Chắc các bạn vẫn còn nhớ hồi tuần trước, Elon Musk đã tiết lộ dự án xây dựng một hệ thống vệ tinh bao quanh Trái Đất để cung cấp internet cho toàn thế giới. Vài ngày sau đó thì Google tuyên bố đầu tư vào dự án nói trên. Từ lâu, Google cũng đã ấp ủ sẵn dự án khí cầu Project Loon hứa hẹn sẽ cung cấp internet cho những khu vực xa xôi hẻo lánh. Cách đây không lâu thì tỷ phú Branson và Qualcomm cũng tuyên bố đầu tư vào OneWeb, một dự án internet từ không gian tương tự như của SpaceX. Facebook cũng tuyên bố sẽ dùng drone để cung cấp internet cho thế giới. Vậy thật sự tham vọng này có quá viễn tưởng? Nó xuất hiện mới đây hay là có từ khi nào? Hiện nay ai đang tham gia thực hiện? Hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé.Internet từ không gian và Internet liên hành tinh
Trước khi nói về những dự án đang được ấp ủ thực hiện trong tương lai gần, chúng ta cần phải phân biệt 2 khái niệm internet từ không gian (Space Internet) và mạng internet trên vũ trụ, vốn là ý tưởng đã xuất hiện từ lâu trong quá khứ. Khái niệm thứ nhất, Space Internet chính là dùng các vệ tinh trên quỹ đạo để cung cấp internet cho người dùng bên dưới Trái Đất. Và trên thật tế, một công ty tư nhân đã lên ý tưởng thực hiện một dự án dùng vệ tinh cung cấp internet cho mặt đất từ những năm 1990 và đây cũng là những gì mà những hãng lớn hiện nay đang tập trung thực hiện.
Còn lại là khái niệm thứ 2, tạm gọi là internet liên hành tinh (IPN), nghĩa là tạo ra một mạng internet trên vũ trụ và để sử dụng ở trên đó thôi. Ý tưởng này có vẻ khá tham vọng và có lẽ chỉ NASA hoặc các tổ chức hàng không vũ trụ lớn mới cần làm điều này. Ở đây chúng ta sẽ không đi sâu vào các dự án loại này, chỉ nói sơ qua là ý tưởng là xây dựng hệ thống internet liên hành tinh, cho phép chúng ta giao tiếp với các hành tinh khác một cách dễ dàng và cũng qua mạng này, có chăng "người ngoài hành tinh" sẽ liên lạc với Trái Đất (nếu có 😆. Trên thực tế, ý tưởng này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn bởi khoảng cách giữa các hành tinh quá lớn và với vận tốc ánh sáng, gọi Skype từ Trái Đất cho một người bạn ngoài hành tinh có thể sẽ trễ vài giây!
Video về giới thiệu về internet liên hành tinh của NASA
Hiện tại, NASA vẫn luôn muốn phát triển các dự án internet siêu lớn liên hành tinh. Vào thuở ban đầu, nhà tiên phong internet Vint Cerf là người đầu tiên muốn biến ý tưởng internet liên hành tinh thành hiện thực. Với sự giúp đỡ của Adrian Hooke (một nhà khoa học tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) và là nhân viên kỳ cựu tại NASA đã phát triển nên hệ thống thông tin liên lạc tương tự như internet cho các phi hành gia), Cerf đã bắt đầu phác thảo nên kế hoạch khá chi tiết và khi đó ông dự định sẽ triển khai ngay trong thập niên 90. Dưới đây là báo cáo vào thời điểm bấy giờ:
NASA phát triển công nghệ dùng tia laser để tăng cường sức mạnh hệ thống internet liên hành tinh
Dựa trên những tiên đoán của Cerf (mà nhiều dự đoán trong số đó đã trở thành hiện thực), chúng ta có thể hy vọng một ngày nào đó, internet từ không gian và internet liên hành tinh sẽ phối hợp làm việc với nhau. Mới đây, NASA vừa thử nghiệm hệ thống dùng tia laser có thể đi được khắp hệ Mặt Trời nhằm tăng cường sức mạnh của hệ thống internet liên hành tinh. Xin dừng nói về internet liên hành tinh tại đây, mình sẽ trở lại chủ đề chính và cũng là cái mà người dùng chúng ta có thể hưởng lợi trong tương lai: internet từ không gian.
