Ngày 22 tháng 11 năm 1963, tổng thống thứ 35 của Mỹ - John F. Kennedy bị ám sát khi đang diễu hành vận động bầu cử tại Dealey Plaza, Dallas, Texas. Diễn biến vụ ám sát diễn ra rất nhanh, đến độ không ai phản ứng kịp và bản thân các mật vụ đi phía sau xe của Kennedy cũng không biết điều gì xảy ra. Thế nhưng có một người đã dũng cảm nhảy lên sau xe của Kennedy làm lá chắn, ông đã chứng kiến mọi thứ, rất gần và ông đã kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký "Mrs. Kennedy and Me: An Intimate Memoir".
Người mật vụ dũng cảm đó là Clint Hill - ông từng làm việc dưới các thời tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford từ năm 1958 đến 1975.
Clint Hill (đứng sau) - là vệ sĩ riêng của đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy.
Người mật vụ dũng cảm đó là Clint Hill - ông từng làm việc dưới các thời tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford từ năm 1958 đến 1975.
Clint Hill (đứng sau) - là vệ sĩ riêng của đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy.
Ông được giao nhiệm vụ làm vệ sĩ cho phu nhân Jackie Kennedy (Jacqueline Kennedy) sau khi John F. Kennedy được bầu làm tổng tống Hoa Kỳ vào năm 1960. Đây là một nhiệm vụ mà Hill không thích cho lắm bởi ông biết rằng các mật vụ theo bảo vệ đệ nhất phu nhân thường phải đi cùng phu nhân đến "tiệc trà và các buổi trình diễn thời trang".
Thế nhưng đến khi nhận nhiệm vụ bảo vệ cho phu nhân Jackie Kennedy, Clint Hill nhanh chóng nhận ra rằng bà Jackie rất thông minh và trực giác của bà tốt hơn nhiều so với những gì ông nghĩ. Hill tiết lộ rằng một mật vụ luôn phải có mặt mỗi khi bà Kennedy thức giấc. Chỉ có 2 mật vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ gia đình Kennedy, Hill và một người nữa, thế nên việc Hill thân thiết với đệ nhất phu nhân và cả gia đình Kennedy là điều hiển nhiên.
Trưa ngày 22 tháng 11 năm 1963: Dallas, Texas
Kennedy tham gia buổi diễu hành vận động tranh cử tại công viên Dealey Plaza, Dallas, Texas. Ngồi trên chiếc Lincoln mui trần ngoài tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân ở băng ghế sau còn có thống đống bang Texas khi đó là John Connally và vợ của ông là bà Nellie ngồi ở hàng ghế trên.
Clint Hill nói rằng đoàn xe được thiết kế sao cho tổng thống Kennedy có thể tiếp xúc gần với công chúng: "tiện lợi tối đa và phơi bày tối đa". Đây là lý do mà những chiếc xe mui trần được dùng trong buổi diễu hành. Tuy nhiên, Hill nói bản thân ông và các mật vụ khác đều lo ngại về việc chọn những chiếc xe này. Các mật vụ được yêu cầu đi xa phía sau xe của Kennedy để công chúng không cảm thấy có rào cản giữa họ và tổng thống cùng phu nhân Kennedy.
Vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Hill có mặt trên chiếc xe chạy ngay sau xe của tổng thống. Hill nhớ lại chiếc xe của ông chỉ cách xe tổng thống từ 3 đến 5 ft (1 - 1,5 m) và trên xe của ông có tổng cộng 8 mật vụ và 2 người khác thuộc nhóm nhân viên thân cận của Kennedy.
Quảng cáo
Hill kể lại rằng ông đã quan sát thăm dò Dealey Plaza khi đoàn xe đi qua, là công viên nên Dealey Plaza nhiều cỏ cây, đám đông thì rất lớn, họ tràn ra đường, trên các tòa nhà cao tầng thì nhiều người chen chúc tại các cửa sổ, cửa thoát hiểm, trên sân thượng, ai cũng muốn có được vị trí quan sát tốt nhất. Khi xe đến Trung tâm lưu ký sách giáo khoa Texas - cũng là nơi mà sát thủ Lee Harvey Oswald nổ súng, tòa nhà này nằm ở góc đường Houston và đường Elm và Hill nói ông đã để ý đến các cửa sổ đang mở, có 4 - 5 cửa sổ, ở đó có một vài nhân viên trong tòa nhà đang ngồi xem, họ có thể đang ăn trưa trong khi vừa quan sát đoàn diễu hành.
