“Jailbreak” có nghĩa là vượt ngục và trong thế giới smartphone thì nó ám chỉ việc vượt qua các giới hạn của nhà sản xuất để có thể cài thêm ứng dụng hay thay đổi giao diện người dùng. Hiện tại thì khái niệm này vẫn chủ yếu xuất hiện trên smartphone, tuy nhiên trong tương lai với các mẫu xe chạy điện được trang bị nhiều công nghệ như Tesla Model S, thì việc “jailbreak” sẽ có cho xe hơi.
Ở giữa chiếc Tesla Model S chúng ta có một màn hình cảm ứng lớn rộng tới 17”, đây là nơi để tài xế hoặc hành khách điều khiển các tính năng của xe. Màn hình này cũng đồng thời là trình duyệt web với đầy đủ tính năng như trên điện thoại hay máy tính. Một chủ nhân của chiếc Model S đã tìm thấy cách xâm nhập vào hệ thống máy tính trên Model S thông qua cổng Ethernet giấu trong bảng điều khiển.
Bằng việc kết nối xe và máy tính bằng cáp Ethernet, anh ta đã tìm thấy một “backdoor” để điều khiển chiếc màn hình này, thậm chí còn cài ứng dụng Firefox lên đó.
Việc “jailbreak” xe hơi cũng tương tự như khi “jailbreak” điện thoại, nó cho phép chủ nhân có thể cài ứng dụng của bên thứ 3 hay làm một số việc khác mà vốn nhà sản xuất không trang bị sẵn ngay từ đầu.
Tuy nhiên, các kỹ sư của Tesla có vẻ không thích điều này. Họ đã gửi một tin nhắn đến chủ chiếc xe Model S bị “jailbreak” và yêu cầu anh này dừng việc đó lại, để không bị từ chối bảo hành xe nếu có sự cố.
Bên cạnh kết nối Ethernet thì Tesla Model S còn có thể kết nối không dây, cho nên khả năng bị xâm nhập qua mạng Wi-Fi cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Một số ý kiến trên diễn đàn Tesla Motors Club tỏ ra lo ngại về việc kẻ xấu “hack và đánh cắp” chiếc xe. Tuy nhiên có lẽ không đơn giản như vậy.
Nhưng có một điều chắc chắn, những người sở hữu Tesla, hay những người thích “vọc” sẽ không để chiếc xe đầy công nghệ này được yên, vì một trong những nhu cầu rất cơ bản của con người là cá tính hoá chiếc xe của mình. Và biết đâu trong tương lai chúng ta lại có cả một kho ứng dụng trực tuyến như “Cydia” cho những chiếc Tesla Model S.