Hiện tại rất nhiều hãng công nghệ và các tỷ phú trên thế giới luôn mong muốn xây dựng hệ thống internet khổng lồ phục vụ toàn thế giới. Phương án khả thi nhất được đề xuất là dùng các vệ tinh (hoặc những vật thể nào đó trên quỹ đạo) để truyền internet xuống bên dưới. Và trên thực tế, ý tưởng này cũng đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Từ những công ty phá sản vì vệ tinh internet đến công ty O3b - "Thêm 3 tỷ đô nữa"
Những nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng hệ thống internet trên quỹ đạo. 2 dự án nổi bật nhất trong thời điểm bấy giờ là Iridium Communications và Globalstar, phóng các vệ tinh lên nhằm hình thành nên mạng truyền thông vào năm 1998. Tuy nhiên, Iridium đã phá sản 9 tháng sau đó. Globalstar thì tồn tại được lâu hơn nhưng rồi cũng chấp nhận phá sản hồi đầu năm 2002. Trước khi thất bại, cả 2 công ty đều lên kế hoạch kinh doanh dịch vụ điện thoại vệ tinh với tính khả thi khá cao nhưng rồi sự việc vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng tệ đi. 2 công ty khác cùng thời là SkyBridge và Teledesic cũng đã thất bại trong nỗ lực phát triên mạng internet từ không gian.
Dường như giấc mơ internet từ không gian vẫn còn khá bất khả thi đối với những công ty có hầu bao nhỏ. Việc theo đuổi dự án đến cùng cần phải có nguồn ngân sách khổng lồ. Và thậm chí là giải được bài toán chi phí ban đầu, sau khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vẫn còn một lượng lớn các chi phí liên quan để vận hành một hệ thống quy mô lớn như vậy. Và cũng do lý do này, internet từ không gian vẫn là một giấc mơ hơn là hiện thực.
Greg Wyler - Nhà sáng lập ra O3b từ năm 2007 với tham vọng sẽ thực hiện được hệ thống internet từ không gian
Quảng cáo
Tuy nhiên hồi năm 2007, nhà đầu tư Greg Wyler đã thành lập nên công ty O3b với hy vọng sẽ mang kết nối internet giá rẻ, ổn định tới mọi người trên toàn thế giới thông qua các vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất tầm trung (tên gọi O3b là viết tắt của "the other 3 billion" - tạm dịch "thêm 3 tỷ nữa"). Hồi năm 2008, tờ New York Times đã báo cáo về giá của dung lượng sử dụng trên 1 vệ tinh địa tĩnh: 4000 đô la cho mỗi megabit hàng tháng. Và khi đó, Wyler hứa hẹn rằng với hệ thống của ông, con số này chỉ vào khoảng 500 đô la hoặc rẻ hơn.
Và thật sự đó là một dự án đầy tham vọng nhưng cũng vô cùng hứa hẹn, nó hứa hẹn đến nỗi thu hút sự chú ý của Google cũng như các nhà đầu tư khác. Mặc dù ban đầu O3b đã lên kế hoạch phóng những vệ tinh đầu tiên vào năm 2010, nhưng mãi cho đến năm 2013 thì 4 vệ tinh đầu tiên mới được phóng lên và sang năm 2014 vừa qua, thêm 4 chiếc nữa đã lên tới nơi. Tuy gặp rất nhiều vấn đề trở ngại, nhưng cuối cùng thì hệ thống của O3b vẫn chỉ đạt được tốc độ 2,1 Mbps. Hiện nay, tốc độ tải xuống trung bình của mạng toàn cầu là 21,9 Mbps.