Trung tâm lưu ký sách giáo khoa Texas (tòa nhà có bảng quảng cáo Hertz) - nơi sát thủ Oswald thực hiện vụ ám sát, ảnh chụp năm 1963.
Khi đoàn xe rẽ vào đường Elm, Hill nghe tiếng nổ nhưng ban đâu không nhận ra âm thanh đó là tiếng súng. Đến khi quay đầu về phía tiếng ồn, ông mới thấy phản ứng của tổng thống Kennedy. Phản ứng của ngài tổng thống khiến Hill nhận ra rằng phát súng đã được bắn nhằm vào tổng thống. Ông nhớ Kennedy đã túm lấy cổ họng của mình và ngã về bên trái. Vì tổng thống đang mang một chiếc nịt lưng nên ông không thể cúi người về phía trước nhiều. Thêm nữa là thống đốc bang Texas lúc đó ngồi ở ghế trước ngài tổng thống, không gian khá chật khiến Kennedy không thể cúi thấp xuống.
Sau khi xác định các phát súng đã được bắn, Hill lập tức rời khỏi xe và chạy về xe tổng thống. Mục tiêu của ông là nhảy lên phía sau xe để đưa mình ra làm tấm khiên che cho tổng thống và phu nhân Kennedy. Khi rời xe thì ông phải chạy giữa các viên cảnh sát đi mô-tô và xe của mình, Hill được báo về phát súng thứ 2, nó được bắn ngay khi ông bắt đầu chạy về phía Kennedy nhưng vì tiếng ồn động cơ xe nên ông không nghe được phát súng này.
Ngay khi Hill tiếp cận được chiếc xe chở tổng thống, ông nghe được phát súng thứ 3. Ông nói không chỉ là nghe được tiếng súng mà còn "cảm nhận được phát súng". Phát súng thứ 3 này bắn trúng vào sau đầu Kennedy và đây là phát súng khiến tổng thống thiệt mạng.
Quảng cáo
Ông kể lại: "Lúc đó ngài tổng thống đã ngã nhiều hơn sáng trái, đầu gục xuống nghiêng sang trái và phát súng thứ 3 đã bắn vào sau đầu, ngay phía trên tai phải góc 1/4. Phát súng đó thổi bay một mảng xương sọ của Kennedy, trước đó thì còn gắn vào sọ nhưng mảng xương bị lật lên. Vết thương rất khủng khiếp, máu và mảnh xương, não văng tung tóe trên xe, trên người tôi và bà Kennedy.
Khi đã bám được vào xe, Hill nhoài người lên che cho vợ chồng Kennedy. Trong lúc đó, phu nhân Jackie Kennedy bắt đầu bò lên thùng xe phía sau. Lúc đó ông thắc mắc: "Bà ấy đang làm gì vậy?" nhưng sau cùng, ông nhận ra rằng: Phu nhân đang cố gắng thu nhặt những mảnh não và xương sọ của Kennedy. Bà Jackie đã la lên: "Chúa ơi! Chúng đã bắn vỡ đầu anh ấy".
Ông đã kéo phu nhân Kennedy trở lại ghế, lúc này ngài tổng thống đã nghiêng hẳn sang trái và ông nằm lên đùi vợ mình, một bên mặt hướng lên. Hill nói: "Tôi thấy đôi mắt ông đã không còn chuyển động, có một lỗ thùng trên hộp sọ và nhìn vào lỗ đó, tôi không thấy não, tất cả đã bị thổi bay ra ngoài. Tôi khẳng định ông ấy đã chết ngay vào lúc đó."
Sau đó, ông ra tín hiệu thumb-down (chỉ ngón cái ngược xuống) cho xe phía sau để báo hiệu cho các mật vụ khác rằng tổng thống Kennedy đang không ổn. Khi phát súng đầu tiên nổ, xe chở các mật vụ đã quay đầu hướng theo tiếng nổ và điều này có nghĩa họ quay lưng với xe tổng thống và khi họ quay lại, đã quá trễ để họ có thể làm được điều gì đó.
