anh em sử dụng Quest 3 trước khi tháo ra, sạc pin và để đôi mắt nghỉ ngơi.
Thiết kế tay cầm Quest 3 Touch Plus nhìn có vẻ khác biệt, nhưng thật ra cũng chỉ bỏ vòng tròn với các cảm biến nhận diện giúp kính biết tay cầm đang ở đâu. Còn về trải nghiệm, công năng cũng như cảm giác sử dụng, khác biệt là không nhiều. Vì kính có khả năng hiển thị hình ảnh passthrough màu, nên cũng không cần vòng nhựa bảo vệ mu bàn tay của người dùng nữa. Còn khả năng nhận diện chuyển động, theo trải nghiệm của cá nhân mình, là tương đương bản cũ.
Chúng ta có thể khen, cũng có thể chê, hay thậm chí mỉa mai những nỗ lực nghiên cứu phát triển metaverse cũng như những thiết bị thực tế ảo, thực tế trộn và thực tế tăng cường của Meta. Những nỗ lực ấy hoàn toàn có một phần nguyên do đến từ sự chững lại của doanh thu quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng họ quản lý như Facebook hay Instagram. Nhưng một điều chắc chắn không thể lờ đi hay đánh giá thấp Meta, đó là những nỗ lực phát triển sản phẩm VR, AR hay MR một cách cực kỳ nghiêm túc kể từ khi họ mua lại Oculus vào năm 2014.
Bản thân Quest 2 là một bản nâng cấp để tạo ra một cặp kính thực tế ảo giá rẻ để mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ. Nhờ phần cứng bên trong nên chẳng cần máy tính hay những thiết bị cồng kềnh, cấu hình cao và đắt đỏ để được trải nghiệm công nghệ VR. Cũng chính nhờ lý do đó, Quest 2 có cộng đồng người dùng vô cùng đông đảo.
Còn Quest 3, giống như Quest Pro ra mắt cách đây tròn 1 năm, là bước tiếp theo của canh bạc đem công nghệ thực tế tăng cường đến với mọi người.
Nhưng có một vấn đề rất dễ nhận ra. Game AR ứng dụng được sức mạnh công nghệ hiện giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lấy ví dụ game nhập vai thì có Demeo, còn những ứng dụng tận dụng được sức mạnh của camera màu passthrough, cho phép tạo ra nguyên một không gian làm việc tự do, không bị bó buộc bởi kích thước màn hình, đến giờ cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để công bằng, thì đó cũng chính xác là những gì Apple đang đau đầu tìm cách giải quyết. Họ phải gửi Apple Vision Pro tới cho các nhà phát triển ứng dụng, để chính họ tạo ra một hệ sinh thái “điện toán không gian” phục vụ cho mọi nhu cầu. Vậy là xuất phát điểm của cả Apple và Meta đều đang gần như ngang bằng, nếu nói về mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ứng dụng. Nhưng nếu nói về tiềm năng, thì với cái giá 499 USD, chắc chắn những người tò mò về “điện toán không gian” sẽ chọn Meta Quest 3 để làm điểm khởi đầu.
Sản phẩm và công nghệ đã có rồi, giờ thứ chúng ta cần là thời gian để đưa ra câu trả lời, liệu xu hướng được cho là sẽ định hình tương lai công nghệ có được thị trường, được người dùng hay chính bản thân các nhà phát triển ứng dụng chấp nhận hay không.