Cận cảnh một phòng thí nghiệm tại O3b
Wyler cũng không muốn sa lầy vào dự án quá nhiều. Ông đã rời công ty mà ông từng sáng lập là O3b và cùng một số bạn bè chuyển sang làm việc cho dự án mạng internet từ không gian của Google vào năm 2014. Không lâu sau đó, Wyler cùng nhóm bạn của ông lại rời Google để chuyển sang WorldVu Satellites, (một dự án mà SpaceX cũng từng đầu tư, nhưng nay không còn nữa) nhằm đưa 700 vệ tinh lên quỹ đạo. Không lâu sau đó, WorldVu Satellites đổi tên thành OneWeb, một dự án chỉ có khoảng 30 nhân viên, nhưng rồi họ lại có một điều vô cùng đặc biệt khác: tiếp cận được tới băng tần của vệ tinh từng sở hữu bởi SkyBridge.
Cho tới đầu năm nay, dự án của Wyler đã có một diện mạo đầy khởi sắc cùng với khoảng đầu tư của tỷ phú Branson (nhà sáng lập tập đoàn Virgin). Cùng lúc đó, Elon Musk cũng tuyên bố SpaceX cũng muốn thực hiện dự án tương tự và như ta đã biết, không lâu sau đó đã nhận được khoảng đầu tư của Google. Dường như 2 đối thủ chính trong cuộc chạy đua internet từ vũ trụ đã thành hình: SpaceX của Elon Musk (Google đầu tư) và One Web của Wyler (từng làm cho Google, nhận được đầu tư của tỷ phú Branson). Chưa hết, ngoài 2 đối thủ chính này thì cuộc chơi còn có sự góp mặt của các đại gia khác cũng có thể gọi là liên quan nếu xét trên phương diện quy mô.
Hạng mục "internet bồng bềnh trên bầu trời": Facebook vs Google
Quảng cáo
Hình ảnh một quả khí cầu trong dự án Project Loon của Google đang được thực hiện
Trong khi Wyler đang bận rộn tìm cách chế tạo vệ tinh với giá thành càng rẻ càng tốt thì phòng thí nghiệm tuyệt mật Google X cũng bắt đầu lên kế hoạch riêng cho họ. Và đó chính là dự án Project Loon, dùng các quả khí cầu bay khắp mọi nơi trên Trái Đất để cung cấp internet cho người dùng bên dưới. Tuy chính xác thì Loon không phải là internet từ không gian, nhưng nó cũng gần như vậy nên giờ cứ tạm xem như là một ứng cử viên trong cuộc đua chung.
Video giới thiệu tầm nhìn của dự án Project Loon
Google đã thực hiện một số thử nghiệm trong dự án khí cầu Loon và dùng chúng để cung cấp kết nối internet từ độ cao khoảng 19 km. Về cơ bản thì phương pháp của dự án Loon cũng tương tự như vệ tinh, nhưng độ cao so với mặt đất thấp hơn và cũng do đó mà có diện tích phủ sóng hẹp hơn. Trong khi các vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất tầm trung có thể bay ở độ cao từ 1200 đến 22.000 dặm (1931 đến 35.405 km) so với mặt đất thì độ cao khí cầu Loon chỉ chưa tới 19 km và nó phải sử dụng gió để di chuyển trên cao. Do đó, cần phải có hàng nghìn quả khí cầu Loon thay vì chỉ vài trăm vệ tinh. Nếu nhìn từ trên cao, có lẽ hàng nghìn quả khí cầu sẽ tạo thành mái nhà của quả địa cầu chúng ta 😃.
Video giới thiệu dự án Project Loon
Cho tới hiện tại, những quả khí cầu Loon vẫn chưa hoạt động thật sự hoàn thiện. Google tuyên bố những quả khí cầu có thể "cung cấp truy cập internet cho người dùng bên dưới với tốc độ tương tự như mạng 3G ngày nay hoặc nhanh hơn." Tuy nhiên ý tưởng hàng nghìn quả khí cầu không dây trôi bồng bềnh vòng quanh Trái Đất vẫn còn khá bất cập, ngay cả khi nó bay ở độ cao gần gấp đôi so với trần bay của máy bay. Những quả khí cầu vẫn có thể nổ và những mảnh vỡ sẽ lại rơi xuống mặt đất bên dưới. Thêm vào đó, mạng 3G có tốc độ không nhanh so với hệ thống cáp quang hiện nay. Ngược lại, internet từ vệ tinh hứa hẹn sẽ có tốc độ như cáp quang. Cộng với tuổi thọ của khí cầu vẫn chưa được cao, chỉ khoảng 100 ngày ở thời điểm hiện tại.