Bệnh viện Parkland Memorial
Clint Hill nói ông đã hét lớn yêu cầu tài xế chạy đến bệnh viện trong khi mật vụ ngồi cạnh tài xế ra lệnh nhanh chóng rời khỏi khu vực này. Vì không thông thuộc Dallas nên cảnh sát trưởng Dallas khi đó đi xe phía trước đã dẫn đoàn cho xe chạy đến bệnh viện Parkland.
Hill kể chỉ mất 4 phút để đưa tổng thống đến bệnh viện Parkland. Lúc đó ông vẫn đang nằm trên thùng xe, chiếc xe chạy đến 70 mph (112 km/h) trên cao tốc và Hill đã phải cố gắng bám chặt để không bị trượt khỏi xe (ảnh trên).
Trên đường đến bệnh viện, không ai nói với nhau một lời. Ban đầu thì phu nhân Kennedy nói: "Jack ơi (Jack tên thân mật của John F. Kennedy), chúng đã làm gì thế này, chúng bắn vỡ đầu anh ấy rồi, não của anh ấy trên tay tôi. Em yêu anh, Jack."
Khi đến bệnh viện Parkland, đội ngũ y tế tại đây đã được cảnh sát trưởng Dallas báo trước nhưng rốt cuộc không ai đón chúng tôi. Người mật vụ ngồi trước xe nhảy xuống và nhìn thấy có một người đang kéo 2 chiếc băng ca cùng lúc nhưng chúng bị kẹt ở cửa ra vào. Vậy là anh ta chạy lại lấy 1 chiếc và người kia cũng đẩy chiếc băng ca chạy theo ra ngoài.
Thống đốc bang Texas John Conally cũng bị thương do viên đạn đầu tiên xuyên qua cổ Kennedy và găm vào lưng ông. Do thiết kế của chiếc xe, họ buộc phải đưa thống đốc ra trước, đặt lên băng ca và đưa ông đến phòng cấp cứu. Khi tổng thống Kennedy được đưa lên băng ca, bà Jackie đã giữ chặt ông và không chịu để ông đi.
Hill kể lại: "Tôi nói phu nhân 'Làm ơn để chúng tôi giúp ngài tổng thống' nhưng bà ấy không trả lời, tôi lặp lại vài lần nữa nhưng bà ấy vẫn im bặt. Tôi đã ở bên bà ấy 3 năm và tôi hiểu bà ấy, bà ấy không muốn bất cứ ai thấy tình trạng của ngài tổng thống bởi nó rất khủng khiếp. Vì vậy tôi đã lấy áo khoác của mình phủ lên đầu và lưng ngài tổng thống, xong thì phu nhân để chúng tôi đưa ngài tổng thống vào phòng cấp cứu."
Khi tổng thống Kennedy đang được mổ cấp cứu, Clint Hill cùng mọi người đợi bên ngoài và ông được yêu cầu thiết lập đường dây nóng với Nhà Trắng tại Washington và ông đã dùng điện thoại của bệnh viện để gọi cho Tổng chưởng lý Hoa Kỳ - Robert Kennedy - em trai của John F. Kennedy.
Robert hỏi tôi ó chuyện gì xảy ra vậy?" Tôi giải thích với ông ấy rằng có một vụ nổ súng, tổng thống và thống đốc bang Texas đều dính đạn, chúng tôi đang ở bệnh viện và sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp 2 người đó. Và rồi ông ấy hỏi "Tình hình tệ đến đâu?" Tôi không muốn nói với Robert rằng anh trai của ông ấy đã chết nên tôi chỉ nói là tình hình rất tệ. Sau câu đó Robert cúp máy, Hill kể lại.
Vào 1 giờ chiều, tức chỉ 30 phút sau khi vụ nổ súng xảy ra, bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ cấp cứu và thông báo với Hill rằng tổng thống đã không qua khỏi.
Ông tiết lộ rằng khi đưa Kennedy vào phòng mổ cấp cứu thì các bác sĩ nhìn qua đã biết tình trạng của tổng thống và họ cũng ngay lập tức nhận ra không thể giúp được gì. Họ thậm chí còn không lật cơ thể Kennedy lại. Họ phát hiện ra 2 vết thương do đạn nhưng thực tế là 3, một vết thương từ sau gáy xuyên qua cổ, ngay vị trí nút thắt trên cà vạt và 2 vết thương sau đầu. Ngài tổng thống lúc đó có thở một chút nhưng có lẽ là những hơi thở gắng gượng, ông ấy không còn mạch, đồng tử đã giãn.
