VÌ SAO “KHÔNG DÙNG” ASPIRIN VÀ IBUPROFEN ĐỂ GIẢM ĐAU HẠ SỐT TRONG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?
Aspirin là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau ở liều cao và chống kết tập tiểu cầu ở liều thấp hơn.
Tuy nhiên, Aspirin lại là thuốc chống chỉ định trong bệnh sốt xuất huyết. Điều này được lý giải là do tác dụng chống tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, khiến bệnh trầm trọng hơn.
Vì vậy, không dùng aspirin cho người lớn và trẻ em khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt đối với trẻ em aspirin còn gây hội chứng Reye (gây phù não, suy gan nhiễm mỡ, tỷ lệ tử vong lên đến 30-50% và có nguy cơ để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Ngoài ra, Aspirin còn gây bỏng rát đường tiêu hóa, suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản và làm nặng thêm bệnh hen suyễn.
Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) ngoài Aspirin còn có diclofenac, ibuprofen, piroxicam... Đặc biệt Ibuprofen thường hay được sử dụng để hạ nhiệt giảm đau và kháng viêm cho những bệnh nhân bị sốt. Tuy tác dụng ngưng kết tập tiểu cầu của các thuốc này không mạnh như aspirin nhưng vẫn tồn tại đặc tính này với mức độ khác nhau, vì vậy nguy cơ chảy máu khó cầm trong sốt xuất huyết vẫn xảy ra.
Do đó Ibuprofen và các thuốc trong nhóm NSAIDs không được khuyên dùng để điều trị triệu chứng trong bệnh sốt xuất huyết.