(Ảnh minh họa) Facebook tuyên bố sẽ dùng drone để cung cấp internet cho toàn thế giới
Và góp mặt vào cuộc đua cung cấp internet trên phạm vi khổng lồ này dĩ nhiên là không thể không nhắc tới Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook. Anh cung cấp một ý tưởng có phần khả thi hơn: dùng máy bay không người lái Drone. Đó là ý tưởng táo bạo do phòng thí nghiệm Connectivity Lab của Facebook đề xuất dành cho internet.org: "Phát triển những chiếc drone, vệ tinh và hệ thống laser nhằm cung cấp internet cho mọi người." Và dĩ nhiên, hy vọng cuối cùng của Google hay Facebook đều là hưởng lợi từ 3-4 tỷ khách hàng trên thế giới sử dụng dịch vụ của họ.
Theo giới chuyên môn, ý tưởng dùng drone để cung cấp internet có phần khả thi hơn so với việc dùng khí cầu của Google. Ngay sau khi Zuckerberg giới thiệu dự án internet từ máy bay không người lái, Facebook đã lên kế hoạch mua lại Titan Aerospace với giá 60 triệu đô la, hãng đã sản xuất ra chiếc máy bay drone có thời gian bay dài nhất thế giới. Đó là chiếc drone với sải cánh dài 16,45 mét, trên đó được trang bị những tấm pin năng lượng Mặt Trời nhằm cung cấp năng lượng hoạt động cho máy bay và giúp nó vận hành liên tục trên bầu trời trong khoảng thời gian lên tới 5 năm. Trong thời gian đó, nó sẽ lượn trên bầu trời khắp Trái Đất theo bất cứ nhiệm vụ nào được định sẵn. Những chiếc máy bay này có thể phủ sóng trên diện tích 16.000 km vuông, tương đương với 100 trạm phát sóng điện thoại di động.
Khá đáng tiếc cho Facebook, vài tháng sau khi Zuckerberg định mua lại Aerospace thì hãng này đã bị Google mua lại nhằm phục vụ cho việc phát triển dịch vụ bản đồ Google Earth. Dù vậy, Facebook vẫn luôn ấp ủ dự định dùng Drone để cung cấp internet trên diện rộng và hãy đón chờ những điều mới lạ từ chàng tỷ phú trẻ tuổi Zuckerberg của chúng ta. Bây giờ, hãy quay trở lại 2 đối thủ chính trong cuộc đua internet từ không gian hay nói chính xác hơn là cuộc tranh tài của 2 tỷ phú: Elon Musk và Richard Branson.
Cuộc đua trên quỹ đạo giữa 2 tỷ phú: Elon Musk vs Richard Branson
Trên đây chúng ta đã chứng kiến khá nhiều biến đổi quan trọng trong cuộc đua cung cấp internet trên vũ trụ, nhưng chỉ vài tuần trở lại đây, khá nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra và vô hình chung, nó góp phần mạnh mẽ thay đổi cục diện của cuộc đua, hình thành nên diện mạo của internet từ vũ trụ trong tương lai. Google cho biết là đã đầu tư vào dự án của SpaceX. Phía bên kia, Richard Branson, người đứng đằng sau tập đoàn Virgin lại đầu tư mạnh tay không kém vào OneWeb.
Ảnh chụp tên lửa Falcon của Space đang được phóng lên quỹ đạo
Cả SpaceX và OneWeb đều đã chứng minh rằng họ có thể quyên góp tiền từ các nhà đầu tư và sẵn sàng triển khai dự án trên không gian. SpaceX vừa mới trình diễn năng lực truyền một lượng lớn dữ liệu vòng quanh Trái Đất. Cách đây vài tháng, hãng đã phóng tên lửa đẩy Falcon 9, mang theo vệ tinh CASSIOPE, chứa một hệ thống truyền dẫn tập tin với vận tốc cực cao, chịu được môi trường khắt nghiệt trên không gian do cơ quan hàng không vũ trụ Canada phát triển. Đây được xem như một minh chứng đầy hứa hẹn đối với dự án chuyển phát nhanh hàng lên quỹ đạo của SpaceX. Hệ thống này sẽ chuyển động trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất với tốc độ 90 phút/vòng. Trong quá trình di chuyển, nó sẽ nhận hàng chục GB dữ liệu từ nguồn bên dưới, bay quanh điểm đến và thả dữ liệu xuống với tốc độ 2100 Mbps.
