Đặc điểm chính của TouchPico là nó sử dụng Android, tức là nó có thể tự mình trình diễn mà không cần dùng tới máy tính hay điện thoại. Bạn chỉ cần kết nối với WiFi, tải file về để trình chiếu mà không cần lo lắng tới đầu vào, bỏ đi mối lo ngại về cáp. Do chạy Android 4.4 đầy đủ, chúng ta cũng có thể kết hợp với Dropbox hay các dịch vụ lưu trữ trực tuyến khác để trình chiếu online trên TouchPico. Trong trường hợp muốn chiếu file sẵn trên máy tính thì sao? Bạn có thể dùng HDMI (không có VGA, phải mua đầu chuyển) hoặc dùng WiFi Display kết nối điện thoại Android qua WiFi, kiểu như Chromecast hay AirPlay. Do sử dụng Android, chúng ta có thể cài rất nhiều ứng dụng Android khác nhau hay tận dụng làm máy chiếu coi phim tại gia với kho ứng dụng Google Play có sẵn.
Điểm độc đáo nhất của TouchPico là nó cho phép chúng ta sử dụng cây bút hồng ngoại đi kèm để cảm ứng. Chiếu TouchPico vào một mặt phẳng (màn chiếu chẳng hạn), lấy cây bút chạm vô là bạn đã có thể sở hữu một máy tính bảng 80” rồi. Thử nghiệm cho thấy cây bút nhận diện khá chính xác nhưng nó sẽ mất một phần màn hình khi tay chúng ta che đèn, điều hiển nhiên với một chiếc máy chiếu. Trong video mình có thử dụng bút để chơi game hay vẽ lung tung, các bạn có thể dùng để ghi chú hay thay cho tấm bảng trong phòng họp... Thực tế thì vẽ thay thuyết trình sẽ rất thích nhưng nếu bạn muốn chơi game thì chúng ta nên dùng điện thoại stream qua vì điều khiển sẽ dễ hơn.
Với nhiều tính năng như vậy thì viên pin 4000mAh chỉ cho phép máy hoạt động liên tục 2 giờ, sau đó bạn sẽ phải cắm sạc. Thực tế thì 2 tiếng cũng khá đủ nên chúng ta không cần lo lắng quá. Có một điểm cần lưu ý là nếu cắm sạc thì đèn chiếu sẽ sáng hơn gấp 3 lần, đạt 150 Lumen, cũng dễ chấp nhận với một máy chiếu di động. Độ phân giải của máy là 854x480, không quá cao nhưng hợp lý với tính năng và tầm giá này. Thử nghiệm cho thấy chất lượng hình ảnh khá tốt, nhà sản xuất cho biết họ sẽ tiết tục cải tiến cho đến khi bản chính thức được thương mại hóa.