Hãng công nghệ Đức Hoffman & Krippner phát triển vô lăng thông minh có thể phát hiện ra khi nào người lái đang buồn ngủ. Bằng cách tích hợp dải cảm ứng điện trở vào vô lăng kết hợp với cảm biến thông minh, hệ thống có thể nhận biết được sự thay đổi về áp lực mà bàn tay tác động lên vô lăng để dự đoán tình trạng buồn ngủ của người lái, từ đó đưa ra cảnh báo thích hợp.
Bản chất của công nghệ này dựa vào sự khác biệt trong thao tác lái xe của người dùng khi tỉnh táo và buồn ngủ. Lúc tỉnh táo, người lái sẽ liên tục tạo ra áp lực lên vô lăng và luôn di chuyển bàn tay trên đó. Tuy nhiên, khi buồn ngủ, đang lên cơn đau tim hoặc rơi vào tình trạng mất ý thức thì áp lực đó sẽ giảm đi và tay cũng ít di chuyển hơn.
Do đó, các kỹ sư tìm cách dùng thiết bị gắn thêm vào vô lăng để liên tục theo dõi sự thay đổi áp lực và chuyên động của bàn tay. Giải pháp là dùng một băng giấy tạo thành từ nhiều lớp bạc mỏng, lắp vòng quanh vô lăng, bên dưới lớp bọc vô lăng và luôn có dòng điện yếu chạy qua đó. Khi có áp lực từ bàn tay tác động lên, các lớp bạc sẽ chạm vào nhau và mạch điện sẽ bị chập, tương tự như nguyên lý hoạt động của màn hình cảm ứng điện trở.
Các cảm biến sẽ liên tục theo dõi cường độ, tần số và vị trí của những lần chập mạch, từ đó hình thành nên thói quen lái xe bình thường của người dùng. Khi có những thay đổi bất thường trong thói quen lái xe, hệ thống sẽ nhận biết người dùng đang không còn đủ tỉnh táo để lái xe và khi đó, nó sẽ đưa ra cảnh báo đánh thức người dùng, yêu cầu họ ngừng xe lại. Ngoài ra, hệ thống có thể được lập trình sẵn để ghi nhớ 10 "điểm nóng" trên vô lăng tương ứng với các chức năng điều khiển xe. Khi đó, người dùng chỉ cần chạm vào để kích hoạt các chức năng như nhận cuộc gọi, mở tắt nhạc, chỉnh âm lượng,….
Hãng phát triển cho biết rằng sử dụng công nghệ điện trở có ưu điểm hơn so với cảm ứng điện dung (do các hãng khác phát triển) là nó ít nhạy cảm với các yếu tố như bụi bẩn, mồ hôi và biến động nhiệt độ. Mặt khác, nó có thể hoạt động ngay cả khi người lái đeo găng tay và quan trọng hơn, nó phát hiện ra sự thay đổi áp lực theo từng nấc chứ không chỉ có/không như cảm biến điện dung, từ đó họ cho rằng hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo nhanh chóng hơn.
Có lẽ phải mất một thời gian nữa thì công nghệ này mới chính thức được thương mại hóa ra thị trường. Người phát ngôn của hãng cho biết rằng việc thương mại hóa có thể phải mất "vài năm nữa" và có thể, nó sẽ xuất hiện đầu tiên trên những dòng xe cao cấp trước rồi mới tới những mẫu xe ở phân khúc thâp hơn.
Tham khảo Gizmag, Hoffmann-krippner