Video mô phỏng hoạt động của CASSIOPE
Hiện tại, vẫn chưa rõ là SpaceX có sử dụng công nghệ giống như CASSIOPE hay không. Tuy nhiên, Elon Musk đảm bảo rằng hệ thống của SpaceX sẽ có tốc độ nhanh hơn internet trên mặt đất. Ông vừa cho biết: "Tốc độ của ánh sáng trong chân không sẽ nhanh tới 40% so với khi nó đang chuyển động trong cáp quang. Về tiềm năng dài hạn, đây sẽ là phương tiện chính nhằm đảm bảo kết nối internet tốc độ cao trên đường dài và phục vụ những cư tại vùng xa xôi, hẻo lánh."
Ảnh minh họa dự án cung cấp internet toàn cầu OneWeb
Trong khi đó, dự án OneWeb cũng sở hữu thế mạnh riêng khi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc cấp internet từ không gian. Và công ty cũng sở hữu được băng tần cần thiết để vận hành mạng trên quỹ đạo. Richard Branson cho rằng đây đều là những yếu tố chủ chốt đưa dự án đến với thành công. Ông cho biết: "Tôi không nghĩ là Elon có thể cạnh tranh được với điều này. Greg đã đi đúng hướng, và sẽ không có chỗ dành cho những mạng internet khác. Về bản chất, không gian đã không còn đủ chỗ. Nếu Elon muốn bước vào lĩnh vực này, điều hợp lý nhất là anh ta phải hợp tác với chúng tôi, và nếu tôi là một người thích đánh cược, tôi cá rằng khả năng chúng tôi hợp tác sẽ cao hơn rất nhiều so với việc đánh lẻ."
Và người chiến thắng sẽ là…?
Có thể nói, mỗi công ty trên đây đã tham gia vào cuộc chơi 1 chọi 3 trên vũ trụ. Tựu chung mỗi bên tham gia đều cần phải có một hầu bao khổng lồ lên tới hàng chục tỷ đô la nhằm xây dựng và nuôi dưỡng được cả một hệ thống vĩ đại như vậy. Hãy tưởng tượng, Musk, Branson, Zuckerberg và Larry Page đều hợp tác lại với nhau, cùng tạo ra một cơ sở hạ tầng internet khổng lồ trong tương lai, đó có thể sẽ là sự kiện lớn nhất thế kỷ, định hình diện mạo của thế giới trong tương lai nhiều năm sau. Nhưng vì nhiều lý do mà có lẽ điều này khó lòng thực hiện được.
Đối với Facebook và Google, mục tiêu của họ khá đơn giản. Internet từ không gian sẽ cho họ nhiều khách hàng hơn và mong muốn của họ suy cho cùng chỉ đơn giản là thế. Nhưng đối với những người chơi lớn như Elon Musk hay Branson thì họ muốn nhiều hơn thế. Họ sẵn sàng chi tiền để mang hàng trăm vệ tinh lên quỹ đạo để tạo nên mạng internet cho toàn thế giới và dĩ nhiên, cả 2 ông đều muốn thu được lợi ích trực tiếp từ điều đó. Elon Musk cho biết rõ ông muốn lấy số lợi nhuận kiếm được phục vụ cho mục tiêu định cư trên sao Hỏa của loài người.
Cuối cùng, bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc đua internet trên vũ trụ này, hàng tỷ người trên thế giới mới chính là đối tượng hưởng lợi. Khi đó, có thể chúng ta sẽ được hưởng thụ một dịch vụ internet thoải mái, văn minh và thật sự cao cấp. Không còn chuyện internet nước này mạnh hơn nước kia nữa và dĩ nhiên, cũng không có nỗi ám ảnh đứt cáp cứ day dẳng đeo bám người dùng tại một số nơi trên thế giới 😃 Hãy hy vọng ngày đó sẽ nhanh chóng thành hiện thực. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc cuối tuần vui vẻ nhé.