Suunto Race có quá nhiều ưu điểm đến nỗi mình không thể liệt kê hết trên tiêu đề của bài. Nó có một phần cứng rất chất lượng với vật liệu chế tác từ titan và kính sapphire, chip GPS băng tần kép, cảm biến tim thế hệ mới, màn hình AMOLED 1.43", núm xoay điều khiển tiện dụng, UI UX thiết kế mới cùng nhiều thứ khác nữa. Mời anh em xem video trên tay:
Suunto Race vẫn có rất nhiều nét thiết kế thừa hưởng từ những thế hệ trước nhưng được trau chuốt tinh tế hơn và đẹp hơn rất nhiều. Thiết kế tổng thể là mặt đồng hồ kích thước 49 mm cùng dây đeo 22 mm. Phiên bản mình có trên tay là phiên bản cao cấp nhất của Suunto Race với thân vỏ titanium, mặt kính sapphire nên trọng lượng nhẹ, chỉ 69 gram.
1. Phần cứng hoàn toàn mới
Suunto Race vẫn có rất nhiều nét thiết kế thừa hưởng từ những thế hệ trước nhưng được trau chuốt tinh tế hơn và đẹp hơn rất nhiều. Thiết kế tổng thể là mặt đồng hồ kích thước 49 mm cùng dây đeo 22 mm. Phiên bản mình có trên tay là phiên bản cao cấp nhất của Suunto Race với thân vỏ titanium, mặt kính sapphire nên trọng lượng nhẹ, chỉ 69 gram.
Kích thước 49 mm thực sự là một kích thước rất hợp lý, nó không quá to như 51 mm nhưng không thiếu một chút như 47 mm. Cổ tay mình 17 cm nên đeo 49 rất vừa vặn.
Viền bezel, mặt lưng và khoá cài dây là 3 thành phần được làm từ titanium grade 5, loại titanium tốt nhất hiện nay được chọn để gia công đồ dân dụng.
Mặt đồng hồ là thứ mà mình ấn tượng đầu tiên và cũng đánh giá rất cao trên Suunto Race bởi các chi tiết được hiển thị cực kỳ đẹp và cực kỳ sắc nét nhờ màn hình AMOLED kích thước 1.43" (lớn nhất hiện nay trong thế giới đồng hồ GPS chuyên dụng) với độ phân giải 466 x 466. Trước Race Suunto từng có mẫu Suunto 7 cũng dùng màn hình AMOLED nhưng không to, không đẹp bằng và còn chạy wearOS nữa nên coi như bỏ.
Phong cách làm đồng hồ của Suunto gần đây đó là viền bezel rất mỏng, cộng với màn hình của Suunto Race rất to trong thân hình 49 mm khiến nó đẹp và hiện đại hơn rất nhiều khi so với các đồng hồ GPS chuyên dụng khác.
Tuy dùng màn hình AMOLED kích thước lớn nhưng Suunto Race vẫn có thời lượng pin rất khá khi có thể dùng như smartwatch thông thường 12 ngày và track GPS liên tục được 40 tiếng khi sử dụng băng tần kép và 120 tiếng khi sử dụng băng tần đơn với thời gian lấy mẫu dài.
Điểm cộng lớn thứ 2 đó là Suunto đã trang bị cho Race một nút xoay/bấm để người dùng tương tác với đồng hồ. Những đồng hồ thông minh có sử dụng nút xoay/bấm để thao tác (điển hình là Apple Watch và Coros) đều mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn nhiều so với những đồng hồ chỉ có nút bấm cứng và màn hình cảm ứng.
Quảng cáo
Nút xoay/bấm trên Suunto Race được làm to và hài hoà với thiết kế tổng thể giúp mình vừa thao tác dễ dàng mà cũng thấy rất đẹp.
Suunto Race được trang bị cụm cảm biến tim thế hệ mới giúp đo đạc dữ liệu tim có độ chính xác cao, đo được cả HRV và nhiều thông số khác. Một điểm trừ nhỏ trong thiết kế cụm cảm biến tim đó là nó được làm lồi nhưng chỉ bọc nhựa chứ không dùng kính như các hãng khác.