Đưa John F. Kennedy về Washinton
Kenny O'Donnell - chánh văn phòng, người đi theo trên xe với Clint Hill tại buổi diễu hành đã yêu cầu chuẩn bị đưa tổng thống về Washington và nhờ Hill tìm quan tài. Phía bệnh viện Parkland đã giúp Hill liên hệ với nhà tang lễ và quan tài được chở đến trong khi các bác sĩ chuẩn bị thi thể của Kennedy để đưa ông vào quan tài.
Lúc này thì các nhân viên điều tra án mạng bất thường xuất hiện và họ cho biết không thể đưa thi thể Kennedy về Washington vào lúc này hay đúng hơn là không được phép rời bệnh viện. Luật ở Texas bắt buộc nạn nhân của một vụ giết người phải được khám nghiệm pháp y trước khi được đưa về mai táng và các nhân viên điều tra cho biết quá trình này mất từ vài giờ đến vài ngày. Thế nhưng sau cùng, bên điều tra vẫn cho phép Hill cùng các cộng sự đưa thi thể của tổng thống về Washington nhưng với điều kiện là phải có một bác sĩ theo cùng giám sát trong toàn bộ quy trình. George Berkeley - bác sĩ riêng của John F. Kennedy, đã được đề nghị làm nhiệm vụ này và ông đã theo thi thể của ngài tổng thống cho đến khi mổ khám nghiệm.
Quan tài của Kennedy được đưa đến sây bay Love Field, Dallas và Hill cùng các mật vụ đã đưa quan tài lên cầu thang và vào máy bay vào cửa sau của chiếc Air Force One. Hill kể: "Khi đưa quan tài lên thì chúng tôi phát hiện ra chiếc quan tài dài hơn một chút so với máy bay và tay nắm của quan tài khiến nó không thể qua lọt cửa. Vì vậy chúng tôi buộc phải tháo tay nắm của quan tài ra. Kỹ sư trưởng của chiếc Air Force One đã dời hết ghế tại khu vực phía sau để dành chỗ cho chiếc quan tài."
Johnson tuyên thệ trên Air Force One
Phó tổng thống Lyndon B. Johnson khi đó cũng có mặt trên Air Force One và ông được đề nghị tuyên thệ nhậm chức tổng thống trước khi máy bay cất cánh. Lễ tuyên thệ sẽ cần đến một thẩm phán liên bang và ông tìm được bà Sarah T. Hughes - người vừa được thăng chức lên thẩm phán liên bang. Bà Hughes nổi tiếng vì bà là nữ thẩm phán đầu tiên và duy nhất chủ trì lễ tuyên thệ của tổng thống Mỹ. Bà còn là nữ thẩm phán duy nhất được bổ nhiệm bởi tổng thống Kennedy và là nữ thẩm phán liên bang đầu tiên của Texas.
Buổi lễ tuyên thệ diễn ra ở phía trước của chiếc Air Force One. Hill cùng các mật vụ khác đứng ở sau máy bay, bên cạnh quan tài của tổng thống John F. Kennedy. Điều ông nhớ nhất là phu nhân Kennedy đã rất lo lắng cho ông khi Johnson lên làm tổng thống và bà Kennedy vẫn mặc nguyên trang phục khi tham gia diễu hành cùng chồng. "Bà ấy không muốn thay trang phục, bà ấy muốn mọi người nhìn thấy những gì đã xảy ra," Hill kể lại.
Clint Hill năm nay đã 89 tuổi (sn 1932), hồi 4 tháng 12 vừa qua, ông đã kết hôn lần 2 với Lisa McCubbin - người đã cùng ông viết nhiều cuốn sách về Kennedy và các tổng thống mà ông từng phục vụ. Bà Lisa McCubbin cũng là tác giả của cuốn Betty Ford: First Lady, Women's Advocate, Survivor, Trailblazer rất nổi tiếng.
Nguồn: Tổng hợp từ The Vintage News; YouTube; Pennlive