Tuy nhiên Suunto đã tính toán rất khéo để 2 phần lug cài dây giúp nâng đồng hồ và cảm biến tim luôn cao hơn mặt phẳng tiếp xúc một khoảng nhỏ để giúp nó khó bị trầy trong quá trình sử dụng.
Dây đeo của Suunto Race là dây cao su, được khoét 3 hàng lỗ giúp thoát nước và khô rất nhanh sau mỗi lần tập luyện thể thao. Dây cũng được trang bị lẫy tháo ráp nhanh. Mình thích dây đeo của Suunto, cao su chất lượng cao, không mùi và không gây kích ứng.
Quảng cáo
Phần cứng đáng giá tiếp theo đó là chip GPS băng tần kép với khả năng bắt sóng GPS nhanh, khả năng lấy mẫu ổn định giúp cho ra kết quả đo đạc các bài thể thao ngoài trời trong các điều kiện khó vẫn rất chính xác.
2. UI, UX được thiết kế lại, vẫn rất Suunto nhưng đẹp và dễ dùng hơn rất nhiều
Trước đây mình không đánh giá cao giao diện người dùng và trải nghiệm sử dụng phần mềm trên các đồng hồ Suunto, nó hơi phức tạp và không được tự nhiên. Mình nghĩ là Suunto cũng nhận ra điều đó và họ đã làm lại toàn bộ trên con Race này.
Với phần cứng mới gồm 2 nút bấm trên - dưới và một nút xoay/bấm sẽ giúp người dùng điều khiển và tương tác với Suunto Race nhanh chóng, dễ dàng hơn. Từ màn hình chính người dùng xoay con lăn lên trên để truy cập vào các trường thông tin như Control Panel; Logbook; Notification…
Xoay con lăn xuống dưới để truy cập vào danh sách các môn thể thao. Bấm con lăn để chọn và bấm nút dưới để quay lại. Các icon thể thao được làm đẹp và hiển thị sắc nét nhờ tấm nền AMOLED. Các hiệu ứng hiển thị giúp người dùng dễ dàng xác định vị trí chọn một cách đẹp mắt.
Suunto Race được kèm sẵn dữ liệu bản đồ địa hình trên toàn thế giới, người dùng chọn khu vực của mình để tải vào đồng hồ và sử dụng. Bộ nhớ trong cho phiên bản thép là 16G còn titanium như của mình là 32G, nếu chỉ chép bản đồ của Việt Nam thì chỉ hơn 1G, rất thoải mái.
Màn hình hiển thị đẹp nên mặt đồng cũng đẹp và dễ quan sát hơn nhiều so với các dòng dùng LCD thường.
Đầy màu sắc, vui vẻ và dễ quan sát.
Chi tiết là rõ ràng.
Nhưng… vẫn chưa có font tiếng Việt. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất mình nhận được thì ngay trong Quý 1 của 2024 Suunto sẽ cập nhật ngôn ngữ tiếng Việt cho Race. Về cơ bản thì việc không có font tiếng Việt không gây trở ngại nhiều cho quá trình tập luyện và chơi thể thao nhưng sẽ hơi khó chịu khi dùng trong các tác vụ hàng ngày khi có người khác gọi điện thoại tới hiển thị tên không đọc được hoặc khi có tin nhắn cũng không đọc được.
3. Kết
Suunto Race là một chiếc đồng hồ GPS quá chất lượng với vật liệu chế tác xịn, phần cứng xịn, giao diện hiện đại và giá hợp lý khi phiên bản thép chỉ khoảng 12 triệu và bản titanium khoảng 15 triệu. Với mức giá này cho những phần cứng trên thì Suunto rõ ràng đã quay lại và sẵn sàng cho cuộc đua khốc liệt trong tương lai với những Garmin và Coros đang rất mạnh, rất đúng với cái tên của model: RACE.